Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm “đi” chiều qua 20.4, từ đó tới giờ thông tin về ông dày đặc trên báo chí và mạng xã hội. Có lẽ sau sự về cõi của nhà văn tài hoa đỉnh cao Nguyễn Huy Thiệp tháng trước thì chuyến đi dài của thi sĩ Cầm gây chấn động tinh thần chả kém gì. Thế mới biết dân ta còn nặng lòng với văn chương lắm lắm. Các nhà chính trị, kể cả ông to bà nhớn, nếu qua đời dễ gì được dân chúng quan tâm như thế.
Bây giờ mà viết về thi sĩ quá cố dễ bị hiểu là “đu trend”, ăn theo, thấy người sang bắt quàng làm họ. Vậy nên tôi chỉ kể tí ti điều bản thân biết liên quan tới bác Hoàng Nhuận Cầm.
Tháng 10.1972 khi đám chúng tôi ba lô khăn gói hoặc xách hòm gỗ khóa chuông mua ở phố Hàng Bông hổn hển tới nơi sơ tán khoa văn Tổng hợp (Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội) nhập học khóa 17 thì lứa anh Cầm đã lên đường ra trận. Anh học khóa 15 (nhập học năm 1970), cùng với các anh Phạm Quang Long, Phùng Huy Thịnh, Phạm Thành Hưng, Nguyễn Thế Tường… Đang năm thứ nhất, có đợt động viên khá quy mô cho chiến trường (nôm na là đôn quân bắt lính). Trai tráng nông thôn đã đi gần sạch nên đợt này phải nhắm tới đối tượng sinh viên. Đợt “tiểu tổng động viên” diễn ra ngày 6.9.1971 nên sau này các cựu chiến binh sinh viên thường gọi tắt là đợt 6971. Các anh Thịnh, Hưng, Hải Triều, Tường, Cầm… của Văn khoa là lính 6971. Khoa Sử cũng đi nhiều, các khoa khác (toán, lý, hóa, sinh, địa) đóng trên tổng hành dinh Thượng Đình cũng lũ lượt lên đường, trong đó có anh Nguyễn Văn Thạc khoa Toán. Rất nhiều trường đại học đã phải chia tay những sinh viên ưu tú nhất của mình cho mặt trận, cho lò lửa chiến tranh. Và thật buồn, rất nhiều trong số họ không trở về, “mãi mãi tuổi hai mươi” nơi chiến địa. Đọc nhật ký của anh Thạc (học khoa Toán, nhưng từng đoạt giải nhất môn văn toàn miền Bắc năm 1970) sẽ hiểu rõ hơn về các anh. Khi nhập trường, tôi có được nghe kể lại chuyện hôm tiễn quân, lính sinh viên tập trung ở Thượng Đình, thầy Hiệu trưởng Ngụy Như Kontum vừa nói xong, chúc các anh chân cứng đá mềm xong, thì cây cờ đại giữa sân trường đổ vật. Thầy và mọi người rất buồn, nhưng thời buổi chiến tranh biết làm sao, “xưa nay chiến địa dường bao/nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu”, “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (xưa nay ra trận mấy ai về). Chiến tranh thật tàn khốc, cướp mất bao nhiêu con người trẻ tuổi, tài năng của đất nước.
Anh Cầm - Hoàng Nhuận Cầm ra trận mang theo cả hồn thơ lai láng. Anh viết rất nhiều, và thơ anh thật hay, thật sinh viên, trẻ trung, đầy hơi thở chiến tranh. Anh được giải nhất thơ cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1972-1973, đồng giải nhất còn có các anh chị Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Lâm Thị Mỹ Dạ. Tôi tiếc trải qua bao biến thiên xã hội đã không giữ được tờ báo Văn Nghệ từng cạy cục mãi mới có tiền mua năm ấy. Đến cái thân mình nhiều khi còn có lúc không giữ được, huống hồ tờ báo. Nhưng còn nhớ chùm thơ của anh Cầm được giải là những bài “Nghe chim kể chuyện trên đồi chốt”, “Thư mùa thu”, “Anh bộ đội và tiếng nhạc la”. Anh Duy rất nổi tiếng với “Tre Việt Nam”, “Hơi ấm ổ rơm”, “Bầu trời vuông”. Chị Mỹ Dạ (sau lấy nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường) với “Khoảng trời và hố bom”…; anh Nguyễn Đức Mậu với “Đôi mắt”…, lâu quá rồi nên không nhớ hết. Đợt đó còn có những bài khác rất hay, như bài “Đêm hành quân qua phà Long Đại” của anh Vũ Đình Văn, anh Văn hy sinh ngay trên đất lửa Quảng Bình năm 1972. Cả thơ giải nhì của anh Lâm Huy Nhuận nữa. Các anh Duy, Cầm, Mậu, Nhuận đều là sinh viên khoa Văn, từ cái lò Văn Tổng hợp mà ra. Giải thơ của báo Văn Nghệ năm 1969-1971 mà anh Phạm Tiến Duật giải nhất, giải năm 1972-1973 như đã kể ở trên nói rằng thời xưa có thứ văn chương chất lượng rất cao, và giải cũng ra giải, tử tế, đàng hoàng, nghiêm túc, chứ không nhí nhố tào lao như cái giải “chửi kẻ trộm” vừa rồi. Thật tiếc, chính các vị Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều là những người từng đoạt giải cao thi thơ của báo Văn Nghệ nay cầm trịch lại không nối tiếp được chất lượng và sự tử tế ấy.
Năm 1973, khoa Văn Tổng hợp dường như bị hội chứng thơ. Đám chúng tôi đang lớ ngớ năm thứ nhất liên tục được dự những buổi hội thảo về thơ của các anh Cầm, Duy, Thịnh, Văn... Nhớ giữa năm 73 có cái hội thảo to lắm do K16 của anh Đỗ Minh Tuấn tổ chức tại hội trường Mễ Trì, sinh viên đến đông nghìn nghịt, nghe các anh Minh Tuấn, Ánh Hồng, anh Liễu say sưa đọc thơ, bình thơ Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Duy, Vũ Đình Văn, Phùng Huy Thịnh… Rồi ngay cả trong bài giảng của các thầy cô Hà Minh Đức, Đinh Lê Thư, Phan Cự Đệ cũng trích dẫn thơ các anh. Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Duy mà đám chúng tôi chưa biết mặt đã trở thành những ngôi sao sáng chói, lòng chỉ ao ước được gặp, được ngó thấy, nói với các anh vài câu là vẻ vang hãnh diện lắm.
Hơn năm sau, anh Duy tre Việt Nam về học lại, chung với khóa 16, chúng tôi thỏa mãn mơ ước được nhìn thấy thi sĩ bằng xương bằng thịt. Người gì mà nhỏ thó, gầy ơi là gầy. Năm 1976, anh Cầm về học lại với khóa 21, năm mà chúng tôi chuẩn bị ra trường. Một hôm, nhìn xuống lối đi gần bể nước thấy có một ông bé tí, gầy hơn cả cụ Duy tre, dựng xe đạp dưới gốc xà cừ. Có đứa nào trong đám chúng tôi đứng trên hành lang tầng 3 bảo, Hoàng Nhuận Cầm nghe chim kể chuyện trên đồi chốt đó, chúng mày. Cả đám nhao ra nhìn, hóa ra thi sĩ nổi tiếng cũng xuềnh xoàng như tụi mình, chắc chỉ nặng bằng hai phần ba thằng Huy Hoàng, thằng Chương, còn nếu so với anh Ma Duy Giang chắc một nửa là cùng. Ngó thần tượng của một thời, sao mà yêu thương thế. Có đứa còn nhầm, con cụ thi sĩ Hoàng Cầm sông Đuống đó, nhưng lập tức có đứa đính chính ngay, không phải, con một ông nhạc sĩ mà tao quên mất tên rồi. Anh Bùi Trọng Cường thi sĩ lớp tôi là bạn của Hoàng Nhuận Cầm bảo chúng mày đéo biết gì, nó là con của nhạc sĩ Hoàng Giác nổi tiếng Hà thành ngày xưa. Anh Cường là bộ đội phòng không đi học, cùng binh chủng với anh Cầm, nhưng hơn anh Cầm mấy tuổi nên dám gọi là nó. Chả biết bây giờ cụ Cường còn nhớ cái hôm khám phá đó không nhỉ.
Nguyễn Thông
Ai rồi cũng phải về với tiên tổ
Trả lờiXóa