Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

Chuyện mưa đá

Phải thủng thẳng rằng, trận dịch cô vít Vũ Hán này đã lấy của mỗi người bao nhiêu là nơ ron thần kinh. Hầu như người ta không quan tâm đến thứ gì khác ngoài nó. Bây giờ không được gặp nhau, bị chia cách còn hơn cả Ngưu Lang - Chức Nữ, nếu có gọi điện, thay vì chào nhau, thì câu đầu tiên sẽ là “tình hình dịch đằng ấy thế nào rồi”, sau đó hai bên kể lể một thôi một hồi, bị giãn cách ra sao, chỗ nào cấm đường cấm chợ, mua rau cỏ thịt cá…, tinh những chuyện cười ra nước mắt. Đứa cháu tôi cười nhận xét đó là kiểu chào hỏi nhau thời dịch.

À, sực nhớ dân mình rất lễ nghĩa, thích chào nhau. Hồi bé, tôi thấy người làng gặp nhau ngoài đường, thường chào bằng câu hỏi “bác/cô/chú/anh/chị đi đâu đấy”, rất tò mò. Ông anh họ tôi nói nhỏ, người ta đi đâu là chuyện của người ta, biết để đi theo chắc. Lại có đứa đang đứng đái ven đường, thấy thầy giáo ngang qua, lễ phép máy móc quá, “em chào thầy”. Thầy vốn vui tính, tếu táo, chào lại “chào em đứng đái”. Còn thằng tây rành tiếng Việt hồi xưa tôi quen có lần phàn nàn, mày ạ, đứa nào gặp tao cũng chào “ăn cơm chưa”, cứ như tao ăn hết của nhà nó không bằng…

Dịch căng đến nỗi thiên hạ không thèm để ý tới thứ gì khác, ngoại trừ nếu xảy ra trời sập. Trời không sập, nhưng chiều tối 22.8 tây lịch ở Sài Gòn có chuyện gần gần vậy, khiến dân tình xao xác. Mưa đá. Đúng hôm rằm tháng 7. Tít tận phương nam chứ không phải Lào Cai, Yên Bái… Chỗ nhà tôi cũng bị nhưng nhỏ, hột đá bé như đỗ xanh, còn ở mạn quận 7, quận 9, Thủ Đức, đá ra đá, có nơi bằng nắm tay trẻ con, phủ kín đất, đầy sân đầy đường. Chưa có thống kê về thiệt hại. Có nhẽ không ai vỡ đầu, bởi đơn giản là thành phố đang cấm triệt để người ra đường, phố xá vắng như chùa bà đanh. Chưa kịp bị đá nện vỡ đầu thì đã ăn quả phạt vi phạm. Trong cái rủi có cái may, chả biết đâu mà lần.

Điều lạ lùng nhất, Sài Gòn đang mùa nóng. Thời gian này, khí nóng bốc lên ngùn ngụt. Nhiều hôm mở vòi nước, nước từ bồn inox trên mái nhà chảy xuống nóng vài chục độ, vừa xuýt xoa vừa nghĩ quẩn nhà mình có lắp giàn đun nóng mặt trời đâu mà nóng thế, hay lắp rồi không nhớ. Thế mà tự dưng mưa đá, lạnh buốt buột, đá to bằng nắm tay, nện xuống mái tôn rầm rầm, điệu nhạc metal dữ dội của thiên nhiên. Mấy nhà khí tượng vội lên báo giải thích do khí này khí nọ, dòng ấy dòng kia chuyển động, bà con đừng dị đoan. Nhiều người lại bảo đó là điềm giời. Chỉ giời mới có thể làm ra được sự trái khoáy ấy. Hay là ông giời báo trước cho người điều gì. Tiếc là thời này không có ai cảm thấu trời đất như cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, mà chỉ tinh lũ dùi đục chấm mắm cáy.

Đầu năm 1972, ở vùng Lào Cai, Yên Bái trên mạn ngược bị mấy trận mưa đá. Lúc ấy sau tết âm lịch, khoảng cuối tháng 2 tây. Báo Nhân Dân đăng tin, thày tôi đọc cho cả nhà nghe, còn bảo lạ, cữ này mà lại mưa đá. Chị họ tôi chục năm trước cả nhà kéo nhau lên khu kinh tế mới gì đó trên Lào Cai khi về chơi cũng kể vậy. Không hiểu từ đâu truyền tai nhau câu văn vần “Đầu năm mưa đá, giữa năm giặc phá, cuối năm hòa bình”, chính tai tôi từng nghe người ta đọc, ngay từ đầu năm, sau trận mưa đá nói trên. Chắc nhiều người thế hệ sinh vào thập niên 50 - 60 còn nhớ câu lan truyền ấy. Cũng chẳng lấy gì làm tin cho lắm, bởi mưa đá thì đã xảy ra, nhưng bắn phá có lẽ là chuyện tào lao bởi Mỹ nó tuyên bố ngưng ném bom từ mấy năm trước rồi. Vẫn còn đánh nhau nên không mấy ai dám nghĩ tới hòa bình. Khuôn mặt chiến tranh đang quá dữ dội. Vài người nhớn ra vẻ hiểu biết bảo đấy là sấm của cụ Trạng Trình bên Cổ Am Vĩnh Bảo truyền lại, nên cứ chờ xem, lại nửa tin nửa ngờ.

Sau khi Mỹ ngưng ném bom từ tháng 11.1968 thì miền Bắc được hưởng chút không khí hòa bình. Các chú bộ đội tên lửa tiểu đoàn 61 ngoài trận địa Mả Đò cũng rút dần, nghe đâu vào chi viện cho vùng Quảng Bình, Vĩnh Linh. Những chú ở lại đâm rảnh rỗi, ngoài phiên trực nhàn nhã, hay vào chơi trong làng. Dân chúng ra đồng không cần đem theo thụt rơm, mặc áo ngụy trang nữa. Dân quân không phải vác súng trường trèo lên đỉnh núi Trà trực chiến nữa. Học trò đi học tha hồ đầu trần, không đội mũ rơm nữa. Ban đêm tha hồ thắp đèn học bài ở ngoài sân cho mát, khỏi cần xếp cái chụp che che chắn chắn… Thế mới hiểu hòa bình quý biết chừng nào. Được hưởng, rồi đâm ra ngại đánh nhau, ngại bom đạn, sợ chết chóc.

Tới đầu năm 1972, tự dưng bộ đội tên lửa ít vào làng dù con gái làng Trà đẹp nổi tiếng, “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa”. Nghe phong thanh Mỹ nó sẽ đánh trở lại, nhiều người lo lắng. Chỉ nghĩ cảnh phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ công ăn việc làm dắt díu bồng bế nhau đi sơ tán đã đủ mệt. Cuộc sơ tán năm 1964 còn chưa phai trong ký ức, chả nhẽ lại sơ tán nữa. Mà nó đánh thật. Đầu tháng 4.1972, Mỹ tuyên bố ném bom trở lại. Đêm 16.4.1972, máy bay nó kéo đến đặc trời, cả Hải Phòng chìm trong khói lửa. Nặng nhất là vụ đánh trận địa bảo vệ cầu Niệm, rải thảm B-52 ở thôn Phúc Lộc, xã Hưng Đạo làm gần 4 chục người chết.

Đợt đánh lại này, những nhà chép sử gọi bằng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2. Vậy là câu sấm “Đầu năm mưa đá, giữa năm giặc phá, cuối năm hòa bình” đã ứng nghiệm 2 phần. Ai nấy đều nôn nóng chờ đợi cuối năm để ngẫm phần 3 “sấm trạng” có đúng không. Khát khao hòa bình rõ rệt hơn bao giờ hết, nhất là khi con người ta đã quá mệt mỏi với cuộc chiến tranh kéo dài. Tôi còn nhớ thời ấy đọc được bài thơ của ai đó, trong có câu “Thà ăn muối suốt đời/Còn hơn là có giặc”.

Chịu thêm hơn 7 tháng chiến tranh gian khổ nữa, tới cuối năm 1972, chính xác là hết ngày 29.12 thì nó chấm dứt. Cuối năm hòa bình. Rất nhiều người giật mình, sao lại chính xác đến thế, mưa đá - chiến tranh - hòa bình. Nhiều người còn bảo đó là trời báo trước, bằng mưa đá. Sau mưa đá, tiếp nữa cứ phải trầy vi tróc vẩy, đau khổ ngút ngàn, rồi mới tới sung sướng khải hoàn. Nó như thứ quy luật bất thành văn rồi, có muốn tránh cũng chả được.

Trên nước An Nam ta, rẻo mấy tỉnh biên cương giáp Tàu, mưa đá không phải sự lạ. Nhiều năm trở lại đây, vùng Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn thậm chí tuyết rơi dày, đủ để viết nên tiểu thuyết “rừng thẳm tuyết dày”, thì mưa đá chẳng có gì phải xớn xác. Sấm kiểu trạng trình không thể ứng với những nơi đó trong thời biến đổi khí hậu. Nhưng tụt sâu tít xuống thủ đô Hà Nội, rồi xa tít tìn tịt tận phương nam, trên đất Sài Gòn, xảy ra mưa gió sấm chớp trái mùa, đá trời rơi rào rào thì không thể chỉ là hiện tượng thiên nhiên thuần túy. Nó ngầm chứa thứ tín hiệu khủng khiếp về điều con người sẽ phải chịu đựng. Cơn mưa gió giông tố sấm sét khủng khiếp có một không hai ở thủ đô Hà Nội đúng giao thừa tết Canh Tý 2020 là ví dụ. Báo hiệu trời phạt, trừng phạt tội lỗi do người gây ra. Chuyện tâm linh khó nói, dễ xung đột, mất lòng nhau, bởi sự khác biệt duy vật duy tâm, quan niệm thiện ác, ác giả ác báo. Thôi thì chỉ nên cầu nguyện tai qua nạn khỏi.

Với trận mưa đá ở Sài Gòn chiều tối 22.8 (rằm tháng 7 Tân Sửu), biết đâu thông tin sẽ là “giữa năm mưa đá, cuối năm tàn phá, đầu năm yên lành”.

Nguyễn Thông

Ảnh: Đá sau mưa chiều tối nay 22.8 (Nguồn: Trung tâm Khí tượng thủy văn)



1 nhận xét: