Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Nghe từ cống Rộc (phần 1)

Phần 1:
Trung ương chắc chẳng để yên lũ sâu dân mọt nước đâu
NGUYỄN THÔNG

Cống Rộc, trông như chiếc giá treo cổ, đã trở thành địa danh nổi tiếng (ảnh: Nguyễn Thông)


Mặc cho tivi loan báo thời tiết có nhiều thứ không thuận, nào là nhiệt độ hạ thêm những 5-6 độ, rét đậm trở lại, nào mưa phùn, sương mù nhưng tôi vẫn quyết làm một chuyến về Tiên Lãng. Để tận mắt thấy tai nghe, vậy thôi.

Đêm trước khi lên đường quả thật khó ngủ. Trời rét và lòng cứ nôn nao. Quấn 2 cái chăn dày, mặc một đống quần áo ấm, cửa đóng kín mít mà cứ run lên từng chặp. Gió bấc réo ù ù càng làm tăng thêm cảm giác lạnh. Bồn chồn nghĩ ngợi, thương vợ con anh Vươn anh Quý đang tá túc tạm trong túp lều mỏng mảnh giữa trống trải chơi vơi đồng bãi, chống chọi với thứ thần hàn tai ác để mỏi mòn chờ công lý ra phán quyết số phận vợ chồng con cái mình.

Rừng chắn sóng, nhưng không bảo vệ được người dân lương thiện

Sáng 8.2, tôi và đứa cháu phi xe máy về cống Rộc. Hình như trời cũng cảm thông. Tuy gió vẫn lạnh buốt, vẫn thèm tí nắng xuyên qua đám âm u dày đặc kia nhưng đường sá đã khô ráo không còn lép nhép như bữa trước. Cậy là dân bản xứ, chúng tôi theo đường tắt, chả cần vòng vèo lối cầu Khuể, qua huyện lỵ Tiên Lãng như người ta mà cứ xông thẳng xuống xã Tân Trào (huyện Kiến Thụy), nơi có địa danh nổi tiếng Kim Sơn kháng Nhật, sau đó vượt đò Dương Áo là chạm ngay bờ Tiên Lãng. Từ bến đò, mất mươi phút qua xã Hùng Thắng đã thấy thấp thoáng vùng bãi bồi sú vẹt xanh ngăn ngắt xã Vinh Quang. Người ta đang đổ về đây bởi xã bỗng dưng nổi tiếng.

Con đường mới làm chạy thẳng ra cống Rộc như sợi chỉ lớn phẳng lì, rộng rãi, chắc nhà nước đổ vào đây không ít tiền của để vực vùng ven biển lên về mọi mặt. Cách đây chừng 40 năm, tôi đã từng ăn ngủ ở xã Vinh Qung suốt 3 ngày, đận học sinh cấp 3 được nhà trường cử đi giúp dân thu hoạch cói. Lúc ấy chưa xây cống Rộc, chưa có vùng đầm bãi ông Vươn bây giờ, chỉ ngút ngàn bãi lầy ven biển, lúp xúp đám bần vẹt sú chắn sóng và giữ đất phù sa. Con đê cống Rộc mà tôi đang đứng đây được đắp về sau, giờ ôm siết một vùng đất thuở nào chỉ đầy chua phèn mặn, nhờ công sức con người khai phá cải tạo mà ngày càng trù phú xanh tốt.

Dừng xe trên cống Rộc, ngó xuống bãi thấy xa xa thấp thoáng lá cờ đỏ vẫy vẫy trên nóc lều được chị Vươn chị Quý dựng tạm ngay chính nền nhà bị san bằng. Lúc chúng tôi tới, trên đê cơ man là ô tô biển xanh, cả biển số 80 cũng vài chiếc. Thì ra ngay từ sáng sớm đã có nhiều đoàn của cơ quan công quyền Hải Phòng và trung ương về làm việc. Họ phải bỏ xe, lội bộ xuống bãi, theo con đường vòng vèo lát xi măng rộng khoảng 40 phân do bố con anh em ông Vươn bỏ công sức làm năm ngoái. Chúng tôi dò xe máy theo họ. Được một đoạn khá dài thì bất chợt hai anh mặc thường phục phía trước dừng lại chờ, chỉ nhác qua cung cách cũng biết là công an. Họ hỏi chúng tôi đi đâu, làm gì. Tôi nhũn nhặn thưa, báo cáo anh, chúng tôi chỉ muốn xuống giúp vợ ông Vươn ông Quý chút tiền nhỏ trong lúc khó khăn thôi, chả phải thế lực thù địch gì đâu ạ. Anh công an cười vui vẻ, rằng mấy anh thông cảm, cơ quan chức năng đang phục dựng, điều tra lại hiện trường, có cả sự chứng kiến của gia đình ông Vươn và các ban ngành đoàn thể, hãy để cơ quan pháp luật làm việc, xong rồi tha hồ xuống. Họ mềm mỏng nhưng rất kiên quyết. Thôi đành vậy. Lại lần theo lối xi măng lên đê, chờ.

Bờ vùng này, lối lát xi măng này dài cả cây số, do anh em ông Vươn làm với nhiều công sức, tiền bạc

Một chốc nhát, người ở đâu kéo ra đông khiếp. Bữa ni giữa tuần đâu phải ngày nghỉ mà lắm người thế. Chả cần gạn hỏi, nhiều bác, anh chị đã tự giác “khai báo”, từ Hòa Bình, Ninh Bình (còn ngoặc thêm rằng cùng quê ông bí thư Hải Phòng), Hà Nội, Quảng Ninh… Ai nấy chỉ một mục đích muốn tận mắt thấy tai nghe, bỏ chút công sức, thời gian để củng cố lại sự thật giữa bao luồng thông tin nhiễu loạn; sau nữa, cũng như chúng tôi, muốn gặp gia đình ông Vươn để động viên, chia sẻ. Ôi chao, rét mướt thế này, càng thêm hiểu tình người đáng quý biết bao.

Chiếc cầu tre mỏng mảnh bắc qua con kênh TNXP, lối đi tắt vào khu đầm ông Vươn

Không đi được thì bò sang, quyết tìm ra sự thật

Lối đi chính xuống bãi bị chặn thì đã có ngả khác. Mấy người dân xóm Chùa chỉ cho chúng tôi và dặn rằng cẩn thận kẻo ngã xuống kênh. Từ mặt đê đổ xuống, vượt qua con kênh rộng khoảng 30m do thanh niên xung phong đào hồi nảo hồi nào bằng chiếc cầu tre “dân sự” gập gà gập ghềnh, tôi cứ nhích tí một tí một rồi cũng sang. Vài bác lớn tuổi, lúc đầu rụt rè, sau hăng lắm, chân yếu không dám lò dò thì bò tựa trẻ con, cả hai tay hai chân. Nói dại, lỡ tuột tay rơi tõm xuống dòng nước băng giá kia, giữa cái rét căm căm, trên người bọc cả đống quần áo lớp trong lớp ngoài ướt sũng thì chưa thể hình dung kết sự sẽ như thế nào. Nhìn họ bò, dò dẫm bước một, tôi băn khoăn điều gì đã làm các ông lão ấy, cả phụ nữ nữa, liều mình đến thế. Như đoán được ý tôi, một bác gầy gò, tóc phơ phơ, xưng tên Bùi Bá Bảng, tận Hòa Bình, giọng oang oang giữa đồng bãi “chú ạ, tôi chả họ hàng thân thích gì với ông Vươn. Chỉ nghe đài đọc báo nhà nước mà đã thấy bức xúc lắm. Bà xã tôi bảo, ông ơi hay ông về tận nơi xem sao chứ xã hội ta làm gì có chuyện khốn nạn thế. Hồi nãy tôi đã nói chuyện trực tiếp với bà con địa phương. Giờ xem tận mắt nhà cửa vườn tược, cam đoan rằng chính quyền xã này huyện này tầm bậy lắm, chú ạ. Chỉ mong sao trung ương cũng mục sở thị như tôi, nghe như tôi để mà xử lý cho nó nghiêm minh”. Hai bác cỡ trạc 70, vừa bò dưới cầu TNXP lên, thở hổn hà hổn hển, mặt tái xanh vì gió rét, nghe ông Bảng nói vậy cũng bảo đúng đó, đúng đó, chúng mình hãy đặt niềm tin vào trung ương, các bác ạ. Phen này trung ương chắc chẳng để yên lũ quan sâu dân mọt nước đâu.

Căn lều tạm của chị Vươn chị Quý bị dỡ bỏ ngay trước mắt chúng tôi, để cơ quan chức năng phục hồi điều tra

Nhìn sang bờ kia khu đầm bị cưỡng chế, lúc này tôi thấy mái lều tạm của chị Vươn chị Quý đang bị công an dỡ bỏ. Mấy hôm trước, đó là nơi đón tết đón xuân của gia đình họ. Khung lều chơ vơ. Chỉ còn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên đỉnh cột tre. Có lẽ đó là chỗ, là điểm nhạy cảm nhất mà ngay cả những người nhà nước thay mặt công quyền đang làm nhiệm vụ cũng ngại động vào. Thành ra, cả đàn bà trẻ con nhà anh Quý anh Vươn, cả công an cán bộ tất tật đứng ngồi xung quanh lá cờ giữa nơi đồng bãi hoang vu gió lạnh. Tự dưng tôi mường tượng ra cái cảnh chào cờ. Cờ đỏ đang chứng kiến người ta thực thi công lý một cách nghiêm trang. Những sai phạm dù của bất cứ ai, những oan khuất, đau thương sẽ được làm rõ với sự chứng giám của màu đỏ kia. Lại thầm phục các chị, những người đã treo lá cờ ấy, họ vẫn còn niềm tin, dù rất mong manh ngay cả khi đã khốn cùng tuyệt vọng. (còn tiếp)

Nguyễn Thông (giữa) và hai bác (một ở Ninh Bình, một Hà Nội) trước cống Rộc. Giống nhau ở điểm đi tìm sự thật

Tiết xuân Nhâm Thìn- tại cống Rộc
Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. Chừ mới biết, rằng nhân dân các nơi... cũng biết và rất quan tâm đến vụ Cống Rộc. Không chỉ riêng dân biết bờ lóc, bờ leo.

    P/s: Bác là dân HP nên được "ưu tiên" về hay là cũng như ông 3B ở Hòa Bình vậy ? Nhưng dù gì bác cũng đã gửi cho ngoài ấy "một chút nắng vàng", không những sưởi ấm những con tim của gia đình anh Vươn mà còn sưởi cả độc giả như em.
    Cảm ơn anh.

    Trường Lưu.

    Trả lờiXóa
  2. Nội dung bài chú em viết khá lắm, có tính hiện thực cao có sức lay động lòng người.Cứ tiếp tục phát huy nhé.
    Chiều qua bọn khốn nạn lại phá lều tạm của gia đìng Vươn, Qúy mất rồi

    Trả lờiXóa
  3. Đây là một trong những bài viết hay nhất về Cống Rộc. Hay
    cả về văn phong lẫn nội dung. Chân thành cám ơn anh. Buổi sáng sớm mùa đông lạnh lẽo trên đất Mỹ. Uống ly cà phê nóng. Đọc bài anh viết. Thương cho dân tộc tôi vô vàn. Chân thành cám ơn anh.
    Chúc anh một ngày vui.

    Trả lờiXóa