Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Những lá cờ

BÁ TÂN

Treo cờ tổ quốc là cử chỉ thể hiện lòng yêu nước của dân ta. Những ngày đại lễ, cờ tổ quốc rợp trời ở khắp nơi. Riêng gia đình tôi, treo cờ tổ quốc thường xuyên vượt chỉ tiêu kế hoạch. Khi tôi ngồi viết bài này, phía ngoài cửa sổ gác 3, cờ tổ quốc phần phật trong khí trời rét buốt. Thời tiết năm nay dữ dằn quá. Thiếu ăn thiếu ấm, người nghèo càng trở nên tê tái trong các đợt rét dài, rét đậm. Ăn ngon, ở ấm là giấc mơ đi suốt cuộc đời. Cái đích ấy đang ở phía chân trời với hàng triệu người dân. Thế mà có những người cứ ra rả nói về ăn ngon,  mặc đẹp cho dân. Họ cứ tưởng vẽ ra hôm nay, ngày mai sẽ có. Chính khách mà lại lập ngôn theo kiểu nhà văn viễn tưởng. Nghe họ huyên thuyên trên diễn đàn,  cái lạnh trong lòng dân càng thêm tê tái.
           
Lại có cuộc vui, Xuân Ba gọi điện triệu tập đột xuất. Tôi từ chối, khiến hắn bớt vui. Đồ nhắm ngon không thay được bạn hiền. Thiếu bạn, niềm vui bị vơi nhưng không méo mó. Giữa đêm khuya lạnh giá, trái tim Xuân Ba thổn thức nồng ấm khi biết bạn bè đồng nghiệp có thêm những đứa con tinh thần sống được trong lòng dân.
           
Nhà nhà có cờ tổ quốc. Các cơ quan, đơn vị có thể thu nhập thấp, thậm chí nợ tiền lương của người lao động nhưng không thể thiếu cờ tổ quốc. Cả nước có hàng chục triệu lá quốc kỳ. Kết cấu và màu sắc dĩ nhiên không thể khác nhau. Theo tôi, về ý nghĩa, từ 1954 đến nay có ba lá cờ tổ quốc để lại dấu ấn đặc biệt.
           

1954, cờ đỏ sao vàng chiến thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries . Chiến dịch Điện Biên Phủ là bản trường ca bất hủ. Lá cờ đỏ chiến thắng trên đỉnh hầm của tướng bại trận. Mốc son ấy mãi mãi sáng người cùng lịch sử dân tộc.
Quân ta chiến thắng với lá cờ đỏ thắm như dòng máu của triệu triệu người con đất Việt. Phía bại trận dương cờ trắng, màu trang phục y tế. Đầu hàng để được sống. Nghề thầy thuốc là giành lại sự sống từ tay thần chết. Màu trắng ấy đem lại sự sống. Thế giới chưa mất, sự sống vẫn còn. Giương cờ trắng để được sống. Đó là màu trắng trung thực, tránh cái chết, giành lấy sự sống. Làm tướng, ai cũng muốn đứng ở hàng đầu dưới cờ chiến thắng. Để bảo vệ tính mạng vô tội của ngàn vạn quân lính, lúc cần, tướng phải biết sử dụng cờ trắng. Bên cạnh cái mất là cái được. Thua một lúc, thậm chí thua nặng nề, nhưng giữ được cái mầm cho sự sống lâu dài. Làm người không chỉ có phận dương mà còn phải nghĩ tới phận âm- cái cho mình sau khi đã chết, cho cả con cháu mai sau. Thánh thần không phải của giới quan chức và nhà giàu. Thánh thần là (và phải là) của người tốt.
           

Ngày 30.4.1975, cờ đỏ chiến thắng lần đầu tiên ngự trên đỉnh cao nhất của dinh Độc lập Sài Gòn. Chế độ cũ sụp đổ. Nước nhà thống nhất. Giàu và giỏi đứng đầu thế giới, Mỹ chẳng bao giờ nghĩ sẽ có ngày quốc kỳ Việt Nam dân chủ cộng hòa lại tung bay trên trời Sài Gòn. Cờ tổ quốc cắm lên dinh Độc lập cũng là thời điểm kết thúc cuộc chiến. Miền Nam không còn là chiến trường. Con em hai miền Nam – Bắc không còn nã đạn vào nhau. Đã gần 40 năm, ngày cũng như đêm, cờ tổ quốc luôn tung bay trên dinh Thống nhất( tên gọi mới của dinh Độc lập) Để có ngày chiến thắng, phải trả giá quá đắt. Hàng vạn người trở thành mồi của bom đạn. Chiến tranh đã lùi xa, nhiều di họa đau thương vẫn còn hiện hữu. Âm vang chiến thắng giảm dần, trong khi tiếng rên vết đau vẫn kéo dài.
           

Năm 2012 lại xuất hiện lá cờ rất đặc biệt. Nó tung bay trên khu đầm Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng, địa danh đi vào lịch sử hiện đại Việt Nam. Một sự trùng lặp mang tính quy luật: cờ đỏ tung bay báo hiệu cuộc chiến kết thúc. Hai lần trước, có ta và địch. Lần này, ở Tiên Lãng, không có địch, chỉ có dân với “đầy tớ của dân”. Không có địch nhưng vẫn có  kẻ thua người thắng. Kẻ thua, không phải địch, chịu cái mất lớn hơn cái thua của địch. Mất chức. Mất quyền. Mất bổng lộc. Mất danh dự. Mất lòng dân… Làm tướng lúc cần phải biết thua. Làm đầy tớ của dân càng phải nhưng vậy. Biết thua dân để cho xã hội được yên lành, chế độ không bị bôi bẩn. Nếu quan huyện Tiên Lãng biết thua dân, làm gì xảy ra chuyện Đoàn Văn Vươn. Dân ta cực kì độ lượng. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. Đó là đạo làm người muôn đời của dân ta. Đã ngu dốt cộng với tham lam, lại còn trâng tráo chổng lưng thách đố dân, thứ quan ấy phải trị cho tiệt nòi. Biết thắng biết thua. Biết tiến biết lùi. Biết đủ biết thừa. Con người hơn con vật là vì những cái biết như vậy. Nhìn vào những cái biết ấy, phân biệt được người với vật. Chức to, quyền lớn nhưng thiếu những cái biết đấy thì chưa phải là người. Không cần các nhà triết học trợ giúp. Chỉ cần biết làm người là có được những cái cần biết không thể thiếu.
           

Cuộc chiến của người dân Tiên Lãng kết thúc gắn liền cờ đỏ sao vàng tung bay trên đầm Vươn. Xảy ra ở Tiên Lãng nhưng hậu phương là mọi miền quê trong cả nước. Đoàn Văn Vươn không có lời hiệu triệu nhưng làn sóng ủng hộ được khơi nguồn từ hàng triệu trái tim. Chỉ có kẻ thù của nhân dân mới vu oan cho những người là đồng minh với người hùng Đoàn Văn Vươn.
           
Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như sự kiện 30.4.1975 đã lùi vào quá khứ. Sự kiện Đoàn Văn Vươn rồi cũng đi qua nhưng bài học cho thời hiện đại sẽ còn mãi mãi. Ba sự kiện, ba thời điểm, kết thúc gắn liền cờ tổ quốc. Quốc ca định thay nhưng bất thành. Quốc kỳ, gắn liền với những sự kiện đặc biệt như thế, cho dù xảy ra “dịch bệnh loạn dự án” cũng không thể có loại dự án thay cờ tổ quốc.

28.2.2012
Bá Tân

9 nhận xét:

  1. Bác thử dương cờ đỏ sao vàng đi 1 mình ra đường giữa SG hay HN xem sao ? Bảo đảm, không bị đạp mặt thì cũng vô trại giáo dục !

    Trả lờiXóa
  2. Hihi hôm qua Xuân Ba gọi cho em, lúc sáng, giọng xuýt xoa lắm, bảo lạnh lắm, bảo tao đang... ấy cho khỏi lạnh. Bảo bác có căn dặn gì không thì bảo chả, rồi tắt máy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thằng XB ngoài thời gian viết thì nó chỉ có mỗn việc ấy. càng rét nó càng hoạt động tợn.

      Xóa
    2. Gởi bạn Bá Tân,

      (Xin lỗi, lý do kỹ thuật, phần đầu bài bị xoá nên phải gởi lại cho có thứ tự)

      1) Tôi định không vào đây góp ý nữa, nhứt là bài góp ý liên quan đến chánh trị đôi khi làm phiền bạn Nguyễn Thông, Dân Nam tôi thấy ái ngại. Nhưng hôm nay đọc bài của Bá Tân, tôi thấy có lẽ bạn chỉ hiểu lịch sử và cuộc chiến VN theo quan điểm một chiều. Làm người có lẽ nên suy nghĩ đa chiều để nhận ra sự thật, từ đó giúp giới trẻ không sai lầm, giống như người lớn đã sai lầm dẫn đến cảnh nồi da, xáo thịt chẳng có danh dự gì, lại càng đắc tội với lương tâm và tổ quốc. Vì vậy, xin phép Nguyễn Thông cho tôi được nhắc lại hai quan điểm chánh trị vương đạo và bá đạo mà tôi từng góp ý với bài “Đại gia (anh) tôi” của Nguyễn Thông
      (http://thongcao55.blogspot.com.au/2012/02/ai-gia-inh-anh-toi.html).

      Xóa
    3. Nguyễn Thông ơi!

      Bài bị xoá không thương tiếc, trở thành bài không đầu không đuôi, thì biết bao giờ ta lại gặp ta, tay bắt mặt mừng nối lại tình con cháu của Lạc Long - Âu Cơ, tiếp nhau xây dựng lại nước Việt chung trong tinh thần tự do, dân chủ và nhân bản. Tiếc quá!

      Xóa
  3. Gởi bạn Bá Tân,

    Tôi định không vào đây góp ý nữa, nhứt là bài góp ý liên quan đến chánh trị đôi khi làm phiền bạn Nguyễn Thông, Dân Nam tôi thấy ái ngại. Nhưng hôm nay đọc bài của Bá Tân, tôi thấy có lẽ bạn chỉ hiểu lịch sử và cuộc chiến VN theo quan điểm một chiều. Làm người có lẽ nên suy nghĩ đa chiều để nhận ra sự thật, từ đó giúp giới trẻ không sai lầm, giống như người lớn đã sai lầm dẫn đến cảnh nồi da, xáo thịt chẳng có danh dự gì, lại càng đắc tội với lương tâm và tổ quốc. Vì vậy, xin phép Nguyễn Thông cho tôi được nhắc lại hai quan điểm chánh trị vương đạo và bá đạo mà tôi từng góp ý với bài “Đại gia (anh) tôi” của Nguyễn Thông
    (http://thongcao55.blogspot.com.au/2012/02/ai-gia-inh-anh-toi.html).

    Các dân tộc văn minh trên thế giới biết áp dụng chánh trị vương đạo hàng ngày trong mọi sinh hoạt, giúp quốc gia họ thăng tiến, dân tộc ấm no, có tự do và hạnh phúc thật sự. Còn dân Việt Nam trải qua hơn nửa thế kỷ chỉ lấy chánh trị bá đạo làm cứu cánh cho nên nước nhà tan hoang, dân tộc chia lia, nghèo đói, tụt hậu thảm thương.

    Năm 1954 nước ta dù chia hai nhưng dân hai miền đất nước có đời sống không thua các nước láng giềng. Suốt 20 năm chiến tranh, Miền Nam đã được sống trong thể chế chánh trị với tự do, dân chủ, đa đảng, đa nguyên và tam quyền phân lập rõ ràng. Nhờ vậy mà chỉ 20 năm, dù phải đối diện với chiến tranh tàn khốc, Miền Nam đã được văn minh, no ấm bỏ xa Hàn quốc, Singapore, Đài loan đồng thời kỳ. Trong lúc đó Miền Bắc ra sao có lẽ mọi người đều đã biết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. (TT) Trong gia đình, cha mẹ áp dụng chánh trị vương đạo dạy con cái phải yêu thương nhau, không thù ghét đánh giết, hãm hại nhau. Khi con cái lập gia đình dọn ra riêng, mỗi người mỗi nhà, vẫn phải giữ tình ruột thịt, tương kính để cùng cầu tiến, giúp gia tộc phát triễn trong niềm hạnh phúc chung. Đó là gia đình hai ông bà Long Quân và Âu Cơ. Năm mươi con theo mẹ khai mở vùng cao, năm mươi con theo cha xuống miền xuôi khai mở đồng bằng, giúp đại gia đình Lạc Long – Âu Cơ phát triễn bền vững với hạnh phúc chung. Tuy nhiên, năm mươi con đã huỷ bỏ đạo sống hạnh phúc chung và nguyên lý chánh trị vương đạo của Lạc Long – Âu Cơ. Họ đã dẹp nguồn gốc tổ tiên, chạy theo chủ thuyết ngoại lai, lấy chánh trị bá đạo làm đạo sống. Từ đó, năm 1954 thay Miền Bắc tập trung nỗ lực canh tân cho hơn người, thì họ dồn mọi nỗ lực đi đánh giết anh em, vì vậy Việt Nam trở thành anh hùng trong chết chốc, tang hoang và nghèo đói.

      Hơn 36 năm qua, hàng năm mỗi dịp 30/4/75, lá cờ đỏ tung bay mừng vui chiến thắng để “ăn bù, uống trả thù” mà quên đì những lá cờ cộng sản đã bị thế giới văn minh vứt vào sọt rác ở thế kỷ 20. Có lẽ ông Võ văn Kiệt đã hiểu bài học Liên Xô và Đông Âu, đã nhận ra sai lầm, oan trái trong đại gia đình Long Quân – Âu cơ, biết phân biệt giữa chánh trị bá đạo và vương đạo, nên dịp 30/4/2006, ông ấy lên tiếng:”Ngày 30 tháng tư hàng năm có một triệu người vui và một triệu người buồn”. Câu nói của ông Kiệt đáng cho giới trí thức và người trẻ suy gẫm.

      Xóa
    2. Xin lỗi bạn đọc, vì vội vã trong một câu tôi đã gõ máy thiếu một từ (vì) và thêm lỗi chánh tả (tang hoang), xin sửa lại cho đúng, cám ơn.

      “Từ đó, năm 1954 thay vì Miền Bắc tập trung nỗ lực canh tân cho hơn người, thì họ dồn mọi nỗ lực đi đánh giết anh em, vì vậy Việt Nam trở thành anh hùng trong chết chốc, tan hoang và nghèo đói”.

      Xóa
    3. Báo cáo bác Dân Nam, nhà cháu không xóa, đó là do hệ thống mạng nó tự động chuyển một số comment sang chế độ spam, nhà cháu chưa có cách nào chỉnh bỏ chế độ đó, nếu bác biết cách, bác chỉ giùm với. Cám ơn bác.

      Xóa