Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Một ngày được nói được nghe

Thuần túy chuyên môn, không có tí ti chút chính chị chính em gì.

Chả là Tổng biên tập giao cho viết bài "tham luận" nho nhỏ để dự hội thảo quốc gia "Xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng" do 3 đơn vị: báo Thanh Niên, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, trường Đại học Sài Gòn đồng tổ chức. Thú thực mình chả ham ra chỗ đông người, nhưng sếp giao thì phải chấp hành, vả lại cô giáo tiến sĩ Huỳnh Hạnh bên Ban tổ chức thúc quá, mà thúc bằng giọng ngọt ngào mới chết, vậy là đánh liều, cũng vẽ vời mấy chữ để đỡ phụ lòng mọi người.

Mà cô Hạnh này cũng ghê, chọn đúng hôm 21.12 tận thế theo lịch Maya để ra quân, lại còn an ủi nếu hôm nay tận thế thật thì những người dự hội thảo có chết lăn đùng ra cũng là chết cho khoa học, quá vinh dự. Báo cáo với tiến sĩ Hạnh, vậy thì em chết.

Được gặp lại các thầy Nguyễn Minh Thuyết, Trần Chút, mặc dù lúc mình ra trường thì các thầy mới về khoa Văn nhưng mình coi kính trọng như thầy. Gặp bạn cũ K18 Trần Trí Dõi, đã là giáo sư tiến sĩ, một tay chuyên gia sừng sỏ về ngôn ngữ. Vào đến sân trong gặp bác Nguyên Ngọc đang đứng đợi ai, mình lại chào và bảo bác "anh ơi, anh là nhà văn của thế hệ chúng em, giờ lại là niềm tin yêu của chúng em. Cám ơn anh", bác Ngọc anh hùng thời đại cười tủm tỉm dễ mến vô cùng.

Báo cáo của mình ngắn nhưng cụ thể, sai đúng thế nào chả biết, chỉ rõ sau khi trình bày xong mình thấy hầu hết hài lòng, tán thưởng. Tự dưng nhớ câu thơ Tố Hữu "Bác khen thế là tốt/Hãy xứng đáng hỡi năm 71".

Cuối giờ, Hạnh phát cho mình một cái giấy chứng nhận giống như chiếc bằng tốt nghiệp có chữ ký của hai thầy hiệu trưởng giáo sư đồng chủ tịch hội thảo. Oách xà lách. (chút nữa mình chụp lại post lên sau).

Hạnh bảo ở lại dự tiệc tối nhưng mình xin phép về, đi suốt ngày rồi, vả lại còn phải về làm cái bản tự kiểm cuối năm để ngày mai họp cạo nhau.

Ngày tận thế chưa tới, thêm một ngày được nói được nghe, và...


Báo cáo:


NHỮNG LỖI TIẾNG VIỆT PHÓNG VIÊN THƯỜNG MẮC VÀ THƯỜNG THẤY TRÊN MẶT BÁO

Thưa các quý vị
Trong bản liệt kê ngắn này, chúng tôi chỉ nêu ra những trường hợp sai cụ thể của phóng viên mà chúng tôi nhặt được hằng ngày, ngoài ra là những sai phạm, những bất hợp lý về tiếng Việt mà chúng ta thường thấy trên mặt báo cũng như nhiều văn bản của nhà nước.

1. Cách viết không thống nhất những từ nước ngoài đã được Việt hóa, tức là đã được phiên âm, dùng phổ biến trong tiếng Việt. Ví dụ: càphê, ximăng, xíchlô, bêtông, axít, vắcxin, kiốt (trên báo Lao Động) hay là cà phê, xi măng, xích lô, bê tông, a xít, vắc xin, ki ốt? Theo chúng tôi, những từ như thế đã thoát khỏi nguyên gốc, được sử dụng như mọi từ tiếng Việt khác, có dấu tiếng Việt thì cần viết tách ra.

2. Nhiều từ có nghĩa rất rõ ràng nhưng thường bị viết sai: Tham quan – Thăm quan, chấp bút – chắp bút, lặp lại – lập lại, trùng lặp – trùng lắp, hằng ngày – hàng ngày, thập niên – thập kỷ… Chúng tôi nhận thấy hầu hết những trường hợp sai do phóng viên không chịu hiểu kỹ nghĩa của thành tố ghép (đẳng lập hoặc chính phụ) hoặc không nắm được nghĩa của từ Hán Việt, khiến từ vô nghĩa hoặc sai trầm trọng.

3. Người viết không nắm được kết cấu chủ vị trong câu nên thường sai trong các trường hợp đặt câu có vị ngữ là những động từ cho biết, khẳng định, nói, nói rằng khi đặt dấu phảy ngay sau những từ đó. Theo chúng tôi, để bảo đảm chuẩn tiếng Việt phải viết liền thành phần bổ ngữ ngay sau đó; hoặc nếu nội dung có tính liệt kê thì dùng dấu hai chấm (:).

4. Những từ nước ngoài về đo lường viết tắt như: km (ki lô mét), kg (ki lô gam), ha (héc ta)… bị nhiều phóng viên và tờ báo dùng không chuẩn mực. Cần lưu ý rằng những từ đó khi đi liền với con số cụ thể thì có thể viết tắt (ví dụ 200ha, 15km) nhưng khi đi với chữ thì phải viết đầy đủ (ví dụ 200 ngàn héc ta, 1 vạn ki lô mét). Điều rất đáng lưu ý là trong tiếng Việt đã có những từ thay thế rất gọn nhưng ít được dùng, ví dụ: cây số (ki lô mét), ký (ki lô gam).
Ngoài ra, cần quy định rõ những chữ viết tắt chỉ đơn vị tiền tệ, thời gian, đo lường… (như đồng-đ, mét-m, giờ-g, ki lô wat/giờ-kwh…) cần viết sát ngay sau các con số bởi khi nó nằm ở cuối dòng dễ bị đẩy xuống dòng dưới đứng một mình, trái với quy chuẩn tiếng Việt.

 5. Dùng dấu phảy (,) tràn lan. Không chỉ trên mặt báo mà ngay cả những văn bản quan trọng của nhà nước bây giờ cũng nhan nhản sự lạm dụng dấu phảy. Họ lý giải rằng tách ra bằng dấu phảy để nhấn mạnh, làm rõ từng thành phần, từng yếu tố được nói đến nhưng thực ra không cần thiết bởi không dùng dấu phảy thì người đọc vẫn hiểu nội dung văn bản đang thể hiện cái gì. Rất nhiều từ ghép, thành ngữ cần phải viết liền thì bị tách ra bằng dấu phảy khiến văn bản trở nên rối, vô duyên, ví dụ: phòng, chống tham nhũng (trong khi đó lại viết liền phòng chống lụt bão); tắm, giặt; cơm, áo, gạo, tiền; rút dây, động rừng; trọng nam, khinh nữ; mưa to, gió lớn; dạy thêm, học thêm; nhà cao, cửa rộng; giận cá, chém thớt…

6. Sai về từ Hán Việt rất phổ biến, nhất là khi dùng những từ: yếu điểm (điểm yếu), vấn nạn (vấn đề tệ nạn), sáp nhập (sát nhập), tự (khi viết về ai đó kèm theo một cái tên phụ, ví dụ: Hải, tự Hải bánh; đúng ra phải viết tức Hải bánh; tên tự là tên chữ của những bậc hiền tài, không thể dùng cho kẻ xấu). Vừa qua trên một tờ báo còn đặt cái tít rõ to “Trúng khẩu đồng từ” mà đúng thì phải là “Chúng khẩu đồng từ”, không phải do lỗi kỹ thuật hay do viết ngọng mà do không hiểu nghĩa Hán Việt, cứ dùng bừa (lặp lại 2 lần).

7. Không hiểu do đâu, từ bao giờ, trên cả báo in lẫn phát thanh, truyền hình các phóng viên, phát thanh viên hay dùng cụm từ “bên cạnh đó”. Trong rất nhiều trường hợp, đúng ra phải dùng từ “ngoài ra” bởi không thể “bên cạnh đó” với những điều được nhắc đến ở dạng vô hình, không cụ thể. Ví dụ: công ty A đã tổng kết cuối năm, bên cạnh đó còn chuẩn bị kế hoạch năm mới.

8. Tốt nhất là tiến tới bỏ dần các chữ số La mã trên mặt báo vì khó đọc, khó nhớ. Ví dụ: thế kỷ XIX, thế kỷ XXI vừa rườm rà, vừa khó suy; trong khi viết đơn giản 19, 21 thì ai cũng biết.

Với bản liệt kê này của chúng tôi chỉ mong sao sớm có chuẩn mực tiếng Việt cho báo chí-truyền thông và nhà trường. Hy vọng sau cuộc hội thảo, các cơ quan có trách nhiệm sớm xem xét, nghiên cứu, đưa ra bộ quy chuẩn để hướng dẫn thực hiện thống nhất, khắc phục những sai sót, làm cho tiếng Việt ngày càng phong phú và trong sáng.
Nguyễn Thông
----- 
Nhận xét tổng kết của nhà nghiên cứu ngôn ngữ Trần Chút:
Trên đời, cái việc dại nhất vô duyên nhất là đứng ra tổng kết hội thảo. Tôi chả muốn dại nhưng cả trăm người vất vả từ sáng đến giờ, chả nhẽ không làm.
Từ hội thảo này, chúng ta sẽ có văn bản trình lên các cấp có trách nhiệm đề nghị xây dựng chuẩn mực chính tả tiếng Việt, trước hết cần tập trung vào 4 vấn đề: Cách viết hoa; Cách đối xử với tên riêng tiếng nước ngoài; cách dùng i và y; Cách viết tắt. Cứ làm tốt 4 thứ đó đã, còn cái khác tính sau.
Ngôn ngữ chính là linh hồn của dân tộc. Chính tả là bộ mặt của quốc gia. Sự thống nhất về chính tả là thống nhất bộ mặt quốc gia. Nhà nước phải có cơ quan chuyên trách xây dựng chuẩn chính tả và giám sát việc thực hiện. Và khẩn trương xây dựng, ban hành luật Ngôn ngữ. Chúng ta đã xem thường, đã quá chậm trễ đối với công việc cực kỳ quan trọng này.
(Nguyễn Thông ghi)

45 nhận xét:

  1. Góp ý cho mục 4 (cụ thể là về việc viết tắt các đơn vị đo lường kỹ thuật):
    1) Đơn vị tính của sản lượng điện là kWh (ki lô oát x giờ, viết dấu chia (/) là sai về bản chất.
    2) Phải quán triệt việc viết thống nhất các chữ "ki lô" (nghìn), mê ga" (triệu), "đề xi" (1/10), "xăng ti" (1/100), đề ca" (10), "héc tô" (100) v.v... Theo quy định quốc tế thì ki lô viết tắt là k ("k" thường), nhưng "mê ga", "oát" thì lại là M, W ("M" in, "W" in). km, kN - đúng, Km, KN - sai, MW - đúng, mW, Mw - sai. Nhưng có cả kg (trọng lượng, độ nặng) và kG (lực).
    3) đơn vị CV nên đọc là "sức ngựa" hay "mã lực" hay "xê-vê"?
    v.v...

    Trả lờiXóa
  2. Em nghĩ là dấu 'phẩy' thay vì phảy chứ ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Bác Nguyễn Thông ơi, nước mình bây giờ tự do rồi. Chính tả cũng vậy, ai thích viết thế nào thì cứ viết, khắt khe làm gì???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khó thật. Kể ra thì cũng có lúc cần khắt khe, có lúc có thể không cần. Về thành ngữ, Cao chạy xa bay hay xa chạy cao bay thì tạm cho nó sêm sêm đi. "Nhường cơm xẻ áo" cũng vậy, thuận mồm thôi mà! Đúng ra là "nhường áo xẻ cơm"! Áo phải nhường cả áo mới mặc được, cơm xẻ bớt cho nhau. Tuy nhiên về chính tả thì nên khắt khe cho quen dần không thì hỏng. Đôi khi bỏ qua cho các còm sĩ, nhưng với nhà văn nhà báo thì bắt buộc chuẩn.
      Có điều này xin phép góp ý ở đây luôn. Cái cụm từ "mình lại chào và bảo bác", tức với bác Nguyên Ngọc, xem ra chưa ổn. Có nên thay chữ "bảo" bằng "thưa với bác" hay "nói với bác" để toàn câu nghe không bị "xẵng" hoặc vô tình bị hiểu nhầm là có ý "cá mè một lứa"?

      Xóa
    2. Nhưng ngôn ngữ báo chí, văn bản thì phải chính xác chứ!

      Xóa
  4. Từ lâu lắm, trên Báo Nhân Dân có mục "Người dọn vườn" rất siêng năng, nhưng có lẽ bây giờ đã xanh cỏ. Vì thế... vườn hoang!

    Trả lờiXóa
  5. Ông Thông à, tôi vừa đọc 1 văn bản của Cục BC gửi đến, tức không kém những lỗi trên trên báo.Đó là nhầm tỉnh nọ sang tỉnh kia mà họ cứ để nguyên.
    Bệnh cẩu thả thành đại dịch rồi!...

    Trả lờiXóa
  6. Bác Thông ơi, cuối năm rồi ở đâu cũng thấy đảng cạo nhau mà chẳng giải quyết được vấn đề gì.Tốn tiền lắm. Các đảng ở nước khác không làm thế mà rất mạnh, mọi đảng viên của họ đều vui vẻ, đoàn kết, thống nhất.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm nay ( buổi chiều) thấy bà tân Tổng thống Hàn quốc lên phát biểu cảm ơn mà tuyệt nhiên không thấy bà ấy cảm ơn đảng đã ủng hộ bà đắc cử. Tệ thật hay bà ấy không ở đảng nào ư? Thiệt thay ở nước Hàn không có ĐCS lãnh đạo thành ra họ cứ tiến băng băng mà chẳng kịp định hướng gì , em lo có ngày ...Đói, rồi lại nhờ ta ít gạo....

      Xóa
  7. Cho em hỏi tí: Thế tổng kết xong thì gửi đến đâu ạ? Nơi có quyền thì liệu có biết sai hay đúng, còn nơi biết chữ đúng hay sai lại chẳng có quyền gì cả.Em thấy ngay sách giáo khoa viết sai nhiều lắm, ngay cả viết cho lớp 1 cũng ngô ngọng, mà tiến sĩ viết đấy ạ.Hay biên soạn xong gởi tới hậu duệ cụ A lếc xăng đờ Rốt chỉnh lý hộ? Thỉnh các bác cho ý kiến ạ.

    Trả lờiXóa
  8. Tuy là một nông dân, nhưng tôi cũng hay quan tâm đến một vài chữ nghĩa.Nhân đay, tôi xin hỏi bác Thông mấy từ và mong bác trả lời giúp: 1)"Hàng ngày" hay "Hằng ngày"? (Khi ông Huy Cận viết "Ngày hằng sống ngày hằng thơ" thì "hằng" trong trường hợp này không có nghĩa là "hằng ngày"). "Dạy học" hay "dậy học"? "Thầy giáo" hay "Thày giáo"? "Thứ bảy" hay "Thứ bẩy"? "Dấy phẩy" hay "Dấu phảy"? 2)Hiện nay, tôi thấy nhiều người dùng "thập kỷ" thay cho "thập niên", vậy thì 100 năm gọi là "bách kỷ" à? tôi mong bác chỉ giáo thêm,chúc bác mạnh khoẻ.

    Trả lờiXóa
  9. Rối rắm như tình hình...đảng ta.

    Trả lờiXóa
  10. Thời bao cấp,mỗi quyển sách in (kể cả sách giáo khoa),phía cuối sách thường có mục Đính chính, và nói rõ lỗi đính chính thuộc về nhà xuất bản hay tác giả. Nếu không có mục Đính chính cuối sách thì có tờ giấy nhỏ đính kèm nói rõ các lỗi phải đính chính. Thời nay, một cuốn sách có thể nhặt được hàng trăm lõi sai mà chẳng thấy nhà xuất bản hay tác giả cáo lỗi gì cả. Thế mới biết người đọc thời nay rẻ rúng quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày trước đi học chính trị cứ đùa nhau là phải có thêm môn NGU HỌC vì viết đề án tốt nghiệp hay mấy cũng để lai một phần NGU để lại THẦY chữa...Nhưng Thầy bận bèn phê ƯU hay TỐI ƯU ..Thành ra cái phần ngu nhất nó vẫn còn ở Đề án ,Đ/c nào sau này ...sao y bản chính chửi đổng cả Thầy chính trị...
      Đan mạch...Cả lũ Ngu....

      Xóa
  11. Một tham luận ngắn nhưng rất hay. Đúng là lâu nay chúng ta vẫn dùng tiếng Việt một cách rất cẩu thả, tùy tiện trên văn bản và các phương tiện truyền thông do chưa có qui chuẩn nào cho việc sử dụng tiếng Việt. Ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Chút là rất đúng, hy vọng sau hội thảo này,nhà nước sớm cho ban hành bộ qui chuẩn để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chúng ta.

    Trả lờiXóa
  12. Muc Don vuon la cua bao Van hoc ,sau la bao Van nghe .khong phai cua bao Nhan Dan cua Dang ta vi dai ban a .

    Trả lờiXóa
  13. Tranh thủ ném thêm tí sỏi vào bài của bác Thông:
    Mục 4. Rất PTV truyền hình (TH), kể cả của VTV nhiều khi dùng đơn vị tiền của nước ngoài rất tuỳ tiện, ví dụ "năm triệu đô". Đô la (dollar) là đơn vị tiền được rất nhiều nước sử dụng, nhưng mỗi nước có đồng đô la khác nhau (đô la Mỹ, đô la Úc, đô la Canada, đô la Singapore...). Báo viết thường ít mắc lỗi này, nhưng báo hình/nói rất thường xuyên mắc.

    Trả lờiXóa
  14. Đồng ý hết.Có chỗ này bị nhầm,mà nhiều người nhầm nên
    trở thành phổ biến,được chấp nhận:vấn nạn!Vấn nạn không phải là vấn đề tệ nạn đâu.Vấn nạn là hỏi vặn,hỏi khó,hỏi để bắt bí.Nói:Kẹt xe đang là vấn nạn của giao thông đô thị.Thoạt,nghe đúng,ai cũng hiểu,cũng chấp nhận.Nhưng nó sai,sai nghiêm trọng.Phải nói:Kẹt xe đang là nan đề của giao thông đô thị.
    Cụ thể:Thằng Đại tá Tiến sĩ Trần Đăng Thanh dốt mà hồ
    đồ.Cử tọa nhiều nơi không ưa ,gặp không biết bao lần
    bị vấn nạn,nó vẫn không bỏ thói ba hoa chích chòe.
    Một cái sai nữa mà các cơ quan truyền thông lớn
    thường mắc phải khi dùng từ Ngư Lưới Cụ.Nói ngư cụ,dụng cụ
    đánh bắt cá, là đầy đủ rồi.Can cớ chi phải thêm"lưới"
    vào.Vừa thừa từ.Vừa đặt không đúng chỗ.Ngư,cụ là từ
    Hán Việt.Còn lưới là từ thuần việt.Ghép như thế rõ
    ràng không ổn.Có điều nói mãi,dùng mãi cái sai thành
    ra quen dần.
    Quanh cái chuyện này,nhiều cái để nói lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa đúng thế! Vấn nạn là "vấn nan" (nan là "khó") đọc trại ta, tương đương với từ objection trong tiếng Anh, Pháp (tiếng Đức là Widerlegung). Sách giáo khoa triết học ở miền Nam trước 1975 dùng đúng, vd: "trước quan điểm ấy, người ta nêu ra các vấn nạn sau đây.."hoặc:"Trả lời các vấn nạn ấy như sau.."
      Ngoài ra, sáp nhập chứ không phải sát nhập (vô nghĩa!). "Sáp" là gắn vào, nối liền với (fusion).

      Xóa
  15. Tui thấy cái vụ chính tả ở nước ta đang là" vấn nạn" đấy bác Thông à.Nhiều nhất là cụm từ" cao chạy xa bay". Tui không hiểu nổi sao mà chạy trên cao được.Hoặc là từ" chúng" trong Hán Việt thì được dùng là " chung" hoặc " chủng" trong từ chung cư hay Hợp chủng quốc. Hay là nhắc đến 1 người nổi tiêng nào đấy thì dùng từ" huyền thoại" mà không chịu ttra cứu huyền thoại là gì. Còn nhiều lắm! Bác nào muốn, đọc báo sẽ thấy .Không kể hết ở đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Nặc Danh 8:42!
      Câu hỏi của Bạn khá thú vị.Cao chạy xa bay,nghĩa gốc
      của nó đã chứa cái ý không tốt trong đó rồi.Tìm cách thoái thác,trốn tránh,rời nhanh khỏi chỗ, lẽ ra mình phải chịu trách nhiệm.Vì quá gấp,quá vội nên hướng
      thoát có thể theo tung(cao),theo hoành(xa),tùy theo
      từng trường hợp.Ngày nay,thành ngữ cao chạy xa bay,
      theo mình,nó được hiểu như thế này:
      Khi đã cướp đủ vàng tiền,kẻ có chức vụ cao thoát thân theo một hướng;gia đình,thân tộc của kẻ có chức vụ cao nhưng ở xa,có thể Sài Gòn,U minh,Long An,Cà Mau,Hoa Kỳ,thoát thân theo một hướng.Miễn sao hướng thoát lưới pháp luật được an toàn.Và đang ở đấy,thấy
      đấy hằng ngày, nhưng thật ra, đã cao chạy xa bay!

      Xóa
    2. Xa chạy cao bay

      Truyện Kiều:
      ...
      Sinh rằng: Riêng tưởng bấy lâu,
      Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường;
      Nữa khi giông tố phũ phàng,
      1970. Thiệt riêng đó cũng lại càng cực đây.
      Liệu mà xa chạy cao bay,
      Ái ân ta có ngần này mà thôi!

      Xóa
    3. Thân chào người Bạn già VĐ!
      Lâu nay,Bạn vẫn thường đọc Nguyễn Thông nhưng không thấy còm.Sao Bạn buồn lâu thế?Tranh biện cho
      té ra cái đúng là chuyện bình thường.Ai cũng không
      tròn trĩnh mọi nhẽ hết.Trong đó,mình,Bạn cũng không thể là một ngoại lệ.Vui vẻ cho nó nhẹ nhàng tuổi già Bạn ạ.Vắng Bạn,mình thấy nhớ.
      Bây giờ lại gặp nhau vào cái đề tài hóc búa này nữa đây.
      Gốc của thành ngữ này từ Cao Phi Viễn Tẩu.Dịch ra
      là Cao Bay Xa Chạy.Nói như Bạn,như Nguyễn Du,như
      một số đông xưa nay là đúng với văn bản gốc.Có điều,khi nghiên cứu sự biến đổi khác thường nghe như nghịch lý của bình dân Việt Nam trong đảo lộn
      trật tự tự nhiên của chúng,ta không khỏi kinh ngạc và thán phục tính bác học trong những bình thường của nhân dân lao động.Mình thưa với Bạn chỗ này.
      Nhẽ ra phải nói con cha cháu ông mà lớp bình dân
      không chịu,họ đổi thành Con Ông Cháu Cha.Nói Con Ông Cháu Cha,trật tự tự nhiên bị đảo nhưng sức biểu cảm dữ dội hơn Con Cha Cháu Ông.Nói Thượng Cẳng Tay,Hạ Cẳng Chân mới đúng nhưng lớp bình dân họ
      đâu có chịu.Nói Thượng Cẳng Chân,Hạ Cẳng Tay.Độc
      đáo là ở chỗ đấy.
      Tương tự,câu hỏi của Bạn Nặc Danh 08:42 về Cao Chạy
      Xa Bay là đúng với ngôn ngữ bác học trong giới bình
      dân đã được gọt dũa cố tình.Còn Cao Bay Xa Chạy của
      Bạn thì...đúng với văn bản gốc.Vui vẻ VĐ nhé!
      +Nói thêm với ND 08:42:Thông thường,xưa nay,mọi người đều gọi Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.Nhưng nay,đã
      có văn bản chính thức từ chính phủ của họ,phải gọi
      Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.Chào VĐ và bà con quí mến.

      Xóa
    4. Tĩnh và Động

      Thượng cẳng tay, hạ cẳng chân“ là TĨNH, tỏ rằng vị trí của TAY là ở TRÊN, của CHÂN là ở DƯỚI.
      Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay“ là ĐỘNG; CHÂN ĐÁ thượng lên, TAY ĐÁNH hạ xuống.

      Thân mến.

      Xóa
    5. Bạn V.Đ!Đặc tính của thành ngữ là không có tính đa nghĩa.Sử dụng nó bằng một nghĩa duy nhất,đặt đúng ngữ cảnh,giá tri biểu cảm và thuyết phục được
      nâng cao hơn nhiều lần.Thế thôi.V.Đ không nên suy diễn"động"hay "tĩnh"gì cả.V.Đ hãy tin mình.Mấy cái
      món này mình nhuyễn lắm.Thân chào V.Đ!

      Xóa
  16. Tui thường thấy các báo hay dùng chữ TW để gọi là trung ương. Bác Thông hoặc ai có rảnh giải thích giùm tui với. Cám ơn nhiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gốc từ đâu và bao giờ xuất hiện thì tôi không biết; nhưng so mấy phiên bản: Trung Ương = TƯ, TW thì suy ra từ cách viết tắt của đánh máy: "Ư" = U+U. U viết liền bên U (UU) thì có dạng W; Có vẻ bí ẩn (thời hoạt động bí mật mà) và ... sang hơn. :-)!
      Viết cho "trong sáng tiếng Việt" thành "TƯ" cũng bất tiện (Tư hữu, Tư lợi, ...), cho nên có thể viết tắt dạng "T.Ư."

      Thân mến.

      Xóa
  17. Tui ghét nhất là cái chuyện dùng từ Hán Việt nửa nạc nửa mỡ.Thí dụ chữ " đa phần".Sao không dùng" phần nhiều, phần lớn cho nó dễ hiểu." Ghi danh", mà không nói là ghi tên.

    Trả lờiXóa
  18. Bác Thông ơi, vụ họp hôm 22/12 thế nào bác? “Họ” có nhắc gì đến việc viết blog không? Có nhóm cái lò nào không? Em cứ lo lo, từ nãy comment ma không được. Mong bác không sao.

    Trả lờiXóa
  19. Ai ngờ Nguyễn Thông còn rất quan tâm đến tiếng Việt. Vì thế Tiến Đặng xin gửi Nguyễn Thông một đôi dòng thế này:
    Cái lần ông Nông còn làm đại biểu Quốc hội, có đến tham gia buổi tiếp xúc cử tri tại nơi Tiến Đặng làm việc, và Tiến Đặng được làm đại biểu cử tri. Cũng oách.
    Tại buổi làm việc ấy các quý ngài đại biểu cho dân nói gần như cả buổi và nội dung thì rất chi là ...xa vời.
    Tranh thủ thời gian ít ỏi được nói Tiến Đặng đề nghị Quốc hội nên xem xét về một Đạo luật ngôn ngữ. Và nêu một lí do rất con con thế này: Tình trạng lãnh đạo đất nước nói người dân không nghe được vì nói bằng một thứ phương ngữ rất dễ bị gây ... cười. Ví dụ "vốn ưu đãi" thành "dốn ưu đải". Hu hu. Chủ tịch nước, Thr tướng chính phủ nói tiếng Việt mà dân Việt miền Bắc botay.com thì nên không xem là chuyện thường. Tiến Đặng đề nghị, một trong những yêu cầu có tính bắt buộc đối với người lãnh đạo là phải nói tiếng Việt đúng. Mà muốn đúng thì phải có Luật. Hu hu. Tiến Đặng bị phản bác nên liền hỏi lại: vậy các ngài đua nhau đi học tiếng Anh để đủ chuẩn làm lãnh đạo các cấp, vậy học tiếng Việt chắc không khó bằng tiếng Anh hay không cần học nữa? Hu hu. Ông Nông trả lời sẽ nghiên cứu và báo cáo Quốc hội. Nhưng từ đó đến nay vẫn y như cũ.

    Trả lờiXóa
  20. Tôi đồng ý với anh Thông. Báo chí và truyền hình đang làm hỏng tiếng Việt.
    Dũng_Ninh thuận.

    Trả lờiXóa
  21. Tôi thấy mấy năm qua "xuất hiện" một cấu trúc do mấy anh BLV trên VTV "đề xuất": "Mời các bạn xem trận đấu giữa đội MU gặp đội MC"...nghe rất chỏi tai, anh ạ.
    Còn có chuyện mấy cụm này nữa: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng...Rất không ổn, phải không anh? Mặc dù nếu nói "Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thì lại được, anh nhỉ!

    Trả lờiXóa
  22. Tôi thấy trong mấy năm gần đây, báo chí, đặc biệt là báo nói và báo hình quá lạm dụng từ Hán Việt. Có chỗ dùng hợp lý nên nghe thấy ngắn gọn mà đầy đủ, trong sáng. Nhưng có nhiều chỗ, do không hiểu hết nội hàm nghĩa của từ Hán Việt,dẫn đến dùng bừa, ẩu, thậm chí sai cả ý nghĩa. Nên chăng phải có Luật ngôn ngữ? Nhưng nói đến Luật tôi lại sợ lắm. Ta đang sống trong một rừng Luật, nhưng chẳng có Luật nào ra Luật nào!

    Trả lờiXóa
  23. Ban TMD thân mến! Tui nghĩ bạn hiểu chưa đúng lắm về cái nghĩa của cụm từ mà báo chí thường dùng sai" cao chạy xa bay" như tui đã nêu.Có người cho rằng nó từ thành ngữ Hán Việt" cao phi viễn tẩu" nghĩa là "cao bay xa chạy" như bạn Văn Đức dã trích dẫn qua truyền Kiều.Có thể nói lộn qua cách khác là" xa chạy cao bay" chứ không thể nào là" cao chạy xa bay" được. Ở trên cao làm sao mà chay??? Tui bực cái chỗ đó đó!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn ND 12:32!
      Mình đã trả lời ý của Bạn trong phần trả lời Bác VĐ và ND 08:42.Rất cám ơn Bạn.Mong được học hỏi thêm qua
      các Bạn.

      Xóa
  24. Có nhiều bạn đưa lên Net nhiều cái tấm bảng viết rất đàng hoàng, nhưng hỡi ôi!sai chính tả từ lưa luôn.Mà phần nhiều là ở ngoài Bắc.Thí dụ" Hội thi bánh trưng" "Sôi thịt"...Thậm chí" Hồ chủ tịch là một doanh nhân thế giới".

    Trả lờiXóa
  25. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Triệu Lương Dân vẫn cố tình gây khó. Còm của bác có những góp ý hay về chuyên môn tiếng Việt nhưng phần cuối lại kêu gọi mọi người đi biểu tình, dứt khoát phải xóa. Đừng nên như thế.

      Xóa
  26. “Con Ông, cháu Chúa“?

    Câu trên ít được nghe, nhưng có thể là „gốc“ ban đầu.
    „Ông“ là chỉ người có chức vị: „Nhoong nhoong, ngựa Ông đã về, cắt cỏ Bồ-đề cho ngựa Ông ăn“. Từ đó mới có cái nghĩa „dựa thế là con cháu người có quyền thế để làm càn“.

    Thân mến.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trên VTV1 có chạy hàng tít câu nói hay nhất trong tuần, nói về việc bố trí,sắp đặt cán bộ hiện nay :
      "HẬU DUỆ,TIỀN TỆ,TRÍ TUỆ"(Phạm Quang Nghị).
      Mấy ngày sau đó,ông Nguyễn Văn An tếu với Phạm Quang Nghị:"Đ/c Nghị nói thiếu 2 ệ nữa.Hậu Duệ,Quan Hệ,Tiền Tệ,Trí Tuệ,Mặc Kệ".
      Nghĩa của Thành ngữ Con Ông Cháu Cha chỉ có một nghĩa duy nhất:chỉ cận huyết hệ trong gia đình,thân tộc.Bạn VĐ không nên suy nghĩ nhiều.Dễ
      xa nghĩa và độc giả cũng bị miên man!Thân kính.

      Xóa
  27. Xin được hỏi bác Nguyễn Thông nhạy cảm là sao?Chỗ ấy gọi là chỗ nhạy cảm,chính trị cũng có khi bị gọi là chỗ nhạy cảm.Chả nhẽ chính trị cũng như vấn đề cái...ấy sao?

    Trả lờiXóa
  28. Tôi xin phát biểu một số ý kiến với bác Nguyễn Thông và các vị còm:
    -Không phải là "Xây dựng chính tả chuẩn mực trong nhà trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng" mà phải xây dựng bộ "Luật chính tả tiếng Việt".
    -Lâu nay chúng ta cứ luôn nói phải làm trong sáng tiếng Việt nhưng làm thế nào thì không ai biết.Thực ra muốn cho ngôn ngữ nói và viết trong sáng thì trước hết phải xây dựng bộ luật chính tả.Chúng ta chỉ mới có "Từ điển chính tả" (nhưng cũng chưa hoàn thiện)chứ chưa có bộ luật chính tả.
    -Tiếng Việt ngày càng có nhiều từ và nhiều thuật ngữ tiếng nước ngoài được Việt hóa hoặc để nguyên gốc (đặc biệt là tiếng Pháp tiếng Anh và tiếng Hán),cho nên rất cần thiết phải có một bộ từ điển về vấn đề này.
    -Trước đây trong nhà trường khi viết văn (văn bản nói chung)thì học sinh không được dùng tiếng địa phương thổ ngữ phương ngữ,nhưng ngày nay trong văn viết và văn nói tiếng thổ âm vùng miền được dùng rất tự nhiên,do đó cũng cần phải có từ điển.
    -Các nhà văn nhà báo ngày nay mắc rất nhiều lỗi chính tả (không phải chỉ có 8 lỗi như bác Nguyễn Thông đã nêu)là do không có kiến thức chính tả tốt,sinh ra tính cẩu thả đại khái: mình viết chủ yếu là để mình hiểu hoặc mình viết là để người đọc hiểu còn bản thân mình không cần hiểu.
    -...























    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em van bác! Lại giao cho mấy anh gà trống thiến sót dốt đặc cán mai soạn luật thì thôi chuyển qua nói tiếng tàu cho rồi. Xin buông tha cho tiếng Việt của Nguyễn Du!

      Xóa
  29. Các cháu phóng viên như bác Thông viết đó bây giờ "hổng" cần ai đọc, họ không dốt đâu, họ coi thường độc giả. Họ cần phong bì cơ

    Trả lờiXóa