Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Chuyện rơm rạ (phần 3)

    Cả một xã như xã Thụy Hương (Hải Phòng) quê tôi những năm ấy (1960 - 1970) gần 3.000 nhân khẩu với khoảng 400 hộ nhưng nhà khá giả ít lắm. Nhà nào cũng đông con, phần lớn là nghèo. Nhà cửa phổ biến tường đất mái rơm rạ. Gọi mái rạ là theo thói quen chứ lợp bằng rơm là chính. Phần rạ của cây lúa tuy to và cứng nhưng lợp nhà dễ bị dột. Rơm mà phơi nỏ, đánh rơm cho thẳng, mái lợp trông mịn lắm, nước mưa chả mấy khi thấm qua. Mà rất bền, giữ màu tươi sáng hơn mái rạ. Hình ảnh những mái nhà vàng óng thấp thoáng trong vườn xanh là vẻ đẹp suốt bao năm của làng quê Việt. Khi tôi lớn, đi xa quê lâu ngày, lúc về đến đầu xã gặp lại những mái rơm thân thương ấy, lòng trào lên niềm xúc động khó tả.
    Giờ lâu rồi, tôi cũng chả nhớ cứ bao lâu thì lợp lại mái nhà. Nhà trên, nhà dưới, nhà bếp đều lợp bằng rơm tất tật nên rơm của một vụ chả bao giờ đủ. Cứ phải luân phiên. Hôm lợp nhà vui lắm. Thày tôi trước đó đã trông trời trông đất, dự đoán thời tiết, coi ngày ấy có mưa gió gì không. Cả nhà tinh những người vụng về, chỉ biết rút rơm, vận chuyển, còn việc trèo lên mái nhà lợp cho khéo, cho dày đều, cho phẳng phiu thì phải nhờ thợ. Nào có ai xa xôi gì, thợ cũng người nhà hoặc hàng xóm láng giềng, lần thì cậu Thê, lần thì chú Chung, khi thì ông Đính. Các ông ấy đúng là những nghệ sĩ nông dân. Thường chỉ một ngày đã xong, căn nhà có cái mái mới trông cứ là lạ quen quen, tối ngủ sực nức mùi rơm thơm, đến bây giờ vẫn còn cảm giác thật khó quên.

    Mình hồi bé còn được nghe chuyện ông Ngư lấy vợ. Thấy bảo lúc chưa lấy chú Ngư, thím ấy được một ông giáo làng săn đón dữ lắm nhưng bà cụ mẹ thím còn phân vân. Giáo làng thì sạch sẽ bảnh bao đó, chỉ phải cái tội thẳng lưng tốn vải, không biết làm lụng việc nhà nông, rồi có ngày chết đói. Một lần chú Ngư đến chơi “tìm hiểu” (hồi xưa yêu nhau, để ý nhau gọi là tìm hiểu), trúng lúc nhà “nàng” bị dột, mái rơm hở toang hoác. Bà cụ vừa nhờ vừa thử tài: “anh dặm lại cho tôi cái mái nhà, dột quá, chả biết nhờ ai”. Thanh niên Ngư nhà ta vốn thạo khoản này, tót lên mái ngay. Hai mẹ con “nàng” làm nhiệm vụ rút rơm, chuyển lên; chú Ngư cứ thoăn thoắt thoăn thoắt, chả mấy mà xong. Tháng sau làm đám cưới. Bây giờ bọn trẻ xài vi tính, laptop, ma phôn nhoay nhoáy nhưng giá bảo lợp cho cái nhà như chú Ngư, chắc chúng nó kéo cờ trắng hết. Mỗi thời người ta có cái tài riêng, chả thời nào giống thời nào.
    Nhà nuôi trâu ắt phải có đống rơm. Ban ngày trâu đi kéo cày kéo bừa ngoài đồng, lúc nghỉ thì chúng gặm cỏ, ăn dây khoai lang, lá ngô ở ruộng, nhưng đêm về đói thì chỉ có rơm. Rơm giống như thứ mì ăn liền bây giờ, dành cho trâu. Chúng cứ trệu trạo nhai suốt đêm, đuôi đập muỗi phành phạch. Thế mà đêm nào cũng hết cả ôm rơm to. Chả hiểu chúng ăn cái thứ bột xen lu lô ấy vào bụng thì tẩm bổ được cái gì nhỉ.
    Rút rơm đun bếp hoặc đem cho trâu ăn là cả một nghệ thuật. Thày bu tôi dặn phải rút từ dưới lên, rút đều xung quanh, có như thế đống rơm mới tròn, mới không đổ. Có lần anh Uy tôi nghịch ngợm rút hẳn sâu vào giữa đống rơm thành một cái hang, rồi ngụy trang phủ rơm bên ngoài, thỉnh thoảng chúng tôi lại chui vào đó nằm ấm lắm. Có lần tôi ngủ quên trong hang nửa buổi chiều, tỉnh dậy thì đã sáng đèn. Năm qua năm, thời gian trôi đi, những đống rơm cứ cao rồi thấp xuống, còn đám con cái lớn dần lên, đứa đi lấy chồng, đứa vào bộ đội, đứa đi học xa… bỏ lại thày bu ở lại với căn nhà tường đất mái rơm và đống rơm nhỏ xíu.
(còn tiếp)

Nguyễn Thông

6 nhận xét:

  1. Dịch vị của trâu, bò có loại men có thể cắt những phân tử β-D-Glucose là thành phần tạo nên cellulose thành glucose để có thể tiêu hóa được.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ký tên:Quyền rơm vạ đá,tiết trung chinh.

      Xóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa