Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Những chuyện ít người biết về Nguyễn Công Khế (phần 3)

Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Công Khế và Tuần tin Thanh Niên

HOÀNG HẢI VÂN (nhà báo)

Những kẻ giấu mặt tung lên mạng những “bằng chứng” vu cho anh Khế “đuổi Huỳnh Tấn Mẫm ra khỏi nghề báo, cướp ghế Tổng Biên tập Báo Thanh Niên”. Việc bẻ cong sự thật khiến cho nhiều người kính trọng anh Huỳnh Tấn Mẫm nhưng không hiểu chuyện đặt vấn đề về tư cách Nguyễn Công Khế.

Câu chuyện về mối quan hệ giữa hai người sáng lập ra Tuần tin Thanh Niên trong những ngày tháng sơ sinh của tờ báo đã ngót nghét 30 năm rồi, nay không còn mấy người biết thực hư. Hầu hết những người làm báo Thanh Niên bây giờ cũng không hiểu thực chất câu chuyện. Nhưng tôi thì biết và còn nhớ rõ.

Hồi đó tôi chưa về báo Thanh Niên, nhưng tôi là Ủy viên Ủy ban Trung Ương Hội liên hiệp Thanh Niên Việt Nam, tất cả các cuộc họp của Trung Ương Hội bàn về Tuần tin Thanh Niên tôi đều tham dự. Tôi biết những chuyện công khai chính thức và cả những chuyện nhạy cảm bên lề.

Cho đến bây giờ, dù điều gì xảy ra thì tôi trước sau đều kính trọng anh Huỳnh Tấn Mẫm. Phải nói anh Mẫm là người có công đầu khai sinh ra tờ báo, không có anh, không có sự quyết tâm đi hết cửa này cửa khác của anh thì Thanh Niên không thể ra đời. Nhưng bảo rằng anh Mẫm lập ra tờ Tuần tin Thanh Niên rồi mới xin anh Khế về làm ở đó là nói không đúng. Anh Khế được chuyển công tác từ báo Phụ Nữ về Ban Mặt trận Thanh Niên Trung Ương Đoàn vào năm 1985, đã cùng với anh Mẫm chuẩn bị cho sự ra đời của tờ báo. Anh Khế chẳng có một mỗi quan hệ quen biết nào ở Trung Ương Đoàn cũng như các cơ quan Trung Ương, còn anh Mẫm thì đã là người nổi tiếng.
Từ công tác chuẩn bị của hai anh, một công văn của Ban Bí thư Trung Ương Đoàn do Bí thư Trần Phương Thạc ký, trình Ban Tuyên huấn Trung Ương Đảng xin phép xuất bản một tờ báo mang tên Tuần tin Thanh Niên, Ban Bí thư Trung Ương Đoàn cũng có công văn đề nghị anh Huỳnh Tấn Mẫm làm Tổng Biên tập và anh Nguyễn Công Khế làm Phó Tổng Biên tập. Ngày 2-1-1986, Ban Tuyên huấn Trung Ương có công văn số 1-TH/TW gửi Ban Bí thư Trung Ương Đoàn đồng ý cho ra tờ báo và đề nghị Ban Bí thư Trung Ương Đoàn làm việc với Cục xuất bản và báo chí về các thủ tục cần thiết.  Ngày này chính là Ngày thành lập Báo Thanh Niên. Giấy phép xuất bản đã được cấp ngay trong ngày hôm sau. Cũng trong ngày 2-1, Ban Tuyên huấn Trung Ương ra tiếp công văn số 2-TH/TW nhất trí với Ban Bí thư Trung Ương Đoàn cử anh Mẫm làm Tổng Biên tập và anh Khế làm Phó Tổng Biên tập.

Tuần tin Thanh Niên đã ra đời từ đó. Tuy nhiên, từ ngày thành lập báo cho đến ngày 8-6-1987, cả anh Mẫm và anh Khế đều không được Ban Bí thư Trung Ương Đoàn bổ nhiệm làm Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập như tờ trình gửi Ban Tuyên huấn Trung Ương. Bạn đọc lớn tuổi nếu để ý thì sẽ nhớ, trong thời gian này Tuần tin Thanh Niên không hề ghi tên Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập, mà chỉ ghi : Biên tập : Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Công Khế. Tuần tin Thanh Niên, mãi cho đến ngày 4-9-1987 chỉ là một bộ phận của Ban Mặt trận Thanh Niên Trung Ương Đoàn, không phải là một đơn vị độc lập trực thuộc Trung Ương Đoàn và không có Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập được bổ nhiệm. Anh Mẫm lúc đó là Trưởng Ban Mặt trận Trung Ương Đoàn, Phó Tổng thư ký thường trực UB Trung ương Hội Liên hiệp Thanh Niên, đương nhiên là người phụ trách cao nhất của tờ báo.

Đến ngày 8-6-1987, anh Nguyễn Công Khế được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập Tuần tin Thanh Niên, là người đầu tiên được bổ nhiệm. Và cho đến khi rời khỏi Trung Ương Đoàn, Trung Ương Hội và Tuần tin Thanh Niên, anh Huỳnh Tấn Mẫm chưa bao giờ được Trung Ương Đoàn bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Tuần tin Thanh Niên cả.

Việc không bổ nhiệm anh Mẫm, sau này Ban Bí thư Trung Ương Đoàn có giải thích lý do với Ban Tuyên huấn Trung Ương. Là người hoạt động ở Hội Liên hiệp Thanh Niên nhiều năm tôi hiểu rõ, anh Mẫm không được bổ nhiệm không phải do vụ án có liên quan đến vợ anh, mà thực chất là quan điểm của anh Mẫm về Hội Liên hiệp Thanh Niên khác với quan điểm chính thống của Trung Ương Đoàn. Đối với Trung Ương Đoàn, Hội trên danh nghĩa là một tổ chức rộng lớn nhất của Thanh Niên, nhưng trong thực tế không phải là một tổ chức độc lập mà chỉ là một bộ phận của Đoàn. Đối với anh Mẫm, Hội phải là một tổ chức độc lập, Đoàn là hạt nhân nòng cốt. Nhiều cuộc tranh luận xung quanh quan hệ Đoàn – Hội lúc đó, nhưng về tổ chức thì phải tuân thủ theo quan điểm chung. Ai cũng thừa nhận Đoàn là hạt nhân nòng cốt của Hội, nhưng Đoàn nằm ở đâu, Hội nằm ở đâu ? Nếu Đoàn là hạt nhân thì Hội phải “nằm” trong Đoàn, nếu Đoàn nằm ngoài Hội hay Hội chỉ là một bộ phận của Đoàn thì làm sao Đoàn có thể làm hạt nhân được. Trong những cuộc tranh luận, có người nói vui, gọi là hạt nhân mà nằm ở ngoài thì chỉ có đào lộn hột. Tôi nói dài dòng chuyện này là vì quan điểm của anh Mẫm lúc đó không chỉ là những ý kiến của một cán bộ bình thường mà có thể khiến cho Hội Liên hiệp Thanh Niên bị biến dạng khỏi sự lãnh đạo của Trung Ương Đoàn, vì anh đang làm Thường trực Trung Ương Hội. Tôi là một trong những thành viên Trung Ương Hội ủng hộ quan điểm của anh Mẫm. Anh Khế cũng ủng hộ quan điểm của anh Mẫm, nhưng anh chỉ biết làm báo và đăng hăng hái với công cuộc đổi mới, anh không quan tâm đến những điều nhạy cảm về tổ chức. Cái dòng chữ “Diễn đàn của Hội Liên hiệp Thanh Niên” đặt dưới măng-sét Thanh Niên cũng là dòng chữ “nhạy cảm”, nhiều người đã đặt vấn đề thay đổi, nhưng nó vẫn tồn tại từ số báo đầu tiên cho đến bây giờ.

Tiếp đó, có vụ án liên quan đến vợ anh Huỳnh Tấn Mẫm. Anh Khế chẳng liên quan gì và cũng chẳng biết chuyện đúng chuyện sai gì về vụ án đó. Anh Mẫm rời khỏi Trung Ương Đoàn, Trung Ương Hội và Tuần tin Thanh Niên theo quyết định của tổ chức. Tôi biết trong thâm tâm, lập ra tờ Tuần tin Thanh Niên là để anh Khế làm, anh Mẫm quan tâm đến những sứ mệnh lớn hơn chứ không có ý định làm báo chuyên nghiệp. Một thời gian anh có quay về định chuyên tâm làm Tuần tin Thanh Niên, nhưng đâu có được bổ nhiệm.

Còn cái quyết định kỷ luật khiển trách anh Khế được ban hành cùng với quyết định kỷ luật anh Mẫm, đó là một chuyện bình thường trong công việc, là giải pháp xử lý của những người làm tổ chức, chẳng có gì đáng bình luận.

Sau khi quyết định bổ nhiệm anh Khế làm Phó Tổng Biên tập, Ban Bí thư Trung Ương Đoàn ra một Nghị quyết, đó là Nghị quyết số 60 NQ/BBT ngày 4-9-1987 về việc “thành lập Tuần tin Thanh Niên trực thuộc Ban Bí thư”. Điều 1 của Nghị quyết này ghi rõ : “Tách Tuần tin Thanh Niên ra khỏi Ban Mặt trận Thanh Niên, tổ chức thành đơn vị độc lập trực thuộc Ban Bí thư”. Là người cùng với anh Mẫm sáng lập ra Tuần Tin Thanh Niên, anh Khế đương nhiên quý trọng anh Mẫm, nếu anh Mẫm được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập thì rất tốt cho anh Khế, nếu không thì ai làm cũng được, miễn là phải chính danh, nếu không rõ ràng thì chỉ làm cản trở sự phát triển của tờ báo.

Cuối cùng thì anh Lương Ngọc Bộ, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong được cử qua làm Tổng Biên tập Báo Thanh Niên một thời gian, sau đó anh Khế được cử làm Quyền Tổng Biên tập, đến ngày 24-9-1991, anh Khế được bổ nhiệm chính thức làm Tổng Biên tập. Nói anh Khế tìm cách gạt anh Mẫm để “cướp” chức Tổng Biên tập là nói hồ đồ. Anh Khế không có tà tâm, không có khả năng và không có thế lực để làm việc đó. Sự thật là, nếu anh Mẫm tiếp tục làm Hội và phụ trách tờ báo thì với tư cách là người làm báo chuyên nghiệp, anh Khế sẽ dễ làm việc hơn, tờ báo sẽ phát triển thuận lợi hơn theo hướng là “Diễn đàn của Hội liên hiệp Thanh Niên Việt Nam”.

Sự thật về mối quan hệ Huỳnh Tấn Mẫm-Nguyễn Công Khế và Tuần tin Thanh Niên là như thế đó.

Hoàng Hải Vân (theo blog hoanghaivan.com)
Phần 1: http://www.hoanghaivan.com/2015/12/nhung-chuyen-it-nguoi-biet-ve-nguyen_19.html.
Phần 2: http://www.hoanghaivan.com/2015/12/xung-quanh-cau-chuyen-o-tu-cua-nguyen.html.

12 nhận xét:

  1. "khiến cho nhiều người kính trọng anh Huỳnh Tấn Mẫm nhưng không hiểu chuyện đặt vấn đề về tư cách Nguyễn Công Khế"

    Tớ không kính trọng Huỳnh Tấn Mẫm nên chả có vấn đề gì cả .

    "dù điều gì xảy ra thì tôi trước sau đều kính trọng anh Huỳnh Tấn Mẫm"

    Tớ chỉ hỏi 1 câu . Với thành tích góp phần đánh đổ nền dân chủ tư bẩn để lập nên chế độ độc đảng độc tài, nếu lỡ dại VN có dân chủ thật, mấy người như "anh Huỳnh Tấn Mẫm đáng kinh" của bác có lại đấu tranh để lật đổ nền dân chủ đó và lập nên 1 chế độ độc tài khác không ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đã là " bản chất" thì không bao giờ thay đổi, đừng mơ nhé bạn

      Xóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi là thuộc cấp của Anh Mẫm nhưng là thủ lĩnh một thời của Anh Khế. Xin có một ý kiến nhỏ thay các Anh ấy, vì tôi thừa biết, các Anh ấy rất dửng dưng với những nhiễu sự không đâu như thế này.
    Lũ chúng tôi, trắng trong như pha lê. Chúng tôi chống Mỹ, chống tay sai Mỹ, chống thúi nát của chế độ Sài Gòn, đòi hòa bình, thống nhất, dân chủ, dân sinh. Nếu lịch sử lặp lại như thế, chúng tôi vẫn tiếp tục con đường tốt đẹp, chân chính của mình. Và, không bao giờ tiếc nuối về những gì đã làm, đã cống hiến cho đất nước. Còn chế độ mới, chưa làm được, không làm được, hoặc đi ngược lại hoài bão của chúng tôi, chúng tôi vẫn chống lại như đã từng hành động những tháng năm trước 1975.
    Anh Mẫm, Anh Khế không đồng tình với một ai đó là cái không đồng tình rất tự nhiên của lương thiện và lương tâm. Các Anh ấy không là người của phe phía nào cả. Chống X thì là người của Y. Lý luận như thế rất ấu trĩ, khờ khạo. Tôi nói thực như thế này: Anh hùng thì cứ chơi bài ngửa. Đừng sử dụng những chiêu trò cũ rích mà những ai có não cũng biết. Kỳ quái. Thấp hèn.
    Vài dòng với Anh Khế:
    Không tiền khổ lắm. Mà chăm vào chuyện để hái ra tiền nó cũng kỳ, lại rất kỳ quái đối với lũ chúng mình. Thất thập rồi. Cuối dốc đời, tùy Anh, nghe hay không những lời tận đáy lòng của tôi. Anh thật hạnh phúc. Xung quanh vẫn còn những đồng đội, đồng nhiệp vô tư, thỉ chung. Hết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Nếu lịch sử lặp lại như thế, chúng tôi vẫn tiếp tục con đường tốt đẹp, chân chính của mình. Và, không bao giờ tiếc nuối về những gì đã làm, đã cống hiến cho đất nước"

      Đúng thế . Miễn là tâm sáng, thì có đưa đất nước vào tăm tối, các bác vẫn không hối hận . Và nếu lịch sử lập lại, aka đất nước VN lỡ dại rơi vào con đường dân chủ tư bẩn, các bác sẽ lại đấu tranh để quyết đưa VN vào con đường độc tài toàn trị mới thôi .

      Hoan nghênh những con người như bác! Nước VN cần lắm những con người như thế này để không bao giờ nhìn thấy bóng dân chủ tư bẩn ở đâu cả . Độc tài toàn trị theo lý tưởng Cộng Sản của Bác Hồ vĩ đại muôn năm!

      Chế độ mới nên "đổi cũ" lại như thời xưa đi, thời hào hùng chống Mỹ cho Trung Quốc -lời của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn- í . Đừng theo chân tư bẩn nữa, để những người cao quý như TMĐ chống lại thì, quả thật, không ra gíang Cộng Sản 1 tẹo nào cả .

      Xóa
    2. Người của CSVN và người của chế độ Sài Gòn rất giống nhau ở nhận thức này: Hễ ai không ủng hộ CSVN là ủng hộ chế độ Sài Gòn. Hết sức ngớ ngẩn. Nếu chế độ Sài Gòn không ác hiểm, thúi nát, tay sai ngoại bang. Nếu chế độ CSVN không độc đoán, toàn trị, dân chủ bánh vẽ. Các Anh, Vàng và Đỏ, sẽ được chúng tôi, lực lượng ưu tú của nhân dân thấp cổ bé họng, trong trắng hơn pha lê, ủng hộ hết mình. Các Anh không hề có điều đó thì chớ ảo tưởng. Nên nhớ, còn mãi đẩu đâu bên kia Thái Bình Dương mà các Anh đã buông lời hăm dọa thì ngày về các Anh sẽ còn xa ngái khi chúng tôi, con cháu chúng tôi vẫn con hiện hữu, tồn tại. Sau thảm bại nặng nề, ê chề, lại đi nhiều ngày đàng, té ra các Anh không học thêm một sàng khôn nào cả. Dại vẫn hoàn dại!

      Xóa
    3. "tay sai ngoại bang;lực lượng ưu tú của nhân dân..." Sặc mùi CS.Bác TMĐ,... vẫn không thừa nhận là mình - đã một thời bị lừa gạt mà vẫn xem mình là lực lượng tiến bộ. THế hỏi bác bây giờ CS có làm tai sai cho Tàu không ? Sao mấy ông không tranh đấu như trước?

      Xóa
    4. "Nếu chế độ CSVN không độc đoán, toàn trị, dân chủ bánh vẽ"

      Nếu tớ không lầm, các "chúng tôi, lực lượng ưu tú của nhân dân thấp cổ bé họng, trong trắng hơn pha lê, ủng hộ hết mình" như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhiều người khác đã gia nhập đảng Cộng Sản VN quang vinh, aka "độc đoán, toàn trị, dân chủ bánh vẽ" từ thời đó rồi muh!

      Có ai dám hăm dọa những "lực lượng ưu tú của nhân dân thấp cổ bé họng, trong trắng hơn pha lê". Chúng em chỉ "kính nhi viễn chi" vì các bác rất đáng kinh . Sợ lắm!

      Chỉ cầu VN đừng bao giờ đi vào con đường dân chủ tư bẩn, sẽ làm các bác nổi đóa lên là đất nước tiêu về tay các bác ngay .

      Xóa
    5. BTW, tớ không tin vào cái-gọi-là "lực lượng thứ 3". Thời 30-4 lòi ra biết bao nhiêu ông bà là đảng viên cộng sản từ đời kiếp tổng nào, những ai còn bám víu lấy cái tên "lực lượng thứ 3", ngoài linh mục Chân Tín, chỉ chứng tỏ hơi bị đứt dây thần kinh xấu hổ, và là một bọn chuyên xài bạc giả mà thôi .

      Xóa
  4. Mấy bạn chớ nên quá cảm tính vì có làm việc với anh Khế!Tôi có học phổ thông ở PCT với Khế,Pháp...Nhưng phải nói thật bênh cho Khế cảm tính không thuyết phục bằng những bằng chứng cụ thể họ đã đưa ra!Ở cửa giữa tôi nhận thấy NCK có tài luồn lách với chế độ mới sau 1975 mới duy trì TN đến ngày nay. Còn việc luồn trôn của NCK thì xã hội ta quá nhiều. Với lại, trước đây tôi đã có nhận xét giọng nói của NCK có hơi "đồng bóng" của mấy lão thái giám nên nịnh giỏi lắm đó. Lừa được cả bác Kiệt, các xếp TƯ là chuyện thường nhưng thua NBT

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế Tui hỏi Anh-Nó con gì?.

      Xóa
    2. Đúng vậy! NBT đã nói, muốn con chó trung thành với mình thì phải ném đồ ăn cho nó. Nên việc NBT cho đất và hộ khẩu cho nhà báo là chuyện bình thường!

      Xóa