Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Chuyện coi vô tuyến truyền hình

Kể từ hôm 15.6.2016, đài truyền hình VTV với tên gọi rất oai là truyền hình quốc gia, hoặc truyền hình trung ương, ngưng phát sóng analog. Một số đài địa phương lớn khác như Hà Nội, Sài Gòn cũng vậy. Thế là xong một thuở vô tuyến truyền hình.
Tôi dốt về kỹ thuật nên cứ liều hiểu truyền hình analog là kiểu phát-thu cổ điển các chương trình. Nhà đài dựng cái cột phát sóng rõ cao, thậm chí có nơi còn lôi hẳn lên núi để “núi cao lên đến tận cùng/thu vào cột sóng muôn trùng nước non” như ở Ba Vì chẳng hạn, tỏa ánh sáng của đảng đến mọi ngóc ngách. Mỗi nhà có tivi chỉ cần mua cái ăng ten loại 8 que, 12 que, 24 que (tùy túi tiền), cũng treo lên thật cao, nóc nhà, ngọn cau, hoặc chắp vài ba cây tre lại. Ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ do dân sung túc lắm tiền nên chơi sang xài ống nước to bằng cổ chân cao mấy chục mét giằng dây ra bốn phía. Nối dây từ ăng ten xuống tivi, thế là xong phần kỹ thuật cơ bản. Chỉ việc xem thôi. Analog đại loại như vậy.
Những năm xưa, có một thời khi về những vùng nông thôn, tiêu chuẩn để đánh giá sự giàu có không còn là nhà ngói, nhà mái bằng nữa mà là cột ăng ten. Nơi nào ăng ten nhấp nhô ken dày, trông tua tủa như con nhím trời thì nơi đó giàu có, sung túc, văn hóa cao, nông thôn mới. Hồi những năm 80, nhiều chuyến tôi về miền Tây Nam Bộ, đi dọc quốc lộ 4 cũ, nay là quốc lộ 1A, qua Long An, Tiền Giang (các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè) tuốt xuống ngã ba An Hữu gần bắc (phà) Mỹ Thuận, nhìn hai bên đường nhà dân xanh mướt cây ăn trái, ăng ten nhô cao san sát, thấy đẹp lạ và vui khó tả.

Hồi mới có tivi, có những nhà chắt chiu lắm mới sắm được chiếc tivi cũ đen trắng, sạch túi không còn tiền mua chiếc ăng ten ra hồn. Nhà tôi ở quê ngoại thành Hải Phòng, cuối những năm 70 và thập niên 80, ông em rể tôi Nguyễn Công Kha mua được chiếc tivi hàng thủy thủ tàu Vosco buôn về, tuy đồ cũ nhưng của Nhật, xài điện 120V, bền lắm. Chưa sắm được ăng ten, Kha dựng cây tre cao đầu nhà, lấy mấy cái vung nhôm cũ cột dính vào nhau mắc lên đỉnh ngọn tre, nối dây xuống, thế mà cũng coi được. Chỉ phải cái hôm nào gió to thì vung bị xoay chỗ khác, lại phải hạ cột xuống điều chỉnh. Kha gọi là giải pháp tình thế. Nhiễu sóng, mất nét là chuyện cơm bữa. Vậy mà hôm nào cũng vậy, cuối chiều cả nhà vội ăn cơm sớm để tối còn rảnh rỗi thưởng thức món văn hóa cao, coi tivi. Trẻ con hàng xóm chẳng biết đã cơm cháo gì chưa mà đã thập thò đầy ngoài ngõ. Kha lấy mấy cái chiếu cũ trải ra sân gạch, cung kính mời “các ông bà trẻ” vào coi chương trình Những bông hoa nhỏ, dặn dò kỹ đến phần thời sự chúng mày nhớ ngồi yên đừng có xì xào để người nhớn xem.
Năm 1982, hồi tôi làm nghề dạy học trong Sài Gòn, nghỉ hè về thăm quê, đúng dịp World Cup. Thày tôi, Kha và tôi, ba ông con pha ấm chè đặc cho tỉnh ngủ, cùng chui vào màn mắc ở ngoài hiên cho mát và tránh muỗi, xem không bỏ sót trận phát vô tuyến nào. Xong rồi còn bàn luận sôi nổi, ăn khoai luộc bồi dưỡng ca đêm. Hồi đó đài vệ tinh mặt đất Hoa Sen thu lại và chuyển cho bên tivi. Những kỷ niệm thân thương thế theo thời gian vẫn chẳng phai mờ, cứ nhớ mãi, bồi hồi. (còn tiếp)
Nguyễn Thông

1 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa