Nhắc tới đoàn, đừng quên tên của nó. Những năm 60 - 70, tên Đoàn thanh niên lao động Việt Nam, bởi đảng sinh ra nó là Đảng lao động Việt Nam. Cha nào con ấy. Giỏ nhà ai, quai nhà nấy. Nghe khá gần gũi, chả cộng sản cộng siếc xa lạ như sau này. Khi tôi vào đoàn năm 1972, trước đó nó đã được đổi thành Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh, sau khi cụ Hồ mất mấy tháng. Tới năm 1976, đất nước thống nhất, lại có tên mới - Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Đổi xoành xoạch. Người ta giải thích rằng đổi để phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng. Cũng chả biết có hay hơn không, chứ tôi thấy mới như cũ, có thêm chữ “cộng sản” vào, khô đoàn nhạt đảng, nặng chính trị chính em, già bỏ cụ.
Nhớ hồi đoàn thay tên năm 1976, ông anh tôi bảo, cứ Liên Xô có gì, tên gì, thì ta bắt chước cái ấy, tên ấy. Nó có chính phủ/thủ tướng thì ta copy chính phủ/thủ tướng. Nó đổi chính phủ thành hội đồng bộ trưởng/chủ tịch hội đồng bộ trưởng, thì ta lon ton đổi theo. Ông Phạm Văn Đồng từng đóng cả thủ tướng lẫn chủ tịch hội đồng bộ trưởng, những gần 32 năm. Ông Phạm Hùng cũng là chủ tịch hội đồng bộ trưởng chứ không phải thủ tướng, tới lúc chết (giữa tháng 3.1988). Một thời gian sau, Liên Xô đổi mới… như cũ, quay về tên chính phủ/thủ tướng, ta cũng chuyển mình đổi mới… như cũ. Đèn cù vòng quanh. Tên đoàn cũng đổi, na ná đám Komxomon Liên Xô vậy. Anh tôi còn thắc thỏm, tao cứ tiếc cái tên có chữ “lao động” thời Vũ Quang làm bí thư thứ nhất (ông này có bà vợ là diễn viên nổi tiếng, đẹp lắm), vừa sát hợp, vừa chân thật, giản dị.
Lại nhớ hôm được kết nạp đoàn, trở thành đoàn viên, thằng Thành thề xong, nói nhỏ vào tai tôi, mày ạ, cũng chẳng sung sướng gì, “vào đoàn phải đóng thuế đoàn/mỗi hào một tháng vinh quang muôn đời”, tháng sau là phải nộp tô thuế rồi. Hồi ấy cửa hàng ăn uống huyện ven sông Đa Độ do ông Kình phụ trách, phở không người lái chỉ 2 hào/bát, vậy mỗi tháng mất toi nửa bát phở không thịt.
Bài hát không phải của đoàn mà hầu như đứa đoàn viên nào cũng thuộc, là bài “Tiến lên đoàn viên”, nhạc sĩ Phạm Tuyên. Thử hỏi có mấy ai trải thời niên thiếu và thanh niên ở miền Bắc những năm 60 - 70 lại không biết, không gắn bó với ca khúc dễ thương này. Cứ sinh hoạt đội thiếu niên, đứa cầm càng lúc thì bài “Nguyễn Bá Ngọc người thiếu niên dũng cảm” của Mộng Lân, lúc bài “Tiến lên đoàn viên”. Nghêu ngao suốt, “Đây một mùa xuân trăm hoa hé tưng bừng, đây thời niên thiếu hát ca vang lừng, khăn quàng đỏ tươi em đeo em mến yêu, quyết tâm luyện rèn cho mình càng tiến thêm. Tiến lên đoàn viên em ước ao bao ngày…”. Tôi cam đoan trăm đứa trẻ con khi đó phải tới 99 đứa thuộc bài tủ này. Đi tắm, đi ngủ cũng tiến lên đoàn viên. Công nhận Phạm Tuyên tài, chỉ có điều ông say sưa ca ngợi quá đà nên mất cả sự tỉnh táo.
Tôi nói vậy, bởi qua rất nhiều lần xét giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước, cụ nhạc sĩ này chỉ được chiếu cố ở mức giải nhà nước, ngay cả bài đinh “như có bác Hồ” cũng bị vào hạng 2 (được giải nhà nước đợt đầu). Bài “Tiến lên đoàn viên” thậm chí không được tính vào cụm tác phẩm tiêu biểu để xem xét giải lần đầu. Lằng nhằng mãi, cụ nhạc sĩ cũng chán. Tôi nhớ lâu lắm rồi, mấy tờ báo đặt ra trường hợp Phạm Tuyên và việc xét giải thưởng. Có báo nói toẹt rằng bất công, còn dư luận thì bảo do nhân quả. Một lần, tôi đọc được lời tâm sự của cụ, rằng “Tôi không còn vui lắm. Tôi không vui vì có thể khi trao giải cho tôi, người ta đã nghĩ thôi thì trao cho ông ấy cái giải để dư luận yên đi. Ở tuổi tôi, những hư danh, giải thưởng chẳng còn ý nghĩa nữa”. Rồi cuối cùng, người ta cũng miễn cưỡng trao giải cụ Hồ cho ông nhạc sĩ già, vào năm 2012, do Trương Tấn Sang ký, chả biết có phải một phần do nghe được lời phàn nàn tâm sự kia không. Bài “Tiến lên đoàn viên” nằm trong cụm 5 tác phẩm được giải Hồ Chí Minh, có lẽ xứng đáng nhất, chứ 4 bài kia rất xoàng (gồm: Những ngôi sao ca đêm, Từ làng Sen, Đêm Cha Lo, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng). Thế mới biết chuyện xét giải ở xứ này nhiều khi rất cảm tính, hời hợt, định kiến, nhố nhăng. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét