Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Cấm đoán thành thói quen

Trên báo Tuổi Trẻ bữa qua có bản tin nho nhỏ ít người để ý. Nguyên văn như sau:

Cân nhắc khi thiết lập “khu vực cấm”
TT - Đây là một trong những nội dung được UBND TP.HCM lưu ý trong chỉ đạo về “Hướng dẫn thực hiện một số nội dung trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước” vừa ban hành.
TP cho rằng việc cắm biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm” là vấn đề rất nhạy cảm về chính trị, xã hội.
Vì vậy các đơn vị cần cân nhắc trước khi quyết định cắm biển cấm, chỉ cắm biển cấm khi không có biện pháp bảo vệ nào tốt hơn.
Đối với các công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, đã có lực lượng vũ trang hoặc lực lượng bảo vệ chuyên trách bảo vệ 24/24 giờ thì không cần thiết cắm biển cấm. 
VIỄN SỰ
(bản gốc ở đây)

Thực ra, không phải chỉ xứ ta mới sinh chuyện cấm đoán. Xứ nào cũng cấm, có nơi còn cấm tàn bạo hơn là khác. Nhưng nhìn chung những quốc gia văn minh rất hạn chế cấm đoán. Miệng thì nói quyền con người, quyền tự do nhưng hơi tí thò tay lông lá cấm cấm sao được. Chỉ khi nào, chỗ nào chẳng đặng đừng, nhất là liên quan đến an ninh quốc gia quá đặc biệt thì mới cấm. Còn lại cho đi lại ra vô, xem xét, chụp ảnh thoải mái, không những thể hiện quyền tự do dân chủ mà còn tạo được cảm tình, sự thân thiện, có khi còn thu
được tiền. Cũng báo ngày 19.10, tờ Sài Gòn tiếp thị đăng 1 bài rất thú vị, nói về đảo quốc Đông Timor. Quốc gia này tách ra khỏi Indonesia cách nay chưa lâu, cũng nhiều lộn xộn, tuy nhiên họ mau chóng thiết lập một xã hội thân thiện, văn minh. Tác giả bài báo cho biết bất kể du khách trong hay ngoài nước đều được thoải mái vào cung điện của tống thống, thậm chí tổng thống còn khuyến khích du khách đem theo laptop vào lướt net với wifi miễn phí, có bàn ghế lịch sự đàng hoàng, để cho dinh vui vẻ. Nhà báo kết luận: ở Đông Timor thì vậy, nhưng vừa về tới Sài Gòn, vô tình ghé khu Võ Thị Sáu-Trương Định hoặc Lê Thánh Tôn-Nguyễn Huệ là có người ra đuổi ời ời. Kinh thật.

Đó là một thực tế ở xứ ta. Dường như chỗ nào cũng bí mật, nhạy cảm. Quản không nổi thì cấm. Cấm tụ tập, cấm qua lại, cấm chụp ảnh, cấm đổ rác, cấm phóng uế... Tôi cho rằng có những chỗ nhà chức trách buộc phải thiết lập vành đai an ninh, người dân cần chấp hành, bởi nếu phát sinh chuyện này chuyện nọ sẽ không lường được hậu quả. Ví dụ xung quanh tòa Tổng lãnh sự Mỹ. Mỹ thôi, nước khác thì không cần, bởi Mỹ lắm kẻ thù, vả lại nước Mỹ có truyền thống "vệ sinh" tuyệt đối, tốn kém mấy cũng chơi. Nhưng đừng nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tâm trạng bất an quá mức đến nỗi bất kỳ chỗ nào cũng thấy không an toàn. Lập đủ chương trình để thu hút du khách nhưng hễ giật mình một cái là cấm. Đã đủ cảnh vệ, bảo vệ vòng trong vòng ngoài súng ống đầy mình vẫn cứ cấm cứ đuổi. Bờ rào tòa nhà trụ sở tiếp dân của Quốc hội ở góc đường Hoàng Văn Thụ-Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận, Sài Gòn) có gì bí mật quốc gia mà phải cấm chụp ảnh? Đoạn đường Nguyễn Trãi (Q.1) trước trụ sở Bộ Công an-phía nam có nguy hiểm cho an ninh lắm không mà bắt cấm dừng, cấm chụp. Đang chạy xe có cú điện thoại, dừng để nghe là bị đuổi (chạy đến được chỗ khác thì mất toi cuộc điện thoại). Sao chỗ doanh trại bộ đội người ta không sợ không cấm mà cứ chỗ công an thì cấm. Chả nhẽ nhìn ai cũng thấy dáng vẻ Bin Laden, al Qaeda mũi tẹt da vàng. Thực ra việc cấm chỉ tạo được sự an toàn hình thức thôi, chặn được người lương thiện thôi, lợi ít hại nhiều.

Nhớ hồi ông Nông Đức Mạnh còn tại vị, đi đâu cũng có cậu đại tá vệ sĩ khá đẹp trai mặc sơ vin bảnh bao bám sát như hình với bóng, dù ông đến thăm các cụ phụ lão, cựu chiến binh, gặp đại biểu quốc hội (nghĩa là những đối tượng rất an toàn) cũng cứ để cậu vệ sĩ chen vào giữa, đứng sau lưng, rất phản cảm, khó chịu. Ông bạn cựu hải quân đánh tàu Maddox bảo lão ấy cứ quan trọng hóa, giả dụ có nằm tênh hênh một mình giữa phố hô to rằng ám sát tôi đi cũng chả ma nào thèm để ý. Nay thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người gần dân, đã xóa bỏ được kiểu cách quái dị đó. Tôi cho rằng ông Trọng đã học được tính cách cụ Hồ. Cụ rất ghét lối bảo vệ vòng trong vòng ngoài, không thích vệ sĩ, thường đi đâu cũng chỉ dắt theo ông Vũ Kỳ hoặc thêm cậu lái xe. Vậy mà dân tin dân yêu, ngưỡng vọng.
Lại nhớ dạo cái nhà Tổng lãnh sự quán Tàu còn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), bất cứ ai chạy xe ngang qua, dừng lại là có ngay một hai chú cảnh sát khoác AK tới đuổi tắp lự, chưa kể còn đống to hàng rào dây thép gai bùng nhùng để thường trực ngay cổng. Người dân cười ruồi, bảo nhau sao mà họ ôm ấp mấy thằng chiếm đảo Hoàng Sa chặt thế.

Làm cho người khác yêu mình, tự nguyện bảo vệ  mình mới khó, chứ làm họ ghét, họ xa lánh, dễ lắm. Chả có pháo đài nào chắc bằng sống giữa tình dân đâu, hỡi những con người cô độc bất an kia.

20.10.2012
Nguyễn Thông

4 nhận xét:

  1. Nhớ ngày học đại học, ông thầy giáo chủ nhiệm lớp dạy chúng em phải nhớ 2 điều về cấm đoán:
    1. Mọi điều cấm đoán đều thể hiện sự bất lực (trong quản lý).
    2. Con (chúng mày) sẽ làm những điều mà (chúng mày) cấm.
    Càng ngày em càng thấm thía lời thầy dạy.

    Trả lờiXóa
  2. Vùng Cấm:Tức là vùng không cấm cho nhất thể.Vd:
    Vùng cấm quay phim chụp ảnh:tức là chỗ một hạng người sẽ lấy máy ảnh của ta và quay phim chụp ảnh ta.
    Vùng cấm bay:là vùng một bên bay thoải mái để bắn bên kia.
    Vùng cấm họp chợ, trông xe:Khi một ông chủ tịch phường nhận phong bì thì không cấm .
    Vùng cấm yêu:Chỉ có một cá nhân có quyền yêu vùng đó.
    Vùng cấm viết:Vùng một mình bác Thông quyết xóa.
    Chỉ có một vùng cấm mọi người cứ thoải:Vùng cấm đái.

    Trả lờiXóa
  3. Rồi sẽ có ngày cấm nghĩ! Để cho các thế lực thù địch hết đường lợi dụng!

    Trả lờiXóa
  4. Bớ bác Thông ! chuyện chi chi ri hè ?

    À, mà cũng phải thôi, thằng xếp xòng vẫn câng câng rao giảng đạo đức thì đám tiểu yêu lộng hành không có gì là lạ ?

    Trả lờiXóa