Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Quy hoạch theo kiểu ép buộc, độc quyền

BÁ TÂN
       Ngày 25.9, Bộ Thông tin - Truyền thông (bộ 4T) họp bàn thông qua quy hoạch báo chí, ấn nút thực hiện từ năm 2017.

       Với nhiều bất cập do chủ quan đẻ ra, kể cả sau khi được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, quy hoạch báo chí biết đâu sẽ phải sửa đổi. Đừng quên bài học nhãn tiền từ Luật bảo hiểm xã hội.

        Là luật, giá trị pháp lý cao hơn hẳn so với nghị định và quy định của chính phủ, một điều khoản trong Luật bảo hiểm xã hội chưa kịp thực hiện đã phải sửa đổi vì không phù hợp  nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người lao động.

         Bộ 4T đưa ra quy hoạch báo chí mang tính áp đặt, độc quyền, tạo điều kiện cho cá lớn nuốt cá bé.

          Tầm vóc, sức sống của tờ báo do chính nó tạo ra. Tờ báo như là cơ thể sống, nội lực giữ vai trò quyết định. Yếu tố bên ngoài chỉ là tác nhân phụ trợ, thậm chí có khi ghé vai chỉ để mà… ăn theo.


        Sự tồn tại và uy tín của tờ báo tuyệt nhiên không do bề trên phán quyết. Đành rằng có sự chỉ đạo và quản lý từ phía thượng tầng, nhưng trên cánh đồng bao la ấy không phải mọi cây trồng phải dựa vào choái để lớn lên. Có những loại sẽ chết nếu không có choái. Có nhiều loại đếch cần choái vẫn bốn mùa tươi xanh và tráng kiện.

          Đưa ra quy định cụ thể, ngành nọ, tổ chức kia, cấp sở và ngành địa phương không có báo in. Như thế là áp đặt, độc quyền.

          Quy hoạch báo chí cũng như quy hoạch kinh tế. Cũng là trồng lúa nhưng sẽ là ngô nghê nếu đưa ra mẫu số chung “quy hoạch” cho nông dân Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ phải thâm canh như nhau cả về kỹ thuật, diện tích…

          Quy hoạch tạo ra sự cạnh tranh. Cái đáng chết phải để nó chết. Cái không thể chết tại sao bắt nó phải chết.

           Ở địa phương, tồn tại 2 loại báo in. Báo đảng địa phương, tồn tại nhờ bao cấp đủ thứ. Loại báo này phát hành số lượng lớn, bắt phải mua, nhưng ít người đọc. Loại thứ 2, báo in của ngành (thuộc liên đoàn lao động tỉnh, đoàn thanh niên, công an tỉnh, sở này sở nọ… ). Loại này tự chủ kinh phí, cạnh tranh trên thị trường để tồn tại và phát triển.

            Ở các địa phương, báo đảng và báo ngành giống như 2 người có hoàn cảnh đối lập. Báo đảng như là con nhà giàu, luôn được nuông chiều, không chịu tập bơi cho nên ngồi trên thuyền vẫn khư khư ôm lấy phao. Báo ngành như là con nhà nòi ngư dân, biển khơi trùng điệp và bão tố không làm họ chùn bước.

          Đưa ra quy định, ở các địa phương, các ngành không có báo in. Như thế là áp đặt, tạo ra độc quyền, đi ngược lại sự cạnh tranh lành mạnh của báo chí.

             Quy định ấy, nếu được thực hiện, khác nào vung kiếm chém phăng tất cả báo ngành của địa phương, cho dù nó đang là món ăn tinh thần của số đông bạn đọc. Không phải là đối trọng nhưng không ít báo ngành địa phương tỏ ra lấn lướt và có sức hấp dẫn vượt trội so với báo đảng địa phương.

             Trực thuộc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh nhưng Thời báo Kinh tế Sài Gòn đứng trên nhiều tờ báo trung ương, kể cả nội dung cũng như hình thức thể hiện. Đây là tờ báo có thế lực về tiếng nói kinh tế trên phạm vi cả nước.

           Không ít tờ báo thuộc cơ quan trung ương, được hỗ trợ nhiều thứ nhưng họ phải tâm phục, khẩu phục báo Tuổi trẻ, cho dù cơ quan chủ quản báo Tuổi trẻ là Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh. Lượng phát hành và phạm vi phủ sóng. Sức mạnh phản biện và tính nhanh nhạy kịp thời. Những tiêu chí ấy cực kỳ quan trọng, khi đưa lên bàn cân, nhiều tờ báo trung ương phải gọi báo Tuổi trẻ bằng… bác.

             Các địa phương không có báo ngành. Quy định ấy nếu được (bị) thực hiện thì Thời báo Kinh tế Sài Gòn, báo Tuổi trẻ và một số tờ báo ngành có uy tín của địa phương buộc phải tự kết liễu. Lẽ nào lại phi nghề nghiệp và trái khoáy về mặt chính trị đến mức như thế.

            Những người làm quy hoạch báo chí hình như xa lạ với báo chí địa phương, trận địa vô cùng rộng lớn và quan trọng. Báo đảng địa phương khô cứng, đơn điệu, chủ yếu nói một chiều. Tồn tại nhờ bao cấp, phát hành bằng biện pháp hành chính (bắt phải mua). Nếu “diệt” hết báo ngành địa phương (theo quy định trong quy hoạch của bộ 4T ) thì hệ thống báo chí địa phương càng trở nên đơn điệu, nghèo nàn, thuần túy minh họa một chiều.

             Phát triển công nghiệp phụ trợ, nội địa hóa sản xuất ô tô có vô số lần quy hoạch nhưng thất bại ê chề.

            Từ trung ương đến địa phương luôn gào thét thực hiện quy hoạch tạo nguyên liệu cho dệt may, gia dày. Sau hàng chục năm gào thét, quy hoạch vẫn nằm trên giấy.

            Quy hoạch báo chí liệu có rơi vào tình trạng đó hay không.


           Dùng biện pháp hành chính ép buộc, bắt phải thế nọ, bắt phải thế kia thì tuyệt nhiên đó không phải là quy hoạch theo đúng bản chất khoa học khách quan của nó.

Bá Tân

1 nhận xét: