Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Hạt muối xưa còn mặn đến bây giờ

Tôi chả biết người ở nước khác thế nào, có được đi đâu mà biết, nhưng người dân nước mình, như tôi chứng kiến, thì hiểu có tính lo xa.

Thì đấy, mấy bữa nay, thiên hạ nháo nhào chuyện nước biển bị nhiễm độc, cá chết tràn bờ. Những người thông minh chợt hiểu rằng biển không chỉ cung cấp cá mà còn nhiều thứ khác, trong đó có muối. Thiếu cá thiếu tôm thì còn chịu được, chứ thiếu muối một thời gian thử xem, chỉ có nước bị phù thũng. Mặt cứ bủng ra, vàng vọt, lại chả cuống lên, coi hạt muối bằng giời.

Báo chí hôm nay 28.4.2016 viết dân tình đang nhao nhác đi mua muối. Bình thường, mua một vài ký là cùng, để nấu nướng, để pha loãng rửa rau, có người còn cẩn thận nước rửa chim cho em bé cũng bỏ vài hạt muối. Thấy bảo lúc này, người ta đang khuân về nhà cả chục ký, phòng khi biển Đông không chỉ bị ngộ độc. Khiếp, cả yến muối trong nhà, quá thời chiến tranh.

Mà cũng phải, dân ta có tính lo xa, biết tích cốc phòng cơ (trữ lương thực phòng khi đói kém, mất mùa). Điều này rõ nhất ở người miền Bắc, trong nhà lúc nào cũng như cái kho dự trữ, đủ các món; chẳng như người Nam Bộ mà tôi biết, sống khá phóng khoáng, làm bao nhiêu xài bấy nhiêu, chả nghĩ ngợi nhiều, lúc nào cũng cười hơ hớ. Nói như thế không phải để phân biệt vùng miền, chê chỗ này khen chỗ nọ, mà để ghi nhận cái đặc điểm xứ sở tạo ra tính cách con người. Miền Bắc đất chật người đông, bão gió nhiều, thời tiết khắc nghiệt, cuộc mưu sinh đầy những bất trắc nên phải lo xa. Miền Nam thì ngược lại. Vậy thôi.

Nói chuyện tích trữ muối, lại nhớ thời chiến tranh. Hải Phòng quê tôi tuy là vùng biển nhưng những năm 60-70 cũng thiếu muối. Phòng mà còn thiếu muối thì ở vùng Việt Bắc, Tây Bắc muối là hạt vàng. Một nhà thơ viết “Muối lên rừng tay bưng tay đặt” để thấy sự trân trọng, quý giá hạt muối đến thế nào. Có những nơi, cả năm thương nghiệp không đưa lên được chuyến muối nào, dân phải ăn tạm bằng nước tro, có chút vị mằn mặn. Có tỉnh vùng cao, muối được coi là một trong những thứ hàng phân phối tết. Trong gói hàng tết gồm mứt, trà, vài bao thuốc lá, chai rượu mùi…, có cả ký muối.


Hồi ấy, muối đâu được đẹp đẽ trắng trẻo, lại trộn thêm cả i ốt i iếc như bây giờ. Chỉ có duy nhất thứ muối thô, hột to bằng hạt đỗ xanh, góc cạnh, đen bẩn, ngả màu vàng đất. Cũng chả đóng từng ký từng gói như bây giờ. Xe bò kéo hoặc xe cải tiến cứ đánh một chuyến về, đổ thành đống trên nền gạch, người ta lấy xẻng xúc vào góc nhà, ai mua thì bán. Cái nhà gạch của hợp tác xã mua bán ở cạnh nhà tôi, chứa muối suốt cả chục năm, muối ăn mòn cả tường gạch, đến khi không dùng nữa, co chân đạp khẽ đã đổ cái ầm.

Khi máy bay Mỹ ra ném bom miền Bắc, cửa hàng thương nghiệp huyện Kiến Thụy phân tán nhỏ lẻ về các xã. Cái sào ruộng ngay trước nhà tôi, vốn của gia đình tôi bị sung công vào hợp tác xã nông nghiệp, được chọn xây cửa hàng bách hóa xã. Gọi là bách hóa nhưng hàng hóa chả mấy, lèo tèo ít vải phin hoặc diềm bâu, văn phòng phẩm cho học trò, bát đĩa thô kệch, dầu hỏa, mắm muối, chủ nhật có thêm thịt lợn. Do nhà tôi ngay sát cửa hàng nên hai chị mậu dịch viên là chị Phin và chị Cót ở luôn nhà tôi cho tiện. Chị Phin người xã Đại Đồng, mặt hơi thô nhưng mũm mĩm trắng trẻo, thích đọc sách. Chị có cuốn Truyện cổ Grim dầy cộp, cho anh em tôi mượn, đứa nào cũng đọc say mê, có hôm tranh thủ lúc nấu cám lợn cũng lôi ra đọc, cháy cả cái nồi đồng, thày tôi lại phải xách sang Tú Đôi vá lại. Hồi tôi học lớp 5, mùa đông rét lắm, chị Phin còn cho ngủ chung, ấm ơi là ấm.

Chị Cót người làng Quế Lâm cùng xã tôi, chị của cu Đến học chung với tôi từ lớp 1 đến hết lớp 7. Xong cấp 2, Đến vào học trường 7+3 Kiến An, đang học dở thì đi bộ đội, mãi sau ngày đất nước thông nhất mới về học lại. Chị Cót bị tật một chân, đi khập khiễng, nhưng chị có duyên, răng khểnh, nói năng nhỏ nhẹ, anh em tôi quý lắm. Bu tôi cũng quý hai chị, luộc củ khoai cũng bảo để phần chị Phin chị Cót. Đáp lại, hai chị thấy có hàng gì quý hiếm dư thừa thì nhắn bu tôi ra mua. Mà nào phải vàng bạc châu báu gì cho cam. Khi thì vài lít dầu hỏa, lúc lít mắm Cát Hải, lúc vài mét vải, dăm ký muối… Bu tôi đem dầu lửa đóng vào chai chôn tất ra vườn, cần thì lại ra bới lên từng chai một. Còn muối thì chứa vào cái chõ xôi đất nung rõ to, để ở góc bếp. Nhờ vậy mà nhà tôi chả khi nào thiếu muối.

Giờ lại nghe người ta đi mua muối về dự trữ, chợt bần thần nhớ lại những tháng năm xa.


Nguyễn Thông

6 nhận xét:

  1. "nhưng người dân nước mình, như tôi chứng kiến, thì hiểu có tính lo xa"

    Bác Thông nói đúng . Dân làm ra tiền & cán bộ có tiền ở Việt Nam đều lập thủ phủ/căn cứ địa ở nước ngoài, Việt Nam chỉ còn là chỗ kinh doanh kiểu du kích/khủng bố.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa