Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Viết lại chuyện ông Choi

Chả hiểu sao, bao năm nay, cứ gần ngày 30.4 là tôi lại nhớ ông Choi.
Tôi đã có lần nhắc đến ông Choi. Đời tôi lận đận, chẳng được lên voi nhưng xuống chó xuống mèo nhiều lần. Lúc làm chủ (thực ra làm thuê cho nhà nước, bán cháo phổi, chả chủ với ai, chỉ chủ với chính mình, còn nói theo cách của ông Lê Duẩn hồi ấy thì làm chủ tập thể, rất mơ hồ), khi làm thuê, lao động chân tay trí óc đủ cả. Cái dạo làm thuê đó, ông Choi là ông chủ của tôi.
Chả là năm 1992, đang làm giáo học, lương chết đói sống khổ quá, tôi xin nghỉ một cục rồi đi làm thuê cho một công ty của Hồng Kông chuyên về may mặc. Chủ công ty Việt Thái này là người Hoa ở Hồng Kông, thông thạo cả tiếng Anh, Hoa, Việt, Pháp, nói tiếng Việt còn giỏi hơn tôi. Ông Choi Wan Hoi (tên ông ấy), mấy người Hoa ở Chợ Lớn đến xin việc gọi là ông Thái (phiên âm từ chữ Choi) thường rủ tôi đi cà phê cà pháo bất cứ lúc nào rảnh, ông ấy đùa, bảo để "xâm nhập thực tế".
Ông ấy giỏi, khá nghiêm với cấp dưới nhưng sống có tình, trọng ơn nghĩa, có trước có sau. Dạo ông kêu tôi về làm, ông bảo anh ạ, tôi cần anh gánh cho tôi cái công việc tổ chức nhân sự, giống như việc của ông Lê Đức Thọ. Anh được toàn quyền chọn người, nhưng tôi nói trước, đám bên vợ tôi nó hay gây sự lắm, anh đừng để bụng. Tôi bảo vâng vâng, ông biết tính tôi rồi, làm thì làm, không làm thì nghỉ, có gì đâu. Ông xua tay, chết chết, thế thì còn nói làm gì.
Cần nói thêm, vợ ông cũng người Phòng quê tôi. Ông vốn dân phố Khách (phố Quang Trung, Hải Phòng bây giờ), lấy nhau rồi đến năm 1970 kéo cả nhà về Hồng Kông. Bà này chảnh chọe, ưa làm phách trước nhân viên của chồng. Thấy ông ấy tin cậy tôi, bả ức lắm, phá bằng được, để đưa con cháu vào. Ông Choi thấy vậy khá phiền lòng. Tôi chủ động gặp ông, thưa ông, mai tôi nghỉ để ông đỡ khó xử. Ông rằng, anh ơi, anh ráng giúp tôi, nhưng lúc này tạm lui một chút, anh chịu khó lui về coi kho dưới X28 Gò Vấp nhé. Rồi mình sẽ tính lại. Anh có vợ, anh biết rồi đấy, chấp gì đám đàn bà. Tôi thông cảm với ông, về ở ẩn dưới Gò Vấp suốt 3 năm trời.

Ông thường bắt cậu tài xế chở ông xuống chơi với tôi, bảo để tôi đỡ buồn. Tôi đùa, buồn cái đếch (ông rất thích tôi bỗ bã như vậy, nói để học thêm cái hay cái đẹp của tiếng Việt), ngày hai bữa, nằm khểnh trông cái kho, muốn ngủ thì ngủ, muốn chơi thì chơi, sướng bỏ mẹ. Ông cười, vậy thì không được, đám thằng Tinh, thằng Tô, thằng Sầm, thằng Ken, con mẹ Jean (mấy chuyên gia người Trung Quốc) nó đang khiếu nại lên tôi kia kìa, chúng nó nói A Thúng (anh Thông) được việc, đàng hoàng, không để lãng phí như thế. Tôi phải kéo anh về, con vợ cằn nhằn cũng mặc xác nó. Một tuần sau, ông xuống lôi tôi về, tôi chấm dứt cuộc sống nhàn tản, lại lao vào cuộc mưu sinh vất vả.
Hồi nãy tôi kể ông Choi sống có tình. Gần tết ta năm 1994, ông nhờ tôi khi ra thăm quê thì giúp ông một việc. Chả là ông có người thầy học cũ dạy tiếng Pháp hồi ông còn nhỏ, giờ già sống ở nhà 81 Lạch Tray, thiếu thốn lắm. Ông đưa tôi 200 USD, bảo anh đưa biếu ông cụ giúp tôi, nói của học trò cũ. Tôi ghé thăm cụ (lâu quá quên tên rồi), thưa cụ, ông Choi gửi chút lòng thành mừng tuổi cụ. Ông cụ rơm rớm nước mắt, anh ạ, tết năm nào ông ấy cũng có quà cho tôi. Sao lại có thứ người quý hóa thế không biết.
Một hôm gần ngày 30 tháng 4, ông Choi gọi tôi lên phòng ông ấy. Đóng cửa xong, ông nghiêm mặt, nói: Tôi chán cái nhà nước của các anh quá, nó hành đám đầu tư nước ngoài chúng tôi khổ sở vất vả trăm bề. Chịu không nổi thì tôi sẽ rút sang Thái Lan.
Tôi hỏi ông có chuyện gì vậy, ông bảo xứ anh lắm lễ quá, đủ thứ lễ lạt, bày vẽ đủ kiểu, biến thành luật, bắt chúng tôi phải thực hiện. Tết nhất ta tây đã đành một nhẽ, đằng này nào là 8 tháng 3, 30 tháng 4, 1 tháng 5, 1 tháng 6, 27 tháng 7, 19 tháng 8, 2 tháng 9, 22 tháng 12, giỗ tổ giỗ cụ... đụng vào là tiền, là phải cho công nhân nghỉ. Đơn hàng cần làm gấp, nhưng không cho công nhân nghỉ lễ thì sinh chuyện, rồi họ lại tố chúng tôi bóc lột, đày đọa công nhân. Tôi sợ lắm. Bên Thái Lan chúng tôi chỉ sợ một nhà vua, còn bên này ông bà nào cũng là vua.
Năm 1995 do công ty bị dời ra khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức nên tôi chia tay ông. Sau thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, ông Choi càng bi quan về triển vọng làm ăn tại VN. Làm thêm vài năm nữa, đến năm 2002 ông về Hồng Kông, từ bấy không liên lạc được. Vừa rồi có nghe ông bị bệnh nặng kéo dài, chả biết ông có còn không.
Nguyễn Thông

8 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Oh, bác Thông cũng một thời làm nhà giáo Xã Hội Chủ Nghĩa mang trách nhiệm đào tạo thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh .

    "Tôi chán cái nhà nước của các anh quá, nó hành đám đầu tư nước ngoài chúng tôi khổ sở vất vả trăm bề"

    Ui sời, nhà nước Cộng Sản mà cứ tưởng bở! Phải thế bác Thông mới tin yêu và truyền niềm tin yêu Đảng & Bác Hồ vĩ đại của mình vào đám trẻ chớ .

    Chút thắc mắc, học trò bác có đứa nào làm dư lợn viên không ? Nếu có thì bác nên mừng vì đã làm tròn nhiệm vụ Đảng & Chính phủ giao phó .

    Trả lờiXóa
  3. Anh Thông quí mến!
    Theo tôi, thời điểm này, anh nên viết bài suông và khóa chế độ hiển thị còm. Anh phải tự thấy, bạn bè Anh rất nhiều, bạn đọc anh rất đông, vì sao họ không còm? Không ai rồ dại sắp cùng hàng với một thằng Bangladesh nửa âm nửa dương và một thằng nữa, chuyên trích một câu viết của Anh rồi nhốt vào khung ngoặc kép để đay nghiến vu vơ như chị mất gà, chẳng ra hồn nên vía gì cả. Đến phút này, tình cảm của mình dành cho thongcao55 và với Anh vẫn trong trẻo và quí mến như thuở nào. Từ đáy lòng, thưa với Anh đề xuất đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em chưa biết cách, anh ạ. Em cũng vất vả để xóa. Để em hỏi các chuyên gia xem sao. Cảm ơn anh.

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
    3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
  4. Sắp có "nhát sỹ" Nguyễn Thông! he! he! hoặc thành ông "đi tìm cái tôi đã mất"!? Tôi nếu viết được tôi sẽ là Trần Độ! ít nhất tôi sẽ thành ông Phạm Viết Đào!

    Trả lờiXóa
  5. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa