Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Số phận quảng cáo (phần 3)

Nhắc lại, mấy tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên những năm huy hoàng về thu quảng cáo, dăm bảy trăm tỉ đồng/năm là chuyện thường. Như tờ Tuổi Trẻ, không phải khách hàng (doanh nghiệp, dịch vụ) nào muốn quảng cáo cứ đem tiền đến là xong đâu, có khi phải xếp hàng chờ dài cổ mới đến lượt bởi “đất” quảng cáo đã kín chủ, thậm chí chờ cả tuần. Nhưng chờ thì chờ, các sếp đã dặn rằng phải quảng cáo bằng được trên Tuổi Trẻ hoặc Thanh Niên, thì mới có nhiều người đọc.

Khách quảng cáo khôn lắm, đồng tiền liền khúc ruột, một xu chi ra cũng phải thật hiệu quả. Họ hiểu quảng cáo trên truyền hình là nhiều người biết đến nhất, bởi dân chúng thời nay có thể không đọc báo, chứ hầu hết coi tivi. Chỉ có điều, bọn tivi chém ác quá, VTV quốc gia hoặc HTV Sài Gòn mài dao sắc lẻm, khách quảng cáo vừa lớ ngớ chui vào là chém cái phập. Muốn lên sóng, nhất là vào giờ vàng, chen vào giữa những bộ phim hay, cứ nôn tiền ra. Giá phổ biến của hai đài này phải từ 120 - 150 triệu đồng cho 30 giây (nửa phút), riêng VTV1 hoặc VTV3 giờ vàng cứ chuẩn 210 triệu đồng/30 giây, không chịu thì đi chỗ khác chơi. Ta có thể hiểu được vì sao bọn tivi lại giàu có xúng xính thế. Ác nhất ở chỗ nó là cơ quan truyền thông của nhà nước, được cấp ngân sách nhưng tha hồ kiếm tiền bỏ túi riêng. Cũng chẳng khác bọn dầu khí bao nhiêu, dầu khí là tài nguyên quốc gia nhưng hút lên thì trước hết béo cho dân trong ngành, sau mới là nhà nước. Chỉ khổ thằng dân còng lưng đóng thuế nuôi mấy đứa giàu ăn chặn cả ngân sách lẫn mồ hôi nước mắt mình.


Nói cho công bằng, không phải báo nào cũng hút khách quảng cáo, báo nào cũng rủng rỉnh tiền quảng cáo. Nhiều tờ quanh năm khát quảng cáo, trông ngóng khách hàng như trời hạn trông mưa. Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, tạp chí Cộng sản… chả nói làm gì, có hay không cũng kệ, vú ngân sách cứ việc bú thoải mái, không cần khách khiếc. Những tờ báo đảng bộ của 63 tỉnh thành cũng đã có đảng nuôi (thực chất là dân nuôi). Nhiều tờ chiếu giữa và chiếu dưới kiểu Tiền Phong, Người lao động, Lao động, Công an TP.HCM… hằng ngày chỉ lèo tèo vài ba trang quảng cáo, thở thoi thóp như cầm hơi qua ngày đoạn tháng. Muốn dày trang hơn cũng chả được.

Có mấy tờ báo đảng địa phương, như tờ Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới khoản quảng cáo có khá hơn so với đồng loại, nhưng thực chất do khách hàng doanh nghiệp muốn “cầu thân”, tạo quan hệ để lỡ xảy ra chuyện gì nó sẽ nhẹ tay, ne né cho. Trên thực tế, người ta vẫn thường gặp, khi có doanh nghiệp nào có vấn đề, bị chiếu tướng, bị đánh là y như rằng chỉ một vài hôm sau đồng loạt quảng cáo trên rất nhiều báo. Cũng có báo (vì lý do này khác) từ chối thẳng thừng, tuy nhiên phần lớn là OK, tội gì từ chối, mấy ai chê tiền, mình không thu thằng khác sẽ thu. Ngậm tiền của nó rồi thì khó nói, bèn lờ đi, tặc lưỡi thôi tha cho nó, kiếm thằng khác đánh tiếp để nó phải chạy đến cầu cạnh mình.

Khi cơ quan quản lý ban quy định về quảng cáo, chẳng hạn chỉ được tổ chức bao nhiêu trang, thế là một vài anh to to ranh ma tìm cách lách, đưa quảng cáo vào trang nội dung, vẽ vời ra mục này mục khác, thêm phụ trang ABCD… Những bài trên đó, đọc vài chữ là thấy mùi quảng cáo xông lên nồng nặc ngay, đố giấu được. Nhà quản lý thừa biết nhưng có lẽ có sự ăn chia nên cũng lờ đi. Khách hàng quảng cáo rất thích kiểu này bởi nó nhập nhèm được giữaa quảng cáo và nội dung, chỉ có người đọc bỏ tiền ra mua báo là thiệt. (còn tiếp)

Nguyễn Thông





4 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
  3. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa