Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Chuyện ăn độn (2)

Phần trước, tôi đã nhắc chung đến việc ăn độn ở miền Bắc trước năm 1975 và trên cả nước sau thời điểm ấy. Thực ra thì không phải ai cũng chịu cảnh ăn độn. Cán bộ trung ương dù thời nào cũng vậy, ngay cả khi chiến tranh ác liệt, gian khổ, thiếu thốn, đói kém nhất vẫn không phải ăn độn. Họ còn có cả vùng quy hoạch trồng lúa đặc sản ở Mễ Trì (huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội) hoặc vùng lúa huyện Hải Hậu (Nam Hà, tức Nam Định và Hà Nam bây giờ) chuyên cấy lúa tám thơm, dự hương cung cấp gạo ngon cho trung ương. Hồi những năm 1973-1976 tôi học đại học, trường nằm ngay vùng lúa Mễ Trì ấy, buổi chiều ra đồng ngồi hóng gió, hương lúa thơm dìu dịu như say lòng người. Cây lúa còn thơm như vậy thì hạt gạo thơm đến thế nào.

Dân chúng chẳng ai tị nạnh với cán bộ trung ương làm gì. Quan to thì phải có chế độ đặc biệt, kể cả hạt gạo. Điều đáng quý thời ấy là những cán bộ nhơ nhỡ, be bé đều chịu chung cảnh đói kém với dân. Những cán bộ xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, HP) quê tôi như ông Sơn, ông Hoạt, bà Tươm… gia đình nào cũng ăn độn như bao gia đình xã viên khác. Anh Tế con bác họ tôi là chủ nhiệm HTX nhưng giở vung nồi cơm nhà anh thấy tinh những sắn. Tôi học chung cấp 1 với anh Nguyễn Đình Gơ con bà Tươm phó bí thư xã, một lần đến rủ Gơ đi học nhóm, trúng bữa cơm Gơ rủ vào ăn một bát hẵng đi, nồi cơm cũng chỉ toàn khoai lang độn vào, được mời ăn cơm mà kỳ thực là ăn khoai, vật chất nghèo nàn nhưng cái tình thì nhớ mãi.

Thèm cơm là sự thèm thuồng thường xuyên của đám trẻ con sống ngay giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ thời ấy. Chả ao ước điều gì ghê gớm, nhiều khi chỉ ước có bát cơm trắng không độn chan nước cá kho cũng đủ thỏa khao khát. Hạt thóc thời đó là hạt vàng, phải nộp lên kho thóc nhà nước để xay gạo gửi ra tiền tuyến nuôi bộ đội, ráng chịu thèm nhạt, đói thiếu để chờ ngày chiến thắng nên ai cũng chấp nhận.
Thứ độn vào nồi cơm thì đủ cả. Thông thường nhất là khoai khô, khoai lang, khoai tây, sắn, khoai sọ, củ mình tinh, mì sợi, hạt bo bo, bột mì nặn thành từng cục, có khi cả các loại đỗ. Khó ăn nhất là bột mì, vài bữa ngán ngay. Không có dầu mỡ để rán bánh như bây giờ, chỉ còn cách ngào nặn thành từng cục hấp hoặc bỏ vào nồi cơm. Bột mì mới còn đỡ, gặp phải mẻ bột cũ đầy mọt hoặc cứt gián phải đem rây lại. Mà cái thứ cứt gián thật ghê gớm. Cả nồi cơm chỉ cần bị một cục cứt gián là hôi ùm, không ăn thì đói, ăn vào cứ muốn nhổ ra ngay.

Nhiều khi cơm độn cũng chả đủ cho nhà đông miệng ăn, nhiều nhà phải dùng đến cách độn gián tiếp là ăn thật nhiều rau củ. Nhà tôi sau khi đã vào hợp tác xã cũng thiếu gạo như những nhà xã viên khác, cơm chỉ 2 lưng bát mỗi người nên rau thành món độn. Có những bữa, rửa rau muống cả rổ sề, chỉ luộc chấm mắm cáy thôi, thế mà cũng ăn hết. Mùa nào thức ấy, canh rau cải, rau tập tàng (gồm những loại rau dại như rau sam, rau dền, rau má… nấu chung với nhau), mướp, rau ngót, ngọn khoai lang, ngọn bí, đọt bầu, mùng tơi… chiếm lĩnh mâm cơm, cứ xanh ngăn ngắt. May mà ăn rau nhiều không chán, lại sẵn nữa, không thì chết đói.

Lại nhớ sau khi nhạc sĩ Vũ Trọng Hối có bài hát Bước chân trên dải Trường Sơn, được ít lâu thì có bài chế theo. Lời nguyên của nó là “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/đá mòn mà đôi dép không mòn/Ta đi nhằm phương xa/gió ngàn đưa chân/ta về quê hương/quân về trong gió đang dâng triều lên” được chế thành “Ta lại đi và nấu cơm nồi nhôm/Rế mòn mà cái đít không mòn/Ta bắc nồi cơm lên/sắn nhiều hơn ngô/ngô nhiều hơn khoai/khoai nhiều hơn cơm/trông nồi cơm đó thấy sao mà ngán”, đứa nào cũng thuộc, ngồi dăm ba đứa lại hát inh ỏi cho vui và đỡ đói. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

4 nhận xét:

  1. Miền Nam, nhờ các đảng viên hoạt động nội thành góp phần giải phóng miền Nam, dân trong này mới biết ăn độn là gì . Giải phóng xong, dân miền Nam học được nhiều thứ trước giờ chỉ có miền Bắc xã hội chủ nghĩa mới biết .

    Thiệt, nhớ công ơn hy sinh của thế hệ trước quá đi mất! Nhớ không biết để đâu cho hết nên tống hết xuống hồ cá tra . Cá tra ăn xong, chết như cá ở Vũng Áng vậy .

    Trả lờiXóa
  2. Mình thích "Độn" ghê? Này nhé: Vú độn xa chiêng! Vợ độn thêm tình nhân? Rượu độn chuối hột? đảng thì độn công an? Công an lại độn côn đồ...Đừng xóa commen mình buồn lắm bạn à.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình thích cái còm của bạn lắm nhưng cũng phải chỉnh lại một tý.
      Ngoài ăn độn như bài viết của bác Thông ra thì còn phải kể đến mặc độn nữa.Mỗi cái quần cái áo đều phải "độn" đến dăm ba miếng vá,mùa rét khi đi ra đồng nhiều người phải quấn độn cả cái màn rách vào trong rồi mặc cái áo (cũng rách) ra ngoài.
      Tuy nhiên những thứ như bạn nói thì ngày đó lại không bị "độn" như bây giờ.

      Xóa
  3. dọn ăn con đó chúng nó còn đón cả mớ lý thuyết tào lao cho dân tộc nữa , thế mới chết chứ !!!

    Trả lờiXóa