Sáng 24.3, khi hầu hết bàn dân thiên hạ dành sự quan tâm, chăm chú vào cơn dịch “Cô Vít” đang diễn ra toàn cầu, ít để ý tới những điều khác, thì thật bất ngờ, trang chủ Google đã có động thái đặc biệt: Tôn vinh bánh mì Việt Nam. Xin nhớ rằng, trên trang chủ của công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới này, một năm 365 ngày, mỗi ngày một sự tôn vinh hoặc tưởng nhớ, được hiện lên cho cả thế giới tỏ tường suốt 24 tiếng đồng hồ không phải dạng vừa đâu, bởi đó là siêu quảng cáo cho hàng tỉ lượt người xem. Xứ Việt ta cũng không ít lần có những danh nhân, sản phẩm được ngự lên ngai Google Doodle vinh quang ấy, chẳng hạn Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Xuân Quỳnh, Bùi Xuân Phái, Trịnh Công Sơn, ca trù, áo dài…, nay là bánh mì. Các nhà quản lý Google thật đáng yêu, thật dễ thương, đứa cháu tôi bảo vậy.
Theo dòng thời gian dài dằng dặc, người Việt ra nước ngoài nhiều, mà người xứ khác tới xứ ta cũng rất nhiều. Người đi đem theo bản sắc, đặc trưng, đặc sản của dân tộc, mà người đến cũng luôn có ý tìm tòi, thưởng thức những thứ ấy. Món ẩm thực đặc sản được tôn vinh, được quan tâm nhất là phở. Nói tới phở, nghĩ ngay tới thức ăn Việt khiến người ta chóp chép miệng, thòm thèm. Phở Việt tỏa khắp thế giới, in dấu ấn ăn uống ở cả những nơi cách xa cội nguồn của nó hàng vạn cây số. Cứ chỗ nào có người Việt thì nơi đó có phở, dù Âu, Mỹ, Úc, Phi châu. Nhìn cái cảnh người Tây xếp hàng dài chờ mua bát phở ở nhà phở Bát Đàn danh tiếng đất Hà thành mà không khỏi ngầm tự hào về món ăn Việt. Phở như thứ quốc hồn quốc túy xét về mặt ẩm thực Việt, ai chả hãnh diện.
Thôi thì phở có từ lâu đời được tôn vinh đã đi một nhẽ, giờ bổ sung vào danh sách món ăn ngon dạng quốc túy ấy, lại không phải thứ gì khác, ví dụ “bún chả Obama” chẳng hạn, mà chính là bánh mì. Bánh mì Việt. Một thức khoái khẩu dường như khá mới, tân thời, nhưng mau chóng đánh đổ được cái mồm của hàng triệu người khắp địa cầu, há chẳng sướng sao.
Muốn làm bánh mì, điều kiện tiên quyết phải có bột mì. Nước Việt chuyên trồng lúa gạo, tự hào về nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm, chỉ sẵn gạo chứ bói đâu ra lúa mì, bột mì. Người phương tây xưa kia đã đem bột mì tới, chắc họ không ngờ rằng một ngày nào đó con cháu họ tới Việt Nam, trong bản danh sách cần thỏa mãn của chuyến du hí có món bánh mì Việt.
Lẩn mẩn nhớ lại thời còn bé, những năm 1960 ở miền Bắc, tôi thường nghe thày (bố) tôi gọi bánh mì là bánh tây. Mỗi khi có người nhà ở thành phố về quê chơi, món quà vừa bình dân vừa quý hiếm chính là bánh tây. Nông thôn chỉ sẵn khoai sắn, hoa quả vườn nhà chứ bánh mì chỉ năm thì mười họa mới có ăn. Bánh mì là quà thành phố, khoai lang là quà thôn quê, trao đi đổi lại. Hiếm thì quý trọng nâng niu, vậy thôi.
Khi máy bay Mỹ đánh ra miền Bắc, việc sản xuất lương thực ngày càng khó khăn nên dòng hàng viện trợ từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ngày càng tuôn về mạnh. Bột mì dần trở nên quen thuộc với mọi người, kể cả ở nông thôn. Những người đi thoát ly, làm cán bộ công nhân viên nhà nước được phân phối lương thực, trong tiêu chuẩn hằng tháng số ký gạo cứ giảm dần, thay vào đó là bột mì. Tàu biển Liên Xô cập cảng Hải Phòng, ngoài chở súng đạn xe pháo tên lửa, còn lại chủ yếu bột mì. Lúc đầu người ta háo hức với bột mì, làm bánh này bánh nọ, luộc hoặc hấp cơm, rán bánh xèo, làm mì sợi, ăn các kiểu tây. Sau nhiều bột quá, khẩu phần 14 ký gạo/tháng chịu tới chục ký bột mì, nặn bánh mãi, cán mì sợi mãi cũng phát chán. Chưa kể bột để lâu trong kho, bảo quản không tốt, bột cũ… tinh những mọt đen bò lổm ngổm. Ông anh tôi đùa bảo ăn thế càng bổ, càng nhiều chất đạm. Ở thành phố, có những tiệm gia công bánh quy gai xốp, khách đem bột tới, trả tiền công, cứ quy số trọng lượng bột ra số lượng bánh. Khổ nỗi thứ bánh quy (gai, xốp) này chỉ để ăn chơi, không thay bữa chính được, mà tiền công cũng đắt đỏ nên nhiều lúc khổ chủ ôm bụng đói ngó đám bột đã ngả màu lắc đầu ngán ngẩm.
Huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) quê tôi, hơn chục năm trời, từ giữa thập niên 60 tới giữa 70, cả huyện có mỗn lò bánh mì ở làng Cẩm Hoàn, xã Thanh Sơn. Đám trò cấp 3 đi học qua đó, bụng đứa nào cũng cồn cào, ngửi mùi thơm bánh mì tỏa ra, chịu không nổi, phải rảo bước cho nhanh. Lão Cước cùng lớp tôi có lần bảo, chúng mày ạ, tao chỉ ao ước được làm ở lò bánh mì, ăn thoải mái. Tôi cũng thế, thèm bánh mì nhưng chỉ thích được ăn phở bởi tới tận lớp 10 (cuối cấp 3 thời ấy) đã gần 17 tuổi nhưng chưa được ăn phở bao giờ.
Suốt thời gian sinh viên, bánh mì cũng là thứ ký ức khó quên. Sau bữa cơm chiều, lớp phó xuống phòng đời sống của cô Thụy góc nhà ăn KTX Mễ Trì lĩnh bánh mì về cho cả lớp. Đó là tiêu chuẩn ăn sáng hôm sau, mỗi đứa nửa cái, nhỉnh hơn nắm tay. Phải là kẻ thật bản lĩnh, nghiêm khắc với bản thân mới giữ được nó tới sáng hôm sau. Đám con trai, hầu hết làm nhoáng một phát đã kết liễu bữa sáng khi trời chưa kịp tối. Cùng phòng tôi có anh Xuân cán bộ đi học, tư tưởng vững vàng, lập trường kiên định, bỏ nửa ổ bánh mì vào hòm khóa chuông, bóp ổ khóa đánh tách, thế là khỏi thòm thèm. Nhiều đêm suốt mấy năm trời, đi ngủ nhưng cái bụng cứ óc ách ọc ạch, đầu chỉ nghĩ tới bánh mì, trong giấc ngủ chập chờn, chiếc bánh mì bay lởn vởn như một giấc mơ không có thật. Chẳng hề thấy giảng đường thầy cô bạn bè đâu cả, chỉ loang loáng những chiếc xe đẩy bán bánh mì của mấy cô mậu dịch quốc doanh, mấy cửa hàng đổi bánh mì ở góc Ngã Tư Sở, ở phố Hàng Bột, chợ Cửa Nam, và đặc biệt nhất là cửa hàng lương thực phố Hàng Đào, nơi có loại bánh mì gối đặc ruột, to như chiếc gối phải 2 người mới ăn hết một cái.
Thày tôi bảo ngày xưa người tây họ ăn bánh mì kiểu cách lắm, họ không cốt tọng no như chúng bay, chỉ vài lát chấm với sữa thôi. Nhà nào sang thì kẹp bơ, pho mát, thịt, duốc (chả bông). Anh em tôi cãi, bánh không còn chả có mà ăn, lại đòi sữa thì quá địa chủ cường hào. Nông dân, dân nghèo thành thị, sinh viên xơi bánh mì chủ yếu là ăn không, đứa nào “nhà có điều kiện” hoặc anh chị cán bộ đi học có tiêu chuẩn thì chấm đường. Gần như suốt thời thèm bánh mì, tôi chưa hề thấy bánh mì kẹp thịt. Hình như chả có hàng quán nào bán bánh mì kẹp thịt. Lấy đâu ra thịt, pa tê, pho mát khi cơm còn chưa đủ no, mấy thứ ấy bị coi là đồ xa xỉ, là nếp sống tư sản rởm đời.
Năm 1977 tôi vào miền Nam, vào Sài Gòn dạy học, mới thấy cuộc sống phương nam khác rất nhiều so với xứ bắc. Thật thà mà nói, đúng là trên giời dưới bánh mì. Vàng ruộm, thơm nức, giòn tan. Bánh mì Sài Gòn nức tiếng khiến người ta mỗi lần “lên thành phố” lúc trở về không thể quên mua món quà ngon miệng này cho người ở nhà. Đi đâu cũng gặp hiệu bánh mì, tủ bánh mì, người bán bánh dạo. Có một thời, ai cũng thuộc câu rao dễ thương “Bánh mì Sài Gòn đặc biệt thơm bơ. Bành mì Sài Gòn một ngàn một ổ”. Nhiều tiệm bánh mì kẹp, ngay bây giờ ta chỉ cần bỏ ra 15 nghìn là được một ổ ngon lành, đủ chất, thay một bữa cơm. Người Sài Gòn, chứ không phải ai khác, đã đưa bánh mì lên ngôi, tôn vinh bánh mì như một thứ đặc sản ẩm thực mới, đến ngay cả người Tây cũng phải thích, phải phục.
Hồi cuối thập niên 1990, chắc nhiều người còn nhớ, ở khu ngã ba Vũng Tàu tỉnh Đồng Nai xuất hiện siêu thị hiện đại đầu tiên trên nước Việt, do người Pháp đầu tư. Tại cái siêu thị Cora ấy (giờ đổi thành Big C) có món bánh mì Pháp, lạ lẫm và quyến rũ đến nỗi người tứ xứ đổ về, chỉ cốt mua được vài ổ baguette, gọi nôm na là bánh mì đòn gánh. Một đồn mười, mười đồn trăm, tôi cũng không hãm sự sung sướng được, phóng xe máy tuốt từ quận 5 Sài Gòn lên tận nơi, đi về gần 6 chục cây số, xếp hàng mua chục chiếc đòn gánh. Về nhà chia nhau, ai cũng tấm tắc khen ngon. Nhưng rồi qua thời gian, sự ham muốn đòn gánh nhạt dần, không thích nữa, bán ngay gần nhà vẫn chả thèm ghé ghiếc. Và cuối cùng đọng lại vẫn là bánh mì kẹp Sài Gòn, ăn mãi không chán bao giờ. Để rồi hôm nay chính ông lớn truyền thông internet quốc tế Google cũng phải chính thức thừa nhận. Tuyệt, bánh mì Việt, chính xác hơn là bánh mì Sài Gòn.
Nguyễn Thông
GS Nguyễn Văn Tuấn trong blog của mình cũng đã viết một bài về bánh mì Saigon, GS Tuấn cũng đã giới thiệu bánh mì Saigon cho một người nước ngoài ngồi kế bên trên chuyến bay về Úc. Tiếc là GS Tuấn không tiết lộ đã mua ỏ tiệm nào.
Trả lờiXóaCám ơn Anh đã đánh giá: " Người Sài Gòn, chứ không phải ai khác, đã đưa bánh mì lên ngôi, tôn vinh bánh mì như một thứ đặc sản ẩm thực mới, đến ngay cả người Tây cũng phải thích, phải phục"
Kính
giai đoan trước, chiến tranh mới kết thúc, kinh tế khó khăn; nghĩ lại mà thấy ớn
Trả lờiXóa