Người xứ ta đang xôn xao chăm chú tới vụ bắt bớ băng đảng Đường Nhuệ (theo như công an và báo chí, đó là đám xã hội đen) ở tỉnh Thái Bình. Hóa ra quê lúa hiền lành, tỉnh duy nhất ở miền Bắc không có đồi núi, lại gớm thế, sóng ngầm thế. Nói kiểu nhà văn Lê Lựu, là sóng ở đáy sông.
Vụ Đường Nhuệ có thể ví như vụ Năm Cam Thái Bình. Chỉ hơi khác tí, hồi những năm thập niên 90, vụ Năm Cam Sài Gòn do báo chí phanh phui, điều tra trước (công đầu thuốc về báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ, than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu), còn vụ Năm Cam Thái Bình thì phú lít công đầu, báo chí chỉ biết lẽo đẽo chạy theo phú lít, xin xỏ thông tin, phú lít xì ra được tí nào thì nhận “hồng ân” tí ấy.
Điều cần nói thẳng ra rằng, với thể chế này, kiểu cách quản lý xã hội như thế này, thì không chỉ ở Sài Gòn, Thái Bình mà bất cứ nơi nào trên xứ ta cũng có Nam Cam, Đường Nhuệ, chỉ có điều nó đã xuất lộ ra chưa mà thôi. Bịt chỗ này sẽ xì chỗ khác.
Đám Năm Cam, Đường Nhuệ, nếu không có kẻ chống lưng, nuôi dưỡng, quan hệ qua lại, cộng sinh, thì bố bảo chúng cũng không dám hó hé, chứ nói gì tung hoành ngang dọc như ở chốn không người. Tội chúng một, thì tội đám quan chức bảo kê phải mười, thậm chí trăm, nghìn, vạn. Lôi chúng ra, chả khác gì mới chỉ vặn tháo được mấy con ốc vít nhỏ trong cỗ máy tội phạm.
Các ông cầm quyền, nhất là “đức vua” Nguyễn Phú Trọng và ông trùm cảnh binh Tô Lâm, đều ít nhất đã vài lần khẳng định cuộc đấu tranh chống, diệt trừ cái xấu cái ác không có vùng cấm. Thời gian gần đây, các ông bà cầm quyền rất hay nói tới vùng cấm. Thực ra, thỉnh thoảng nhắc như vậy cũng chả khác gì tự gián tiếp thừa nhận luôn có vùng cấm. Dĩ nhiên xứ ta mới thế thôi. Cứ nơi nào pháp luật không được tôn trọng thì vùng cấm mở rộng, khuếch trương, sinh sôi, khó dẹp. Những xứ nơi tử tế đàng hoàng, chẳng thấy nhắc cấm kiếc bao giờ.
Vâng, không có vùng cấm. Vậy tôi hỏi, trên đồng lúa Thái Bình, băng đảng Đường Nhuệ có mặt từ khi nào, hoạt động từ bao giờ, đã trải qua mấy đời bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh, giám đốc công an tỉnh. Các ngài ấy làm quan trị nhậm địa phương, nếu đã trải qua nhiệm kỳ Đường Nhuệ, thì không thể không biết chúng, không thể vô can. Đó là chưa nói biết đâu chính họ còn chống lưng, bảo kê cho kẻ phạm tội. Bây giờ chính quyền lôi Đường Nhuệ ra bắt chúng trả giá, điều mà dân chúng đang chờ đợi ở những ông từng tuyên bố không có vùng cấm, là hãy điểm mặt chỉ tên những kẻ ngồi chẳng chính ngôi, bao bọc đám Đường Nhuệ. “Mấy người phụ bạc xưa kia/Chiếu danh tầm nã bắt về hỏi tra”, dù chúng là bí thư, chủ tịch, giám đốc công an, cũng cứ đưa vào danh sách trị thật nghiêm minh. Khi ấy, không cần các vị giãi bày thỏ thẻ, ai cũng hiểu là không có vùng cấm.
Thương cho quê lúa Thái Bình. Thuở xưa Thái Bình nghèo khó, đất chật người đông, đi tứ tán tha phương cầu thực. Cụ tổ tôi cũng người gốc Thái Bình, quê làng rèn An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Đông Quan, nay thuộc huyện Thái Thụy, sang đất Hải Phòng làm ăn tới nay đã được 10 đời (họ nhà tôi đang lên kế hoạch sang lại quê gốc An Tiêm để tìm cội nguồn, sau vài lần thực hiện mà chưa tìm ra). Tôi từng rất thích bài hát về quê Thái Bình của nhạc sĩ Vĩnh An, “Thái Bình ơi Thái Bình, ai đặt tên cho đất Thái Bình tự bao giờ, mà trong nắng trong mưa lúa vẫn lên xanh tốt, mà trong bom trong đạn đất vẫn cứ sinh sôi”. Tôi quen một vị tướng công an, bác Phạm Chuyên kính mến, người rất yêu quê chôn nhau cắt rốn Thái Bình, cứ nhắc tới Thái Lọ (bình còn gọi là lọ) là mắt rưng rưng. Từng có một Thái Bình như thế. Giờ thì không thái cũng chẳng bình, tất cả do băng nhóm cộng sinh gây nên.
Còn vùng cấm, thì Thái Bình mãi mãi chẳng thể thái bình. Dứt khoát phải lôi cổ chúng ra.
Nguyễn Thông
Đúng là "không có vùng cấm" trong xử lý sai phạm của cán bộ, viên chức của chế độ, đặc biệt trong vụ Thái Bình. Bằng chứng rành rành là mấy con tép bự ở trung tâm quỹ đất và tiểu ban đấu giá đất Thái Bình đã bị truy tố để ...tế thần. Hãy vững tin như đã từng vững tin!
Trả lờiXóanước nào cũng có băng nhóm tội phạm, vấn đề là phải xử lý nghiêm khắc
Trả lờiXóa