Từ sáng sớm, thứ tư 18.3.2020, nếu tính theo lịch ta thì trùng với ngày 25.2 Canh Tý, gần như đồng loạt trên các báo tiếng Việt, tất nhiên là bản điện tử chứ bản giấy phải đợi tới sáng hôm sau, xuất hiện bản “cáo phó”, đăng cái “tin buồn”, rằng nữ ca sĩ Thái Thanh từ trần.
Vẫn biết luật tự nhiên và cũng là luật đời, sinh lão bệnh tử, dù có bậc thánh nhân hay hoàng đế vĩnh cửu, dù có là “giọng hát vượt thời gian”, là Thái Thanh chăng nữa, cũng không thoát được, nhưng khi nghe tin bà ra đi, thọ 86 tuổi (bà sinh năm 1934), vẫn thấy buồn, vì nhiều lẽ.
Có nhẽ chưa khi nào một ca sĩ hải ngoại (cách gọi quen thuộc để chỉ những ca sĩ người Việt bỏ nước ra đi, hành nghề ca hát ở nước ngoài) được báo chí trong nước nhanh nhảu đưa tin nóng sốt, mến mộ, tiếc thương như vậy. Thử điểm nhặt trên các báo, đủ dạng thông tin, nào là bài, tin, là chuỗi ký ức, kỷ niệm xưa, là những câu chuyện kể, và nhiều nhất là hình ảnh nữ danh ca lừng lẫy một thời. Tất cả đều gắn với cái tên đã bám chặt, đi vào cuộc sống âm nhạc xứ ta: Thái Thanh.
Lứa chúng tôi, sinh giữa thập niên 1950, lại ở miền Bắc, lớn lên trong thời chiến tranh đối địch bắc - nam nên càng ít biết về Thái Thanh. Nguồn thông tin thì thào, kín đáo, loáng thoáng chỉ hé ra rằng nữ danh ca vốn là con gái Hà thành, theo nghiệp cầm ca từ hồi kháng chiến 9 năm, rồi cùng gia đình bỏ kháng chiến, bỏ cách mạng di cư vào Nam. Những người hiểu biết hơn về thời ấy, về những con người ấy thì ‘hé” thêm Thái Thanh là em vợ Phạm Duy, một nhân vật mà cách mạng rất ghét, họ nói xong còn đưa ngón tay lên miệng suỵt suỵt, chỉ biết thế thôi, đừng nói ra mà lụy. Mở rộng hơn nữa, chị của Thái Thanh là ca sĩ Thái Hằng, vợ Phạm Duy (lại nhắc Phạm Duy, lại suỵt suỵt), em của nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Đình Chương. Chỉ cần biết tới bấy nhiêu thôi là có vẻ đã có kiến thức hơi bị nhiều về thứ văn nghệ bên kia chiến tuyến.
Tôi có mấy bà chị họ, những người từng lếch thếch tản cư ra vùng tự do ở Thái Bình, Thanh Hóa, hoặc ở ngay huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), tức là từng thấm cái âm thanh cao vút, trong vắt của Thái Thanh hồi hát ban nhạc Thăng Long, các bà chị lúc rảnh rỗi (thực ra chả mấy khi rảnh) lại ngồi ôn giọng Thái Thanh. Một bà chị, chị Hải sống ngoài phố, năm 1964 đưa con về nhà tôi sơ tán có lần bảo trong những ca sĩ, chị chỉ thích 2 giọng Thái Thanh và Thương Huyền. Chị còn kể từng được nghe cả bà chị Thái Thanh là Thái Hằng hát, nghe hai chị em song ca, nghe ông Phạm Đình Chương đệm ghi ta, rồi còn bảo bà Thương Huyền cũng chỉ là “bí danh” thôi (hồi ấy hay dùng từ này, chứ không có từ nghệ danh), chứ tên thực là Thường, thương huyền thường. Thật oái oăm, hai giọng oanh vàng mà bà chị thích, lúc này lại một nam một bắc, trong cuộc phân ly không biết khi nào mới đoàn tụ.
Miền Bắc những năm 60 – 70, nhạc vàng bị cấm tiệt. Tất cả những gì của xưa cũ mà cách mạng từng đánh đổ, liên quan dính dáng tới kẻ thù đều bị cấm. Kể cả văn nghệ nói chung, âm nhạc nói riêng. Để xây dựng hẳn một nền văn nghệ cách mạng mới trong sạch, hướng tới cái cao cả, vĩ đại. Gọi chung thành nhạc vàng, chứ đó là những bài nhạc cũ “ủy mị” riêng tư, cá nhân có từ thời chống Pháp, dù là sáng tác của ngay chính những thành viên đang đứng trong đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng như Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương, Văn Cao… Nếu là nhạc miền Nam, lại của Phạm Duy nữa thì càng cấm tiệt. Mà không chỉ cấm mỗn Phạm Duy, trong danh sách “vàng vọt” tất nhiên có cả Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Đặng Thế Phong, Hoàng Thi Thơ, Trúc Phương, Lam Phương, Ngô Thụy Miên, Phạm Thế Mỹ, Nguyễn Văn Đông, Văn Phụng, v.v.. Cả Trịnh Công Sơn cũng không thoát. Mà đã cấm thì cấm luôn người hát, những Thái Thanh, Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Khánh, Hoàng Oanh, Duy Quang, Chế Linh… Rồi cả những vị có lời thơ được phổ nhạc cũng cấm luôn, nào Nguyên Sa, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên…, cho vào thế giới bí mật hết. Thế mới tài.
Khổ nỗi, chỉ có thể cấm bằng văn bản, cấm “lưu thông phân phối” trên báo chí, trên làn sóng đài Tiếng nói Việt Nam chứ làm sao cấm được người ta thủ thỉ hát với nhau, truyền cho nhau bài này bài nọ. Nhiều đứa trong đám học sinh phổ thông chúng tôi được anh chị bồi dưỡng cho mấy bài nhạc vàng để dùng khi có bạn gái, đôi khi không giấu được hãnh diện trước bạn bè, chẳng hạn làm như vô tình buột mồm mà ngân nga “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi, trời vắng u buồn mây hắt hiu dừng trôi”, hoặc “Những đồi hoa sim, những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt”. Những năm ấy, có những anh tợn quá, dám tụ tập hát nhạc vàng, bị công an bắt đi tù, mà chuyện “ca sĩ” Lộc vàng mà một ví dụ.
Lại nói về Thái Thanh. Sau năm 1975, nhiều người bắc đã nam tiến vào làm cuộc lục tìm những gì còn sót lại của văn nghệ miền Nam vừa trải qua cơn bão hủy diệt, truy quét “văn hóa đồi trụy”. Sách, băng đĩa nhạc, từ điển, máy cát xét… là những thứ được ưa chuộng, săn lùng.
Tôi vào Sài Gòn nhận việc năm 1977. Đồng môn với tôi có anh Bùi Trọng Cường, một tay mê nhạc kỳ lạ. Năm 1968, đang học Khoa Lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ổng đi bộ đội. Đánh nhau chán chê, năm 1972 được về học lại, nhưng bỏ Lý vào Văn. Người xứ Đoài Sơn Tây chính gốc, mê nhạc từ bé nên đi học vẫn ôm theo cả cái máy quay đĩa Melodia to đùng. Đĩa than tốc độ 33 hoặc 45 nhiều hơn sách. Năm 1981 vào Sài Gòn một chuyến, nói như ông anh, để săn lùng nhạc. Tôi mượn được chiếc xe đạp tòng tọc chở ông anh lên khu ki ốt đường Nguyễn Huệ quận 1, nghe nói chỉ ở đó mới có băng cát sét, đĩa nhạc cũ, nếu không có thì họ sang băng những chương trình cũ. Anh Cường cực mê những nữ ca sĩ nổi tiếng miền Nam, trên đường đi bảo tôi chuyến này phải có đủ bộ Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Thúy, Hoàng Oanh. Lân la hỏi mấy quầy, mấy ki ốt, họ bảo muốn Khánh Ly, Lệ Thu…, muốn Sơn Ca 7 đều có, nhưng riêng Thái Thanh thì không. Hỏi sao không, họ nói chính quyền mới cấm tiệt, đi chỗ khác cũng thế thôi. Anh Cường làu bàu Khánh Ly vẫn có, mà Thái Thanh lại cấm, nghĩa là thế nào. Mấy người chủ ki ốt, có nhẽ nhìn thấy ông Cường nhà ta mặc quần áo bộ đội, họ cảnh giác, họ đề phòng, họ ngại, bèn xua tay, thôi, mấy ông đi chỗ khác, đã bảo không có Thái Thanh cứ sờ lần hỏi mãi. Thái Thanh cũng cấm, hỏi lắm thế. Chuyến du nam sớm ấy, anh Cường có gần đủ bộ giọng hát ưa thích, chỉ thiếu mỗi Thái Thanh. Về ký túc xá, lúc soạn đồ chuẩn bị trở ra Bắc, ổng bảo chắc chính quyền cấm nhạc Thái Thanh triệt để bởi bà này gắn với Phạm Duy. Sau này tôi hỏi, thì ra thời điểm ấy Thái Thanh vẫn ở Sài Gòn nhưng bị cấm hát, những bài bà từng hát cũng bị cấm luôn. Mãi năm 1985 bà mới xuất cảnh, như con chim oanh vàng sổ lồng, vẫy vùng trên sân khấu ca nhạc hải ngoại, chứ ở lại có nhẽ tịt luôn.
Hồi năm 1980, tôi dạy học, có dính tí Đoàn trường. Một hôm trường nhận được công văn của Thành đoàn, do ông Phạm Chánh Trực ký, nội dung chỉ đạo các cơ sở đoàn phải tăng cường đấu tranh bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy, không hát những bản nhạc vàng, lập các đội ca khúc chính trị, phổ biến những ca khúc cách mạng tới từng đoàn viên thanh niên. Trong công văn ấy có phụ lục những tác giả, ca sĩ cần loại trừ, có cả Phạm Duy, Thái Thanh, Thanh Thúy. Và những bài hát được khuyên hát như Địa chỉ chúng tôi là Liên bang Xô viết, Tình ca, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Tình đất đỏ miền Đông… Dạo ấy thanh niên hăng lắm, tuy nhiên tôi hơi băn khoăn, sao lại cấm cả Trịnh Công Sơn, Thái Thanh. Tôi hỏi cô học trò, cán bộ đi học, em ruột của ông Phạm Chánh Trực, tên Phạm Thị Trang (cô Trang sau này lấy kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, người nổi tiếng với nhiều công trình được đánh giá cao, trong đó có trụ sở Ủy ban nhân dân quận 10 bây giờ), cô Trang bảo Thành ủy chỉ đạo như vậy thì làm vậy chứ anh năm cũng chả muốn. Chuyện lâu quá rồi, chả biết cô Trang có còn nhớ.
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét