Hôm nay 16.4.2020. Chuyện tôi kể là ngày 16.4.1972, mà chính xác hơn thì vào đêm hôm ấy. Tàu bay Mỹ ném bom trở lại miền Bắc sau hơn 3 năm nghỉ giải lao. Lần này, đám miền ngoài chúng tôi mới biết thế nào là B52. Thật kinh khủng.
Năm 1972. Vừa qua cái Tết Nhâm Tý có chút không khí hòa bình. Rét kinh. Sao mấy năm nay trời rét thế. Quần áo chăn mền hiếm hoi thiếu thốn nên càng lạnh thấu xương. Tôi đang học lớp 10, cuối cấp hệ 10 năm, chuẩn bị thi tốt nghiệp, từ nhà lên tới trường huyện cách 3 cây số, đi bộ, ăn mặc phong phanh, nhiều hôm lết về tới núi Trà đầu làng chỉ muốn khuỵu xuống, kiếm cái khe đá khuất mà ngồi tránh rét, ngủ một giấc, muốn ra sao thì ra. Có mỗn cái áo sợi Cự Doanh giặt phơi mãi không khô. Chân quanh năm xỏ dép cao su không chống được lạnh, bị nứt nẻ, cổ trâu sùi lên nhưng bận học bận làm chưa có thời gian ra bờ cừ lấy cái búi rơm cọ cho bớt dày. Cảm giác như gió lạnh lùa vào từng khe nứt không khác gì dao cứa.
Dạo sau Tết, chả biết từ đâu, từ ai mà người ta truyền nhau câu “sấm”: Đầu năm mưa đá, giữa năm giặc phá, cuối năm hòa bình. Câu này, người nhớn trẻ con đều thuộc. Những ai đã sống qua thời điểm ấy tới giờ chắc vẫn còn nhớ. Hồi cuối tháng 2 tây 1972, trên mạn Lào Cai, Yên Bái có mưa đá, hỏng biết bao nhiêu là mái nhà, ruộng nương, hoa màu. Thiên hạ bảo nhau, thế là đã ứng điều thứ nhất của lời tiên tri. Ai cũng hồi hộp, vừa mong vừa lo sợ những điều sắp đến.
Đám trò lớp 10 dù bận học thi nhưng vẫn phải trực trường. Trường cấp 3 Kiến Thụy (Hải Phòng) còn gọi là trường Núi Đối bởi nằm dưới chân núi Đối. Lạ cho thiên tạo, giữa một huyện đồng bằng thuần nông chỉ rặt ruộng đất bỗng trồi lên 2 ngọn núi, núi Đối ở thị trấn và núi Trà (núi Chè) ở xã tôi. Trên đỉnh núi, huyện đội xây mấy ụ súng, đặt vài khẩu trung liên, đại liên trên đó, chờ máy bay Mỹ vào bắn phá ném bom mạn nội thành ngang qua là nện. Trận địa dưới núi Chè còn dùng cả súng trường CKC, K44, và dân quân xã tôi đã kịp bắn mấy phát vào chiếc khu trục AD6 khi nó đã bị thương nặng lết qua, tới cửa sông Văn Úc bốc cháy lao xuống sông. Thế là trung đội dân quân xã Thụy Hương được vinh danh bắn rơi tàu bay Mỹ, xã được thưởng con bò, dân quân được thưởng 1 khẩu trung liên mới toanh. Hiện ở đầu núi, chỗ ven đường vẫn còn cái đài xi măng ghi công bắn rơi tàu bay Mỹ, nhưng rồi người ta trống chuối che lấp hết cả, chả mấy ai biết. Lạ là sau này mấy xã trong huyện đều được phong đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, xã Minh Tân, xã Thuận Thiên chẳng hạn, nhưng xã tôi lại chẳng được gì. Nghe bảo do lãnh đạo xã không biết chạy. Nghèo bỏ mẹ, còn chạy chiếc gì. Không có gạo bỏ vào mồm thì dẫu anh hùng cũng chết đói. Mấy ông ngang trong xã thủng thẳng buông một câu như vậy.
Nhắc chuyện được thưởng con bò, lại nhớ giai thoại các cụ lão dân quân huyện Hoằng Hóa xứ Thanh. Nghe kể rằng các cụ cũng trèo lên núi, mỗi cụ một khẩu súng trường, bắn biếc may mắn thế nào, rơi máy bay, mà cũng chả biết có bắn có rơi thật không. Thời bấy giờ, nhiệm vụ tuyên truyền quan trọng cực kỳ, chẳng biết thế nào mà lần. Trung ương khen các cụ, bảo sẽ thưởng này thưởng nọ, bằng khen, huân chương…, các cụ lắc đầu quầy quậy, nói không lấy đâu, chỉ xin con trâu, ngả ra làm thịt, dễ chia. Thế mới có câu nhại bài hát của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, bài “Hát mừng các cụ dân quân”, “Ai vô Thanh Hóa coi, các cụ vừa hạ rơi máy bay…” thành “Huân chương không lấy đâu, các cụ chỉ cần thịt trâu dễ chia... Hỡi dô trên đất này, có cụ già bắn rơi máy bay... hết xăng”. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Bai viet cua ban goi lai mot ky uc buon ve 48 nam truoc cua tat ca nguoi dan nuoc Nam.Toi la nguoi cung thanh pho voi ban va co le cung do tuoi len de cam nhan nhung su kien ve thanh pho nay.Sau ngay 16-04-1972 nhieu thanh nien Hai Phong nhap ngu da khong tro ve,mot ky uc dau thuong.
Trả lờiXóachiến tranh thì nhân dân khổ là đúng rồi
Trả lờiXóa