Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

Chuyện bộ đội

Khi ta lớn lên bộ đội đã có rồi. Ấy là tôi nhại câu thơ của thi sĩ chính trị Nguyễn Khoa Điềm người Huế. Hồi đi học (cấp 3 và đại học) đám lứa chúng tôi đã trầm trồ cái tên Nguyễn Khoa Điềm qua những “Đất ngoại ô”, “Mặt đường khát vọng”, về sau lại càng nắc nỏm hơn khi biết đó là con giai cụ Nguyễn Khoa Văn, tức Hải Triều, người đã cãi nhau kịch liệt với nhóm Nghệ thuật vị nghệ thuật cầm đầu là Hoài Thanh và Lưu Trọng Lư (cha của phây búc cơ nổi tiếng Lưu Trọng Văn). Ở Sài Gòn hiện có đường/phố Hải Triều tại quận 1, nơi ăn chơi nổi tiếng, sinh thời trùm Năm Cam và đàn em thường tụ tập ở đây.

Hồi bé còn quần đùi cửi trần đánh dậm, nghe người làng nhắc tới bộ đội là lũ trẻ con kính nể lắm. Những năm đầu thập niên 60, làng Trà quê tôi có bao nhiêu bộ đội, người xóm nào, con nhà ai, bọn đánh dậm đều biết. Chẳng hạn bà cụ bếp Thoái (cụ Thoái ông từng làm đầu bếp dưới tàu Pháp, đi Pháp như đi chợ, dân làng căn vào nghề bếp để phong hàm cho cụ) có 3 người con giai, ông Chức, ông Khoái, ông Sức, ai nấy đều đẹp trai lừng lững, đều nhập ngũ. Ông Khoái vào Vệ quốc quân từ năm 1950. Ông Chức đăng lính muộn hơn, hy sinh khi cuộc chiến tranh chống Mỹ trở nên ác liệt, máy bay Mỹ ném bom ra miền Bắc. Ngay sát vườn bà cụ bếp qua cái ngõ duối là nhà cụ Chút. Cụ Chút người nhỏ tí nhưng đẻ tinh con giai, ai cũng như tây, các chú thậm chí còn cao to hơn con cụ bếp, tôi nhớ có chú Bịch sau đổi thành Bích), chú Bồ, chú Khiên, chú Khiến, chú nào cũng râu quai nón, vào bộ đội tất. Làng xóm rất nể trong hai gia đình này, ngầm tôn làm gia đình quân nhân tiêu biểu.

Cuối thập niên 50, tôi còn nhớ, nhà cụ Vình có bác Vẻ, nhà cụ Mưu có chú Mẹo (biên phòng, hồi đó gọi là công an vũ trang), nhà cụ Ngỗi có bác Mỗi, cụ Xe có bác Giá, cụ Hách có chú Xích, cụ Thạch có chú Thiết, cụ Cán có chú Thơ, cụ Đáy có anh Khải, anh Thiệp, tới giữa thập niên 60 có thêm anh Mạnh (hồi ở nhà gọi là anh Tý), cụ Đỡ có chú Bưng… Tới khi chiến tranh ngày càng dữ dội thì hầu như nhà nào cũng có người vào lính, cả làng đi bộ đội. Từ năm 1965 trở về sau, sáng tới tối loa kêu oang oang “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Bức tường nào kẻ vẽ khẩu hiệu được, người ta cũng tương lên đó câu này. Thanh niên vừa ngấp nghé tuổi 17 là bị túm ngay. Còn đám học lớp 10, đang học dở dang nếu trúng phải đợt “tuyển quân” thì nhà chức việc soi lý lịch, nhà chưa có ai đi là phải đi ngay tút suỵt, còn đứa nào lọt qua kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 thì sau đó cứ a lê hấp, lên đường, không lôi thôi gì cả.

Thơ ca của các thi sĩ tuyên truyền như Tố Hữu, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Trinh Đường, Trần Hữu Thung, Phạm Tiến Duật… rót vào tai thiên hạ rằng “con đường ra trận là con đường vui”, “cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục”, “lớp cha trước lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành”, “cha còn mang quân hàm, con đã xin nhập ngũ, một hòn đá Trường Sơn, cha con từng gối ngủ”, “mé đồi khuya anh bước, trăng non ló đỉnh rừng”…, cả xã hội như hít phải thuốc phiện, cứ mê đi, không còn phân biệt được giời đất thiên địa chi nữa, chỉ sung sướng lắm, hãnh diện tự hào lắm. Lại thêm trên báo đài nhan nhản những gương Vương Đình Cung, Lê Mã Lương, Trịnh Tố Tâm… được ca ngợi từng giờ từng ngày khiến đám thanh niên dù gày gò ốm yếu, nhiều đứa nặng chưa tới 4 chục ký, cảm thấy hổ thẹn nếu mình còn ở hậu phương. Cứ thế, chiến tranh như cái lò lửa dữ dội, được đám củi tuyên truyền mồi đốt phụ vào, đã cuốn gần như sạch sành sanh bọn trai tráng vào cuộc “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (xưa nay chinh chiến mấy ai về) tàn khốc tang thương ấy. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét