Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Bài hay trên báo Thanh Niên: Từ một mùa xuân

THANH THẢO 
Đã 224 năm kể từ mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, khi những đạo hùng binh của Hoàng đế Quang Trung -Nguyễn Huệ như một trận bão lớn quét sạch cùng lúc hơn 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh, giải phóng đất nước khỏi nạn ngoại xâm, những bài học lịch sử luôn được các thế hệ tiếp nối của dân tộc Việt học lại, nhớ lại và suy nghĩ.

Ai cũng biết, vào thời điểm ấy, đất nước chúng ta vừa trải qua những chia cắt, loạn lạc, binh đao, phản bội... là thời điểm vô cùng khó khăn, thậm chí bi đát. Vậy mà khi quân xâm lược nhà Thanh nhân cơ hội tràn qua biên giới, tràn tới Thăng Long, Nguyễn Huệ đã bình tĩnh lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân, để trên thuận ý Trời (thuận Thiên), dưới hợp lòng Dân (hợp Nhân), trước khi hứa với muôn dân sẽ quét sạch quân xâm lược trong một khoảng thời gian ngắn, kịp hội quân về ăn tết giải phóng ở Thăng Long. Ở đây, thiên tài của Nguyễn Huệ là ngòi nổ đã tra vào khối thuốc nổ mãnh liệt của lòng dân yêu nước căm thù quân xâm lược, là lời kêu gọi nhất thống sơn hà như một ý nguyện từ ngàn đời của dân tộc Việt. Lòng yêu nước và ý chí thống nhất đất nước của dân tộc Việt là hai điều mà bất cứ kẻ nào xâm lăng Việt Nam cũng cần phải biết. Biết để dè chừng. Biết để khi phải ôm đầu máu rút chạy khỏi dải đất hình chữ S này, còn có thể ngẫm ra được nhiều điều.

224 năm qua là một thời gian đủ dài cho bao thăng trầm của đất nước chúng ta, cũng là thời gian đủ dài để tất cả những kẻ xâm lược Việt Nam tự rút ra bài học cho mình. Cũng đủ dài cho những kẻ phản bội Tổ quốc Việt Nam, những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà” phải trả giá và tự sám hối.

Lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam từ trước tới nay đều rất sáng rõ. Ngay trong những “khoảng tối” mang tính bi thảm của lịch sử, thì lòng yêu nước và ý chí chống xâm lược vẫn rực sáng lên như lửa.

Kể từ 224 năm qua, yêu nước - thương dân vẫn tiếp tục là hai hằng số cho bất cứ bài toán thắng lợi nào. Chỉ có Nước và Dân, chỉ có Dân và Nước là khiến được bao thế hệ người Việt chấp nhận hy sinh, như lời một bài hát bất hủ từ kháng chiến chống Pháp: “Vì nhân dân quên mình/Vì nhân dân hy sinh/Anh em ơi vì nhân dân quên mình”. Chân lý thường cụ thể và giản dị như thế nhưng nếu người ta đi chệch chân lý này, hay coi thường chân lý này để theo đuổi những mục đích vị kỷ khác, ấy là khi đất nước nguy nan.

Kẻ thù của chúng ta hôm nay đang âm thầm phát động đồng loạt những cuộc “chiến tranh mềm” thâm hiểm nhằm vào Việt Nam, nhằm vào từng con người Việt, từng thế hệ người Việt. Ngày xưa mất nỏ thần là mất nước, ngày nay ăn phải những độc chất ngấm ngầm cũng sẽ dẫn tới tiêu vong.

Yêu nước bây giờ gắn với ý thức biết tự bảo vệ mình khỏi những độc chất đầy cám dỗ, những cạm bẫy được ngụy trang bằng tất cả sự mỹ miều. Yêu nước bây giờ là tỉnh táo đến tận cùng để tránh những nguy cơ lộ diện và nguy cơ tiềm ẩn. Trong những nguy cơ ấy, có nguy cơ tự làm hèn yếu mình trước những cám dỗ hay đe dọa đầy ma quái của kẻ thù. Sự tỉnh táo, bình tĩnh để nhận định, phân tích tình hình trước khi đi tới những quyết định lớn sáng suốt mà Quang Trung - Nguyễn Huệ đã thể hiện chói sáng từ 224 năm trước vẫn luôn là bài học cập nhật cho chúng ta hôm nay.
Thanh Thảo
(theo báo Thanh Niên ngày 15.2.2013)   

2 nhận xét:

  1. Ngày mai là ngày 17/2, ngày mà năm 1979 quân xâm lược Trung quốc đã huy động 28 sư đoàn ( theo bài viết của bác Đào) đã bất ngờ đánh ta toàn tuyến biên giới phía Bắc.
    Nhưng chúng đã thất bại , mang đầu máu rút quân về nước !
    Về phía chúng ta, 20.000 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu hi sinh để giữ gìn từng tấc đất của cha ông.
    Nhưng đã nhiều năm trôi qua, Đảng , chính phủ và quân đội chúng ta không dám tổ chức lễ kỉ niệm để vinh danh và ghi ơn các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến chính nghĩa này ! Sao vậy?
    Phải chăng các cấp lãnh đạo của ta từ TW đến địa phương run sợ trước sức mạnh trỗi dậy của TQ mà không dám ho he?
    Phải chăng trong các vị lãnh đạo cao cấp của VN có tình báo của Hoa nam chui vào lũng đoạn?
    Phải chăng trong TW có hậu duệ của Trần ích Tắc, Lê chiêu thống?
    Phải chăng tại hội nghị Thành đô 1990 các vị lãnh đạo nước nhà đã đi đêm với Trung quốc để nhận tiền vàng của TQ mà bán rẻ lợi ích dân tộc để có được cái ghế lãnh đạo, rồi cúi đầu vâng lệnh của Trung nam hải ?
    700 tờ báo lề phải đâu rồi sao , sao im lặng thế ?
    Các đài phát thanh truyền hình đâu rồi sao không dám đưa tin, đưa hình về cuộc chiến chính nghĩa này của dân tộc?
    Việc " đền ơn, đáp nghĩa " là vậy sao?
    Kẻ nào , dù ở bất kì cương vị nào mà cố tình quên đi cuộc chiến chính nghĩa năm 1979 đều là kẻ vô ơn , bất nghĩa , là những kẻ đớn hèn nhục nhã !

    Trả lờiXóa
  2. bài này chưa phải viết hay nhưng có lẽ bác Thông cào khen là do dám động đến anh hàng xóm chăng?

    Trả lờiXóa