Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Chuyện ăn độn

Mới chỉ vài chục năm thôi nhưng chuyện này đã xưa như cổ tích. Bọn trẻ bây giờ, ngay cả những đứa sống ở vùng nông thôn nghèo cũng chả biết ăn độn là gì. Chúng không hình dung ăn mà lại độn, độn thế nào, độn cái gì, sao lại phải độn… Tôi có đứa cháu họ, có lần nó xin ông ơi cho cháu ăn độn với, thì ra nghe người nhớn nói, nó tưởng độn là món ngon, kiểu như gà quay, khoai tây chiên chẳng hạn. Cũng có lần nó đòi về hưu, nó bảo ông bà về hưu sao không cho cháu theo, cháu thích về hưu lắm, thích hơn ở thành phố.

Miền Bắc ăn độn trường kỳ, suốt từ sau 1954 cho mãi tới đầu thập niên 90, còn dân miền Nam trước năm 1975 không phải ăn độn, chỉ từ sau 1975 mới được nếm món đặc sản vĩ đại ấy.
Bu tôi sinh tôi gần 1 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau này tôi nhớn rồi, thỉnh thoảng bu tôi bảo chỉ ông Thông là khổ nhất, chả biết thịt sữa là gì, tinh dững ăn độn. Bu tôi kể lúc tôi còn bú nhưng bu chả có sữa, bởi ăn toàn những khoai, sắn, củ rau muống thì lấy đâu ra sữa. Tôi còi cọc đèo đẹn, nuôi mãi mới lớn cũng một phần do là sản phẩm của thời đại “dọn tí phân rơi nhặt từng ngọn lá/mỗi hòn than mẩu sắt cân ngô”, học đến lớp 10 mà chỉ loắt choắt như đứa lớp 7-8 hệ 12 bây giờ.

Đầu những năm 1960, cả miền Bắc rùng rùng bước vào công cuộc hợp tác hóa. Nhà nào không chịu vào hợp tác, cố làm ăn riêng lẻ thì bị o ép khổ đủ đường. Nhưng thày tôi quyết không vào, thày tôi bảo, xem kìa, vào hợp tác chỉ vài ba hôm là ăn độn ngay, nhà mình vừa khá lên, có bát cơm trắng thế này nhờ làm lụng mà được, chứ vào hợp tác là mất. Lý lẽ vậy, sắt đá kiên quyết thế, nhưng đến năm 1964 thì thày tôi đành phải phất cờ trắng đầu hàng, cùng nhà bác Ỷ, nhà bà Nhu, là 3 nhà cuối cùng vào hợp tác. Không vào cũng chả được, họ coi như phản động, thành phần chống đối lại con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, thuế khóa, thóc nghĩa vụ phải chịu nặng gấp đôi hộ xã viên, con cái đi học thì học phí cũng gấp đôi, muốn sinh hoạt đội, muốn vào đoàn cũng chả ai cho vào, còn định đi thoát ly làm công nhân hoặc học trung cấp là điều không tưởng.

Vào hợp tác, mỗi nhân khẩu một vụ được chia vài chục cân thóc, quy thành gạo chỉ vài ký/tháng, thế là bắt đầu cuộc trường kỳ ăn độn. Nồi cơm vừa mới hôm nào bắc lên mở vung ra thơm phưng phức gạo trắng, đến nỗi mấy bà người Du Lễ, Tú Đôi làng bên đi chợ huyện ngang qua, thường vào nhà tôi xin nước mưa uống cho đỡ khát giữa độ đường, các bà hỏi “ông ơi, nhà ta nấu gạo gì mà thơm thế?”. Hồi ấy, thày bu tôi có 9 sào ruộng, dành hẳn mấy sào cấy lúa di hương hoặc dự thơm, hạt thóc chắc nình nịch, xay ra hạt gạo có màu phớt xanh, cơm thơm ngào ngạt. Cơm gạo di hương chỉ rưới mắm cáy cũng ngon quắt tai. Nhưng vào hợp tác thì chấm dứt hết, không còn ruộng mà cấy di hương, dự thơm nữa, các bà Tú Đôi, Du Lễ đi chợ ngang qua vẫn vào uống nước, chả ai hỏi gì ngay lúc cả nhà tôi trúng bữa cơm trưa. Nồi cơm giờ bữa thì độn khoai khô, bữa khoai tươi, hôm nào sang hơn thì mì sợi đen, cầm cái đũa cả xới mỏi mắt mới tìm thấy hạt gạo. (còn tiếp)

Nguyễn Thông


2 nhận xét:

  1. Miền nam trước 1975 được gọi là "Vựa lúa khổng lồ của Đông Nam Á", thế mà sau 1975 bọn chúng tập trung chở đi trả nợ cho các nước bỏ đói dân! Thật đáng tởm cho cái "đảng trí tuệ" này!

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa