Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Ngày ấy bên sông Cầu



Sông Cầu yên ả thanh bình (ảnh: phuot.com)

Làng quê ven sông Cầu trong tấm ảnh này sao giống thôn Sát Thượng, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, nơi khoa văn sơ tán hồi năm 72 thế (ảnh: phuot.com)

1. Chả phải mình định ăn theo phim Ngày ấy bên sông Lam nhưng nhìn về quãng thời gian xa ngái đó thì thấy không còn tiêu đề nào hợp hơn.

Trúng bữa nay 10.11, khoa Ngữ văn- ĐH Tổng hợp Hà Nội kỷ niệm 55 năm ngày thành lập khoa. Nghe nói ban chủ nhiệm khoa hiện thời, do anh Đoàn Đức Phương chủ nhiệm, làm chương trình hoành tráng lắm. Đủ cả diễn văn kỷ niệm, triển lãm ảnh, văn nghệ chào mừng, gặp gỡ giao lưu các thế hệ. Những 3 ngày, tha hồ nhảy nhót vui chơi, hàn huyên tâm sự. Mình có sự may mắn được từ khoa đó mà trưởng thành, từ đó bước vào đời với món hành trang các thầy cô trang bị cho không đến nỗi nào, nhưng không may là bước chân lưu lạc xa quá, chả về được, chỉ biết ngóng và tự mình ôn lại chuyện xưa.

55 năm, tuổi khoa Văn cũng xấp xỉ tuổi mình, tức là khi các thầy Đặng Thai Mai, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc… tiếng tăm lẫy lừng bước lên giảng đường đó thì mình mới đẻ. Thế hệ mình chỉ được thụ giáo các thầy hầu hết là sinh viên vài khóa đầu của khoa, tốt nghiệp được giữ lại trường. Thế cũng sướng củ tỉ rồi, hạnh phúc lắm rồi. Chả tự hào sao khi được các thầy dạy dỗ, uốn nắn, thậm chí quát mắng lòng vẫn sướng lâng lâng. Này nhé, toàn cây đa cây đề thế hệ thứ hai của khoa: Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tu, Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Gia Khánh, Trần Đình Hượu, Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Như Mai, Nguyễn Văn Khỏa, Hoàng Trọng Phiến, Đỗ Hồng Chung, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Bùi Ngọc Trác, Huy Liên, Đỗ Ngoạn, Mai Cao Chương, Bùi Duy Tân, Nguyễn Kim Đính, Chu Xuân Diên, Nguyễn Hàm Dương, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm… Chỉ riêng cái tên đã đủ lay động niềm tự hào của nhiều thế hệ chui ra từ mái trường này.

2. Khóa 17 tập trung bắt đầu từ tháng 10.1972, lai rai đến tháng 11. Trường, khoa lần đầu hồi chiến tranh đợt 1 sơ tán lên Đại Từ, Thái Nguyên, lần này về Hà Bắc và Hưng Yên, chủ yếu tập trung ven sông Cầu. Nơi định đô học hành kháng chiến là 2 huyện Yên Phong và Hiệp Hòa, muốn qua lại phải đi phà Đông Xuyên. Sinh viên năm thứ nhất dồn về huyện Yên Phong, xã Yên Trung, thôn Sát Thượng. Vùng quê Hà Bắc trong chiến tranh vẫn giữ nét thanh bình, mến yêu như bao làng quê đồng bằng Bắc bộ.

Làng nép bên đê sông Cầu. Tre xanh ngắt la đà rủ bóng xuống nước cũng xanh ngăn ngắt. Quê mình có dòng sông Đa Độ nhỏ xinh, nước biêng biếc nhưng so với sông Cầu thì thua kém xa. Từ phà Đông Xuyên cứ theo đường đê khoảng 3 cây số là tới xã Yên Trung, vào thôn Sát Thượng cổng làng thấp thoáng dưới vòm đa cổ thụ (chả biết nay có còn). Thôn Sát Thượng khá cổ kính, nền nếp, đường lát gạch đỏ au suốt đầu làng cuối xóm, tường rêu phong, hầu như nhà nào cũng cổng xây, giếng nước. Tháng 9 ta sắp vào vụ chiêm nên chân mạ đã bừa xong, cả cánh đồng lấp lánh trông như chiếc gương soi.

Trước đó, đầu tháng 10 dương lịch, mình nhận được giấy báo trúng tuyển, mất mấy ngày mới hoàn tất giấy tờ thủ tục, nhất là cắt hộ khẩu chuyển từ nơi cư trú về trường. Giữa tháng, mình và người anh họ giáo viên cấp 3 lấy xe đạp đèo nhau lên Hà Nội. Đoạn đường dài hơn 120 cây số, đầy hố bom, cây cối gãy đổ ngổn ngang. Dạo này máy bay Mỹ bắn phá suốt đêm ngày, chả hôm nào không có báo động, nhất là tầm trưa và chập tối. Tụi Mỹ nghênh ngang bay từng đàn kẻ khói ngang dọc bầu trời, bỏ bom xong lại đủng đỉnh bay về. Anh Thắng (anh họ mình) lái chính, cứ gò lưng tôm đạp, đường ngược gió nên càng nặng, độ vài chục cây số hai anh em lại nghỉ một chặp. Đi qua An Dương, Sở Dầu, Thượng Lý (Hải Phòng) thấy vẫn nghi ngút khói bom cuộc oanh kích đêm qua. Đường 5 nham nhở như mặt trăng, cả hai cây cầu Lai Vu và Phú Lương đều gãy gục, xếp hàng chờ qua cầu phao mất mấy tiếng đồng hồ. Đi từ sáng sớm, tận tối mịt thì đến nhà bác Dũng (cũng anh họ mình) ở phố Triệu Việt Vương. Hai anh em tắm rửa ăn uống xong, anh Thắng bàn giao mình cho anh Dũng để sáng mai đạp xe về sớm. Sáng hôm sau khi mình dậy thì anh Thắng đã về từ lúc nào, thương anh quá. Bác Dũng chiêu đãi mình tô phở đầu tiên trong đời, sau đó đưa mình ra cầu phao Chương Dương, dặn dò em cứ đi thẳng đường qua Yên Viên, lên Từ Sơn, vừa đi vừa hỏi nhé. Trong gió lạnh cuối thu, mình chào anh rồi lầm lũi khoác chiếc ba lô cứ thế men theo vệ đường mà bước. Qua mấy cái trận địa tên lửa, khung cảnh tan hoang chả khác dọc đường 5. Tới Từ Sơn (Bắc Ninh) cũng còn độ ba chục cây số, lúc đầu bàn chân bước phăm phăm, sau càng lúc càng nặng nề mệt mỏi, chiếc ba lô cũng thế, chỉ gói ghém 2 bộ quần áo và chiếc chăn đơn mà sao nặng thế. Phía trước mình khoảng 5 chục mét có một thằng bé loắt choắt cũng khoác ba lô gò lưng bước, mình đuổi mãi chả kịp, cũng không dám gọi bảo nó chờ làm bạn đường bởi các anh mình đều dặn dò kỹ lưỡng ra đường nhớ cẩn thận, chớ làm quen với ai; mình được dặn thế, lỡ nó cũng nghe dặn thế thì sao. Thôi vậy, chân cứ bước, mắt cứ nhìn, đếm từng gốc cây cho quên con đường xa ngái. Mình đến chợ Chờ, dừng lại hỏi đường về phà Đông Xuyên, bà con tận tình chỉ bảo, nói đi thêm khoảng 4 cây nữa là đến. Thế mà cũng mất hơn tiếng đồng hồ. Tới phà Đông Xuyên rẽ trái theo đường đê cao vút tìm về xã Yên Trung. Kỳ lạ, vẫn thấy thằng bé ba lô phía trước như trêu tức mình. Đến giờ thì mình chắc đến 90% nó cũng đi nhập học, cùng khoa cùng lớp không biết chừng. Sông Cầu mát rượi, nắng chiều xê xế, tự dưng nhớ quê vô cùng. Lần đầu đi xa, nhớ thầy bu, em Ngọt ở nhà, mắt cứ chớp chớp, buồn buồn muốn khóc.

Sân kho hợp tác thôn Sát Thượng là cái sân đình cũ. Nhốn nháo bọn sinh viên mới đang làm thủ tục. Đón bọn mình là một chị tên Thụy dịu dàng khá xinh, nhận giấy tờ xong hướng dẫn tận tình cách ăn ở, giờ giấc, nhà ai, nơi nào. Mình lại gần thằng ba lô 50m kia bắt chuyện làm quen. Nó bảo nó cũng thấy mình nhưng không dám dừng lại chờ, nói giọng Nghệ Tĩnh khó nghe, nó bảo tớ tên Nguyễn Sĩ Đại quê Hà Tĩnh. Cà hai thằng cười xòa, môi thâm tím vì rét. Chị Thụy (sau này mình mới biết chị làm ở phòng hành chính) phân công sắp xếp ngay mình, thằng Đại và một anh nữa, Phạm Sĩ Tiến (Nghệ An) cùng về ở nhà anh chị Thuận gần đó.

(còn tiếp)

(Có bạn nào cùng góp vốn thì tốt quá, cảm tạ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét