Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Bọ Vương

Quảng Bình quan

BÁ TÂN

Người mà tôi (Bá Tân) đang nhắc đến là Trần Ngọc Vương, phó giáo sư-tiến sĩ, giảng viên khoa Ngữ văn đại học Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội (thế hệ chúng tôi gọi theo tên cũ là đại học Tổng hợp Hà Nội). Bạn bè cùng lớp, dù là giáo sư (kể cả hơn thế nữa) khi gặp nhau, chúng tôi vẫn cứ tao mày, cậu tớ. Còn nhớ, Giáo sư tiến sĩ, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Văn Trương sinh thời tâm sự rằng là bạn bè thì cho dù có ai đó trở thành nguyên thủ quốc gia, khi gặp nhau vẫn cứ cậu tớ, tao mày mới đúng là bạn bè thân thiết, vứt bỏ sự xã giao.

Vương là người bạn thân thiết của lớp chúng tôi. Học cùng một lớp, cách đây đã 35 năm, hiện thời Vương là bậc thầy của chúng tôi về lĩnh vực văn chương, nhất là văn học cổ Việt Nam. Vương đã là cây đa, cây đề trong đội ngũ giảng dạy cũng như nghiên cứu văn học. Bây giờ đứng trên bục cao nhận huy chương vàng của cuộc đua đường dài, nhưng nguồn lực và sự khởi đầu của Vương có từ thời sinh viên. Tôi hình dung Vương như là nhà máy thủy điện có công suất lớn. Điện năng phát ra từ đó nhưng mạch nước được khơi nguồn và tích tụ từ lúc Vương đang là sinh viên. Cùng học một lớp, nghe giảng như nhau nhưng Vương là người sớm “tìm đường” cho cả đời đi trên con đường ấy. Vương biết vượt rào chứ không lạng lách, trên đường Vương đi vừa có bạn bè vừa có những người đã một thời là thầy cô của mình. Tôi đang nói về một người bạn chứ không phải bình phẩm về một phó giáo sư, tiến sĩ văn chương. Đánh giá nhận xét về văn chương, nếu có sai sót dễ bị “ăn đòn” dư luận. Nói về bạn, nếu có sơ suất, chẳng sao, làm gì có chuyện bạn bè “đánh” khi nói về nhau.

Lớp chúng tôi, khóa 17 khoa Ngữ văn, đại học Tổng hợp Hà Nội ra trường làm nhiều công việc khác nhau. Số đông dạy học và làm báo. Mỗi nghề có “sân chơi” riêng nhưng hai nghề này có những mảng miếng có thể “chung đụng”. Trong các loại nhà thì nhà giáo với nhà báo dễ gặp nhau mặc dù có những sự rất khác biệt. Nhà giáo, kể cả thời nay, luôn giữ cốt cách mô phạm. Làm báo giống như nghề thời trang, luôn tìm đến cái mới, cái lạ và phải biết “nhún nhảy” thậm chí có thể “lắc ngoáy” khi hành nghề.

Lòng vòng mãi, bây giờ mới vào chuyện cảm ơn Vương. Chả là, dịp hội lớp vừa rồi (từ 25-27.11) trong buổi tối hạ trại ở khu du lịch Thanh Thủy (Phú Thọ), Vương tranh thủ “thông báo nhanh” cho bạn bè về vấn đề biển Đông. Đây đang là điểm nóng, dư luận xã hội rất quan tâm. Đưa ra những thông tin có chiều sâu, kèm theo nhận xét bình luận sắc sảo. Trao đổi với bạn bè chứ không phải nói chuyện thời sự theo đơn đặt hàng, vì thế Vương nói rất thật, mổ xẻ đúng bản chất vấn đề, chẳng phải rào trước đón sau như những cán bộ tuyên giáo thường làm. Bạn bè cùng lớp nhưng nghề nghiệp khác nhau, một số đã nghỉ hưu, cần biết thông tin về biển Đông. Những người làm báo (được coi là làm chính trị) càng phải biết rõ, biết sâu “điểm nóng” biển Đông. Trao đổi với bạn bè về vấn đề này, việc làm của Vương là cần thiết. Không làm chính trị chuyện nghiệp nhưng cuộc sống đòi hỏi phải biết chính trị. Cơm ăn, nước uống tạo ra vóc dáng con người. Chính trị là cái gì đó không cầm nắm được nhưng có thể giúp người ta khi chẳng may gặp phải bão tố mà không bị nhấn chìm hoặc lạc lối.

Nguồn tin từ bạn bè cho biết, vấn đề biển Đông trở thành đề tài được Vương bàn luận tại nhiều “sân chơi” dư luận quan tâm. Nhảy vào vấn đề biển Đông là đụng vào chính trị. Chính trị là “sân chơi” mênh mông lắm. Làm nghề gì cũng có thể gặp rủi ro. Lĩnh vực chính trị thường nhiều rủi ro, thậm chí có những rủi ro không tài nào phân giải được. Không thể không phòng ngừa nhưng chỉ vì sợ rủi ro mà không dám thể hiện mình, phòng ngừa kiểu đó khác nào tự thủ tiêu.

Vương không chỉ thành danh mà còn là “thương hiệu” lớn trên lĩnh vực nghiên cứu văn chương. Nối dài cánh tay sang trận địa lịch sử - chính trị là cần thiết, tạo thêm nền móng cho văn chương. Không phải bàn lùi đâu, bạn bè nồng nhiệt cổ vũ năng lực tự vượt lên mình của Vương. Những điều nói ra trên đây là bạn bè thủ thỉ tâm tình với nhau, Vương ạ.

Bá Tân

6 nhận xét:

  1. Bọ Vương, bạn bác quê ở Bọ à bác Thông?

    Trả lờiXóa
  2. Cu làng cát ơi, bọ Vương người Quảng Bình nhà bạn đó, hắn ở huyện mô thì tớ quên mất rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Chà, nghe tiếng mà sướng rơn, bác ạ.

    Trả lờiXóa
  4. Ối giời, Cu làng cát không biết à, bọn tớ vẫn truyền tai nhau, Quảng Bình có hai kỳ quan, một là động Phong Nha, hai là Trần Ngọc Vương mà. He he...
    Vương là người mà bọ con gái lớp mình đứa nào cũng vừa yêu vừa nể đấy. Thông đừng ghen nhé!

    Trả lờiXóa
  5. Tớ yêu hết cả đám con gái dễ thương lớp văn khóa 17 rồi, có lọt ra ngoài quỹ đạo đứa nào cũng chả sao, ghen với giáo sư làm gì.

    Trả lờiXóa
  6. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa