Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Những câu tục ngữ mới (3): Một tấm bằng da hơn ba bằng giấy

Thời gian vài năm trở lại đây, dư luận càng ngày càng ồn ào về chuyện xã hội sính bằng cấp. Ai đời tốt nghiệp đại học có bằng cử nhân đàng hoàng mà vẫn chả thể kiếm được việc làm bởi thạc sĩ, tiến sĩ còn chửa ăn ai thì cử là cái cóc khô gì. Tuyển nhân viên bảo vệ cũng hỏi đã tốt nghiệp đại học chưa. Nhiều ông đã có vai vế trong xã hội nhưng nhiệt tình tiến thân vẫn quá hừng hực nên chạy vạy cho được bằng này bằng nọ, mất tiền muôn bạc vạn sá chi, hoặc sai đệ tử học giùm thi giùm, hoặc áp dụng bài ông mất con gà bà thò chai rượu, mua bán đổi chác ngàn kế trăm phương… Chả biết cái bằng ấy giúp ông điều gì trong công việc nhưng trước mắt giải quyết được khâu oai, hù dọa thiên hạ. Không bằng cấp thì sớm muộn cũng thành thằng. Vậy nên mới có những ông trên danh thiếp liệt kê đủ thứ bằng, tú tài năm nào, thạc sĩ năm nào, tiến sĩ năm nào, rồi phó giáo sư giáo sư… giống như một bản sơ yếu lý lịch. Ông đến đâu, cấp dưới quên giới thiệu học vị bằng cấp của ông là ông giận, báo chí nhắc đến ông mà quên học vị thì chết với ông. Khổ nỗi, cái bằng cấp học vị đó chả liên quan tẹo nào đến công việc ông đang làm.

Trọng bằng sính cấp nên sự học ngày càng như chốn thương trường. Bằng thật mất giá, bằng giả tràn lan. Người ta ngao ngán thật giả chả biết đâu mà lần. Ngay cả đến chính quyền, nhà tuyển dụng công chức cho nhà nước cũng xua tay từ chối vài loại bằng đang được nền giáo dục chính thống thừa nhận. Chỉ khổ người lương thiện, ôm một đống bằng giấy, chứng chỉ… đi xin việc mà vẫn thất nghiệp dài dài. Đồng tiền lên ngôi, kẻ có tiền coi người có chữ bằng nửa con mắt ti hí.

Vậy mà xứ ta có chuyện lạ đời. Chưa bao giờ nhan sắc đắt giá như thời buổi nhiễu nhương này. Tràn lan các cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp, cả trên sàn diễn lẫn ngoài đời, cả trong nước rồi vươn ra thế giới, đủ mọi cấp từ quốc gia xuống đến phường xã xóm ấp. Đàn bà đẹp được dịp nở mày nở mặt. Xuất hiện nơi đâu cũng được đón rước tưng bừng, giới truyền thông không họ có mà ăn cám. Cặp chân dài nuột, ánh mắt đong đưa, vòng 1 hàng khủng, vòng 3 núng nính, giọng mềm tựa nhung, sắc hoa nhường nguyệt thẹn… là đủ vốn lên ngựa xuống xe, học hành làm cái đếch gì. Ký một hợp đồng làm ăn, chả cần đến cái thứ tiến sĩ, chỉ một em chân dài là đủ. Xong việc quan, mấy ai rủ tiến sĩ thạc sĩ đi chơi ngắm non xanh nước biếc bao giờ. Thư ký, đệ tử đã sẵn sàng lo liệu chu đáo cho thủ trưởng tái tạo sức lao động bên người đẹp. Chả ai hỏi bằng cấp bởi họ có thứ còn hơn vạn bằng cấp.

Ai dám bảo nữ nhi thường tình nữa đi.

3.12.2011

Nguyễn Thông

8 nhận xét:

  1. Năm 1956, nhà giáo Dương Quảng Hàm, nói với học sinh trường bưởi rằng; các em vào đây để học, kiếm kiến thức, sau này mà kiếm sống, đừng quan tâm đến bằng cấp làm gì, cái thứ bằng cấp nó chỉ là tấm giấy vô hồn và chấm hết!
    Giáo sư Đoàn Hữu, nói; chúng ta hiểu sai về bằng cấp, làm cho xã hội chao đảo, loạn văn bằng và học vị, thực chất của văn bằng, nó chỉ là một văn bản hay nói chính xác hơn, nó là một yếu tố hành chính mà thôi, còn kiến thức kiến, học vấn và tư duy, đó là chất xám, thứ riêng biệt, của từng con người riêng biệt, không phải ai cũng có được, muốn có thứ ấy, thì phải qua một qúa trình khổ luyện, học và học, và học và nghiên cứu .. . ..cuộc sống & xã hội rất cần và đang đòi hỏi những thứ ấy !
    Chứ tờ giấy vô hồn kia, theo lời chủ một DNTN đã nói, bằng cấp với tôi là vô nghĩa, ai trọng những thứ ấy, tôi cho rằng, đó là kẻ ngu(anh sinh năm 1968, gia đình nghèo, nên không có điều kiện đi học, bản thân chưa vào trường ngày nào, sau ngày 30/4/1975, những năm 1976-1978, chính quyền cách mạng, tổ chức dạy văn hóa cho số bà con mù chữ, và anh đã học "xóa" mù chữ ban đêm, do ủy ban quân quản phường tổ chức)
    Nếu chúng ta trọng học vấn hơn bằng cấp, kính nể năng lực và đạo đức hơn học vị, thì xã hội VN mới phát triển lên được, và sẽ triệt tiêu đợc kẻ ngu dốt, kẻ lười biếng, ngu dôt sẽ không thể nào chui được vào bộ máy công quyền. Trong bộ máy công quyền, không còn kẻ dốt, thì tham nhũng + mua, bán chức quyền sẽ không còn đất sống, quan liêu, hách dịchh sẽ không còn, các tệ nạn sẽ giảm xuống mức thấp.

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta đang học tập vàm theo tư tưởng của Bác Hồ
    với câu nói của người; học để biết làm người, học để biết làm việc, học để biết làm cán bộ !
    Tìm hiểu về Bác, cá nhân tôi, chưa tìm ra, câu nói nói nào của Bác, nói về bằng cấp.
    Bác, là một con người, uyên thâm, uyên bác, tư tưởng của người, lớn lao và vĩ đại.
    Chỉ hai câu: học để biết làm người, học để biết làm việc.
    Thật buồn và đau cho cuộc sống này . . . đã mấy thập niên nay, xã hội ta, ít người qúa ! Bản thân tôi đã thấy, có có nhiều loại người; nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi !
    Có thuể nào, học sinh ngồi trong lớn 6, mà chưa biết đọc, không biết viết ? có bằng cử nhân công nghệ thông tin, mà không biết clik chuột ? có bằng đại học tài chính kế tóan (nay là cử nhân Kinh Tế, khoa tài chính kế toán)mà không biết, nợ - có là gì ? có bằng cử nhân ngoại ngữ, khoa tiếng Anh, mà không đọc được chữ English .v .v.v.
    văn kiện đại hội đảng .. . tất cả, cán bộ, công nhân viên chức, phải có bằng đại học ! thực hiện NQ của TWĐ, tất cả . . . đều có bằng đại học, và những năm 2000 trở lại đây, bằng đại học, bằng cử nhân ... là thứ bằng, tốt nghiệp. . . mẫu giáo, học vị phài là tiến sỹ, cùng với học hàm, GS hoặc tệ lắm thì cũng PGS, và thế là lại, bằng mọi giá, chưa có điều kiện "kiếm chác" thì đến đất hương hỏa, của tổ tiên cũng bán !
    Những năm 1990 trở về trước, trong hồ sơ cá nhân và các văn bản nhà nước, không ề có khái niệm bằng cấp, mà chỉ có từ ngữ, trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, và trong bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, người ta chỉ căn cứ vào; năng lực + đạo đức và trình độ học vấn(muốn có năng lực thì phải có tư duy, muốn có tư duy thì phải có học vấn, muốn có học vấn thì phải có học thức, muốn có học thức thì phải học, học nữa và học mãi ! muốn có đạo đức và năng lực thì phải rèn luyện, học tập và nghiên cứu . .. )
    Nhìn vào xã hội: tham nhũng, bất công, mua - bán chức quyền, mua - bán bằng cấp, thày giáo cưỡng dâm học sinh, tiến sỹ, đòi sinh viên quan hệ tình dục, để được điểm cao .. . cá nhân tôi biết, rất nhiều phụ nữ, có bằng cấp, từ những lần, đi khách sạn, nằm ngửa lên trả bài cho thày, và khi có ấm bằng "không học mà có" về cơ quan, lại phải "bẩm nằm" với sếp, để sếp bao che và nâng đỡ .. Tôi nghĩ, những người đưa ra chủ trương bằng, cấp, bọn họ là loại súc sinh và thứ quái vật !

    Trả lờiXóa
  3. Phân tích của Ngọc Hạnh thật chí lý và sâu sắc. Cám ơn nhiều.

    Trả lờiXóa
  4. Thành ngữ: "Ông biếu chân giò, bà thò chai rượu" , chứ không phải con gà.

    Trả lờiXóa
  5. van co nhung ong vien si hoac tskh ma tham nhung , quan lieu ,hach dich day ban ngoc hanh a / ai dam bao ho dot ,ma that su ho khong dot /

    Trả lờiXóa
  6. Đúng đấy bác Thông à. Thời buổi hồng nhan thì bạc... tỉ, tiến sĩ (xịn)bạc trăm; gian tham thì giàu sụ; những cuộc thi chân dài, váy ngắn được coi trọng hơn những cuộc thi trí tuệ thì người ta bỏ "trí" để chạy theo "dục" cũng là dễ hiểu.
    Xét về sự học thì có lẽ quan chức VN ta thuộc dạng nhất nhì thế giới. Nhiều vị lãnh đạo bự chẳng công việc bộn bề thế mà vẫn tranh thủ học lên tiến sĩ tự lúc nào. Siêu giỏi! Nghe đâu chúng ta còn có siêu đề án đến năm 2015 đào tạo 20.000 tiến sĩ. Đúng là một đất nước ra ngõ gặp tiến sĩ.
    Tiến sĩ nhiều như thế mà không đưa được đất nước vượt qua bọn tư bản giãy chết để tiến lên XHCN mới là sự lạ, bác nhỉ?

    Trả lờiXóa
  7. Bác "nặc danh 09:57" ạ, đúng ra thì phải dùng chữ chân giò, mình hơi cẩu thả nên viết nhầm. Cám ơn bác, thì cũng cứ coi như một dạng dị bản văn học dân gian, bác nhỉ.

    Trả lờiXóa
  8. He he he, bác Thông xài dị bản như thế khéo người ta lại mang ra đánh để đòi in vào sách giáo khoa như cô Tấm đấy!

    Trả lờiXóa