Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Các bạn tôi- phần 2

TRẦN THỊ SÁNH

3.Nguyễn Huy Hoàng

Thầy Hà Minh Đức và trò cưng Nguyễn Huy Hoàng (ảnh: Thông Cào)

30 năm qua, lớp Văn của tôi tổ chức nhiều chuyến đi chơi vào Huế, Quảng Bình, kết hợp về thăm quê của các bạn cùng lớp ở các tỉnh dọc theo quốc lộ 1A. Đó là quê của Nguyễn Thanh Đạm (Hà Nam); Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Thị Bé, Trịnh Xuân Ba, Lê Quốc Lập, Trần Triều Nguyệt, Phạm Văn Sĩ, Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Thị Xuân (Thanh Hóa), Nguyễn Thu Hà, Trương Đình Chiến, Nguyễn Thanh Hương, Nguyễn Thị Hồng, Hoàng Xuân Bối, Nguyễn Bá Tân, Nguyễn Khôi, Nguyễn Minh Huệ (Nghệ An); Nguyễn Tiến Thư, Ngô Đức Nguyên, Nguyễn Sĩ Đại (Hà Tĩnh); Lương Ngọc Bính, Phạm Xuân Hoàng, Nguyễn Thị Lan, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Thị Nam, Nguyễn Đăng Thành (Quảng Bình); Lê Tài Thuận, Nguyễn Thị Mét (Huế). Liệt kê ra đây mới thấy lớp tôi gần một nửa là các bạn trong nớ. Họ phải học giỏi lắm mới thi đỗ vào Khoa Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội. Đây là cơ sở đầu ngành đại học của cả nước giảng dạy, nghiên cứu về văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, hán nôm, ngôn ngữ, lý luận văn học với một hệ thống giáo trình, sách chuyên đề, chuyên luận có quy mô, chất lượng, uy tín khoa học trong nước cũng như quốc tế. Nhiều bạn trong số này còn là học sinh giỏi văn toàn miền Bắc hay ít ra cũng là cấp huyện, cấp tỉnh. Tuy nhiên, duy có quê của Nguyễn Huy Hoàng, chúng tôi lại chưa đến được. Lý do vì nhiều năm nay, Hoàng sống ở bên Nga nên không ai biết chính xác nhà bạn ở đâu ?.

Nguyễn Huy Hoàng (giữa) và các bạn cùng lớp, từ trái sang: Nguyễn Đình Hạnh, Nguyễn Minh Huệ, Trần Thị Sánh (tác giả bài này) và Lê Thanh Nga năm 2006 (ảnh: Thông Cào)

Thế rồi năm ngoái, Nguyễn Tiến Thư, thầy dạy Trường PTTH Minh Khai, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cùng chúng tôi vào Quảng Bình bảo rằng biết nhà Huy Hoàng. Thư quê ở huyện Đức Thọ nhưng bận rộn với công việc, gia đình nên mãi gần đây, Thư mới liên lạc được với bạn bè và ra Hà Nội dự hội lớp nhân 30 năm ra trường.

Tối hôm ấy, cả lớp tôi quây quần bên bếp lửa sàn tại khu du lịch Thanh Đa, Thư kể lại những kỷ niệm thời sinh viên rồi bật khóc tức tưởi làm cho không ai cầm được nước mắt. Mặc dù Hoàng không có nhà, nhưng Thư vẫn qua lại thăm bố mẹ Hoàng. Cùng ở huyện Đức Thọ, khóa 17 của tôi còn có bạn Hoàng Thanh Vinh, song Vinh học lớp Ngữ. Tôi đã chứng kiến mối tình lãng mạn, bền bỉ của Hồ Thu Hiền, cô bạn xinh gái nhất nhì lớp với đôi mắt to đen, hàng mi dài cong cong, nước da trắng như nàng Bạch Tuyết, cũng là bạn thân của tôi với Hoàng Thanh Vinh. Bá Tân, một tay vua hài hước, tếu táo, chuyên pha trò cho các bạn cười bịa ra câu chuyện: Hồi đang tìm hiểu nhau, bên gốc cây phi lao ở đường dân tộc, cạnh Ký túc xá Mễ Trì, Hiền hỏi Vinh: Quê anh ở đâu? Vinh rụt rè bảo: Quê anh ở Đức…Chưa nói hết câu, Hiền đã mừng rối rít và đem lòng yêu ngay vì nghĩ Vinh quê ở tận châu Âu (Đức) chắc phải giàu lắm. Sau này mới té ngửa quê Vinh ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, một trong những vùng quê rất đẹp, nhưng không giàu như Bá Tân kể. Giờ thì vợ chồng Vinh Hiền đang sống ở Ba Lan hạnh phúc, giàu có. Đầu năm nay, hai bạn về nước dự cưới cháu rồi điện cho tôi. Tôi mời hai bạn đi xem phim Cánh đồng bất tận, ăn phở 24, đến chơi nhà tôi rồi ra hồ Hoàn Kiếm uống cà phê bên hàng liễu rủ rất thơ mộng. Đúng là ở Châu Âu nhiều bơ sữa, khí hậu mát mẻ nên cả Hiền và Vinh đều trẻ trung, mặt mà và có phần còn “ngon” hơn thuở sinh viên.

Bố bạn Huy Hoàng và bạn bè cùng lớp con, tại quê nhà Hà Tĩnh

Quay lại chuyện của Huy Hoàng. Thư cho biết, bố mẹ Hoàng đã trên 80 tuổi và nhà chỉ có hai ông bà ở với nhau. Nhà Hoàng có 6 anh em, mỗi người công tác một nơi, Hoàng là con trai cả, em út Hoàng mất khi vừa học xong đại học. Các em Hoàng rất muốn ông bà sống cùng với gia đình mình, nhưng vốn là người lính, ông bà thích tự lập bởi vẫn còn khỏe, tự lo cơm nước được và ăn uống theo sở thích.

Đã 11 giờ trưa nên mọi người quyết định chỉ vào thăm bố mẹ Hoàng một lúc rồi về Hà Tĩnh ăn cơm. Tôi gọi điện cho Trần Đình Hậu, bạn thân của Hoàng nhờ báo trước cho ông bà. Hậu hiện là Phó TBT Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, đã tu nghiệp ở Nga 6 năm, am hiểu sâu sắc văn học Nga và cả tiếng Nga. Hậu được coi là Trưởng đại diện của Hoàng ở Việt Nam. Nhiều lần Hoàng bảo với tôi: Có việc gì liên quan đến Hoàng cứ hỏi Hậu là ra hết, xong hết.

Ngay sau đó, Hậu điện thoại về cho bố mẹ Hoàng thông báo sau một giờ nữa chúng tôi đến thăm.

Từ quốc lộ số 1 vào nhà Hoàng ở thị xã Hồng Lĩnh chỉ mất 15 phút. Vốn quê Hoàng là làng Trường Lưu, huyện Can lộc, Hà Tĩnh, nhưng hơn mười lăm năm nay, bố mẹ Hoàng chuyển ra thị xã để con cái dễ bề đi lại, thăm nom. Hoàng là hậu bối của dòng họ Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ và là dòng họ duy nhất ở Việt Nam có ba cha con là nhà thơ và 5 danh nhân văn hóa. Nhà bố mẹ Hoàng nhỏ và đơn sơ, ít cây cối. Trong nhà, ngoài có bố mẹ Hoàng mà còn có mấy người nữa. Trên chiếc bàn gỗ dài kê ở phòng khách đã có mấy đĩa thức ăn đang tỏa khói nghi ngút và trong bếp vẫn đang rán món gì đó thơm phức. Một lúc sau, một người đàn ông cao ráo nhưng nhìn khắc khổ, lam lũ (sau này tôi mới biết là em rể Hoàng) xách về một con cá quả. Bố Hoàng già nhưng còn khỏe và rất minh mẫn. Mẹ Hoàng lưng còng, đi chậm và có vẻ không còn tinh tường lắm. Ông vui vẻ nói với chúng tôi, biết tin các bạn của Hoàng đến ông bà mừng quá, vội gọi con rể và mấy người hàng xóm sang làm cơm giúp. Biết không thể từ chối, hơn nữa cơm cũng đã nấu rồi, tôi cùng mấy bạn gái vào bếp giúp chị hàng xóm làm cá, nấu canh chua cá với cà chua, thì là.

Bữa cơm thân mật với gia đình Huy Hoàng, mụ Hương con nhìn cái gì mà kỹ thế

Bữa cơm thật ngon và ấm áp. Canh riêu cá ăn với nhút, một món đặc trưng của Xứ Nghệ (dưa muối bằng xơ mít) rất hợp. Lại thêm đĩa cơm nếp nấu đỗ xanh để nguyên vỏ cũng rất hấp dẫn. Suốt bữa ăn, mẹ Hoàng cứ ngân ngấn nước mắt nhắc đến con và cháu Quỳnh Nga, con gái đầu lòng của Hoàng thất lạc, bảo nó bất hạnh quá, vất vả quá. Tôi nhìn sang bố Hoàng, thấy mắt đỏ hoe, nhưng ông vội vàng lảng sang chuyện khác.

Chuyện cháu Quỳnh Nga (con gái lớn của Hoàng) mất tích tôi đã biết từ lâu, nhưng hôm nay nhìn những giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo của mẹ Hoàng, tôi càng thấm thía nỗi đau của bạn. Chao ôi những bà mẹ Việt Nam, mẹ tôi và cả mẹ của các bạn mà tôi đã gặp như mẹ Thông, mẹ Xuân Ba, mẹ Bé, mẹ Hà, mẹ Đạm, mẹ Thủy, mẹ Mai Phương, mẹ Lan Hoa, mẹ Mét, mẹ Nam, mẹ Xuân…đều có một điểm giống nhau là đến chết vẫn thương con đứt ruột. Hồi học chung với chúng tôi, Hoàng khỏe mạnh, đẹp trai, thông minh, say mê văn học. Dạo Mỹ ném bom Hà Nội, lớp tôi sơ tán về làng Sát Thượng, bên dòng sông Cầu nước chảy lơ thơ, Hoàng thường dang hai cánh tay rắn chắc nhấc bổng hai thằng con ông chủ nhà lên một cách nhẹ nhàng. Dạo Hoàng cùng chúng tôi quay lại thăm nơi sơ tán, mặc dù đã hơn ba chục năm trôi qua, thế mà dọc đường, đứa con trai ông chủ nhà trọ, khi chúng tôi học ở đó, nó mới năm tuổi, mà từ xa, vẫn nhận ra Hoàng và vẫn nhắc lại chuyện đó.

So với bọn con trai trong lớp Hoàng “oách” hơn nhiều bởi lúc nào cũng cắp kè kè chiếc cặp da đen bên nách cùng chiếc đồng hồ to tướng đeo ở tay. Không có điện thoại di động như bây giờ, anh em cũng chẳng có đồng hồ nên thỉnh thoàng có người hỏi Hoàng về giờ giấc. Những lần như vậy, Hoàng giơ mạnh tay đeo đồng hồ ra đằng trước, rồi gập tay lại nhìn vào đồng hồ trả lời rất ấn tượng.

Mới vào năm thứ hai, song Hoàng đã “theo dõi” một bạn gái Hà Nội khá xinh. Cuối năm ấy, bạn gái ra tận ga Hàng Cỏ tiễn Hoàng đi thực tế ở Tây Bắc. Giữa thanh thiên bạch nhật, nghe nói Hoàng ôm hôn cô bạn gái trước sự chứng kiến của nhiều người. Sau vụ Oatơghết ấy, bọn con trai cứ tấm tắc khen Hoàng dũng cảm, ga lăng và hào hoa lắm. Tốt nghiệp loại giỏi, Hoàng được giữ lại khoa làm cán bộ giảng dạy môn văn học Nga.

Gọi là Hoàng (đen), một phần vì Hoàng cũng đen thật, phần nữa là để phân biệt với Phạm Xuân Hoàng, hiện là cán bộ giảng dạy môn văn học Nga tại Trường Đại học Huế. Phạm Xuân Hoàng quê miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình). Năm ngoái, theo đường Hồ Chí Minh, Xuân Hoàng đưa chúng tôi về quê, nơi bố Hoàng đang ở cùng chị gái. Đường về quê Xuân Hoàng nhiều cây và rừng nhưng người dân vẫn thiếu ăn, kể cả rau. Nhà cửa của họ tuềnh toàng, xơ xác và gần như không có gì đáng tiền. Tôi trộm nghĩ, bây giờ quê Xuân Hoàng vẫn nghèo thế này thì thử hỏi cách đây gần 40 năm, khi chúng tôi vào đại học vùng quê này nghèo đến thế nào…?.

Bạn cùng lớp đến chung vui với Phạm Xuân Hoàng sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Sao thằng Bá Tân lại giành ôm hoa nhỉ?

Lê Ngọc Tân trao hoa cho Hoàng và bảo "sướng nhé", còn mụ Nga cười tít mắt

Xuân Hoàng kể, ngày ra nhập trường đại học, bom đạn mù mịt, Hoàng và các bạn phải cởi hết quân áo cho vào túi ni lông bơi qua sông Giang. Sang bờ bên kia mới mặc quần áo vào rồi đi bộ xuyên rừng ra đường quốc lộ. Xuân Hoàng cùng quê với Lương Ngọc Bính, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình và cũng là đôi bạn chăn trâu thưở nhỏ. Hoàng nhớ lại, có lần hai đứa đi chăn trâu, con trâu của Bính tự nhiên lồng lên, rứt đứt thừng, phi nước đại rồi bơi qua sông. Bính và Hoàng đứng bên này sợ mất trâu, khóc ầm lên mà không biết làm gì. Cách đây 4 năm, Xuân Hoàng bảo vệ luận án tiến sĩ văn học về đề tài Nghệ thuật kết cấu tiểu thuyết Anna Karenina của nhà văn Lev Tolstoi. Mừng và thông cảm với hoàn cảnh của Xuân Hoàng, chúng tôi đến dự rất đông và mua hoa tặng bạn. Thầy Nguyễn Hải Hà, giáo viên hướng dẫn luận văn cho Xuân Hoàng đọc bài nhận xét về Hoàng thật cảm động: “Anh Phạm Xuân Hoàng bảo vệ luận văn khi tròn 50 tuổi. Lẽ ra luận văn này đã hoàn thành từ lâu, nhưng do nhiều lý do: lúc thì do sức khỏe, lúc thì do kinh tế, lúc làm nhà, lúc lại do hoàn cảnh gia đình nên bây giờ anh Hoàng mới bảo vệ xong”. Thầy cũng khen luận văn của Xuân Hoàng viết rất tốt, nghiêm túc và công phu và đã được Hội đồng khoa học nhất trí cho 10 điểm. Là bạn dạy cùng Đại học Huế trước đây, Bính bảo rằng, Xuân Hoàng diễn đạt và nói không hấp dẫn nhưng văn của Xuân Hoàng rất sáng, rất đẹp. Nghe nói khi Xuân Hoàng bảo vệ luận án, Bính đã tài trợ cho Hoàng chút kinh phí, bằng vài tấn thóc và bằng con trâu hồi nhỏ Bính để nó bơi qua sông mất...Khi viết bài này, tôi đã điện cho Xuân Hoàng hỏi thêm một vài chi tiết, Hoàng bảo rằng, đang ngồi trên tàu về quê làm giỗ 100 ngày bố mất. Tôi và Bé cứ ân hận mãi, bố Xuân Hoàng mất lớp không biết.

Tại nhà cu Hoàng ở Tuyên Hóa, Quảng Bình: Xuân Ba, anh trai Hoàng, Hoàng Xuân Bối, Bá Tân

Phạm Xuân Hoàng và các bạn Hương nhớn, Thanh Nga, Nguyễn Văn Bảo. Hai cặp đôi lứa xứng đôi. Sao hồi ấy chúng không lấy nhau nhỉ?

Lan man quá, đang nói chuyện Hoàng (đen) lại nói về các bạn khác. Ở lại làm cán bộ giảng dạy ở khoa gần chục năm, Hoàng sang đi Nga làm luận án tiến sĩ, cả vợ Hoàng cũng sang làm luận án tại một trường.

Cháu Quỳnh Nga sang từ năm 1989, lúc gần chín tuổi, cùng bố mẹ và học ở Trường Phổ thông 222 Matxcơva. Mùa hè 1993, cháu đạt thành tích xuất sắc, Hoàng hứa cho cháu đi nghỉ tại biển Xochi cùng gia đình một người bạn cùng học ở trong trường. Do gia đình người bạn chểnh mảng, bỏ mặc cháu, cháu bị bắt cóc, vợ chồng Hoàng đau đớn, suy sụp và chỉ sau một đêm tóc Hoàng đã bạc trắng. Để tìm con, dù đã bảo vệ xong luận án Tiến sĩ, dù được một số cơ quan trong nước đề nghị Hoàng về làm việc, có cương vị, nhưng Hoàng vẫn từ chối, quyết định ở lại Nga để tìm con.

Mình tay nghề quá kém, nhá máy đúng lúc cu Hạnh gãi đầu, Minh Huệ, Huy Hoàng Lê Thanh Nga (ảnh: Thông Cào, 2006)

Để sống và tồn tại ở một Thủ đô đắt đỏ như Matxcơva, Hoàng làm Đối ngoại và công tác xã hội cho Trung tâm Thương mại Bến Thành một thời gian và làm cộng tác viên Khoa học tại Trường Đại học Lomonosov, trường Đại học lớn và danh giá nhất nước Nga. Hôm tôi cùng một số nhà báo sang Nga dự Những ngày văn hóa Việt Nam tại Mátxcơva, Hoàng tự lái xe đưa chúng tôi đi siêu thị Ramsto, thăm Quảng trưởng Đỏ, đồi Lênin, điện Kremly, ăn kem rồi vào rẽ vào Trường Đại học Lomonosov. Hoàng kể về nước Nga mới, về những công trình kiến trúc, về cuộc sống nhân dân Nga và cộng đồng người Việt với tư cách là một người nghiên cứu nhiều năm và đầy hiểu biết về nước Nga. Hoàng không chỉ dạy học mà còn viết báo, viết sách, làm thơ.Có thể nói, hơn một trăm ngàn người Việt Nam ở Liên bang Nga, hầu hết đều biết nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng. Hoàng viết nhiều, đi nhiều, hầu như xó xỉnh nào, hang cùng ngõ hẻm nào ở cái Thủ đô rộng lớn, mênh mang này Hoàng cũng biết. Có thể nói Hoàng là người đi lại nhiều nhất, gần như khắp Liên bang Nga rộng lớn, và nhiều năm qua, Hoàng đã bỏ ra nhiều thời gian để đi gần khắp chấu Âu. Hoàng tham gia viết cho hầu hết các báo cộng đồng, trong nước; đi nói chuyện văn học, thay mặt các Hiệp hội đi làm từ thiện đến các vùng khó khăn, tiếp xúc với bao nhiêu mảnh đời bất hạnh. Hơn hai chục năm qua, ở Matxcơva có biết bao nhiêu trường hợp người bị nạn tử vong, có biết bao nhiêu trường hợp mất mát thương tâm, và Hoàng hầu như luôn cùng với các gia đình, Sứ quán, các Hiệp hội, các tổ chức lo toan việc ấy. Và cũng hơn hơn hai chục năm qua, Hoàng tham gia hoạt động trong các Hội Khoa học, Hội Văn học Nghệ thuật và Hội Người Việt Nam tại Nga.

Hai tuần ở nước Nga, tận mắt chứng kiến bao cảnh ngộ thương tâm, nhìn những người lao động Việt Nam nhỏ bé lùi lũi đi giữa mùa đông tuyết trắng, đến khu buôn bán lam lũ, chật chội ở khu chợ trời của người Việt bị công an Nga hạch sách, trấn lột, tôi cứ thầm thương cho dân tộc mình, đồng bào mình.

Hoàng luôn coi mình là người lao động, là người hoạt động xã hội. Đến nay, Hoàng đã xuất bản 11 tập sách và thơ. Năm 2012, Hoàng đã có giấy phép để xuất bản 3 tập sách nữa. Thơ Hoàng chan chứa tình yêu quê hương, gia đình, là nỗi niềm, là sự xót xa của kẻ tha hương giữa mùa đông tuyết rơi, là nỗi đau của người cha và cả trách nhiệm với cuộc đời, với cộng đồng người Việt. Đó là lý do vì sao mà mọi người ở Nga thích đọc thơ Hoàng, coi Hoàng như một nhà thơ gần gũi nhất, chia sẻ được nỗi lòng. Điều này cũng lý giải vì sao, một người gánh chịu nhiều bất hạnh, có một cuộc sống đầy khó khăn ở nước Nga như Hoàng lại vẫn yêu nước Nga nồng nàn, tha thiết đến như vậy.

Những biến cố lớn xảy ra ở nước Nga cùng sự kỳ thị dân tộc của một bộ phận thanh niên Nga đã làm cuộc sống của người lao động mình ở bên đó đảo điên, chật vật, không loại trừ ai, nhất là những người làm văn chương như Nguyễn Huy Hoàng. Từ ngày mất con, Tiến, vợ Hoàng kiệt quệ hoàn toàn, nói một lúc là mệt, không thở được. Gần đây, sức khoẻ tạm phục hồi lại, lại lo lắng mưu sinh bằng khả năng duy nhất của mình là phiên dịch cho người Việt tại các Toà án, Nhà trường; đưa người Việt Nam đi bệnh viện mỗi khi ốm đau, sinh đẻ. Vợ chồng Hoàng cùng cô con gái thứ hai sống chật vật gần 25 năm như thế trong căn hộ chung cư thuê chật hẹp, đổi đi, đổi lại nhiều lần.

Mùa đông năm 2010, Hội văn học Việt Nam ở Matxcơva tổ chức đêm thơ Nguyễn Huy Hoàng trang trọng và cảm động tại Hà Nội. Nhiều lãnh đạo giới văn học, văn nghệ sĩ, nhà thơ, nhà báo và đông đảo bạn bè đã đến dự. Họ đọc thơ rồi hát tặng Hoàng bằng cả tấm lòng và cả sự sẻ chia sâu sắc. Nỗi đau của Hoàng không phải của riêng bạn.

Mẹ Hoàng mất cách đây hai tháng nhưng Hoàng về không kịp đưa mẹ ra đồng. Hoàng bay về TP Hồ Chí Minh, rồi bay ra Vinh nhưng không có chuyến bay sáng. Ở xa, không vào được, lớp tôi gửi vòng hoa vào viếng bà. Lo 3 ngày cho mẹ xong, Hoàng ra Hà Nội để bay sang Nga. Hôm ấy, các bạn đến rất đông và cùng Hoàng ăn bữa cơm chia tay. Tạm biệt Hoàng, nhìn mái đầu bạc trắng và dáng đi cà nhắc vì chân đang đau của bạn của bạn, tôi ứanướcmắt, chẳng nói được gì, chỉ thầm gọi: “Ở đâu, sao cháu chưa về với bố, Quỳnh Nga ơi” ???


4.Nguyễn Thị Xuân

Chị Nguyễn Thị Xuân (đứng, bìa trái) với thầy Lung và các bạn cùng lớp. Lúc này thằng Ba và anh Lập đã xỉn cũng cố chen vào

Cách đây 4 tháng, lớp tôi phát động “chiến dịch” ủng hộ bạn Lê Thị Ninh, người bị tâm thần nằm điều trị tại Bệnh viện tâm thần Thường Tín (Hà Nội) đã nhiều năm, tôi gọi điện vào Thanh Hóa thông báo cho chị Nguyễn Thị Xuân, một trong 12 bạn ở cùng phòng hồi sinh viên với tôi. Chị Xuân bảo: “Chị rất muốn giúp đỡ Ninh, những ngặt một nỗi, năm nay nhà chị hoàn cảnh quá. Anh chị nghỉ hưu cả rồi, lương hưu hai vợ chồng được hơn 6 triệu một tháng, lại phải nuôi hai thằng con, trong đó có một đứa thần kinh, bệnh tật. Hơn nữa, mới đây, thằng con thứ 2 của chị đi xe máy đâm chết người. Chị lo lót, chạy chọt, đền bù mất đứt gần 120 triệu. Con cái Thủy (cháu ngoại chị) lại bị tim bẩm sinh, chữa chạy các bệnh viện tốn kém nhiều lắm. Rồi đến hôm lớp tôi quyết định họp mặt nhân kỷ niệm 35 năm ra trường, tôi lại điện thoại vào mời chị Xuân ra dự. Chị nghẹn ngào: Lần hội lớp kỷ niệm 30 năm ra trường vui quá, chị cứ mong đến dịp hội lớp 35 năm để lại được gặp các bạn. Nhưng chị không có tiền đóng góp, có dự được không?. Nghe Xuân nói, tôi lặng người đi vì thương chị và bảo chị ra họp lớp là quý rồi, vui rồi không phải đóng góp gì cả.

Chị Xuân dự hội lớp, lúc đang ở nhà khách báo Tiền Phong, 2006 (ảnh: Thông Cào)

Chị Xuân ra dự hội lớp từ chiều hôm trước trong vòng tay của bạn bè. Cũng như chị Mai Phương, chị Xuân hơn chúng tôi mấy tuổi nên được cả lớp gọi bằng chị. Hồi chiến tranh, Thanh Hóa là một trong các tỉnh kiên cường cách mạng nhất, luôn đi đầu trong phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Những bài ca đi cùng năm tháng viết về Thanh Hóa như Chào sông Mã anh hùng, Hò sông Mã, Các cụ già bắn rơi máy bay, Du kích Nam Ngạn, Hàm Rồng… đã phần nào nói lên phẩm chất anh hùng, kiên trung của con người nơi đây. Đến các di tích lich sử như Điện Biên Phủ, Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn…nhìn vào tấm bia đá khắc tên các liệt sĩ đã hy sinh, tôi thấy chi chít liệt sĩ quê Thanh Hóa. Thế mới biết, sự hy sinh của người Thanh Hóa cho tổ quốc, cho đất nước là không nhỏ.


Chị Xuân quê ở huyện Quảng Xương, một trong mấy huyện nghèo nhất Thanh Hóa. Nhà chị có 5 chị em, 3 người con đầu đều là gái nên chưa có ai đi bộ đội. Vì vậy Xuân và chị gái học xong cấp 3 phải đi dân công hỏa tuyến 2 năm làm đường tận Bái Thượng, tận Lào, rồi đi kéo pháo, kéo tên lửa phục vụ quân đội. Khi chiến tranh ác liệt, mấy tháng liền, Xuân cùng các đồng đội chỉ làm mỗi một việc là dùng chổi, dùng lá cây xóa sạch vết xe tăng, xe kéo pháo của bộ đội trên đường để địch không phát hiện ra. Tuy vậy, chị vẫn tranh thủ thời gian ôn tập và đã thi đỗ vào đại học.

Rồi năm 1972, Xuân gầy, đen và đi ra từ chiến tranh như vậy vào học với chúng tôi. Lớp tôi gọi Xuân bằng cái tên thân mật Xuân Lênin, không chỉ vì chị có khuôn mặt, cái cằm giống Lênin mà chị còn hay hùng biện về lịch sử trong nước, thế giới, hay nhắc đến các vị tiền bối cách mạng. Những mối tình lãng mạn giữa bạt ngàn rừng núi, những gian khổ, hy sinh, bom đạn ác liệt giữa con đường ra trận của thanh niên xung phong được chị sưu tầm và kể cho chúng tôi nghe rất hấp dẫn, ấn tượng. Ngay cả trong giờ học tiếng Pháp của thầy Bùi Văn Lung, Xuân cũng pha trò, cũng nói tiếng Pháp bằng giọng Thanh Hóa làm cho cả lớp nhiều lúc bật cười.

Ảnh này đông hơn, chị Xuân hàng trước, bìa trái, có cả anh Năng, anh Giang, thằng Tửu... Bác vua Lia-Huy Cờ khiêm tốn quá, thò mỗi tí mặt

Với tôi, các anh chị Thanh Hóa còn có cảm tình đặc biệt và cả sự ngưỡng mộ sâu sắc, không chỉ vì họ đã hy sinh một phần xương máu cho đất nước (anh Lê Quốc Lập, anh Lê Xuân Sang) hoặc chí ít cũng đã ra chiến trường hoặc thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ( anh Nguyễn Xuân Thanh, chị Nguyễn Thị Xuân, anh Trần Triều Nguyệt, anh Phạm Văn Sĩ) mà đây còn là mảnh đất tôi đã sinh ra. Ngày Pháp chiếm đóng Hà Nội, Thanh Hóa là vùng tự do nên gia đình tôi và nhiều gia đình khác tản cư vào đây. Mẹ tôi đẻ sòn sòn 5 năm 3 đứa con. Anh trai tôi tên Thọ vì đây là huyện Thọ Xuân, chị gái tôi tên Trường vì đây là thôn Yên Trường, còn tôi tên Sánh vì mẹ đẻ rơi tôi ở chợ Sánh, bên cạnh dòng sông Chu thơ mộng. Tôi vẫn nói vui với mọi người rằng, hiện cái rốn của tôi vẫn nằm ở Thanh Hóa. Sau này lớn lên, làm báo, nhiều người cứ hỏi tôi, sao người Hà Nội lại tên xấu thế, quê thế và bảo tôi đổi tên đi. Tôi nghĩ, thôi mẹ đặt tên thế nào thì chịu vậy. Hơn nữa tên cũng chẳng quan trọng lắm, mà quan trọng là mình là người thế nào, nhân cách phẩm chất ra sao và có làm gì cho bạn bè, cho cuộc sống và đất nước không?. Và hơn 50 năm qua, tôi luôn tự hào với cái tên Sánh và có lẽ vì cái tên xấu, tên quê nên nhiều người ấn tượng với tôi hơn.

Lại nói chuyện của chị Xuân. Chị yêu sớm và yêu rất say đắm, thủy chung. Tôi cảm nhận được điều này bởi anh Vũ Duy Trịnh, người yêu chị học bên khoa Sử rất hay sang phòng tôi. Anh Trịnh cùng quê với chị Xuân, từng đi bộ đội, bị thương ở Cai Lậy, Mỹ Tho nên đi lại cà nhắc khá vất vả. Anh nói chuyện rất có duyên và hài hước, thỉnh thoảng lại bộc bạch tình yêu của mình với Xuân nên ai cũng thích nghe. Ra trường, anh chị lấy nhau rồi cùng về Thanh Hóa làm việc. Hơn 30 năm, anh Trịnh làm ở Bảo tàng Thanh Hóa với chuyên môn là khảo cổ học. Chị làm công tác tuyên giáo ở tỉnh Hội Phụ nữ Thanh Hóa, luôn đi tuyên truyền cho chị em phụ nữ về phong trào văn hóa mới, vệ sinh môi trường, về mại dâm, ma túy, về hố xí hai ngăn. Vì vậy, vào Thanh Hóa hỏi thăm nhà chị Xuân, cứ hỏi Xuân hố xí hai ngăn hay Xuân mại dâm, ma túy là ai cũng biết. Xuân hài hước: cái hố xí hai ngăn, mại dâm, ma túy từ lâu đã trở thành thương hiệu của mình. Đó là thành công của người cán bộ phụ nữ, của cán bộ đoàn thể.

Tuy nhiên, cuộc sống không mỉm cười với chị. Sau khi sinh con gái đầu lòng, chị sinh con trai thứ hai và đặt tên là Vũ Thanh Tùng. Khi sinh Tùng nặng hơn 3 ký, trắng trẻo, bụ bẫm nhưng càng lớn lên cháu càng có dấu hiệu thần kinh, đờ đẫn, hay co giật, đầu óc lại không phát triển. Chạy chữa khắp nơi, tốn kém tiền của không khỏi và bệnh viện kết luận cháu bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam do di truyền của bố. Nếu so với hàng ngàn gia đình Việt Nam có ba, bốn đứa con bị di chứng chất độc da cam, chị Xuân vẫn còn may mắn hơn. Lần tôi vào Thanh Hóa công tác, đến thăm nhà chị ở khu tập thể phụ nữ, cạnh khu tập thể công đoàn, nhìn cháu Tùng trần truồng ngồi trong cái cũi bằng sắt, mắt đờ dẫn, chân tay sứt sẹo vì quậy phá, tôi quặn lòng thương cháu và vợ chồng chị Xuân. Chao ôi, hơn 30 năm qua, chị Xuân đã vượt lên nỗi đau da cam, vượt lên số phận để sống, làm việc và chăm sóc chồng con chu đáo. Mỗi năm chị em gặp nhau mấy lần, song rất ít khi tôi thấy chị than vãn về số phận, về gia đình. Trái lại chị vẫn vui vẻ, hài hước và tích cực tham gia công tác hội. Mọi người rất ấn tượng khi chị cầm gậy lên diễn hài cho cả lớp xem trong dịp chúng tôi hội lớp cách đây 5 năm. Chị là tấm gương cho chúng tôi học tập .

Tôi có một cô bạn thân ở quê tên là Mỹ Phương cũng có hoàn cảnh như chị Xuân. Phương lấy chồng là anh Phạm Văn Hùng, thương binh hạng đặc biệt 1/4 rồi có hai đứa con cũng bị di chứng chất độc da cam. Mấy chục năm qua, mặc dù được sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, song cuộc sống của bạn tôi vẫn cơ cực, khổ đau. Mới đây, Phương bệnh tật mất, để lại cho anh Hùng hai đứa con ngây ngây, dại dại. Mỗi lần nghĩ đến Phương là lòng tôi lại tê tái, xót xa. Nhân kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, xin được gửi đến những người bị chất độc da cam, những gia đình liệt sĩ, những thương binh đã hy sinh vì đất nước một tấm lòng.

Không ngồi bìa trái như mọi lần nữa, nhường chỗ đó cho Thu Thủy, tiếp theo là Xuân, Hương con, Kim Phương, anh Giang (ảnh: Thông Cào)

Năm tháng trôi đi, khu tập thể cũ giải tỏa, chị Xuân được tỉnh hội phụ nữ phân cho 80 mét vuông đất. Chị chắt chiu từng đồng và vay mượn bạn bè, người thân xây được ngội nhà hai tầng và đón mẹ ra ở. Chị tâm sự: Tiền xây nhà đến nay chị vẫn còn nợ bạn bè chưa trả hết và lúc nào trong nhà cũng thiếu tiền. Mấy lần lớp đi qua Thanh Hóa, gọi điện mời chị đi chơi cùng nhưng chẳng bao giờ chị đi bởi mẹ già, con dại. Chị cũng dành riêng một phòng nho nhỏ cho cháu Tùng chơi ban ngày, song đêm ngủ lại phải nằm vỗ về, bóp chân tay cho con. Chị bảo: rất ít đêm chị ngủ được 4, 5 tiếng mà thường chỉ 2, 3 tiếng vì Tùng lại lên cơn co giật, la hét hoặc đập phá, vì vậy để Tùng ngủ một mình chị không yên tâm. Nghe chị Xuân nói tôi thấy mình thật hạnh phúc, may mắn và thương chị nhiều hơn. Đúng là phải phong chị Xuân là mẹ Việt Nam Anh hùng. Tôi trộm nghĩ, bây giờ chị còn khỏe, còn chăm chút cho con, sau này về già, già nữa, cháu Tùng sẽ ra sao?

Mùa đông 2011

T.T.S

9 nhận xét:

  1. Bá Tân nói : Đọc loạt bài " Văn tế " các bạn Sánh vừa xuất bản, mình khóc nức nở, chảy mất hơn một lít nước mắt.Nhiều bạn gọi điện cho mình, ai cũng sụt sùi nói không nên lời bời tấm lòng vàng của Sánh ( mà này, vàng dạo này lên giá kinh khủng, chừng khoán thì quá bèo )
    Mình lên đồng tìm gặp cấc bạn đã mất. Các bạn ấy đọc thuộc bài viết của Sánh. Dưới đó, thật không ngờ, ai cũng mong sớm được đón Sánh để hội lớp. các bạn nơi thần tiên nhờ mình mang về cho Sánh một tuần hương.

    Trả lờiXóa
  2. 1. Hồi đại hội nhà văn vừa rồi, báo ND có mời mươi bác đến dự chiêu đãi tại báo do bác Huynh chủ trì. Em vinh dự ngồi đối diện bác Hoàng. Em thì biết bác Hoàng và cả chuyện bác ấy mất con, nhưng bác Hoàng chả biết em, ấy là mình tự ti nghĩ thế. Cứ cắm cúi ăn và cụng li đến lúc ai đấy gọi tên em thì bác Hoàng à, Hùng à, hì hì... lần đầu tiên gặp bác ấy đấy.
    2. Lần khác lâu rồi, Xuân Ba và chị Sánh vào Pleiku, em tháp tùng vài nơi, và đã xử một vụ rất... ngu. Ấy là xuống một công ty cao su, tay giám đốc niềm nở: Trưa nay mời nhậu nhé, và để công ty lo vé máy bay cho 2 vị. Tự nhiên thấy chướng chướng sao đó, thà nó đúi dúi chứ nói huỵch toẹt lo ngay khi vừa gặp nhau cứ giống như mình xuống để... gạ, em bảo luôn: Vé ai cần, hai vị này có vé cả rồi. Thấy lão gđ thở nhẹ ra 1 cái, và tiếp: thế thì biếu các anh chị ít tiêu vậy. Huhu, sau về mới biết mình ngu, đại ngu nữa. Lão Xuân Ba đang say nên có thể không biết hoặc không chấp việc ấy (lúc ấy XB cũng bảo: Cần đéo gì vé của mày, tao đầy), nhưng chị Sánh thì dứt khoát là tiếc, hihi, phụ nữ mà, vợ mình mà thế là nó chửi cho cả tháng ấy chứ. Chị Sánh có đọc những dòng này thì cười he he phát nhé.

    Trả lờiXóa
  3. Thông ơi tao dọc các bài viết của mày và các bạn về lớp mình mà thấy mắt ướt. Không ngờ tình bạn có nhiều cái sâu sắc thế.Thằng Bá Tân viết hay. Cái hay ở sự chân thành, hơi đểu vì lấy bạn nói đời.Hôm nọ cái Sánh nói sắp viết về tao nhưng tao chả có gì để viết. Cả đời chỉ là một Giáo làng theo kiểu Thứ trong "Sống mòn" của Nam Cao. Mày viết về xã hội có lúc rất bạo. Cẩn thận nhé! Tửu.

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn anh Văn Công Hùng vẫn nhớ kỷ niệm về Sánh. Anh đoán đúng tâm lý của chị em, ngày đó Sánh tiếc đứt ruột và thầm trách Hùng. Nhưng nghĩ lại cũng chẳng sao, miễn là chúng ta gặp nhau, vui và cười. Anh Hùng thấy lớp mình vui và nghĩa tình không? Chúc anh khỏe, hạnh phúc và giàu có nhân năm mới. Hẹn gặp anh một dịp nào đó ở Tây Nguyên. Sánh

    Trả lờiXóa
  5. Đọc các bài viết về các bạn mà thêm yêu quý và trân trọng thời sinh viên. Ôi các bạn thân yêu của tôi.

    Trả lờiXóa
  6. Madame Sánh ơi, cám ơn anh Văn Công Hùng thì phải vào trang nhà anh ấy để nói nhời hay ý đẹp thì mới nhanh, mới ý nghĩa chứ. Trang của anh Hùng cũng có trên blog của tớ đấy.

    Trả lờiXóa
  7. Đọc bài của Sánh tớ thấy nhớ và thương các bạn cũ quá. Cảm ơn nhà báo Sánh đi nhiều, viết hay và cảm động quá. TH

    Trả lờiXóa
  8. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  9. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa