Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Diễn văn của mụ Sánh


Đây là diễn văn (còn gọi là đít-cua) của mụ Sánh tại cuộc gặp gỡ họp lớp Văn-Ngữ-Hán khóa 17. Cảm động. Đọc rớt hết cả nước miếng, à quên, nước mắt. Mình chưa lấy được hình ảnh mới, sẽ bổ sung sau.
Xa gần bá cáo, ai nấy đều hay.

TỰ HÀO LÀ SINH VIÊN KHOA NGỮ VĂN

Bài phát biểu tại Hội Lớp Khoá 17 - ĐH TH Hà Nội

(Ngày 26 - 27 tháng 11 năm 2011)

Kính thưa các thầy, các cô

Thưa toàn thể các bạn yêu quý

Hôm nay giữa tiết trời se lạnh của mùa đông Hà Nội, thầy trò chúng ta tề tựu tại đây để gặp mặt và ôn lại những kỷ niệm cùng những bước trưởng thành của sinh viên khóa 17 sau 35 ra trường. Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các thầy, cô giáo không ngại xa xôi, tuổi cao, sức yếu đã rất quan tâm đến các học trò cũ đến chung vui với chúng ta. Sự có mặt của các thầy, cô là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn với toàn thể chúng ta. Tôi cũng nhiệt liệt chào đón sự có mặt của gần 50 bạn sinh viên khóa 17, Khoa Ngữ văn đến từ mọi miền Tổ quốc. (Vỗ tay)

Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin trân trọng giới thiệu các thầy, cô đến tham dự cuộc gặp mặt của chúng ta hôm nay:

Thầy Hà Minh Đức – Thầy chủ nhiệm

Thầy Lê Chí Quế - Thầy dạy Văn học dân gian

Thầy Nguyễn Trường Lịch - Thầy dạy VH Nga

Thầy Nguyễn Văn Lung - Thầy dạy tiếng Pháp

Cô Ngô Anh Thơ - Cô dạy tiếng Nga

Tôi vui mừng chào đón hai bạn lần đầu tiên về tham dự hội lớp sau 35 năm xa cách: Hoàng Sĩ Chiến, Bùi Thị Lập.

Vui mừng chào đón anh Hoàng Xuân Bối với hơn 30 năm dạy học ở huyện miền núi Nghệ An, đã nuôi dạy 4 con trai vào đại học lần đầu tiên tham dự hội lớp.

Vui mừng chào đón anh Lê Tài Thuận đến từ cố đô Huế

Vui mừng chào đón anh Đặng Quốc Khánh, Lê Quốc Lập, Trần Triều Nguyệt, chị Nguyễn Thị Xuân, chị Trần Thị Liên đến từ vùng đất sông Mã anh hùng.

Chào đón nhà văn, nhà biên kịch mà chúng ta vẫn gọi bằng cái tên trìu mến Vua Lia - Huy Cờ đến từ quê hương quan họ.

Chào đón anh Vũ Lệnh Năng, chị Nguyễn Thị Lâm, Nguyễn Thị Thúy, Đỗ Thị Cúc đến từ TP hoa phượng đỏ.

Chào đón bạn Trần Quang Tửu đến từ đất Tổ vua Hùng

Chào đón bạn Ngô Văn Đồng đến từ chiến khu Việt Bắc

Chào đón bạn Cao Dung Hòa đến từ Phố Hiến

Chào đón anh Lê Đình Tuấn đến từ vùng núi Yên Bái

Chào đón già làng Ma Duy Giang đến từ đất chè Thái Nguyên

Tôi cũng xin nhiệt liệt chào mừng tất cả các bạn lớp Văn, lớp Ngữ, lớp Hán Nôm ở Hà Nội. Với chúng ta đây là cuộc gặp mặt đông đủ, thân tình và thật sự cảm động.

Kính thưa các thầy, cô và các bạn

Mùa đông năm 1972, khi giặc Mỹ cho máy bay B52 ném bom thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, gần 100 cô tú, cậu tú yêu văn chương của các tỉnh từ vĩ tuyến 17 trở ra đã vượt bom đạn và khó khăn tìm về làng Sát Thượng, một làng quê thanh bình bên dòng sông Cầu thơ mộng của xứ Kinh Bắc và bước vào buổi học đầu tiên của cuộc đời sinh viên. Giữa những ngày chiến tranh ác liệt và đầy gian nan, thiếu thốn ấy, thầy trò chúng ta đã vượt lên sự khó khăn, lạ lẫm và kiên trì học tập và trưởng thành.

Sau những ngày bom đạn ấy, chúng ta chuyển về Hà Nội trong sự lưu luyến và nhớ nhung của người dân Sát Thượng. Làng quê hiền hoà và thanh bình ấy đã chở che, đùm bọc chúng ta trong những ngày loạn lạc, chiến tranh và để lại trong mỗi chúng ta những kỷ niệm không bao giờ phai. Nhiều bạn đã trở về thăm lại làng quê bên Sông Cầu ấy, thăm lại những người nông dân hiền lành, chất phác với những tình cảm lưu luyến, xúc động.

So với nơi sơ tán, giảng đường đại học và ký túc xá Mễ Trì, nơi học tập và ăn ở của sinh viên Khoa Ngữ văn khang trang và đầy đủ hơn nhiều. Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng nhà trường và khoa vẫn lo cho chúng ta chỗ ăn ở rất chu đáo. So với sinh viên của nhiều trường đại học ngày ấy và cả bây giờ, sinh viên Khoa Ngữ văn được đào tạo bài bản, chuyên sâu và toàn diện. Đây là cơ sở đầu ngành đại học của cả nước giảng dạy, nghiên cứu về văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, hán nôm, ngôn ngữ, lý luận văn học với một hệ thống giáo trình, sách chuyên đề, chuyên luận có quy mô, chất lượng, uy tín khoa học trong nước cũng như quốc tế. Ngoài những giờ học nghiêm túc trên giảng đường, sinh viên còn được thưởng thức hầu hết các tác phẩm văn học kinh điển trên thế giới, được nghe các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi đọc thơ và bình thơ và đặc biệt được một đội ngũ nhà khoa học, các thầy cô giáo tâm huyết, yêu nghề và có tên tuổi giảng dạy và truyền đạt kiến thức. Tên tuổi của họ ngày nay đã vượt ra khỏi biên giới học thuật quốc gia, trở thành tinh hoa trí thức của thời đại như Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Gia Khánh, Bùi Ngọc Trác, Hoàng Như Mai, Đỗ Đức Hiểu, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Lê Chí Quế, Nguyễn Trường Lịch, Đỗ Hồng Chung, Đinh Xuân Dũng, Nguyễn Hàm Dương, Nguyễn Đình Thảng… Sinh viên Khóa 17 cũng rất may mắn được thầy Nguyễn Văn Lung dạy tiếng Pháp, cô Ngô Anh Thơ dạy tiếng Nga - những thầy cô tâm huyết, giỏi nghề đã không ngại khó khăn, vất vả uốn nắn cho sinh viên từng từ, từng câu.

Chính vì vậy mà sau 5 năm học tập, sinh viên Khoa Ngữ văn nói chung và khóa 17 nói riêng không chỉ được trang bị kiến thức chuyên sâu và toàn diện với luận văn khá giỏi mà sau khi ra trường còn phát huy rất tốt, đóng góp hiệu quả trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ít sinh viên khóa 17 đã thành danh ở nhiều lĩnh vực, trở thành nhà quản lý ở nhiều cơ quan khoa học, các nhà xuất bản, các nhà báo có uy tín như Cao Tự Thanh, Trần Kim Anh, Nguyễn Thị Ngọ, Nguyễn Công Việt, Võ Văn Sạch, Nguyễn Huy Tưởng (lớp Hán nôm), Vũ Đức Nghiệu, Đỗ Thị Cúc, Lê Đình Tuấn (lớp Ngữ), Xuân Ba, Huy Hoàng, Ngọc Vương, Sĩ Đại, Huy Cờ, Ngọc Bính, Thu Hà, Nguyễn Thị Bé, Thanh Nga…(lớp Văn). Nhiều bạn đã xuất bản nhiều đầu sách có giá trị như Xuân Ba, Cao Tự Thanh, Kim Anh, Nguyễn Thị Ngọ, Huy Hoàng, Ngọc Vương, Sĩ Đại, Lệnh Năng, Thanh Nga, Trần Thị Sánh…Chúng ta rất tự hào và hãnh diện từ mái trường này ra đi và đã đóng góp không nhỏ trí tuệ và công sức cho đất nước.

Nhân dịp này, cho phép tôi thay mặt hơn 100 cựu sinh viên khóa 17 bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thầy, các cô đã dày công giảng dạy, chăm sóc cho chúng ta trong suốt những năm qua. Tôi cũng đề nghị chúng ta cùng biểu dương và ghi nhận thành quả lao động bền bỉ, sáng tạo của tất cả cựu sinh viên khóa 17.

Thưa các thầy cô và các bạn.

35 năm trôi qua với bao thăng trầm của cuộc sống và sự đổi thay cùng đất nước, mái tóc trên đầu chúng ta đã bạc, răng đã rụng, gối đã mỏi và không còn cường tráng, thanh xuân như thủa nào. Hầu hết các bạn nữ đã nghỉ hưu, các bạn nam cũng sắp hạ cánh an toàn. Không ít bạn đã lên chức ông, bà. Con cái chúng ta được dạy dỗ chu đáo, trưởng thành, có công việc làm đàng hoàng và nhiều cháu đã nối được nghiệp cha mẹ. Tuy ở xa nhau, nhưng chừng ấy năm, tình cảm và tấm lòng của chúng ta vẫn hướng về nhau, chia sẻ, cảm thông với nhau trong cả lúc vui lẫn lúc buồn.

Trong ngày vui gặp mặt hôm nay, chúng ta không khỏi bùi ngùi thương nhớ các thầy Bùi Ngọc Trác, Trần Đình Hượu, Đỗ Đức Hiểu, Đinh Gia Khánh, Đỗ Hồng Chung, Nguyễn Văn Tu, Nguyễn Hàm Dương, Nguyễn Văn Khỏa vì tuổi cao sức yếu đã vĩnh viễn đi xa. 5 năm trước, thầy Nguyễn Đình Thảng, thầy Phan Cự Đệ còn đến vui chung với chúng ta, song hôm nay hai thầy không còn nữa.

Chúng ta cũng vô cùng thương tiếc các bạn Nguyễn Quốc Vượng, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Văn Dũng, Đoàn Văn Tuyến, Đỗ Xuân Thanh, Lê Xuân Sang, Ngô Đức Nguyên, Phạm Văn Sĩ, Nguyễn Duy Chiến (lớp Văn), Đồng Văn Duyệt (lớp Ngữ), Nguyễn Duy Chính (lớp Hán nôm) do bệnh tật và tai nạn đã mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng.

Thưa các thầy cô giáo và các bạn

Mặc dù đã rất cố gắng liên hệ, tìm tòi, song cho đến nay chúng ta vẫn chưa liên lạc được với các bạn Nguyễn Thị Nguyệt, Phan Thị Hồng Minh, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Xuân Thụ, Trần Nam Việt, Phạm Sóng Hùng. Ban Tổ chức rất mong nhận được sự hợp tác của các bạn để có thể liên lạc được với các bạn trên.

Nhân buổi gặp mặt hôm nay, Ban liên lạc lớp vui mừng thông báo, nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn trên mọi miền đất nước, vừa qua, đại diện lớp đã trao số tiền 20 triệu đồng cho anh trai của bạn Lê Thị Ninh bị bệnh kéo dài tại Trung tâm tâm thần Thường Tín, gửi tiền phúng viếng các anh Phạm Văn Sĩ, Ngô Đức Nguyên, và hiện quỹ lớp vẫn còn 5 triệu đồng.

Có được cuộc hội ngộ đông đủ, đầy ấn tượng như hôm nay là công sức và sự nhiệt tình hưởng ứng của tất cả các bạn. Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin biểu dương và cảm ơn các bạn Thanh Đạm, Thu Hà, Nguyễn Thị Bé, Thanh Nga, Thanh Hương, Minh Huệ (lớp Văn), Vũ Đức Nghiệu (lớp Ngữ), Ngọ, Kim Anh (Hán nôm) đã rất nhiệt tình và chu đáo với các hoạt động của lớp trong suốt 35 năm qua. Chúng tôi hy vọng rằng, sau buổi gặp thân tình và ấn tượng này, mỗi chúng ta sẽ mang theo những kỷ niệm, những tình cảm ấm áp về nhau trong suốt quãng đời còn lại.

Một lần nữa, thay mặt Ban Tổ chức xin trân trọng cảm ơn các thầy cô đã đến tham dự buổi gặp mặt này và dành cho chúng ta những tình cảm quý báu. Chân thành cảm ơn các bạn, đặc biệt là các bạn ở các tỉnh xa đã không quản thời gian, tốn kém về gặp lại bạn bè.

Kính chúc các thầy, cô cùng gia đình sức khỏe, lạc quan yêu đời và luôn gặp những điều may mắn.

Chúc các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc buổi gặp mặt của chúng ta thành công tốt đẹp. Hẹn gặp lại các thầy, cô cùng các bạn vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Ngữ văn và 40 năm ra trường./.

Chấp bút: Trần Thị Sánh

4 nhận xét:

  1. yêu cầu Mụ Sánh post ảnh lên diễn đàn nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Cặp đôi hoàn hảo Hoàng Sỹ Chiến - Bùi Thị Lập:(con gái Hoàng Thương Hà comment)

    Trả lờiXóa
  3. Cháu Hà ơi, lần tới chú ghé Đà Nẵng thế nào cũng phải đến chào bố mẹ cháu mới được. 35 năm không gặp rồi, lâu quá. Bảo bố Chiến mẹ Lập cho chú Thông gửi lời chào nhé.

    Trả lờiXóa
  4. tớ thích điếu văn hơn diễn văn. Điếu văn viết thật bụng, có mười viết một. Diễn văn thì ngược lại. Nghe diễn văn nhiều dễ nhiễm bệnh nói dối.
    Nghe điếu văn nhiều người khóc, chí ít cũng rơm rớm nước mắt. Nghe diễn văn người ta dửng dưng, vỗ tay nhưng lại bỏ ngoài tai.
    Chẳng có ai làm nghề đọc điếu văn, họ chỉ làm cái việc nói lời cuối cùng với người " luân chuyển " sang thế giới khác. Diễn văn thì kì lắm. Có người làm nghề viết diễn văn. Có những người lập thân bằng đọc diễn văn . Bá Tân

    Trả lờiXóa