Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Những bài hát của một thời (15): Hà Tây quê lụa

Bài hát này gợi rất nhiều tâm trạng, không chỉ về một thời đánh giặc gian lao “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa” mà về cả một vùng quê nổi tiếng nay cái tên chỉ còn trong tâm tưởng.

So với nhiều ca khúc thời chống Mỹ ở miền Bắc mang âm hưởng chung hào hùng thì Hà Tây quê lụa như giọng điệu khác lạ, mượt mà trữ tình, tha thiết vô cùng. Ngay từ cái tiêu đề giản dị cho đến những lời trong bài hát đều tạo cảm giác cực kỳ gần gũi thân quen.

Tác giả nhạc sĩ Nhật Lai (1931-1987) tên thật là Nguyễn Tuân, quê Phú Yên, nổi tiếng với nhiều tác phẩm khí nhạc, nhạc múa, nhạc kịch (opera), nhạc phim, là một chuyên gia về âm nhạc Tây Nguyên, nhưng cũng có những bài hát được nhiều người yêu mến như Bài ca anh Hồ Giáo, Hà Tây quê lụa…, được truy tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2002.

Nhật Lai viết Hà Tây quê lụa năm 1965 sau khi Mỹ ồ ạt ném bom bắn phá miền Bắc. Một vùng cửa ngõ thủ đô hứng bom đạn ngày đêm mà an nhiên kỳ lạ. Nhật Lai đã ghi lại được cái khoảnh khắc quý giá đó của đất và người.

Những người mê bài hát này gần như có chung suy nghĩ, không ai có thể làm cho nó hay hơn ngoài ca sĩ Quốc Hương. Ông sinh năm 1920 mất năm 1987, là ca sĩ lừng lẫy một thời, được phong danh hiệu NSND đợt đầu tiên năm 1984. Giọng hát ông giản dị, trầm ấm, đầy cảm xúc. Hồi đó cứ cần nhắc đến một giọng ca nam là người ta nghĩ ngay đến Quốc Hương. Mình còn nhớ, trong bạn bè, đứa nào hát hay thì được cả bọn tôn vinh là Quốc Hương ẩn dật.

Ở xứ này, có lẽ khó có tỉnh nào số phận lại chìm nổi truân chuyên như Hà Tây. Thuở ban đầu là Hà Đông và Sơn Tây, sau sáp nhập thành Hà Tây, sau nữa gộp với tỉnh Hòa Bình thành Hà Sơn Bình, chán lại chia ra thành 2 tỉnh cũ, cứ tưởng yên hàn, ai ngờ từ 1.8.2008 bị cưỡng hôn nhập vào Hà Nội, chấm dứt tồn tại. Chỉ mấy chục năm mà bao lần bãi bể nương dâu. Kể từ bấy cái tên Hà Tây thân thương biến mất trên bản đồ hành chính để lại nhớ thương cho biết bao người. Nhưng chả hiểu sao mình vẫn cho rằng âm vang cái tên Hà Tây sẽ vọng mãi trong lòng con dân quê lụa, và một ngày nào đó nó lại xuất hiện trên bản đồ. Chả biết đâu được.

Viết bài này, mình lại nhớ đến bậc đàn anh, một tâm hồn chính gốc xứ Đoài, quê Sơn Tây, anh Bùi Văn Trọng Cường. Anh học cùng lớp, ở cùng phòng, ăn cùng mâm suốt 4 năm học với mình, tình anh em mà chả khác tri âm tri kỷ. Một người thơ đúng nghĩa, tài năng, chỉ tiếc sinh bất phùng thời nên cuộc đời và số phận không xứng với những gì anh vốn có.


Xin cám ơn nhà sưu tầm quocviet75.

2.12.2011

Nguyễn Thông


Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh

Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa

Sữa trắng Ba Vì, thóc vàng khu Cháy

Hồn thơ Nguyễn Trãi dệt thành vân

Sông Tích sông Đà giăng lụa mênh mông

Đan Phượng ơi! Quê hương người gái đảm

Đồng hợp tác xanh tươi cấy dày thẳng tắp

Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc

Hà Tây, cửa ngõ thủ đô

Áo giáp chở che ngàn năm bền vững

Ngăn bầy giặc Mỹ vẩn đục bầu trời

Hà Tây, vọng gác thủ đô

Cô gái Suối Hai chàng trai Cầu Giẽ

Giữ lấy màu xanh biếc cho tấm lụa thanh thiên

Hà Tây...

3 nhận xét:

  1. HÀ TÂY ơi nay còn đâu, HÀ NỘI... quê lụa ???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giờ chỉ còn Hà Nội chân dài thôi, bác ạ. Buồn nhỉ.

      Xóa
  2. những người Hà Tây vẫn yêu quê hương mình như yêu những người thân yêu nhất

    Trả lờiXóa