Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Truân chuyên gánh văn chương người Việt ở Liên bang Nga

Từ trái sang: Phạm Xuân Hoàng, Nguyễn Huy Hoàng, ông xã Hồng Quân và chị Hồng Quân (PV báo SGGP), nhà báo Tôn Hiền (người đẹp VTV), tớ, Nguyễn Tiến Thư

NGUYỄN HUY HOÀNG

Dường như con số 5 là con số duyên nợ của cộng đồng người Việt ở Nga. Nhà khách Sứ quán số 5, khu Ngoại giao đoàn số 5, nhà Lãnh sự trước đây số 5, Đôm 5 mới, đôm 5 cũ, Xaliút 5, nhà ngoại giao Đoàn Đakutraev số 5.., đến Sứ quán ta ở Ukrain cũng số 5 nốt.

Mỗi nơi thành một địa chỉ quen thuộc không chỉ đối với ta mà cả đối với Tây, đến mức đầu những năm 90, bất cứ anh người Việt nào rời khỏi sân bay, ra vẫy tăcxi, chỉ cần thả một câu gọn lỏn: Đôm 5 cũ, bằng tiếng Việt, là lái xe lập tức bật ngay băng nhạc Trịnh Công Sơn lắp sẵn tự bao giờ và biết đưa anh đến đâu rồi !

Đôm 5 cũ lừng danh vì đó là nhà hộ sinh đầu tiên khai sinh ra cái cơ chế thị trường cho người Việt. Ngày ngày, phần lớn các đại nhân sĩ Việt nam, những nhà quản lý, nhà khoa học và hành chính tương lai, xếp nghiên bút, dành tâm lực cho sự nghiệp kinh doanh. Hiếm có một trí thức thành đạt sau này, xuất thân từ đôm 5 mà không có mặt giữa đống máy tính, quần bò, son phấn, đồng hồ, áo váy. Hàng hoá cuồn cuộn từ Ba lan, Trung quốc, Thổ nhĩ kì ...theo các ga Bêlôrutxia, Iarôxlap đổ về Đôm 5 như một tổng kho để rồi từ điểm trung chuyển đó, toả ra khắp các thành phố Liên bang Nga thời hậu perextrôika thiếu thốn .

Nguyễn Huy Hoàng đọc thơ cho các bạn cùng lớp nghe trong buổi hội lớp 30 năm ra trường

Nhưng tấm biển “Khu nhà thực tập sinh và nghiên cứu sinh” số 5 phố Đmitri Ulianôv ngoài vỉa chợ búa ra, còn có một vỉa tri thức dồi dào và đa dạng. Tại đây, có nhiều gương mặt sáng giá đã bồi đắp phần hồn vía cho cộng đồng ta bằng tuổi tên và trước tác. Riêng về lĩnh vực văn chương, trong ngôi nhà này đã góp mặt mấy người; Sư phạm Lênin có vài người; Trường Tổng hợp Lômônôxôv có ba bốn người và Trường Viết văn Gorki có tới dăm người. Thế là khu rừng văn bút của người Việt tại Matxcơva cũng đã khá rậm rạp, ngoài những anh em sàn sàn tuổi tác, trình độ; cũng có cây đa, cây đề, có các bậc lão làng và những vị đạo cao, đức trọng. Đó là cái thời “nhân chi sơ, tính bản thiện”, cơ chế thị trường chưa kịp di căn vào máu, máu chưa nhiễm tạp chất tiền nong, địa vị; con ngưòi sống với nhau thật hơn, thân ái hơn, cởi mở và hồn nhiên hơn. Nhiều anh em là tín đồ văn nghệ, cuối ngày, sau giờ lên lớp nghe bài giảng, hoặc sau buổi chạy chợ, dù ở tận cuối thành phố xa lắc, xa lơ, hoặc chơi tàu điện ngầm, hoặc ôtô buýt; anh nào rủng rỉnh trúng quả thì cưỡi tăcxi đến đôm 5, tấp vào một phòng nào đó, làm vài chai bia Jiguli loại mười lăm rúp, bù khú chuyện văn chương, thế sự đến tận khuya mới ra về. Có được tờ Văn Nghệ, hoặc quyển sách nào hay hay là phô tô ra hàng chục bản chuyền tay nhau như món đặc sản rừng.

Quyển tạp chí duy nhất lúc này được sản xuất bằng công nghệ madein Vietnam tại Matxcơva là “Đất nước”.Tạp chí in ôpxet đen trắng, dày trên trăm trang, nhưng rất ấn tượng bởi chữ nghĩa rõ ràng, trình bày công phu và có nghề. Nó không phải là một tạp chí văn học, cũng không phải là tạp chí tuyên huấn mà là một ấn phẩm tổng hợp, mang tính thông tin đa đa dạng, mỗi thứ một ít. Tuy nhiên phần văn học được ưu ái nhất, chiếm tới một nửa dung lượng. Lực lượng tham gia viết bài và tranh chủ yếu là các tác giả tại Nga cộng với các bài viết của các nhà văn, nhà thơ trong nước sang Matxcơva công tác. Tạp chí được đón nhận như những món rau tươi văn chương giữa những bữa ăn khan triền miên ở xứ tuyết. Có một thì muốn hai, bạn đọc không bằng lòng với khẩu phần bao cấp “ một tháng đôi lần, có cũng không” mà mong muốn những bữa tiệc này phải được đáp ứng thường xuyên.Vấn đề dặt ra là phải có một hội đoàn nghề nghiệp tập hợp các cây bút lại với nhau, phải ra đựơc một tạp chí văn học riêng. Các anh Tôn Thất Triêm, Nguyễn Đình Chiến, Trần Đăng Khoa...chạy đôn, chạy đáo, gõ hầu hết cửa Văn phòng Đảng uỷ Nước, Đại Sứ quán để làm những động thái cần thiết chuẩn bị các thủ tục hành chính không thể thiếu để cho Hội văn bút người Việt tại Nga được chào đời.

Cơ may là trước đó ít lâu, “Hội Khoa học Kỹ thuật” và “Hội doanh nghiệp tại Nga” đã tổ chức Đại hội. Do mật độ trí thức vào thời điểm này “trùng trùng, điệp điệp”, nên Hội Khoa học Kỹ thuật ra quân rầm rộ với những chương trình hoành tráng từ báo chí đến hội thảo; đặt ra những dự án hùng vĩ trong tương lai như chuyển giao công nghệ và làm các kỉ yếu lớn. Còn Hội Doanh nghiệp dĩ nhiên là tràn đầy khí thế chiến lược với tầm vươn dậy và tư thế tài chính của hơn hai trăm công ty người Việt được thành lập trong khoảng ba năm đầu thập kỷ chín mươi ở Matxcơva. Như vậy là ở một mặt nào đó, Hội văn bút người Việt được thừa hưởng chút vốn liếng kinh nghiệm và làm một suất ăn theo của một tiền lệ .

Hoàng đen (nhưng bây giờ trắng mịn màng) cùng các bạn đồng khóa đồng môn Trần Thị Sánh, Nguyễn Đình Hạnh, Trần Thị Liên

Tuy không được phong độ như hai hội Khoa học và Doanh nghiệp, nhưng do tính đặc thù, nên Hội văn bút rất được Sứ quán và các Trung tâm Thương mại lúc bấy giờ quan tâm. Đại hội lần thứ nhất tổ chức tại Hội trường Lớn của Sứ quán vào ngày18-8-1994, cờ mở, trống giong, nhiếp ảnh, truyền hình tíu tít; có ăn mặn, uống nồng, có ca nhạc sống động. Hội được ưu ái như con gái mới về nhà chồng, được các đại biểu dành cho nhiều điều hứa hẹn về một sự giúp đỡ tài lực và mọi nhẽ cần thiết để duy trì và phát triển. Lúc này tên khai sinh của Hội được thống nhất là “Hội những người hoạt động Văn học và Nghệ thuật ở Liên bang Nga” gọi ngắn đi bằng ngữ ngôn truyền khẩu là Hội Văn học Nghệ thuật.

Hội tập hợp những người sáng tác, phê bình văn học, dịch thuật, những người làm hội hoạ, điêu khắc, âm nhạc ...trên cơ sở tự nguyện, tạm thời chưa căn cứ vào tác phẩm được công bố, trình độ chuyên ngành, chỉ cần yêu Hội là đã có điều kiện gia nhập. Lực lương hội viên ghi danh xấp xỉ bảy chục người, bằng tới một phần sáu hội viên Hội nhà văn Việt nam ở thời điểm 2005, một con số đáng nể. Nhưng số tham dự Đại hội chỉ có 37 hội viên. Lúc này, trên tạp chí “Người bạn đường” của Hội mới cho ra Dự thảo Điều lệ chứ chưa có Điều lệ chính thức.

Về nguyên tắc, một tổ chức hội xã hội hay nghề nghiệp được thành lập ở nước sở tại, muốn đi vào hoạt động công khai phải thực hiện theo luật Nga là phải có Điều lệ ( UXTAV) đăng kí ở cơ quan tư pháp. Phải ba năm sau, năm 1997, mất khá nhiều công của, Hội mới hoàn tất thủ tục pháp lý, có Điều lệ, có con dấu, có blank. Còn số điện thoại liên lạc, số Fax, địa chỉ Văn phòng thì dùng nơi tá túc của cá nhân đề vào. Rất nhiều lần, tôi nhận được điện thoại của các bạn thơ, thậm chí là của một vài tổ chức xã hội Nga gọi đến hỏi Văn phòng Hội. Tôi trịnh trọng cho họ biết rằng, đây là số điện thoại nhà riêng, nhưng trong thời kỳ quá độ tiến tới giai đoạn offic thì nó là Văn phòng thật, chứ không phải văn phòng ảo!

Và thời gian trôi qua, suốt hơn một thập kỷ, nói bay bướm hơn là gối đầu qua hai thế kỷ, chưa bao giờ Hội có lấy một góc phòng, một chiếc ghế, một chiếc bàn riêng; chưa từng sở hữu một thứ vật dụng đáng giá như một máy fax, một bộ vi tính. Thế mà vẫn như một đội du kích văn chương, Hội vẫn hoạt động, vẫn sòn sòn cho ra tác phẩm như một chị nông dân mắn đẻ!

Dịp tôi về nước năm 99, Nguyễn Đình Chiến trao đổi với tôi là “cố dành thời gian đến thăm Hội Nhà văn Việt nam, phải gặp được một vị nào trong Ban thường vụ thì tốt để nếu có thể thì xin phép họ coi ta là một Chi hội…”. Tôi làm vượt năng suất, đến thăm anh em đồng nghiệp trong nước ba lần, gặp được nhà thơ giữ quyền trượng của hội Nhà văn. Tôi được đón tiếp long trọng quá mức mình được hưởng, nhưng chẳng ai gật đầu khi tôi đưa ra sự ủy nhiệm của Nguyễn Đình Chiến. Thôi đành coi ta là khu tự trị vùng xa vậy!

Kỳ Đại hội lân thứ II diễn ra sau cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nga một năm. Cuộc khủng hoảng đó đã tác động một cách toàn diện và sâu sắc vào nước Nga đương đại đã đành, mà còn gây ra bao sự đảo lộn trong cuộc sống của cộng đồng người Việt. Mặc dù chẳng dính dáng gì đến cơm áo, gạo tiền, hay kinh doanh, buôn bán, nhưng Hội cũng gián tiếp chịu tác động. Khi mà dân tình chỉ tập trung phần sức cho cuộc mưu sinh thì ít ai còn nhiều tâm lực dành cho thứ của xa xỉ văn chương, nghệ thuật. Theo điều lệ, lẽ ra Hội đã phải tổ chức Đại hội vào năm 97, thay vì năm 1999, muộn đi gần một nhiệm kì. Một mặt là vì kinh phí không xoay ra; rồi người về, kẻ ở; mọi thứ đều xáo trộn.

May mà các vị tham gia Chấp hành Hội không một xu lương, không tiêu chuẩn ưu tiên, đến khâu oai cũng không có nốt, chứ mà có chút quyền hành, chút lợi lộc mông gà, má lợn, thì không ai dám đảm bảo là những pha tung chưởng võ lâm hiện đại ở hậu trường và chính trường là không thể xảy ra.

Đại hội lần II tiến hành vào ngày 9-6-1999, xuôi bè, mát mái với 31 người tham dự. Lực lượng, đội ngũ ngày nào còn hùng hậu, giờ đây đã thưa thớt đi nhiều.

Phần đông các cây bút cao niên của Hội lần lượt về nước nhận công tác và tư tác.

Ngoảnh đi, ngoảnh lại, may vẫn còn lại một số anh em có năng lực sáng tác, phê bình, dịch thuật, vì lý do này, lý do khác còn nán ở lại chưa về, nên Hội cũng đỡ phần trống vắng.

Sau giai đọan khủng hoảng kinh tế Nga, cộng đồng người Việt lại phải tiếp tục đứng trước nhiều thử thách gay go. Nhiếu chủ lớn vỡ nợ, tiền mất giá, hàng trăm người lấy hàng từ các thành phố xa không còn khả năng thanh toán cho chủ hàng ở Maxcơva, bỏ của chạy lấy người, gây nên tình trạng an ninh hỗn độn.

Riêng anh em làm văn nghệ vốn đã khó khăn, nay lại khó khăn lại gấp bội phần. Đa số hội viên không có việc kiếm ra tiền một cách ổn định, có vị thì làm hàng khô quanh quẩn với miến măng, bánh rán và nước mắm; có vị thì làm dịch vụ điện thoại ôm ống nói suốt ngày thu nhập chẳng là bao; có vị thì làm văn phòng ở một ốp nào đó lương bổng ba cọc, ba đồng; chỉ vài vị cung điền trạch khá có kiôt hoặc quầy mua bán ở các ốp, các chợ có đồng ra, đồng vào, nhưng nhìn chung thì trôi nổi, loai xoai giữa vòng xoáy thương trường .

Từ trái sang: Nguyễn Huy Hoàng, nhà báo Hồng Quân (báo SGGP), ông xã Hồng Quân, Tôn Hiền (nhà báo VTV), Phạm Xuân Hoàng, Nguyễn Tiến Thư

Có lần ra sân bay, tiện đường tôi ghé thăm một bạn thơ nghiệp dư ở tận ốp Zin cũ. Vợ chồng anh thuê một phòng, ở chung với một bà công nhân Nga đã về hưu với giá rất hữu nghị. Vợ anh nhận làm ôsin cho một chủ bán hàng da ở ốp Tôgi, trừ ăn uống tại gia ra, mỗi tháng còn được bỏ túi hai , mỗi tuần chủ cho nghỉ một ngày; còn anh bán hàng thuê ở chợ Asean, công xá mười đô một ngày, ba chục ngày vị chi là ba vé. Anh nghiêm trang bảo tôi là: cả nhà em đều làm kinh tế anh ạ! Không đợi tôi hỏi, anh giải thích luôn là “em cố gắng tập thể dục, không phí phạm sức khoẻ, cố không ốm đau, đỡ được tiền thuốc. Vợ em chỉ đi phương tiện công cộng, không biết đến tăcxi là gì, ăn uống thì cố chọn mua những thứ rẻ nhất mà no nhất. Em không dùng điện thoại di động, hạn chế tối đa những cuộc nói chuyện phải thanh toán tiền; còn thằng con đi học thì đã có suất ăn ở trường, mỗi buổi sáng gói cho nó một chút gì làm sẵn; ngay cả nước uống cũng đun sôi, để nguội cho vào chai, tiết kiệm đến mức tối đa, thế cả nhà chẳng làm kinh tế là gì !”. Anh nói chí phải, chẳng biết nên cười hay nên khóc, nhưng chua chát lắm, bởi vì một gia đình ba nhân khẩu như anh, ở cái đất này, tiền nhà, tiền giấy tờ, tiền đi lại, tiền ăn, tiền sinh hoạt, thuôc thang… mỗi tháng không lo được tối thiểu chục là ra đường ngay lập tức!

Anh em làm văn nghệ, mỗi người một kiểu sống, sách vở nói một cách hàn lâm là cá tính, mà cá tính là thứ trời ban, làm sao mà sửa được. Anh Tôn Thất Triêm là một dạng chẳng giống ai. Trong khi người ta phù thịnh, thì anh lại phù suy. Hễ có ai gặp hoạn nạn, ai đau ốm, ai lỡ vận, sa cơ, là anh có mặt, dành những đồng tiền ít ỏi để bù đắp, cưu mang. Anh chẳng bao giờ tô vẽ, đánh bóng mình, chỉ sống lặng lẽ, kín đáo, chân thành với nụ cười hiếm hoi và lúc nào cũng như người có lỗi.

Hoàng Tân Hưng thì lúc nào cũng giống hệt người từ hành tinh khác đến . Sống giữa một thành phố xô bồ, náo động của châu Âu mà anh cứ như ở am mây. Đi kẻ hiệu, làm biển quảng cáo cho những doanh gia cũng không viết một dòng hợp đồng, vét tiền riêng của mình để thanh toán trước, đến khi xong việc, chìm cả chì, lẫn chài. Thằng bạn đồng môn là chủ ốp thuê anh làm, phủi tay, vòng vo xù nợ, đến mực vẽ cũng không chi ra cho anh. Anh hồi hương với hai bàn tay trắng, yếu gầy, tuổi tác. May mà trời còn thương đến, một người được anh vẽ chân dung, cho mượn một góc nhà ở Hà Nội cư trú vô thời hạn, nếu không thì chẳng biết trôi dạt tận phương nào.

Ông em họ của tôi cũng đã từng xuất ngoại, nhưng chưa sang Nga bao giờ, khẳng định như đinh đóng cột là ông anh mình giàu có lắm, đứng vào hạng thứ nhì Matxcơva bởi vì được có lương của một công ty tiếng tăm, và thường thấy xuất hiện trên tivi và báo chí. Mà không chỉ ông ta đâu nhá, có cả một lô các ông, các bà ở nhà quê lúc gặp nào cũng ở tư thế chuẩn bị hỏi vay tiền. Các vị ấy đâu biết rằng, tôi cũng từng được dính vào bảng lương một công ty đấy, nhưng đứng ở vị trí áp chót, hàng tháng cố lo thì cũng chỉ đủ tiền đi lại, thuốc thang và điện thoại. Hai chục năm xuất ngoại mà khó tích cóp được lấy một đồng dính ví. Hồi năm 2001, nghe tin tôi nằm bẹp giường, mấy anh em hảo tâm, trong đó có ông Trưởng Thương vụ, ông Chủ tịch Xaliut 2, đã đặt ra vấn đề cứu trợ cho tôi, may mà tôi kịp từ chối, không thì tiếng tăm còn phải lưu đến đời chắt.

Kiếp làm văn chương ở cái đất nhà nhà ra chợ, người người ra chợ này mà không bị trải chiếu, cầm ống bơ đứng đường là mả tổ còn phát lắm.

Trong số gần trăm ngàn người Việt, nếu ai đó dày công làm một công trình điều tra thì kết quả cho thấy là phần lớn những người theo nghiệp văn nghệ chăc chắn là đứng đội sổ về thu nhập, chỉ nhỉnh hơn oshin một tí.

Vào những năm đầu thiên niên kỷ mới, chống chèo để in được một tập sách, ra được một số tạp chí, tổ chức được một đêm thơ ở Matxcơva thì phải nói như Cụ Nguyễn Du là” công trình kể xiết mấy mươi.” Trong nhiệm kỳ II, số anh em trở về quê cha đất tổ và dạt đi thành phố khác khá nhiều. Có không ít anh em đành ngậm ngùi lìa bỏ thơ phú, lao vào cuộc mưu sinh, không khí văn đàn rơi vào nốt lặng.

Đại hội lần III rút kinh nghiệm lần trước, những muốn tổ chức đúng thời hạn để khỏi tiếng eo xèo, nhưng rồi lại cũng chậm đi hơn 2 năm, vì những vấn đề còn rất nhiều vấn đề. Khu rừng thu văn nghệ vốn đã tiêu điều, nay lại tiếp tục thưa đi như như chợ quê cuối ngày. Những gương mặt quen thuộc ngày nào thường xuyên có mặt ở Matxcơva, nay đã nhận khẩu thường trú và nên ông, nên bà tại thủ đô Hà Nội; vài anh em thì dạt đến Tiểu Nga - thành phố Kharkov với mục đích tìm đường kiếm sống. Hội chỉ còn lại một số thành viên cũ càng và một số hội viên mới được kết nạp, chưa kịp biết mặt, biết tên nhau.

Mặc dù trước đó, theo sáng kiến của một vị trong Ban Chấp hành, Chi hội Văn học được triển khai để tập hợp, củng cố đội ngũ, nhưng vốn liếng chỉ có thế, không thể huy động số đông sức người như gọi dân công hoả tuyến được. Để chuẩn bị cho đại hội này, Sứ quán và Ban công tác Cộng đồng đã dành khá nhiều thời gian và công sức bàn bạc, ủng hộ rất tích cực các chương trình và kế hoạch của Hội. Chưa kịp làm thủ tục về phía Nga, Ban trù bị đã soạn thảo và thông qua Điều lệ mới về phía Việt nam, chờ một thời điểm thích hợp sẽ đăng kí lại, trên cơ sở bổ sung Điều lệ cũ. Khá ưu ái với Hội, Sứ quán cho mượn Hội trường, trao cho một phong bì khiêm nhường, nhưng chu đáo; các TTTM kẻ ít, người nhiều, cũng góp thêm cho ít tài chính bổ sung vào bữa tiệc mặn. Đại diện các Hiệp hội tại Matxcơva và các đại biểu y tọa cho đến phút cuối cùng. Chương trình Đại hội khá phong phú, đề cương soạn thảo công phu, đặt ra rất nhiều kế hoạch, hiến kế nhiều biện pháp, nhưng đồng hành với nó là những khó khăn...

***

Có thể nói khó khăn lớn nhất không chỉ đối với Hội Văn học Nghệ thuật cũng như các Hội khác ở Nga là vấn đề tài chính. Ngay đối với một Hội gần với áo tiền,cơm gạo như Hội Doanh nghiệp thì tài khoản cũng nhiều năm nằm ở con số âm nặng, theo như báo cáo tổng kết tài chính của ông Chủ tịch Hội này. Các Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Người Việt định cư thì cũng chẳng hơn gì, không có lấy một đồng kẽm gọi là, không văn phòng, không trụ sở, không có thiết bị công vụ và không người thường trực.

Còn Hội Văn học Nghệ thuật thì từ buổi chào đời đến nay, chưa hề thu được một xu hội phí, bộ phận tài vụ không phải bỏ lấy một phút nào ra làm việc. Mỗi khi có khách, mỗi lần tổ chức gặp mặt, anh em trong Ban Chấp hành lại “góp gió nhỏ làm gió vừa”, người một vài chục đô để có cái mà ngồi lại với nhau. Thường khi in tạp chí, một số anh em lại tất tả xách thúng mủng đến gặp Ban Giám đốc các TTTM trình bày, thưa gửi, đặt vấn đề, hoặc là là nhờ các quý vị giúp cho tiền in ấn; hoặc là mai sau, khi tạp chí in xong, giúp mua hộ cho vài trăm số. Cái kiểu đèn cù chạy vòng quanh này, nhiều khi cũng hiệu quả ra phết. Mười lăm số “Người bạn đường” được trình làng chủ yếu bằng con đường giật gấu vá vai, ăn đong lần hồi này. Chưa hề một người làm biên tập, chưa hề có một tác giả nào tham gia có bài in tạp chí nhận được một đồng thù lao, hay một đồng nhuận bút. May ra, tác giả thì có được chút bổng lộc bằng hiện vật: khi thì hai, khi thì ba quyển tạp chí tuỳ theo sự hào phóng của Ban Biên tập. Một sự phi lý đến không thể tin nổi giữa cơ chế thị trường, nhưng nó đã tồn tại suốt 14 năm qua và chắc là vẫn tồn tại cho đến khi nào giữa Matxcơva vẫn còn tạp chí“ Người bạn đường” của Hội.

Theo thông lệ, cứ gần đến quý 4, anh em trong Ban Biên tập Tạp chí thường chuẩn bị hòm hòm bài vở, sau đó lên kế hoạch lo toan tài chính . Nhưng năm nay lịch sắp bóc hết rồi, thấy ai cũng thở ngắn than dài, chưa biết vái phương nào để tạp chí đến được với cộng đồng trong dịp Tết. Nếu Tạp chí ra được đúng kỳ, đúng hạn thì bà con hoan nghênh, nhưng không ra kịp thì mọi người hiểu lý do vì đâu rồi, cũng rộng lòng đại xá !

Theo chiến thuật chiến tranh nhân dân này, trong mười năm qua, hai tuyển tập thơ khá dày dặn số trang được ra đời, đó là “ Những nẻo đường xứ tuyết” và “Tuyết ấm”. Chất lượng thì có kẻ khen, người chê, nhưng cái quý nhất là nhà khó có con . Hầu hết các gương mặt thơ của Hội từ trước đến nay đều được tuyển chọn, giới thiệu trình làng. Một số TTTM mua ủng hộ và cho thơ vào túi quà kèm bánh chưng, lịch và mứt Tết tặng bà con. Anh em làm văn chương đến thăm nhiều gia đình, thấy con cháu họ tựa cửa sổ ngồi đọc thơ mình, lưng cũng thấy gai gai, sương sướng, mặc dù có sách, có bài đấy hẳn hoi mà chẳng có lấy chút công quả. Ở đây cũng xin mở ngoặc một chút xíu là ai nếu tốt phúc, có bài đăng trên“ Đất nước” của Sứ quán thì có quyền lĩnh 8$ hoặc 10$ một bài thơ, tuỳ theo độ dài ngắn; và 15$ một truyện ngắn hoặc kí sự. Số tiền đó, vị nào chịu khó chen ôtô buýt thì về Xaliut 3 làm được hai tô phở, còn hứng chí thì may ra đủ một cuốc tắc xi về nhà.

Chạy ngược, chạy xuôi xin kinh phí, điều khổ nhất không phải là nỗi đoạn trường lặn lội trên từng cây số, mà là thấm thía sự cay cực của số phận anh làm văn nghệ. Đi xin tiền cho Hội, một số nơi họ ủng hộ vô tư, nhưng cũng có nơi đặt ra điều kiện này, điều kiện nọ. Thậm chí có những vị quản chợ dày tiền, thưa chữ, cho được mấy đồng cũng lên giọng dạy bảo anh em làm văn chương phải nâng cao, bám sát, rèn luyện, trau dồi…nghe như bài giảng của cán bộ tuyên huấn! Lại cứ phải dạ, vâng, cứ gật cằm kính cẩn để lĩnh hội.

Điểm lại sự nghiệp cá nhân của các Hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật tại Nga thì thấy cũng không đến nỗi nào. Mỗi một nhà, dù là nhà văn , nhà thơ, nhà nhạc, nhà họa cũng đều cố gắng cho ra lò một vài tập, vài bài, tổng kết những năm tháng dùi mài, viết lách ở xứ người. Châu Hồng Thuỷ mới đây cho in“ Những bông tuyết mùa hè”, Bùi Quang Thanh năm năm trước có” Heo may xứ tuyết”, Nguyễn Đình Chiến in “Hoàng hôn nhớ”. Trần Văn Cơ lần đầu in cuốn “Hoa bồ công anh” ở tuổi lục tuần; Nguyễn Đình Lâm năm ngoái in “Con kiến tật nguyền”, Hồng Hà làm hai đĩa CD trong vòng ba năm, Hoàng Tân Hưng trước khi quy lai cố quốc đã kịp làm một triển lãm mỹ mãn ở Cung văn hoá cạnh công viên mang tên M. Gorki ...

Sách của các tác giả trong Hội đa phần là bỏ tiền túi in tại Nga, in ra chỉ tặng, không kinh doanh, không bày bán. Thương nhất là anh Nguyễn Văn Tài. Suốt ba năm lọ mọ, vừa lo viết và đặt bài vở, vừa đánh máy, chế bản, bỏ tiền in 11 số tạp chí “ Đồng hương”. Không ai ủng hộ cho anh lấy một đồng, không ai cho lấy một góc kiốt tại các TTTM để trưng tạp chí ra bán, anh cứ phải cõng trên tấm lưng gầy yếu cả kiện tạp chí đi phát hành từ ốp này, sang ốp nọ, cách nhau ba bốn chục cây số. Ăn uống kham khổ, ngồi máy tính suốt ngày, chỉ uống nước chè khan, hút thuốc liên tục, anh mang bạo bệnh, không qua khỏi. Anh không kịp nhìn thấy tuyển tập truyện ngắn của mình được in ở Nhà Xuất bản Hội Nhà văn.

Còn Nguyễn Thông cũng cặm cụi mài bút nhiều năm, lúc về nước cũng gom đủ bài để ra được một tập thơ riêng, chuyển sang Nga gửi tặng hầu hết anh em trong Hội. Anh cũng ra đi với chứng bệnh nan y, ngay sau khi tập thơ được phát hành.

Năm 99, hoạ sĩ Trịnh Văn Khanh lâm bệnh nặng. Sau lần mổ thứ nhất, anh phải vào phẫu thuật ở Viện Ung Bướu quốc gia ở Kasixkoe trong tình trạng gia đình không đủ khả năng cáng đáng kinh phí. Mặc dù lúc đó, tôi chưa gặp, chưa biết mặt Trịnh văn Khanh, nhưng “cùng một lứa bên trời lận đận ”, nghe Hoàng Tân Hưng báo tin, tôi đành mang khăn gói quả mướp suốt hai ngày lặn lội đến gõ cửa từng Trung tâm Thương mại. Cũng may, vào cái thời thánh thiện đó, người ta dễ mủi lòng trước nỗi cơ cực và đắng cay của con người, chẳng ai nỡ bắt tôi ra về không. Kết quả là dấn vốn góp được vừa tròn 1800$, nhờ người mang đến cho gia đình Trịnh Văn Khanh, đủ cho một ca mổ ở bệnh viện Ung Bướu. Nhưng anh cũng chẳng kéo dài thêm cuộc sống của mình được bao lâu nữa. Ý tưởng về một cuộc triễn lãm tranh, viết những bài nghiên cứu về hội hoạ của người Việt đương đại

tại Nga đã vĩnh viễn theo anh nằm sâu dưới nấm mồ phía Nam sân bay Đômôđeđôvô lạnh lẽo.

Không ít anh em trong Hội dã trở thành nạn nhân của thói côn đồ và bạo hành ở nước Nga. Có một nhạc sĩ ở ốp Xôkôl, đi làm về muộn bị một nhóm cảnh sát bảo vệ làm tiền, anh không có đưa, chúng đánh cho anh đến mức gẫy cả xương sườn. Sau này công an đã xác minh tìm ra và xử lý bọn trấn cướp đó.

Còn một nhà thơ thuê căn hộ ở, bị bọn cướp mạo danh công nhân lừa mở cửa cho chúng nó vào nhà kiểm tra hệ thống nước. Chúng ra tay bằng cờ lê và búa hành hung bố con anh, may mà nhà anh còn có phúc, không thì thân thể khó mà được vẹn toàn.

Có thể mạnh dạn nói rằng, giá một cơ quan có thẩm quyền nào đứng ra xem xét, tặng cho mỗi người làm văn nghệ ở Nga một huân chương Lao động thì cũng xứng đáng. Bởi vì đa phần anh em làm văn nghệ đều ngu ngơ trước chiến địa thương trường, đều cam chịu thiếu thốn, không ít người sống dặt dẹo, ăn đậu, ở nhờ. Không làm ra tiền ở xứ này, lại dính tới văn chương, ngoài chuyện đói rét đã

đành, thiên hạ còn coi là người “ ba sôi, hai lạnh”, dịch từ tiếng Việt ra tiếng Việt bình dân là mát, là hâm. Có anh làm thơ tính nát óc để tìm cách để tồn tại, để ở lại, nhưng không xong, phải nhắm mắt đưa chân chọn chước thứ 36 là rời khỏi nước Nga, quy lai tại ngã điền viên thú. Đến phút chót, anh em kẻ ít, người nhiều cũng phải góp thêm chút đỉnh mới đủ tiền vé và có chút quà Nga cho vào đáy va li.

Ngay cả ban nhạc Văn Lang, nơi các ca sĩ gọi là còn có màu một chút, thu nhập cũng chỉ đủ cầm cự, lấy tháng nhiều đắp vào tháng ít. Công xá chủ yếu trông chờ vào các đám cưới, sinh nhật, hội hè, mà đình đám có phải lúc nào cũng sẵn đâu. Hơn nữa, ngoài Văn Lang, còn có các nhóm Trúc xinh, Bốn mùa,.. cũng luôn dài cổ ngóng chờ, đón đợi các đám tân hôn! Mùa thu là mùa cưới, các đơn đặt hàng nhiều thì túi còn rủng rỉnh; còn ngày đông, tháng giá, thì ôm gối, gác đàn ngồi đợi. Hoá ra ở nước nào, thời nào, những anh đã chuyên tâm làm văn nghệ, coi như chấp nhận một thứ nghiệp chướng, chấp nhận một cuộc sống tụt hậu về vật chất so với thiên hạ.

Vài năm gần đây, các đêm thơ không được rôm rả và liên tục như trước. Thời hưng thịnh, các ốp, các TTTM chủ động gợi ý với anh em trong Hội tổ chức những đêm thơ với sự tài trợ hậu hĩnh, nghĩa là lo bố trí hội trường, phông màn, loa đài, lẵng hoa và tiệc mặn. Nhiều đêm tổ chức ở Bến thành, Sông Hồng, Tôgi, KT, Lion khách ngồi kín cả nhà hàng khoảng 200 chỗ và tiệc thơ kéo dài tới hai, ba giờ vẫn chưa kết thúc. Khách là những đại diện của Sứ quán, của các Công ty doanh nghiệp, bà con trong ốp. Có những người yêu thơ ở xa, có khi họ phải lặn lội tận cuối thành phố đến cách ba, bốn chục cây số để tham dự.

Nhưng gần đây, thảng hoặc một năm có được một lần, nhưng không khí đã khác xa giai đoạn khởi nguyên nhiều lắm. May mà cho đến năm vừa rồi, truyền thống đêm thơ Nguyên tiêu vẫn được duy trì. Trong giấy mời gửi cho các nhà văn hoá, bạn bè Nga, hai chữ Nguyên tiêu được phiên âm, không dịch nghĩa, và nhiều năm rồi hai chữ đó đồng nghĩa với hội thơ. Sáu lần tổ chức Nguyên tiêu, thì cá sáu lần, các ông đại diện cho Hội Hữu nghị Nga- Việt cùng các nhà văn Nga yêu Việt Nam bao giờ cũng có mặt. Đáng nhớ nhất là đêm Nguyên tiêu 2004 tổ chức tại nhà hàng “Hà Nội” được Công ty Rolton tài trợ, một nhóm nhạc Nga được mời tới, còn quan khách Nga được xe của Xaliut 3 đón từ metrô Đmitrovxkia đưa đến tận nhà hàng nơi đêm thơ sẽ diễn ra. Khách Sứ quán và những người hâm mộ thơ ca của cộng đồng đổ về đến mức phải hối thúc nhân viên kê thêm chỗ.

Đêm Nguyên tiêu gọi là đêm thơ thì hơi phiến diện, vì ngoài thơ ra, phần ca nhạc của các ca sĩ Nga và Việt chiếm một khoảng thời gian đáng kể; phần phát biểu ứng tác, các cảm hứng và bộc bạch của những vị khách Nga luôn làm thay đổi tất cá những rào chắn giờ giấc của chương trình. Đêm Nguyên tiêu biến thành một sinh hoạt văn hoá rất hữu nghị, rất dân chủ và tình cảm. Để tổ chức một đêm có hiệu quả như vậy, anh em phải bỏ ra cả tuần lễ để lo liệu khá vất vả. Những năm sau này,“cứ trong mộng triệu mà suy, chắc là không được thuận như những năm trước đây, vì nhìn trước, nhìn sau, vẫn chưa nhìn thấy bàn tay hảo tâm nào chìa ra tài trợ. Các ốp lần lượt theo nhau ngả mũ chào vĩnh biệt cộng đồng, không để lại một tấm hình, không một dòng địa chỉ! Bỏ đi một việc đã xây dựng nên thành truyền thống như Nguyên tiêu là bị hẫng, thậm chí là có lỗi, là kết thúc đột ngột một dư âm. Ban Chấp hành Hội đang tính kế, hoặc là chạy vạy, hoặc là sẽ kết hợp với một tổ chức, một TTTM, hoặc một hiệp hội khác để có được một Nguyên tiêu đúng hẹn lại lên.

Có người cho rằng dự thảo chương trình của Đại hội III vừa rồi đã đề ra những dự định quá tầm, như mỗi năm sẽ ra ba số tạp chí, tổ chức được vài đêm giao lưu, có một vài cuộc triễn lãm tranh hoặc ảnh, kết nạp thêm hội viên, thành lập một vài chi hội ở các thành phố khác... Thật ra Hội dư sức, đủ tài, có khả năng để thực thi những việc đó, vấn đề là ở chỗ, xoay đâu ra tiền để làm; tay không, thời nay khó lòng bắt giặc. Anh em hội viên xấp xỉ bốn chục, nhưng những người toàn tâm dành cho Hội thì chỉ có vài người. Kẻ còn, người bỏ, anh em tản mác dần dần; đến ngay căn hộ anh em thuê cũng thường xuyên thay đổi, số điện thoại cũng đổi thay theo, nhiều khi liên lạc với nhau giữa thời đại thông tin này mà cũng trở thành vấn đề nan giải. Mấy vị cầm chịch thỉnh thoảng ngồi lại, tính nát óc nhưng vẫn không tìm ra được lời giải cho những bước hoạt động trong tương lai. Điều anh em sợ nhất là “hữu sinh, vô dưỡng” dựng nên thì đã khó, duy trì và phát triển một hội nghề nghiệp ở đất Nga trong cơ chế thị trường quả là khó biết bao nhiêu!

Thôi thì “đã mang lấy nghiệp vào thân”, trên vai đã vác lấy cây thánh giá văn chương rồi thì cũng phải gắng gỏi, để mong sao nó được tồn tại và đồng hành với cộng đồng trong cuộc mưu sinh ở xứ người.

12.2011

N.H.H

2 nhận xét:

  1. Nước Nga muôn năm! thương lắm những người Việt nơi xa xứ! Nhưng con ngừoi kiên cường vượt lên số phận để chiến thắng! cam ơn Huy Hoàng!

    Trả lờiXóa