Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Các bạn tôi- phần 1

TRẦN THỊ SÁNH

Thân yêu tặng các bạn cựu sinh viên lớp Văn - K17 – Khoa Ngữ Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội.

1.Chị Mai Phương

Hơn 30 năm ra trường, hội lớp, hội khoa nhiều lần, mặc dù đã hỏi dò, tìm kiếm khắp nơi nhưng chúng tôi vẫn không biết được tin tức chị Nguyễn Thị Mai Phương, một trong 12 bạn nữ ở cùng phòng tôi ngày ấy. Gọi là bạn vì học cùng khóa, nhưng Mai Phương hơn tuổi chúng tôi nên bọn con gái đều gọi Mai Phương bằng chị. Tôi, Hiền, Bình, Nam, Mét, Cừ…đã cao gầy (1m6), nhưng chị Mai Phương còn cao gầy hơn. Xếp hàng thể dục hay tập quân sự bao giờ chúng tôi và chị Mai Phương cũng lom khom đứng cuối cùng, chân đi đôi dép mỏng như tờ giấy và có cảm giác như mình là người khuyết tật. Giọng nói của Mai Phương cũng cao như con người chị, song nghe lại rất nhẹ nhàng, ấm áp, truyền cảm. Những dịp vui hoặc sinh nhật ai đó trong phòng, chị thường hát bài “Mùa xuân trên thành phố dệt” để ca ngợi quê hương Nam Định của chị. Giọng nữ cao vút: “Nắng lên nắng lên đi, cho hoa gạo quê ta rực rỡ” là biết ngay chị Phương đang hát, không lẫn với ai được. Với chúng tôi, Mai Phương luôn là người chị, đàng hoàng, nhường nhịn, thương yêu các em. Tôi luôn nhớ về Mai Phương với tình cảm đẹp như thế.

Từ trái sang: Bé, Thủy, chị Mai Phương, Sánh tại nhà chị Phương, huyện Định Quán, Đồng Nai

Rồi một hôm anh Lê Văn Sơn (cùng học lớp tôi), giảng viên Trường Đại học Đà Lạt ra Hà Nội chơi và cho chúng tôi biết mới gặp chị Mai Phương ở Đồng Nai. Mai Phương công tác ở Đài Phát thanh và Truyền hình huyện Định Quán, nhưng mới nghỉ hưu. Mừng quá, tôi gọi điện cho chị và hẹn có dịp vào Sài Gòn lên Định Quán thăm chị…

Chị Phương, con trai và hai bạn Bé, Thủy

Hôm ấy, tôi mượn xe của Công ty Xi măng Hà Tiên 1 rồi cùng Bé, Thủy xuất phát từ TP Hồ Chí Minh lúc 7 giờ sáng. Hơn hai tiếng trên xe nhưng Mai Phương gọi điện cho tôi liên tục xem đi đến đâu và dặn đi thẳng đường lên Đà Lạt, qua cầu La Ngà là đến. Vượt qua cầu La Ngà, dù đã hơn 30 năm, song tôi vẫn nhận ra cái dáng cao gầy, đang cầm nón vẫy vẫy của chị. Đúng là Mai Phương rồi, chúng tôi nhảy xuống xe ôm lấy chị và tất cả cùng khóc. Chao ôi, vẫn là chị Mai Phương ngày ấy, nhưng chị gầy, đen và có phần khắc khổ. Nắm bàn tay chai sần và ngắm khuôn mặt sạm nắng gió của chị, tôi hiểu chị đã trải qua những năm tháng gian nan, vất vả. Mai Phương đeo sợi dây chuyền vàng thật to tướng trên cổ và bảo với tôi rằng: “Đây là thành quả lao động của mấy chục năm trên 5 ha mía mà nhà chị nhận khoán với Nông trường La Ngà. Ngày thường chị không đeo, sợ trộm cướp, nhưng hôm nay gặp lại bạn bè cũ, chị mới đeo để các em mừng cho chị”.

Chị Mai Phương cùng con gái, con trai và các bạn đồng môn

Đúng là mừng cho chị Mai Phương. Nhà chị ở ngay mặt đường, rộng, sâu vào trong chừng 30 m, phía trước cho thuê. Xung quanh nhà trồng nhiều rau, mía và đu đủ. Có lẽ đất ở đây tốt nên đu đủ rất nhiều quả và ăn rất ngọt. Trên tường, chị treo nhiều bằng khen của UBND tỉnh Đồng Nai, của huyện Định Quán tặng trong các cuộc thi viết về điển hình tiên tiến hoặc các phong trào thị đua. Chị bảo, nhà không đủ chỗ để treo hết bằng khen, giấy khen bởi nhiều năm chị luôn đoạt giải trong các cuộc thi và được coi là cây bút sắc xảo của tỉnh, của huyện.

Cũng như chúng tôi, sau khi ra trường, Mai Phương lấy chồng cùng quê, nhưng anh ấy đi bộ đội rồi phục viên về làm tại Nhà máy đường La Ngà. Chồng Nam, vợ Bắc gần chục năm, một mình chị ở quê nuôi con nhỏ, chăm sóc mẹ già rất vất vả, lam lũ. Để hợp lý hóa gia đình, chị theo chồng vào Định Quán trước, rồi mẹ chị (nhà chỉ có một mẹ, một con) thương con, thương cháu bỏ quê hương vào ở với chị. Bà năm nay đã 94 tuổi, răng rụng gần hết, gầy yếu, lưng gập hẳn xuống và không thể tự đi được. Nhìn bà, tự nhiên tôi nhớ tới bà tôi, mẹ tôi. Thời con gái bà tôi đẹp nhất vùng Tây Mỗ, Đại Mỗ, mẹ tôi đẹp nhất nhì Thị xã Sơn Tây thế mà lúc già tự nhiên teo tóp lại bé tí, lưng cũng còng và vai thì lệch sang một bên, đi lại phải chống gậy, trông rất thương. Bữa cơm chị Mai Phương và con gái làm thiết đãi chúng tôi rất ngon, có đủ thịt gà, tôm cá, nhưng bà chỉ móm mém nhai rồi nuốt chửng được mấy miếng. Vậy mà bà vẫn ăn trầu. Bà cho cau, trầu, vôi vào cái cối bé tí rồi ngồi nghiền nát cho vào miệng, ăn rất ngon lành. Bà bảo, chồng mất sớm nên buồn quá cứ ăn trầu rồi thanh quen đến nay vẫn không bỏ được.

Không cần quạt, cũng chẳng có điều hòa, giữa mùa hè rực lửa nhưng nhà chị Mai Phương vẫn rất mát, gió thổi vào từ 3 phía. Mai Phương cho biết: Ngôi nhà này có được là do mấy chục năm qua, cùng với công việc làm báo, chị cùng gia đình còn có một nghề nữa là khai hoang, trồng mới, chăm sóc và thu hoạch mía bán cho Nông trường La Ngà. Nhờ có kỹ thuật trồng, chăm sóc nên năng suất mía của nhà chị bao giờ cũng cao và vài năm gần đây, năm nào cũng mang về cho gia đình chị gần trăm triệu đồng. Ngoài ngôi nhà, chị cũng có của ăn của để, điều mà nếu ở quê hương Lý Nhân (Nam Định) chắc chắn chị không có được. Cuộc sống khá ngọt ngào như vậy, song chị vẫn luôn đau đáu, day dứt là nỗi buồn xa quê hương, xa bạn bè. Chia tay chúng tôi, Mai Phương bảo con trai vào bãi chặt mía, còn chị nhanh nhẩu ra vườn hái đu đủ làm quà cho chúng tôi. Con gái chị bảo: “Gặp các cô, mẹ cháu trẻ ra mấy tuổi. Gần như ngày nào mẹ cháu cũng kể về thời sinh viên văn khoa, kể về các cô cho cháu nghe”. Chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau với hai hàng nước mắt.

Vài tháng sau, tôi nhận được điện thoại của Mai Phương báo tin mẹ mất. Ăn ở tốt và có trách nhiệm với hàng xóm, láng giềng lại tham gia công tác phụ nữ, người cao tuổi của ấp, của xã nên đám tang mẹ chị Phương rất đông. Chị bảo, trước đây có mẹ, không bao giờ chị bỏ mẹ ở nhà đi đâu xa. Bây giờ mẹ mất rồi nếu năm nay họp lớp thế nào chị cũng ra Hà Nội để gặp lại bạn bè, để thỏa nỗi ước mong. Rồi chị hăm hở đi mua vé máy bay, nhưng trước hôm chúng tôi tổ chức hội khóa 17, Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Mai Phương bị xe máy tông vào chân, đau đớn không đi được. Tôi gọi điện vào, chị nức nở nói rằng: Số chị vất vả, lại lỗi hẹn với các em, với bạn bè. Tôi buồn và chưa bao giờ thấy thương Mai Phương như vậy, đúng là chị vất vả thật.


2.Nguyễn Thị Thu Thủy

Trái ngược với Mai Phương, Nguyễn Thu Thủy nhỏ nhắn, xinh xắn với khuôn mặt thanh tú, đôi mắt sáng và cái miệng rất duyên. Ba mẹ Thủy là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, nên Thủy nói hơi pha chút giọng miền Nam. Hồi sinh viên, Thủy được xếp vào loại xinh gái và được nhiều bạn trai thầm yêu trộm nhớ, trong đó có một bạn đẹp trai nhất nhì của lớp. Là con gái Hà Nội, nhưng Thủy lại rất hòa đồng với các bạn (trong cả ăn mặc lẫn cư xử) và chẳng nề hà việc gì. Có lần Khoa Văn tổ chức tổng vệ sinh, Thủy buộc cái chổi sau xe đạp đi từ nhà vào trường, làm vệ sinh xong lại buộc chổi như vậy về nhà. Đi đắp đê chống lụt hay gặt lúa giúp dân, Thủy đều giành bằng được việc kéo xe bò chứ nhất định không chịu đẩy phía sau. Sau những lần như vậy, Thủy càng được các bạn trong lớp quý hơn, nhất là lũ con trai.

Thu Thủy và mẹ hiền của thị Sánh tại Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội

Tuy nhiên, ra trường Thủy không lấy ai trong lớp mà về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin TP Hồ Chí Minh (nơi ba mẹ Thủy đang sống) và làm Phó trưởng phòng Xuất bản Báo chí. Thủy không chỉ nhiệt tình, chu đáo và còn rất tinh tế, nhẹ nhàng với tất cả bạn bè, trong đó có tôi.

Ngày ấy, mỗi lần vào Sài Gòn công tác, Thủy thường cho tôi mượn chiếc xe đạp cọc cạch để chiều chiều lượn lờ cho đỡ nhớ nhà. Nhiều lần Thủy đến nhà khách công đoàn ngủ cùng tôi, rồi đưa tôi đi chợ, đi Thảo Cầm Viên, đi may áo dài. Sau này, có chút tiền Thủy mua được chiếc xe honđa 82 cũ. Vậy mà mấy lần Thủy vừa chở tôi, chở Minh, Hằng (hai đứa con Thủy) cùng lủng củng cặp sách, cháo vịt về nhà Thủy chơi. Tôi, Thông, Lan Hoa, anh Hồng và cả Quang Tửu đã nhiều lần tụ tập, uống rượu ở nhà Thủy, rồi ngủ luôn ở đó. Anh Đức, chồng Thủy cao to, đẹp trai, học ở Trung Quốc, rồi Đức và là kỹ sư cơ khí giỏi nghề, nhưng phải cái nhậu quá nhiều nên rất hay say xỉn. Có lần đèo ba mẹ con đi chơi, do say rượu, đổ xe ngã ra đường. Anh Đức lổm ngổm đứng dậy rồi phóng luôn xe đi, không biết gì đến vợ con. Mẹ con Thủy đành đi xe ôm về nhà.

Ảnh này do tớ (Thông cào) chụp cho bạn Thủy ở đền Ngọc Sơn một sáng chớm đông 2006

Vài năm sau, bệnh tật, anh Đức mất, một mình Thủy nuôi hai đứa con nhỏ, ngày ngày đưa chúng đi học rất vất vả. Tuy vậy, Thủy vẫn quan tâm và có trách nhiệm với mẹ chồng và các anh chị em của chồng. Có lần Thủy đưa tôi đến thăm mẹ anh Đức. Nhà bà rộng, đẹp, lại có mấy cây xoài to rất nhiều quả. Lúc về, Thủy lấy giấy báo gói cẩn thận mấy quả to ngon nhất bảo tôi mang về Hà Nội làm quà. Con trai mất, bà càng thương Thủy và hai cháu. Nhìn dáng người siêu vẹo, bé nhỏ của bạn đèo hai đứa con đi học cùng rau củ, cặp lồng lỉnh kỉnh đi giữa dòng người chen chúc, tôi không khỏi ái ngại. Cũng may Thủy được ba mẹ hết lòng chăm sóc, thương con, thương cháu. Mẹ Thủy là con gái Cái Bè, Tiền Giang, cũng nhỏ nhắn, thanh tú như Thủy. Bà chẳng những nói rất ít mà còn rất nhỏ, lặng lẽ làm việc nhà, làm các loại bánh, gọt hoa quả cho chúng tôi ăn mỗi khi tôi đến chơi. Tôi cứ thấy bà giống bà Cà Xơi, chịu thương, chịu khó, độ lượng, bao dung và rất thương người. Hồi Mỹ ném bom Hà Nội, bà đưa các con về Hưng Yên sơ tán. Qua những cánh đồng, gặp lũ trẻ chăn trâu chân đất, quần áo phong phanh, môi tím tái, bà dừng lại lấy ngay quần áo của con cho chúng. Ba Thủy cao ráo, đẹp trai, tóc lúc nào cũng chải hất ngược lên trông như công tử Bạc Liêu. Ông người đất võ Quy Nhơn, Bình Định, trước đây làm ở cơ quan ngoại giao miền Nam nhưng cũng thích văn thơ, lịch sử. Lúc còn khỏe, ông làm mấy bài thơ tặng tôi và Lan Hoa thật cảm động. Trong đó hai câu:

Thủy cùng Sánh với Lan Hoa.

Cùng bao bạn khác...chan hòa mến thương.

Nghĩa tình cùng lớp cùng trường.

Bao năm xa cách vấn vương trong lòng.

Ông ốm lâu ngày rồi mất đầu năm nay. Thủy kể với tôi rằng, ông rất thích chiếc áo sơ mi hiệu An Phước kẻ sọc xanh tôi tặng ông. Vì vậy, mỗi lần đi đám cưới, đi gặp mặt cán bộ ngành ngoại giao, ông đều bảo Thủy là phẳng phiu để mặc và lúc lìa bỏ cõi đời này ông cũng muốn nó đi theo.

Dưới gốc đa, đôi bạn làm duyên trong phiên chợ quê Tây Mỗ

Bận rộn như vậy, nhưng Thủy vẫn cùng tôi về Công ty Cao su Dầu Tiếng, cái nôi của ngành cao su Việt Nam ở vùng đất đỏ miền Đông. Ông Sáu Dân, Giám đốc Công ty bảo rằng: Muốn hiểu về người làm cao su, hiểu về loại cây công nghiệp quý này thì phải ra lô, vào rừng. Rồi ông tự lái xe Jép mui trần (loại xe của Mỹ hay đi trước đây) đưa chúng tôi xuống Nông trường Cao su Đoàn Văn Tiếng, một trong các nông trường cao su đẹp nhất vùng Bình Dương. Ăn cơm ca cùng công nhân giữa rừng cao su xanh ngút ngàn, nhìn những giọt mủ cao su trắng ngần từ từ nhỏ xuống chiếc bát nhựa buộc dưới gốc cây, Thủy thầm cảm ơn những người đã lặng lẽ làm ra nguồn “vàng trắng” cho đất nước và bảo nghề làm báo thích thật, đi nhiều, biết nhiều. Thủy cũng hai lần đi ô tô xuống tận Nhà máy xi măng Sao Mai (Kiên Giang), liên doanh giữa Công ty Xi măng Hà Tiên 1 và Tập đoàn Holderbank (Thụy Sĩ) với tôi. Lần đầu tiên xuống đại công trường, lại tận mắt chứng kiến tinh thần lao động quả cảm, sáng tạo của những người thợ, nhìn bàn tay chai sần và khuôn mặt sạm nắng gió của họ, nhìn những thiết bị siêu trường, siêu trọng, Thủy mới hiểu sự hy sinh và gian khổ của những người thợ. Họ đều quê ở các tỉnh phía Bắc, luôn lấy công việc là niềm vui, anh em, đồng nghiệp là người thân.

Dịp ấy, chúng tôi cũng tranh thủ về thăm quê hương chị Sứ (người phụ nữ bất khuất trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức) và càng thấy khâm phục những con người ở cực Nam Tổ quốc. Nằm trong khách sạn bên dòng sông Trẹm thơ mộng, nghe sóng biển rì rào, chúng tôi không sao ngủ được. Chuyện về gia đình, bạn bè, thời cuộc không bao giờ dứt và càng thấy yêu thương lớp Văn và cái thuở sinh viên xa lắc của mình. Sau chuyến đi ấy, tôi viết phóng sự Sao Mai sáng ở cuối trời, trong đó nhắc đến Thủy và gửi tặng ba mẹ Thủy. Ông bà đèo kính, đọc đi đọc lại mấy lần rồi gọi điện ra cho tôi bảo rằng, Thủy đã trở thành nhà báo rồi.

Lần lớp tôi họp mặt kỷ niệm 30 năm ra trường, Thủy về quê tôi chơi và chụp ảnh với mẹ tôi. Nhà tôi được tiếng là đẹp nhất làng, có vườn cây, ao cá, có cây hoa hải đường hơn 100 năm tuổi. Làng tôi được gọi là làng đóng phim hoặc làng Hollywood (Ngôi nhà của điện ảnh hoặc xứ sở của điện ảnh) bởi các bộ phim về đề tài nông thôn thường được lấy bối cảnh ở làng này vì nó không chỉ đẹp mà còn có nhiều con đường lát gạch đỏ, có nhiều nhà thờ, nhà cổ. Mặc dù đã 85 tuổi, nhưng thỉnh thoảng xem tấm ảnh đó, mẹ tôi vẫn nhận ra Thủy.

Bây giờ Thủy đã khỏe hơn, đỡ vất vả và rảnh rang hơn bởi hai cháu Minh và Hằng đã lớn và đã có việc làm ổn định. Nếu bầu ai là người mẹ kiên trì, mẫu mực, hy sinh tất cả vì con của lớp mình thì tôi bầu Thủy đầu tiên. Tôi đã chứng kiến những buổi tối khuya Thủy đứng chờ con ở cổng trường khi con đi học thêm, rồi những tháng ngày Thủy đi thăm con ở Tây Nguyên khi Minh đi học xa, những buổi tối cùng con học bài, làm toán…Những bức thư đầy tình bạn và trách nhiệm Thủy viết cho tôi nhân Ngày Gia đình Việt Nam, những nét bút nắn nót của Minh, của Hằng gửi các con tôi, tôi vẫn cẩn thận để trên tủ sách. Chắc chắn những bức thư tôi viết căn dặn, khuyên bảo cháu Minh, cháu Hằng, chia sẻ cùng Thủy trong những năm tháng lận đận, khó khăn, Thủy cũng giữ gìn, nâng niu như vậy.

Mùa đông 2011


7 nhận xét:

  1. Nhìn hình quí anh chị người nào cũng xinh đẹp và thành đạt thật cao, Dân Nam rất vui mừng, hãnh diện. Nhưng nhìn lại hai video clips bên dưới lại thấy đau lòng cho phụ nữ Việt Nam ngày nay. Xin kèm theo để nói lên nỗi buồn của thân phận làm người Việt Nam.

    Người phụ nữ VN xưa và nay (Phần 1)
    http://www.youtube.com/watch?v=1KmgTNh5aWw

    http://www.youtube.com/watch?v=wtNAbbQv9yI&feature=related (Phần 2)

    Tôi Đã Thức Tỉnh - Lê Nguyễn Huy Trần
    http://www.youtube.com/watch?v=MEGtFuVfmBE

    Xin chúc qui anh chị được an lành hạnh phúc trong mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch sắp đến.

    DN

    Trả lờiXóa
  2. Tửu nói: Mai Phương và mình cùng học 1 lớp cấp 3 ở Lý Nhân Hà Nam (Chứ không phải Nam Định), lên ĐH lại cùng học 1 lớp. Ra trường mất tiêu luôn, may nhờ mụ Sánh nên vừa rồi liên lạc được. Cảm ơn Tổng quản nhé!

    Trả lờiXóa
  3. Vũ Trường Thànhlúc 23:43 19 tháng 1, 2012

    thèng cha nì thuộc nhóm máu gì mà tuyền bạn đờn bà vậy cà ?

    Trả lờiXóa
  4. Thương nhớ chị Mai Phương và Thủy nhiều, cảm ơn tác giả bài báo. BV

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế cậu không cảm ơn tớ à, cái Sánh nó viết nhưng mình loa loa cho nó, hì hì.

      Xóa
  5. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa