Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Đừng thờ ơ với những "cột mốc sống" ở biển Hoàng Sa


Báo chí mấy tuần nay bận bịu chuyện thông tin về họp quốc hội, về vụ tham nhũng cộm tại Vinalines, về lạm phát giảm phát… toàn chuyện lớn, dường như quên hay ít để ý một chuyện tưởng chừng nhỏ nhưng thực chất còn lớn hơn nhiều điều: Tàu cá của ngư dân Việt Nam ra vùng biển khu vực đảo Hoàng Sa đánh bắt bị tàu hải giám, hải quân Trung Quốc xua đuổi, bắt bớ, ngược đãi, giam tàu giam người; tài sản, số phận sống chết không biết thế nào. Ngư dân đang chới với, kêu gọi, cầu cứu chính quyền giúp đỡ. Vụ mới nhất là tàu cá của ông Nguyễn Thành Nhất (xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắt ngay tại vùng biển Hoàng Sa ngày 16.5, đến nay chúng vẫn cầm giữ tàu, không chịu trả.

Hoàng Sa, về bản chất, thuộc chủ quyền thiêng liêng bất di bất dịch của Việt Nam. Đó là điều không thể tranh cãi. Còn trên thực tế, hiện toàn bộ quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng, sau cuộc cưỡng chiếm phi pháp phi nhân của nhà cầm quyền Trung Quốc năm 1974. Việt Nam có bằng chứng lịch sử, còn Trung Quốc tạm có vật chất biển đảo cụ thể. Hai bên tranh qua cãi lại, chỉ riêng ngư dân Việt Nam chịu thiệt.

Ngày 14.5, Cục ngư chính Trung Quốc ngỗ ngược ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông. Năm nào họ cũng cấm, năm nào người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng phản đối, rằng “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, lệnh cấm là vô giá trị”. Đồng thời với sự khẳng định hùng hồn đanh thép ấy là việc động viên ngư dân Việt tiếp tục ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản, vừa làm kinh tế, vừa thành cột mốc sống khẳng định chủ quyền trên biển. Chỉ tiếc rằng lời động viên ấy chưa kèm theo sự đảm bảo hữu hiệu. Bất chấp sự phản đối của ta, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn ngang ngược xua đuổi tàu Việt Nam, tịch thu ngư cụ, bắt bớ ngư dân Việt Nam.
Đã là ngư dân thì phải ra biển để mưu sinh. Họ đánh bắt cá trước hết vì cuộc sống của mình và gia đình
mình, sau nữa là những điều khác. Nếu đã khẳng định vùng biển khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và động viên họ ra đó hành nghề thì nhà nước cần có kế hoạch, lực lượng bảo vệ ngư dân mình. Biển Hoàng Sa cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ tai họa do Trung Quốc gây ra lớn gấp trăm lần thiên tai, đừng chỉ đẩy bà con ra khơi rồi bỏ mặc, giống như đem con bỏ chợ.

Nếu đã xác định mỗi ngư dân Việt là cột mốc chủ quyền sống trên biển đảo Hoàng Sa thì nhà nước phải có trách nhiệm trong những việc cụ thể. Tạo điều kiện cho bà con vay vốn lãi suất ưu đãi để đóng tàu, mua sắm ngư cụ, xăng dầu… là đương nhiên, nhưng ngay cả trường hợp tàu bè, ngư cụ của họ bị Trung Quốc tịch thu, rồi đẩy họ về tay không thì nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ kịp thời: hoặc giúp dân đòi lại tài sản, hoặc chia sẻ, gánh một phần thiệt hại với dân. Khi dân đã có trách nhiệm với đất nước thì nhà nước cũng cần tỏ trách nhiệm với dân, đừng nên chỉ từ một phía. Ngoài ra, các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam, nhất là Bộ Ngoại giao, cần hành động rốt ráo, khẩn trương khi xảy ra vụ việc, không chỉ bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân mà còn sớm đưa người dân từ nơi bị giam giữ trái phép trở về, đừng nên để chậm trễ, kéo dài như nhiều trường hợp vừa rồi.
Theo PGS Trần Ngọc Vương, không nên lợi dụng nhu cầu sinh tồn của ngư dân (về thì đâm đầu vào đâu - tình huống điển hình mà chị Dậu lâm phải) để hô hào suông; nhất thiết chính quyền phải có những chính sách và biện pháp gì đó lúc này để ít ra là hỗ trợ cho họ có hiệu quả.

Ngoài ra, thời gian gần đây, chính quyền tổ chức nhiều đoàn quân dân chính đảng từ các cơ quan, đoàn thể, địa phương liên tục đi thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Trường Sa, ở các giàn DK, đem đến cho anh em nhiều giá trị vật chất và tinh thần. Với người lính giữ biển đảo, sự ủng hộ bao nhiêu cũng không đủ so với những hy sinh, đóng góp của anh em. Nhưng còn những người lính không mặc áo lính ngày đêm bám biển cùng cả nước bảo vệ chủ quyền, liệu chúng ta đã quan tâm đầy đủ chưa? Trong lúc quần đảo Hoàng Sa chưa thực sự thuộc lại quyền kiểm soát của nhà nước Việt Nam thì có thể coi bà con là những người dân binh Việt ở Hoàng Sa hiện thời. Không phải ai khác, chính ngư dân là những người xác nhận, chứng minh cụ thể chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam lúc này. Họ là những “nghĩa sĩ Cần Giuộc” trên biển. Không cần phải tổ chức đoàn này đoàn nọ đi thăm hỏi, ủy lạo họ, bởi vì hình thức như thế chỉ mang tính nhất thời, không bền vững, mà hãy giao cho các chính quyền địa phương nhiệm vụ chăm sóc, đảm bảo tối đa nhất cuộc sống của ngư dân và gia đình những người đánh bắt hải sản trên biển Hoàng Sa.

Hậu phương có vững vàng, dân binh mới có thể yên tâm nơi đầu sóng ngọn gió.

27.5.2012
Nguyễn Thông

13 nhận xét:

  1. Ngư dân việt nam chưa cần sự chăm sóc đẩm bảo tối đa của chính quyền địa phương bằng sự hiện diện của hải quân Việt nam nơi đầu sóng ngọn gió với bọn cướp biển Trung quốc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều thứ quan tâm cùng lúc càng tốt cho ngư dân, bác ạ.

      Xóa
  2. Nhiều lúc tôi so sánh Hải quân Việt Nam hiện nay hèn và kém xa tụi cướp biển Somali. Ông Nghị phát ngôn viên Việt Nam thì trơ trơ ngáo ngáo, chỉ có một câu nói duy nhất là lập đi lập lại chẳng khác xa bao nhiêu bà Nga lúc trước. Bảo vệ cho dân mình làm ăn bờ cỏi không bị kẻ khác xâm lăng làm chưa xong mà láo lếu khi sang nước khác dám tuyên bố là Việt Nam là thanh trì bảo vệ hoà bình thế giới. Rồi mới đây ông khác của Việt Nam còn chỉ dạy và khuyến khích nước bạn không có con đường nào khác tốt hơn cho dân giàu nước mạnh là đi theo và phát triển Chủ Nghĩa Xã Hội ?... đúng như ông bà ta ngày xưa có mắng kẻ bât tài ham nói "ăn cơm dưới đất nói chuyện trên trời"

    Trả lờiXóa
  3. Cái lũ hèn với giặc ác với dân. Một mặt làm lơ đứng ngó Trung Quốc bắt bớ đánh đập cướp bóc ngư dân mình một mặt đàn áp bắt bớ người yêu nước biểu tình chống Trung Quốc. Sao mà thấy giống triều đình nhà Nguyễn bán nước trước đây bắt bớ những người yêu nước chống Pháp như Nguyễn Trung Trực ...v.v

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ô hay!Thế mới là đảng ta mờ(ĐCSVN quang inh...muôm năm thế)!

      Xóa
  4. Đồng ý với Nguyễn Thông: "Trong lúc quần đảo Hoàng Sa chưa thực sự thuộc lại quyền kiểm soát của nhà nước Việt Nam thì có thể coi bà con là những người dân binh Việt ở Hoàng Sa hiện thời. Không phải ai khác chính ngư dân là những người xác nhận, chứng minh cụ thể chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam lúc này. Họ là những “nghĩa sĩ Cần Giuộc” trên biển. Không cần phải tổ chức đoàn này đoàn nọ đi thăm hỏi, ủy lạo họ, bởi vì hình thức như thế chỉ mang tính nhất thời, không bền vững, mà hãy giao cho các chính quyền địa phương nhiệm vụ chăm sóc, đảm bảo tối đa nhất cuộc sống của ngư dân và gia đình những người đánh bắt hải sản trên biển Hoàng Sa".

    Trả lờiXóa
  5. CỘNG SẢN LÀ KẺ THÙ CỦA DÂN TỘClúc 16:02 28 tháng 5, 2012

    Cái khổ nếu không có cái đảng cộng sản thì không bị Trung Cộng chiếm Hoàng Sa. Nhưng việc cản trở để lấy lại Hoàng Sa cũng là Cộng Sản Việt Nam, nếu loại trừ được Đảng Cộng Sản thì việc lấy lại Hoàng Sa chẳng khó đâu. Hồng Công Anh Quốc còn phải trả lại cho Trung Cộng thì Trung Cộng cũng phải biết điều chứ? Hơn nữa, dân Việt đủ thông minh và đủ cách để lấy lại Hoàng Sa. Còn hiện tại phải tru diệt bọn bán nước và vận động quốc tế hóa Hoàng Sa và Trường Sa không cứ cho là tàu lạ chiếm nữa, dù tàu lạ cũng là Tàu?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác ơi, ráng đừng có những lời lẽ cực đoan, bởi sẽ gây khó cho chủ blog. Ngay cả cái nickname của bác cũng ghê quá.

      Xóa
    2. Rứa đo,rứa đo...Hay hè,hay hè !...

      Xóa
  6. Nếu đem sức mạnh của VN và TQ ra để so sánh là khập khiễng. Dẫu biết để giành lại chủ quyền là điều gần như không thể nếu dùng sức manh quân sự. Nhưng để cơ hội ấy cho mai sau khi đất nước lớn mạnh, nền dân chủ trên thế giới được khai thông khắp năm châu và cả VN. Thì chính những người DÂN bám biển là cột mốc sống, là những chiến sĩ mặc áo vải để chứng minh chủ quyền của VN. Nhà nước phải có trách nhiệm để họ trở về, phải đóng tàu mới cho họ tiếp tục ra biển nếu như bị mất tàu.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi chưa đồng ý.Giành lại chủ quyền là điều có thể và phải làm bằng được.Năm 1945 phát xít Nhật mạnh như thế, thực dân Pháp mạnh như thế dân tộc còn gianh lại được non sông qua tay Việt minh.Nay thời thế đã khác nhưng không phải là không thể.Tôi nêu một ý tưởng:bên ngoài thì kết liên với bất kỳ ai:Mỹ , Nga, Nhật, Ấn độ,Philipin ,ÁSEAN,..có lợi ích trên biển Đông tạo thế giăng co.Đưa hải quân hộ tống ngư dân áp sát Hoàng sa, Trường sa không sợ tranh chấp.Ủng hộ ngầm các lực lương ly khai ở Trung quốc,đặt lại vấn đề phân chia biên giới đường bộ.Trong nước thì phát triển kinh tế , đoàn kết nhân dân, phát huy tinh thần dân tộc đợi thời.Hợp với lẽ trời cái gì thịnh rồi sẽ suy,Đế quốc trung hoa đang qua đỉnh cao rồi cũng phải tàn lụi,Ta sẽ dành lại mảnh đất tổ tiên.

    Trả lờiXóa
  8. Nói vậy ko ổn.Nhà nước có trách nhiệm dưa họ về ,đóng tầu mới cho họ để họ tiếp tục làm cột mốc sống. Họ lại ra biển ,lại bị bắt ,lại bị thu tầu ,và cột mốc sống lại bị nhổ. Những ngư dân là những con người sống bằng nghề đi biển. Đừng hình tượng hóa quá hành động này. Họ đi biển để mưu sinh. Họ là công dân VN nên có quyền mưu sinh bất cứ chỗ nào thuộc chủ quyền của đất nước họ mang quốc tịch ,Là chính quyền đại diện cho một quốc gia,thì bảo vệ công dân có quyền được kiếm sống trên quốc gia đó là nghĩa vụ và trách nhiệm ko thể thoái thác. Nếu so tương quan tiềm lực quân sự giữa VN và TQ một cách đơn thuần thì quả thất sức mạnh quân sự cũa TQ là áp đảo.Nhưng chiến thắng ko phải bao giờ cũng thuộc về kẻ mạnh. Chúng ta đã chiến thắng cường quốc có sức mạnh quân sự lớn hơn TQ nhiều.Vấn đề ở chỗ chính quyền hiện nay sợ nhân dân , sợ ngoại bang vì thế ko thể vạch ra chiến lược toàn dân bảo vệ Tổ quốc.Chính quyền đã giết chết lòng yêu Tổ quốc của nhân dân .Chính quyền phải tự cứu chính quyền trước bằng cách làm trong sạch mình,bằng cách biến mọi hành động của mình vào một mục đích duy nhất vì : NHÂN DÂN.
    Chỉ bằng cách đó,Tổ quốc mới trở thành đất nước.Lòng yêu nước bất diệt của nhân dân biến thành lòng yêu Tổ quốc thiêng liêng. Và lúc đó dân tộc VN này ko biết đầu hàng bất cứ lũ giặc ngoại bang nào dù chúng có sức mạnh quân sự lớn hơn nhiều lần TQ. Trách nhiệm và nghĩa vụ này hoàn toàn thuộc Đảng cầm quyền và chính quyền đang tồn
    tại.

    Trả lờiXóa