Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Danh (bài 1): Hội đồng xét giải thưởng còn tùy tiện, vô trách nhiệm


Cuối cùng thì bản danh sách những người xứng đáng được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú đợt năm 2011 đã gút lại, Hội đồng cấp nhà nước đã thông qua và trình lên cấp có thẩm quyền (Chủ tịch nước) phê duyệt. Sau những khiếu nại, thắc mắc lùm xùm dẫn đến sự giải quyết kéo dài, khiến lui lại thời điểm trao giải hơn nửa năm, thì đó là kết quả đáng mừng. Những người có công lao to lớn, đóng góp xuất sắc với nước với dân, với sự nghiệp cách mạng đã được ghi nhận, tuyên dương, dù có nhiều trường hợp quá muộn màng, chậm trễ. Tuy nhiên, sau 4 lần trao giải thưởng Hồ Chí Minh (vào các năm 1996, 2001, 2006 và lần này 2012), sau nhiều lần trao giải thưởng Nhà nước cũng như phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, có thể lưu ý đôi điều.

Theo pháp lệnh về giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, việc xét giải cho các công trình sẽ được hội đồng bình chọn cấp cơ sở bỏ phiếu, sau đó chuyển danh sách lên cấp trung ương (Hội đồng cấp nhà nước) để xem xét kỹ càng. Tiêu chuẩn xét chọn rất chặt chẽ, thậm chí ngặt nghèo nhằm đánh giá chính xác các công trình, tác phẩm của những cá nhân, tập thể xứng đáng nhất. Đã bao lần các hội đồng bình chọn chuyên ngành, và nhất là Hội đồng cấp nhà nước phải nâng lên đặt xuống, phân vân cân nhắc không ít trường hợp. Nhưng có lẽ vì quá kỹ, quá khắt khe hoặc quá câu nệ vào tiêu chí này nọ, thậm chí kém trách nhiệm, thiếu công tâm mà đã phát sinh điều vô lý, thậm chí bỏ sót những trường hợp rất xứng đáng, gây nên những chậm trễ không đáng có, đáng tiếc. Xin dẫn ra vài trường hợp:

Trong danh sách các nhà văn nhận giải Hồ Chí Minh lần này có nhà thơ Phạm Tiến Duật. Danh tiếng của thi sĩ đường Trường Sơn gần như không có gì phải bàn cãi. Những tác phẩm nổi tiếng, xuất sắc nhất của ông hầu hết được viết ở Trường Sơn thời đánh Mỹ, làm nên tên tuổi Phạm Tiến Duật, kể từ giải A cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1971. Chẳng mấy ai yêu thơ ông lại không biết đến tập thơ Vầng trăng quầng lửa, đến những bài Gửi em, cô thanh niên xung phong, Trường Sơn Đông- Trường Sơn Tây, Lửa đèn, Bài thơ về tiểu đội xe không kính… Năm 2001, ông chỉ được nhận giải thưởng Nhà nước với chính những bài thơ xuất sắc ấy. Đành rằng sau đó ông vẫn tiếp tục sáng tác, có nhiều đóng góp mới nhưng rõ ràng việc đánh giá, trao giải thưởng Hồ Chí Minh lần này cho nhà thơ Phạm Tiến Duật với các tác phẩm Đường dài và những đốm lửa, Tiếng bom và tiếng chuông chùa, Vừa làm vừa nghĩ quả không hợp lý hợp tình, và nhất là không hợp tiêu chí nêu ra trong pháp lệnh của nhà nước. Nhiều người cho rằng nhà thơ chiến sĩ Phạm Tiến Duật rất xứng đáng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh ngay lần xét tặng đầu tiên khi có tên trong danh sách đề cử, còn giờ đây cũng không ít người khá bỡ ngỡ, gần như không biết những tác phẩm được đề xuất khen tặng lần này là của ông, mà lại nhận giải cao hơn lần trước thì thật lạ.

Trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng tương tự. Ông được trao giải thưởng Nhà nước năm 2001 với những ca khúc Đảng đã cho ta cả mùa xuân, Chiếc gậy Trường Sơn, Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Bám biển quê hươngGẩy đàn lên hỡi người bạn Mỹ. Chả hiểu sao lần xét ban đầu ấy những cấp có quyền quyết định lại để lọt những sáng tác hay nhất của ông, từng đặt dấu ấn sâu đậm trong lòng bao thế hệ như Tiến lên đoàn viên, Đêm Cha Lo, Lá thư hậu phương, Từ làng Sen, Chiến đấu vì độc lập tự do, Suối Lênin… Kỳ này, mặc dù nhạc sĩ cũng như những lần trước không làm đơn xin - đề nghị gì nhưng các cấp hội đồng xét chọn đã nhìn ra những bài hát “đỉnh” ấy và đưa vào danh sách. Tuy nhiên, dư luận có quyền đặt câu hỏi “tại sao?” đối với kỳ xét trước, không chỉ với trường hợp Phạm Tuyên mà cả những cá nhân khác, liệu họ đã nhận được sự chính xác, công bằng? Dù sao đợt này tác giả của ca khúc bất hủ Như có Bác trong ngày vui đại thắng (bài này chỉ được giải thưởng Nhà nước) cũng còn may mắn nhìn tận mắt, nhận tận tay giải thưởng cao quý dành cho mình, chứ không phải bị truy tặng như cố thi sĩ Phạm Tiến Duật.

Trí thức, văn nghệ sĩ khi đã một lòng theo cách mạng thì cũng một lòng cống hiến, đóng góp. Họ rất dị ứng với cơ chế xin-cho. Có lẽ cần xem xét lại việc bắt buộc nghệ sĩ, nhà văn nhà thơ phải làm đơn xin xỏ này nọ. Họ cần danh nhưng hầu hết không cầu cạnh danh. Giải thưởng cao quý của nhà nước là để dành cho những người có công xứng đáng, vậy thì bộ máy nhà nước các cấp với sự quản lý chặt chẽ xưa nay lẽ nào không thể lên được danh sách những người xứng đáng nhất. Làm được điều đó sẽ trút đi gánh nặng cho văn nghệ sĩ, càng động viên, tạo điều kiện để họ sáng tác tốt hơn, phục vụ nhân dân, đất nước hiệu quả hơn. Và nhân dân cũng mong mỏi cứ mỗi kỳ xét chọn sẽ có những con người đủ uy tín đức-tài, những hội đồng công tâm, giỏi chuyên môn ngồi ở ghế cầm cân nẩy mực, làm sáng danh giải thưởng bậc nhất của nước nhà.

5.5.2012
Nguyễn Thông

4 nhận xét:

  1. Anh Thông có để ý thấy gần đây, nhất là dịp kỉ niệm 30/4 năm nay, hầu hết các sự kiện VHVN khi kết thúc đều không hát bào Như có Bác trong ngày vui đại thắng không?
    Dũng_Ninh Thuận

    Trả lờiXóa
  2. Bài hay. Anh cũng nghĩ vậy. Có thể đây là một sự sửa sai cho chuyện đã rồi của các lần xét giải trước, nhưng tác phẩm thì khó thuyết phục. Đáng lẽ họ phải được giải HCM từ những lần trước mới đúng.
    Nhưng có còn hơn không.

    Anh đưa bài này về nguyentrongtao.com và có thay tít. Cám ơn NT.

    NTT

    Trả lờiXóa
  3. Bài hát nào hay, bài thơ nào hay thì nó tồn tại xuyên thời gian. Bài nào dở thì có đeo Huân chương vào nó thì nguoi đời cũng quên.
    Thơ Nguyễn Bính còn luu lâu dài xuyên qua mọi chế độ chính trị, Ông NB hình như chưa có giải thuongr gì (có thể tôi chưa biết)nhưng bài Lỡ bước sang ngang thì còn mãi.
    Thời bây giờ người gìa (văn nghệ sĩ) xin nguoif trẻ (đang cầm triện). Đungs là xã hội lôn nhào

    Trả lờiXóa