Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Những bài hát của một thời (39): Chiếc gậy Trường Sơn

Trong lịch sử, Trường Sơn gắn với câu nói nổi tiếng của chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945 khi căn dặn các ông Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt: "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập". Trong thơ, Trường Sơn gắn liền với tên tuổi Phạm Tiến Duật thời chống Mỹ. Và trong nhạc, hơi nhiều nhạc sĩ để lại dấu ấn của mình với dải núi hùng vĩ này, như Vũ Trọng Hối, Hoàng Hà, Trần Chung, Huy Du, Tân Huyền, Chu Minh, Xuân Giao, Phạm Tuyên... Mỗi người một vẻ, tuy nhiên nếu chọn một ca khúc về Trường Sơn tình cảm nhất, mình xin rụt rè đề nghị bài Chiếc gậy Trường Sơn của bác Phạm Tuyên.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên viết bài này năm 1968, khi cuộc chiến đấu chống Mỹ đang thời kỳ ác liệt nhất. Hàng trăm nghìn thanh niên miền Bắc lên đường vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc. Anh Uy mình năm 1969 vừa tốt nghiệp phổ thông (lớp 10) là mặc áo lính, tập trung Yên Tử 3 tháng rồi cứ thế cắt rừng Trường Sơn. Xã mình chỉ trong mấy năm, từ 1968 đrến 1972 đi vãn gần hết trai tráng, người nằm lại nơi rừng xanh núi đỏ Trường Sơn khá nhiều. Bây giờ người ta có thể nhìn nhận, đánh giá khác nhau, nhưng với thế hệ mình, Trường Sơn là một biểu tượng đẹp dữ dội, một khúc ca hùng tráng.


Có người thích giọng hát Quốc Hương hoặc Trung Kiên, Dương Minh Đức... nhưng có thể nói Chiếc gậy Trường Sơn gắn bó với tiếng hát của Mạnh Hà nhiều hơn, đơn giản bởi ông là ca sĩ đầu tiên thể hiện bài này trên làn sóng đài Tiếng nói Việt Nam. Một giọng ca để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhiều thế hệ, có nhiều đóng góp cho đất nước, vậy mà chả hiểu sao ông chỉ được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Để có clip này, xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi đã tận tình giúp đỡ.

8.7.2012
Nguyễn Thông


1.Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân
Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn
Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi
Luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui
Gậy trong tay mồ hôi đã bóng
Màu gỗ quê hương mang cả mối tình dân
Như nhắn nhủ những ai lên đường (mà) lời hứa với bao người thân.

Trường Sơn ơi… Nơi núi mờ xa mà ta chưa qua
Có suối reo có gió ngàn cây, có dốc cao vực sâu mất lối
Mây trắng quyện dưới chân bước bồi hồi
Có nắng lửa đốt thiêu vách núi… (ớ ơ…).
Trường Sơn ơi… Ta đến bên người với gậy quê hương
Trường Sơn ơi ta đã lên đường
Khi lửa tiền phương đang nhắc ta gấp bước đường xa
Khi thù giặc cướp nước cháy bỏng trong lòng ta.

2.Thanh niên quê tôi luyện sức thật dẻo dai
Hành quân đêm ngày cùng súng đạn nặng vai
Người thân yêu trao gậy Trường Sơn khi lên đường
Càng sôi trong lòng bao truyền thống quê hương
Đạn bom quân thù đang vấy máu
Gương sáng trung kiên bao liệt sĩ còn đây
Như nhắn nhủ những ai lên đường (mà) lời hứa sắt son đừng phai.

Trường Sơn ơi… Cho dẫu hiểm nguy bền gan vững chí
Trong bước đi nghe tiếng đồng quê
Nghe gió reo bờ tre gốc lúa, nghe tiếng người mến thương vẫn dặn dò
Giữ vững truyền thống của đất nước… (ớ ơ…).
Trường Sơn ơi… Ta đến bên người với gậy quê hương
Trường Sơn ơi, chan chứa bao tình
Cho gậy mòn dốc núi vẫn luôn giữ vững tấm lòng son
Sức trẻ đi cứu nước vững vàng hơn dãy Trường Sơn.


6 nhận xét:

  1. những năm chống mỹ ,các chàng trai lên đường đi chiến đấu thường được các cô gái tặng quà kỷ niệm /tôi nhớ ở một làng thuộc tỉnh hà tây có sáng kiến tăng cho người lên đường những chiếc gậy tre ,gọi là chiếc gậy trường sơn ,thay cho lời nhắn nhủ /bài hát trên của nhạc sĩ phạm tuyên bắt nguồn từ phong trào đó /mỗi khi karaoke chắc nguyễn thông hay hát những bài được giới thiệu ở clog này /hình như mình ở không xa ,hẹn ngày trời đẹp kara...gật gù /

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình cũng biết đó là làng Hòa Xá (Hà Tây cũ), thế hệ chúng mình hầu như ai cũng biết, bác nhỉ, nên mình không tiện nhắc nữa.

      Xóa
    2. Bác Thông thật là.....
      Ngày xưa thì chúng tôi tặng sổ tay và bút máy Hồng hà cho các bạn trai trong lớp trước khi nhập ngũ.Có cảm tình (thương "Y..." )ai thì thêm đôi khăn mùi xoa tự thêu hai hai con chim (bài ca hy vọng ).Tiếc rằng thời đấy mình lại "bôn sê vích" quá,nhận được bài thơ hơi ngỏ ý thì xấu hổ (mặc dù mình cũng hơi hơi thích )nhưng phải dấu vì cho đó là có thứ yếu đuối, ủy mỵ của TƯ SẢN ,đến khi bạn đi rồi tự nhiên tình yêu thương cứ dào dạt trào lên (như nhật ký anh Thạc ý )
      Nhận được lá thư nào là mừng lắm ,,chờ không có ai một mình đọc ,đọc đi đọc lại đến thuộc lòng để rồi xây lâu đài mộng ước...

      Xóa
  2. Anh Thông ơi! Anh viết thêm một bài nữa để tôn vinh nhạc sĩ Phạm Tuyên và ca ngọi lòng yêu nước của dân Việt.Bài hát mọi người muốn nghe là bài " Chiến đấu vì Độc lập Tự do ".Lũ sinh viên chúng tôi đã hát rất nhiều ,át cả tiếng pháo bắn từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 1979.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng ạ, bác và mọi người sẽ sớm được nghe lại bài ấy để chúng ta hâm nóng một thời hào hùng của dân tộc.

      Xóa
  3. Bài "Chiến đấu vì Độc lập Tự do" năm 1979 em mới 5 tuổi mà đã thuộc làu làu vì suốt ngày được nghe qua Đài TNVN, đến bây giờ vẫn không quên một từ, một nốt nhạc. Em còn nhớ ngày đó khu phố nhà em đã phải đào cả hầm để chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu với giặc Trung quốc xâm lược.

    Trả lờiXóa