Người đó là công chúa Trần Quỳnh Trân, con vua Trần Thánh Tông, chị ruột vua Trần Nhân Tông, còn có biệt danh là Thiên Thụy công chúa. Sử sách ít chép về bà mặc dù đây là nhân vật rất đặc biệt, có lẽ do ngại đụng chạm đến tầm vóc của nhà Trần.
Mỗi lần về quê, tôi đều ghé thăm đền Mõ (H.Kiến Thụy, Hải
Phòng) nơi thờ bà công chúa Quỳnh Trân và nghe nhiều sự tích về bà.
Trần Quỳnh Trân (? – 1308) là con vua Trần Thánh Tông và
cung phi Vũ Thị Ngọc Lan. Bà cũng là chị ruột của vua Trần Nhân Tông. Do được
phong là Thiên Thụy công chúa nên sử chép về bà đều chép là Thiên Thụy.
Chuyện kể rằng Quỳnh Trân xinh đẹp hiền dịu, rất được vua
cha yêu quý. Bấy giờ Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư là một viên tướng kiêu dũng
trí lược nổi danh trong triều. Năm 1257 khi quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần
thứ nhất, viên tướng trẻ Trần Khánh Dư đã lập mưu đánh bại một cánh quân của
giặc, được vua Thánh Tông nhận làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua), phong làm
Phiêu kỵ Đại tướng quân, một chức vụ mà đương thời, nếu không phải là hoàng tử
thì không được phong. Là con nuôi vua, Nhân Huệ vương Khánh Dư thường tự do ra
vào nơi cung cấm. Trước vẻ ung dung tự tại của vị tướng trẻ tài giỏi, Quỳnh
Trân vô cùng ngưỡng mộ, rồi không biết từ lúc nào đôi trai tài gái sắc đó đã
yêu nhau say đắm.
Song thật trớ trêu, Hưng Vũ vương Nghiễn - con trai Hưng Đạo
vương Trần Quốc Tuấn cũng say mê Quỳnh Trân. Hưng Đạo vương dù biết công chúa
yêu Trần Khánh Dư nhưng vẫn lấy uy thế của mình cứ một mực dạm hỏi xin cưới
Quỳnh Trân cho Hưng Vũ vương. Không dám từ chối một người đang là trụ cột triều
đình như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, vua Trần Thánh Tông đành phải hứa gả.
Không thể cưỡng lệnh cha, Quỳnh Trân về với Hưng Vũ vương.
Nhưng không dứt được tình, Trần Khánh Dư và công chúa Quỳnh
Trân vẫn gặp nhau, rồi chuyện tình lén lút của hai người bị phát giác. Sự kiện
tày trời đồn khắp trong ngoài, cha con Hưng Đạo vương rất tức giận. Bấy giờ vua
Nhân Tông đã lên nối ngôi cha, sợ phật ý Hưng Đạo vương, nhưng lại thương chị
gái, tiếc người tài, nên đức vua vờ ban lệnh cho đánh chết Khánh Dư rồi ngầm
dặn không được đánh chết, sau đó xuống chiếu đoạt hết quan tước, tịch thu tài
sản của Khánh Dư không để lại cho một chút gì. Khánh Dư phải lui về Chí Linh là
thái ấp của phụ thân, ngày ngày đội nón lá mặc áo ngắn đi bán than. Còn Quỳnh
Trân bị trả về sống tại cung riêng, không còn quan hệ gì với cha con Nghiễn nữa.
Năm 1282, quân Nguyên lăm le xâm lược Đại Việt lần thứ hai,
vua Trần mở hội nghị Bình Than bàn kế chống giặc. Tại bến Bình Than, nhà vua
bất chợt trông thấy Khánh Dư chèo chiếc thuyền lớn chở đầy than củi lướt qua.
Đang cần tướng giỏi để cầm quân chống giặc, ngài mừng rỡ sai người dùng khinh
thuyền đuổi theo triệu Khánh Dư đến, rồi cho theo xa giá về lại triều và phong
ngay làm Phó đô tướng quân quản lãnh một cánh quân mạnh chuẩn bị chặn giặc.
Về lại Thăng Long, Khánh Dư và Quỳnh Trân lại có cơ hội gặp
nhau. Tình cũ chưa nguôi, họ lại quấn quýt không rời, đến nỗi chính sử phải
chép: “Rút cuộc Khánh Dư cũng không sửa được lỗi lầm cũ”. Mối tình của hai
người chắc hẳn phải ầm ĩ lắm nên sử mới chép kỹ đến như vậy.
Sau đó, do để giữ thể diện cho hoàng gia, vua Nhân Tông buộc
lòng phải lệnh cho chị mình, công chúa Quỳnh Trân xuất gia. Không còn cách nào
khác, đầu năm 1284, công chúa Quỳnh Trân giã từ lầu son gác tía, đến với mảnh
đất ven sông Văn Úc hoang sơ chọn một gò đất cao lập am tu hành.
Tại nơi tu hành, bà lập điền trang trồng cấy lương thực, mở
chợ cho dân buôn bán, quy tụ dân trong vùng đến làm ăn sinh sống, hình thành
nên trang Nghi Dương (nay là xã Ngũ Phúc, H.Kiến Thụy, Hải Phòng). Cái am nhỏ
dần được bà dựng thành chùa, đêm ngày bà chuyên tâm gõ mõ tụng kinh niệm Phật,
dân quanh vùng quen với tiếng mõ của bà, từ đó gọi ngôi chùa với cái tên mộc
mạc là chùa Mõ. Trong thời gian tu hành, bà thường cứu cấp chẩn bần, đem
kiến thức của mình giáo hóa nhân dân, khuyến khích dân khai khẩn đất hoang,
phát triển nông tang, lập thêm làng xóm. Có năm bị thiên tai mất mùa, bà xin
vua miễn thuế cho năm xã trong vùng, dân rất nhớ ơn. Sau bà trở thành ni sư nổi
tiếng, được tôn gọi là Thiền Đức đại ni.
Đền Mõ nổi tiếng linh thiêng ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, nơi thờ bà công chúa Quỳnh Trân (Ảnh: Nguyễn Thông)
Cuối năm 1284, quân Nguyên do Trấn nam
vương Thoát Hoan chỉ huy tiến sang xâm lược nước ta. Năm 1285, tướng giặc là Ô
Mã Nhi tiến đánh Vân Đồn, Vạn Kiếp, phòng tuyến bị phá vỡ. Trước thế giặc hung
hãn, nhiều tôn thất nhà Trần và một số tướng soái đã hoảng sợ đầu hàng, vua tôi
Trần Nhân Tông phải rút chạy vào Nghệ An. Thoát Hoan dồn binh lực đuổi theo.
Trong tình thế vô cùng nguy cấp, triều đình buộc phải họp bàn tìm kế hoãn binh.
Kế hoạch cử người sang gặp Thoát Hoan để cầu hòa được đa số tán đồng. Ngoài các
lễ vật quý giá đưa sang làm quà tặng, triều đình quyết định chọn một công chúa
có nhan sắc dâng cho Thoát Hoan để cầu thân. Người đầu tiên được triều đình bàn
tới là công chúa Quỳnh Trân. Quỳnh Trân được đón về triều, song trước sự phản
đối kiên quyết của bà, nhà vua đành để bà trở về am cũ. Từ đó Quỳnh Trân một
lòng quy Phật, mối tình với Khánh Dư bà mãi mãi chôn chặt trong lòng.
Theo sách Nam ông mộng
lục của Hồ Nguyên Trừng, tháng 10.1308, bà ốm nặng, Thượng hoàng Nhân Tông
bấy giờ là Trúc Lâm đại sĩ, đang tu trên núi Yên Tử hạ sơn đến thăm chị gái. Trước
lúc ra về, ngài ngậm ngùi cầm tay bà nói: “Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ
đi, Âm phủ có hỏi thì bảo rằng, xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ
tới ngay”. Về điều này, sách Nam ông mộng
lục ghi cụ thể rằng: “Đại sĩ tại Tử Tiêu, văn tỉ bệnh cức, nãi hạ sơn vãng
thị, vị Thiên Thụy viết "tỉ nhược thời chí, tự khứ, kiến minh gian vấn sự
tắc ứng viết: nguyện thiếu đãi, ngã đệ Trúc Lâm đại sĩ thả chí". Ngôn bất
hoàn sơn. Sổ nhật chí am, phân phó đệ tử hậu sự, yểm nhiên tọa hóa. Thiên Thụy
diệc dĩ thị nhật tốt” (Đại sĩ ở Tử Tiêu,
nghe tin chị hấp hối, bèn xuống núi lại thăm, nói với Thiên Thụy "nếu chị
đến lúc rồi thì cứ đi, dưới âm phủ có hỏi chuyện thì nhớ trả lời: xin đợi một
chút, em ta là Trúc Lâm đại sĩ sẽ đến". Nói xong về núi. Đi mấy ngày đến
am, dặn dò đồ đệ hậu sự, bỗng nhiên ngài ngồi hóa. Thiên Thụy cũng ngày hôm đó
qua đời). Ngày mùng 3 tháng 11.1308 bà mất. Quả nhiên cùng ngày hôm đó
Thượng hoàng Nhân Tông cũng băng hà. Nhân Tông là em ruột, lại là người chứng
kiến cũng như xử lý toàn bộ chuyện tình ngang trái của công chúa Quỳnh Trân nên
đã rất hiểu và vô cùng thương người chị gái đa đoan của mình.
Bia đá bên gốc gạo 700 tuổi ghi lại sự tích đền Mõ và cuộc đời bà công chúa Quỳnh Trân (Ảnh: Nguyễn Thông)
Sau khi bà viên tịch, dân trong vùng cảm công đức của bà đã
lập đền thờ ngay tại nơi bà tu hành, tôn bà làm phúc thần, ngôi đền cũng được
gọi bằng cái tên rất dân gian là đền Mõ.
N.THÔNG - KIM ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét