Giáo sư nhạc sĩ Trần Văn Khê qua đời, đó là tin buồn nhưng cũng rất nóng
thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi người, nhất là báo chí truyền thông. Chỉ mấy
ngày qua, đã có hàng trăm bài báo viết về ông, tiếc thương, ca ngợi. Ông là một
đại thụ về nghiên cứu âm nhạc dân tộc, danh tiếng đã phủ sóng không chỉ trong
nước mà còn rộng khắp thế giới. Nhưng ông còn được nhiều người biết đến như một
chuyên gia am hiểu sâu sắc về ẩm thực phương Đông, nhất là văn hóa ẩm thực Việt,
một người sành ăn bậc nhất.
Kỳ 1: Một kẻ sĩ kỳ tài
Nhắc đến GS Trần Văn Khê, điều đầu
tiên mà mọi người liên tưởng, rằng cụ là một đại thụ về âm nhạc, nhà truyền bá
số 1 âm nhạc dân tộc Việt ra thế giới. Nhưng có một góc khuất, cụ giáo sư số 1 ấy
cũng chính là chuyên gia thượng thặng về văn hóa ẩm thực Việt, sành ăn hiếm có.
GS Trần Văn Khê sử dụng tinh thông hầu hết các loại nhạc cụ dân tộc
Những năm 1960 - 1970 ở miền Bắc, do
hoàn cảnh chiến tranh cùng những rào cản về hệ thống chính trị nên người dân ít
được biết đến những sự việc, con người xảy ra bên ngoài, nhất là ở những nước bị
coi là tư bản, thực dân, đế quốc. Thỉnh thoảng mới nghe nhắc đến những trí thức
Việt kiều, chủ yếu ở Pháp, những người hướng về miền Bắc hoặc có cảm tình với
cuộc chiến đấu chống Mỹ. Tôi còn nhớ, suốt mấy năm học đại học, đôi lúc các thầy
trích dẫn thơ của Phạm Văn Ký, Việt kiều Pháp, ủng hộ cuộc chiến đấu của miền Bắc,
bộc lộ những tâm tư nhớ nước thương nòi. Sau này được biết thêm, chính thi sĩ
Phạm Văn Ký là anh ruột của nhà thơ Phạm Hổ (miền Bắc) và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ
(miền Nam). Hoặc đó là nhà nghiên cứu văn học Thái Thu Lan, Việt kiều Đức; ông
Nguyễn Ngọc Giao, nhà khoa học, Việt kiều Pháp, ông Lê Bá Đảng, họa sĩ, cũng Việt kiều Pháp... Và đôi lúc, chúng tôi cũng có
nghe tới tên tuổi của Trần Văn Khê, cũng chỉ biết rằng ông là một nhạc
sĩ, nhà nghiên cứu nổi tiếng về âm nhạc phương Đông, đặc biệt về âm nhạc dân tộc
Việt Nam. Có người bạn tôi còn khoe từng đọc đâu đó viết ông Khê là anh ông Trần
Văn Trạch, một nhạc sĩ nổi tiếng thời trước 1954, sinh sống ở miền Nam. Nói thế
để thấy rằng, có những con người Việt Nam tên tuổi lẫy lừng thế giới nhưng lúc ấy
chính người trong nước lại chả nắm được bao nhiêu, nói chi đến chuyện tự hào,
hãnh diện, ca ngợi, khâm phục.
Phải đến sau khi thống nhất đất nước
năm 1975, mới nhiều người Việt biết đến tên tuổi nhạc sĩ Trần Văn Khê. Những
năm đầu sau giải phóng, điều kiện về nước khó khăn, nhưng mỗi chuyến ông về là
cả một sự kiện. Giới âm nhạc trong nước hân hoan chào đón. Ông dành thời gian
hiếm hoi khi ở quê nhà đi giới thiệu về cái hay cái đẹp của âm nhạc cổ truyền
dân tộc. Phải nói ngay rằng, đó là một nghệ sĩ tài hoa bậc nhất, một nhà nghiên
cứu chuyên sâu, kiến thức bác học. Tôi nhớ mấy lần đến Nhà văn hóa Lao động
(nay là Cung văn hóa Lao động TP.HCM) nghe ông quảng bá về âm nhạc dân tộc mà
đâm ra mê mẩn. Ông luôn biết cách làm cho người nghe yêu mến, gắn bó với những
tinh hoa âm nhạc dân tộc, khơi gợi ở mỗi người niềm tự hào về những di sản tưởng
như rất bình thường, dân dã ấy. Cứ tưởng thế là “khiếp” lắm rồi, đỉnh cao lắm rồi,
nhưng đến khi tôi được nghe ông trò chuyện về... ẩm thực, tức là về chuyện ăn uống,
thì mối kinh ngạc mới vỡ ra. Một trí thức, kẻ sĩ kỳ tài, tôi nghĩ vậy.
Cụ Khê còn là một người sành ăn số 1, chuyên gia về văn hóa ẩm thực Việt (Ảnh: Nguyễn Thông)
Lần ấy, tôi được dự buổi nói chuyện của
GS Trần Văn Khê về âm nhạc dân tộc. Ông mới từ Pháp về. Thấy ông vừa giảng giải
thang âm cung bậc, lại vừa đàn vừa hát (diễn xướng) với sự hỗ trợ của cô học
trò cưng, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng (con gái nghệ sĩ Thúy Hoan), ông tự đệm
bằng đủ loại nhạc cụ dân tộc, tôi cứ phục lăn. Nhìn ra xung quanh, thấy hầu như
ai cũng tâm trạng ấy. Anh bạn thân, một nhà báo, ngồi cạnh tôi véo một cái, nhắc
thêm: Ông ạ, GS Khê không chỉ sành nhạc, cụ còn là người sành ăn số 1. Tôi từng
sang Pháp và nghe cụ giới thiệu món ăn Việt Nam cho bọn Tây, chúng cứ như bị bỏ
bùa.
Nghe thì biết vậy, nhưng cứ nắc nỏm. Ao ước chuyến nào cụ Khê về nước, phải lập tức tìm đến để nghe ông kể cái hay, cái độc đáo
của văn hóa ẩm thực Việt Nam mới được.
Vừa may, nghe tin GS Trần Văn Khê mới về, sẽ có buổi nói chuyện về ăn uống tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, tôi vội
tìm đến. Thực ra thì cũng có được thông báo, mời mọc đàng hoàng. Chị Nguyễn Thị
Kim Hưng, bác sĩ, Giám đốc Trung tâm, hôm trước phôn cho tôi: Cụ đã về, sáng
mai nói chuyện về ẩm thực Việt tại trung tâm, đến ngay nhé. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Có gì đâu, họ không nổi tiếng, ít người biết vì họ không làm tiến sỹ Triết học Mác-Lê! GS-TS Mác -lê ai mà chả nổi tiếng? chết còn vào nằm Mai dịch! vẫn còn bên cạnh TW, vẫn chỉ đạo, cố vấn được cho TW? Các bác thấy không: có ai đã học trường đảng, triết học Mác-Lê mà thành kẻ trở cờ, thế lực thù địch.. đâu.
Trả lờiXóaĐăng tiếp đi chú Thông ơi. Ghiền quá rồi hihi
Trả lờiXóa"những người hướng về miền Bắc hoặc có cảm tình với cuộc chiến đấu chống Mỹ. Tôi còn nhớ, suốt mấy năm học đại học, đôi lúc các thầy trích dẫn thơ của Phạm Văn Ký, Việt kiều Pháp, ủng hộ cuộc chiến đấu của miền Bắc, bộc lộ những tâm tư nhớ nước thương nòi. Sau này được biết thêm, chính thi sĩ Phạm Văn Ký là anh ruột của nhà thơ Phạm Hổ (miền Bắc) và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (miền Nam). Hoặc đó là nhà nghiên cứu văn học Thái Thu Lan, Việt kiều Đức; ông Nguyễn Ngọc Giao, nhà khoa học, Việt kiều Pháp, ông Lê Bá Đảng, họa sĩ, cũng Việt kiều Pháp... Và đôi lúc, chúng tôi cũng có nghe tới tên tuổi của Trần Văn Khê"
Trả lờiXóaChúng ta sẽ còn nhớ ơn những người này lâu . Chừng nào Đảng Cộng Sản còn tồn tại ở vị trí quyền lực độc tôn, chừng ấy chúng ta phải nhớ ơn họ, vì họ đã đóng góp nhiệt thành và kiến thức để xây dựng nên chế độ này .
Ôi, sao nước tôi lại may mắn có được những tên tuổi, những con người như họ!