Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Hãy cẩn thận khi dùng những từ tinh giản, tái cơ cấu, nhậm chức

Trong đời, nếu là nhà báo, đã xác định làm nghề phu chữ thì ráng trau dồi thuần thục tiếng Việt, khi nào bí quá hãy dùng từ Hán Việt bởi dùng loại này nếu không nắm kỹ rất dễ sai. Nhưng lâu nay, có những từ Hán Việt nội dung, ý nghĩa của nó hết sức cô đọng, súc tích, khó có từ thay thế. Xin nêu 3 từ mà mấy anh chị nhà báo hay dùng và sai.

Trước hết là từ "tinh giản", nhiều vị cứ viết thành tinh giảm, có lẽ các vị ấy hiểu nôm na rằng giảm bớt đi. Tinh có nghĩa là có chất lượng hơn, thuần chất hơn so với vật chất bình thường (chẳng hạn cái phần chất lượng nhất của vật chất được gọi là tinh túy). "Giản" là giảm bớt, lược bớt, cho nó gọn lại (ví dụ tóm tắt gọn một câu chuyện hoặc cuốn sách thì gọi là giản lược). Tinh giản nghĩa là làm cho (cái gì đó, bộ phận nào đó) gọn lại, ít đi nhưng có chất lượng hơn. Tinh thì phải đi với giản chứ không đi với giảm dù 2 từ này đều có nghĩa là giảm.

Từ thứ 2 cần lưu ý là từ "tái" trong cụm từ phổ biến lâu nay "tái cơ cấu". "Tái" có nghĩa là lại, lần thứ 2. Tái sinh tức là sống lại nhưng sống ở một kiếp khác về sau, khác với hồi sinh tức là sống lại ngay trong kiếp hiện tại. Tái bản là xuất bản lại, tái xuất là xuất hiện lại sau khi đã vắng bóng, tái giá tức là người đàn bà lấy chồng lần nữa... Có câu "xuân bất tái lai", nghĩa là xuân qua không trở lại. Đã dùng "tái" thì đừng kèm theo "lại", thế mà nhiều vị cứ viết thành "tái cơ cấu lại". Chỉ cần viết “tái cơ cấu” hoặc “cơ cấu lại” là chỉnh rồi.

Từ thứ 3 hay bị nhầm lẫn là "nhậm" và nhận. Cứ mỗi khi có thay đổi về mặt tổ chức, bầu hoặc bổ nhiệm cán bộ vào những vị trí lãnh đạo, khá nhiều tờ báo thông tin rằng ông A bà B nhận chức, lễ nhận chức. Phải là nhậm chức mới đúng. Nhậm chức thường đi kèm với tuyên thệ. Tuyên có nghĩa là công bố trước mặt mọi người, thệ là lời thề. Khi người nhậm chức thề những điều gì đó công khai trước đám đông thì gọi là tuyên thệ.

"Nhậm" (nhiệm) là từ Hán Việt, nghĩa là gánh vác; còn chức là chức vụ, phần việc phải làm. Nhậm chức có nghĩa (ai đó) đứng ra gánh vác trách nhiệm, phần việc được giao. "Trị nhậm" nghĩa là gánh vác việc cai trị, cầm quyền, lãnh đạo nơi nào đó; ngày xưa từ này thường dùng cho các quan từ quan huyện trở lên, nay người ta gọi là phân công công tác, luân chuyển cán bộ, nhận nhiệm vụ lãnh đạo.

Còn "nhận", vốn nó cũng là từ gốc Hán Việt nhưng được dùng nhiều đến mức như thuần Việt, có nghĩa là nhận lấy, tiếp lấy một thứ gì đó. ví dụ: nhận lá thư, nhận nhiệm vụ. Với những trường hợp trang trọng, như đã nói ở trên, phải dùng từ "nhậm" chứ không dùng "nhận".

Nguyễn Thông

3 nhận xét:

  1. "Kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội" đó là thành tích của "hội đồng lý luận TW" trong 20 năm thành lập! Không biết 20 năm họ ăn gì mà đẻ ra được một câu như vậy? Đây là bọn trở cờ với chủ nghĩa Mác. Chúng đang bẻ cái "kim chỉ nam" thành kim chỉ bắc?!

    Trả lờiXóa
  2. Khách đâu sao vắng thu mùa lá.
    Để chốn phòng the đượm bá buồn?.

    Trả lờiXóa
  3. "Trong đời, nếu là nhà báo, đã xác định làm nghề phu chữ thì ráng trau dồi thuần thục tiếng Việt"

    Phu chữ cho Đảng thì ráng trau dồi thuần thục tiếng Việt Xã Hội Chủ Nghĩa

    Đọc bác Thông viết về từ Hán-Việt lại nhớ tới những bài học thầy cô giáo Xã Hội Chủ Nghĩa giảng dạy về Cụ Hồ thân thương . Có bài trong sách giáo khoa (thời ấy, không biết bây giờ có còn không) rằng Cụ Hồ khuyên các nhà văn XHCN nên dùng từ thuần Việt nếu có từ thuần Việt tương đương . Thí dụ như khi Cụ thấy các nhà văn XHCN mình sính dùng "tiểu phẩm", Cụ nói rằng "tiểu phẩm" là đái (từ của Cụ, em hổng dám đổi, sợ phạm húy) ra mực à!

    Có điều không hiểu sao thơ tiếng Việt của Cụ nghe như dùi đục chấm mắm cáy, chưa kể chính tả tiếng Việt của Cụ cứ như cao nhân Trung Quốc viết tiếng Việt vậy . Trong khi thơ tiếng Hán của Cụ tuy không/chưa phải là tuyệt tác, nhưng so với thơ tiếng Việt của Cụ quả là 1 trời 1 vực . Thế có lạ không chứ ?

    Trả lờiXóa