Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Lãng nhân Đỗ Đức

Chuyện cũ kể rằng nhà văn Nguyễn Tuân có lần đang ngồi thưởng trà, thích thú lắm, bỗng nghe cạch một tiếng trên nền gạch, nhìn kỹ xem hóa ra cái đinh từ tường rớt xuống. Ông buột miệng đến cái đinh cũng còn chả yên phận trên tường, mình đường đường con người mà lại chịu chết dí trong xó nhà sao. Ông Nguyễn cũng từng viết, đại loại, mỗi khi bạn thấy chiếc lá bay vèo qua cửa sổ, bạn hãy nhặt lấy, đó là tấm giấy thông hành mùa thu gửi cho bạn để lên đường. Người đời đã tôn Nguyễn tiên sinh là ông tổ hiện đại của chủ nghĩa xê dịch. Mình kẻ hậu sinh, chỉ được nhìn thấy cụ mỗn lần khi cụ về thăm khoa văn Tổng hợp nhưng lòng thì kính phục cụ lắm lắm. Và giờ đây có một người đầy chất xê dịch kiểu cụ Nguyễn mà mình lại được chơi, quen, được coi như bạn vong niên: ấy là họa sĩ Đỗ Đức.

Mấy ngày qua, họa sĩ Đỗ Đức bận tíu tít với phòng tranh triển lãm cá nhân Cao nguyên đá tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội . Nói ngay, đây không phải lần đầu ra mắt của vị họa sĩ sung sức sáng tác mà đã là lần thứ 7 sau mấy chục năm cầm cọ. Giới am hiểu, theo dõi quá trình hoạt động nghệ thuật của anh bảo rằng dù đề tài, chủ đề gì chăng nữa, dù khắc gỗ, giấy dó, bột màu hay chất liệu gì chăng nữa thì xuyên suốt tất cả vẫn là phong cách Đỗ Đức không lẫn đi đâu được. Và ai cũng nhận thấy mỗi lần trình diện lại có một Đỗ Đức mới mẻ, lạ lẫm, thu hút, gợi nhiều say mê.

Họa sĩ Đỗ Đức (Nguyễn Thông chụp)

40 bức treo tại triển lãm lần này mở ra trước người thưởng lãm một thế giới đá muôn hình vạn trạng, thật như vốn có, kỳ ảo như huyền thoại. Trong cảm nhận và thể hiện của Đỗ Đức, đá cũng có tâm hồn, sống động, chất chứa buồn vui. Cùng với đá là con người; phía sau đá, bên trong đá là người; những người dân miền núi lặng lẽ như đá như núi, cởi mở như dòng sông, con suối. Nét cọ họa sĩ đã đánh thức những tiềm ẩn chôn sâu trong đá và người vùng cao biên giới, bằng sự nhẹ nhàng, tinh tế vốn có của anh.

Thiếu nữ H'mông thổi khèn (tranh khắc gỗ, in giấy dó), Đỗ Đức tặng Nguyễn Thông

Đỗ Đức đi nhiều, vẽ nhiều, viết nhiều, chụp ảnh nhiều. Tuổi U.70 rồi nhưng hễ lòng chỉ cần hé ra ý tưởng xê dịch là xách túi lên đường. Đồ nghề nhiều nhưng gọn nhẹ, bút lông bột màu, cái laptop, chiếc máy ảnh xịn, thế là đủ cho chuyến lăn lóc mê mải đắm đuối dài ngày suốt dọc miền biên viễn phương bắc. Những nơi ấy gắn bó với anh từ thời trai trẻ: Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc, Bắc Mê (Hà Giang), Mù Cang Chải, Lục Yên, Trạm Tấu (Yên Bái), Chiêm Hóa, Na Hang, Sơn Dương (Tuyên Quang)… tất cả cảnh trí, con người phương ấy dường như thấm vào từng tế bào cái người mê đi, mê viết vẽ. Tôi là kẻ ngoại đạo hội họa nên không dám ngỏ nhời về tranh anh nhưng những bài viết ngắn (đoản văn) của anh thì tôi phục lăn. Mỗi bài chẳng khác gì bức tranh khắc họa bằng ngôn ngữ. Không hoa hòe hoa sói, cứ vào thẳng vấn đề, lối diễn đạt dung dị mà hàm súc, từ cái cụ thể bao giờ cũng nẩy ra những suy nghĩ, triết lý khiến người đọc không thể bỏ qua. Anh viết rất nhanh, một mình gánh mục cho mấy tờ báo (ký tên Đỗ Đức hoặc Đông Ngàn- quê gốc của anh), chả trễ hẹn bao giờ, thậm chí còn có cả bài gối cho những số sau. Bài luôn kèm ảnh hoặc minh họa đẹp, sắc sảo. Quả thật sức làm việc phi thường, hiếm có.
Mùa gặt (tranh khắc gỗ, in giấy dó), Đỗ Đức tặng Nguyễn Thông

Có lần cần bài hay gấp tôi phải làm phiền anh. Cứ tưởng "ông lão" đang ở Hà Nội, ai ngờ anh bảo đang ngược, lặn lội bãi đá Đồng Văn chưa biết bao giờ về. Rượu ngô của người Mèo (H'mông) hoặc giả có cô thiếu nữ Mèo nào quyến luyến mà ông anh say thế. Vậy nhưng chỉ nửa buổi tôi đã có bài, được gửi về từ chót đỉnh Hà Giang. Ngôi nhà xinh đẹp bên bờ hồ Tây chả mấy khi có mặt ông chủ vì anh cứ lang thang suốt, hết đi từ thiện lại giúp bà con vùng cao lại làm vài ba chuyến viết vẽ chụp ảnh đó đây. Sau đợt triển lãm này có nhẽ anh lại lên đường. Vùng đất biên viễn với đá và người còn làm anh đắm đuối, tôi biết.
Đường dặm xa
Nếu cần đặt cho Đỗ Đức một cái tên gọn gàng, toát lên được con người nghệ sĩ đa tài ấy, tôi chỉ muốn gọi anh bằng Lãng tử Đông Ngàn.

13.11.2012
Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét