Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Nhớ rừng

THẾ LỮ
Tặng Nguyễn Tường Tam
(Lời con hổ trong vườn bách thú)

Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.
Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở  tung hoành hống hách những ngày xưa.
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi,
Ta biết ta chúa tể của muôn loài
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
-Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Sống những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng
Giải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.

Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị.
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,
-Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!
1934

4 nhận xét:

  1. +Bác Thông gõ nhầm:Thế Lữ viết Nhớ Rừng năm 1934
    chứ không phải 1936.
    +27 tuổi,dân gốc Hà Nội,sáng tác bài thơ ,nghĩa
    đen về chủ đề Rừng Núi,cách nay 78 năm,lúc nền
    văn học nước nhà mới phôi khai.Kinh ngạc,thảng
    thốt trước một thiên tài!
    +Không dừng lại ở góc cạnh tinh tế trong quan sát,
    phù thủy trong sắp đặt thi từ,Thế Lữ còn có tấm lòng yêu nước cháy bỏng,trưởng thành đến độ già
    dặn về nhận thức chính trị.
    +Đọc lại bài thơ,tự thấy mình bé nhỏ,thấp hèn.
    Rồi miên man, liên tưởng,ngẫm ngợi đến những mãnh thú lỡ vận xa rừng...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em tiếp thụ ý kiến của bác. Em căn vào Thi nhân Việt Nam nhưng trong đó cũng chỉ ghi bài thơ này được lấy từ tập Mấy vần thơ-tập mới, không đề năm, tuy nhiên bác có lý vì cuốn sách đầu tay của Thế Lữ ra mắt năm 1935, tất nhiên phải có bài Nhớ Rừng. Em sửa nhé. Cám ơn bác.

      Xóa
  2. Một điều mà người ta cũng phân tích ra ở Miến Điện là những vị tướng ấy cũng lo sợ rằng tương lai của chính họ và gia đình họ, con cháu họ, sau này cũng sẽ không yên ổn, nếu quốc gia vẫn nằm tiếp tục trong chế độ độc tài. Bởi vì chế độ độc tài không tôn trọng pháp luật, không có gì bảo đảm cho sinh mạng, tài sản của người dân, cho nên biết đâu về sau này, chính con cái của những tướng lãnh đó sẽ bị những viên tướng khác lên cầm quyền sát hại hoặc là cướp của.
    Thành ra, muốn bảo đảm được sinh mạng cũng như tài sản của con cháu, họ thấy rằng chỉ có một đường duy nhất là Miến Điện phải trở thành một nước có dân chủ, có tự do, và tôn trọng quyền làm người, tôn trọng luật pháp của quốc gia. Đó có lẽ là một lý do khác khiến cho những vị tướng lãnh ở Miến Điện thấy rằng cải tổ để dân chủ hóa thì có lợi cho chính gia đình họ, chứ không chỉ đơn thuần là đáp ứng nguyên vọng của người dân

    Trả lờiXóa
  3. "Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
    Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị.
    Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
    Nơi ta không còn được thấy bao giờ"
    Đấy là tình cảnh các con Hồng cháu Lạc ngày nay, chả có gì, chỉ biết tự hào và tiếc nhớ thời oanh liệt.
    Than ôi thời oan liệt nay còn đâu.

    Trả lờiXóa