Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Hải Phòng qua một khúc "tỉnh ca"

Xin kính tặng những người Hải Phòng mà tôi yêu mến.

Trên thế giới, nước nào cũng có quốc ca. Ở Việt Nam ta, già trẻ lớn bé đều thuộc “Đoàn quân Việt Nam đi…” bởi đó là bài hát chung của cả nước. Nhưng nước ta còn có cái lạ là các tỉnh thành đều có “tỉnh ca”, ca khúc mang đặc trưng vẻ đẹp mỗi tỉnh thành. Nhiều bài rất nổi tiếng, chẳng hạn “Quảng Bình quê ta ơi” tỉnh ca Quảng Bình, “Chào sông Mã anh hùng” (Thanh Hóa), “Dáng đứng Bến Tre” (Bến Tre), “Thành phố hoa phượng đỏ” (Hải Phòng), “Người Hà Nội” (Hà Nội), “Tôi là người thợ lò” (Quảng Ninh), “Hà Giang mến yêu” (Hà Giang), “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” (Hà Tĩnh)… Cứ đến những nơi ấy, vào giờ phát thanh là nghe tỉnh ca vang lên trong nhạc hiệu.
Hải Phòng quê mình, ngoài bài về hoa phượng của hai bác: nhạc sĩ Lương Vĩnh - nhà thơ Hải Như, còn có một bài khác cũng xứng đáng tỉnh ca không kém, là bài “Thành phố chúng ta, nhà máy chúng ta” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Thời niên thiếu và thanh niên, chúng tôi đều thuộc bài này, hát với tất cả sự rạo rực, yêu mến tự hào về thành phố quê hương mình.
Nhạc sĩ Hoàng Vân viết bài “Thành phố chúng ta, nhà máy chúng ta” sau chuyến đi thực tế ở Hải Phòng năm 1965. Trong lời bài hát không có nhiều địa danh quen thuộc với người Hải Phòng như sau này ta bắt gặp ở bài “Thành phố hoa phượng đỏ” nhưng chỉ vài hình ảnh thôi cũng đủ làm ta xao xuyến. Vẻ đẹp của thành phố thợ, của đất Hải Phòng, người Hải Phòng khó lẫn vào đâu được: “Đồng lúa đây, nhà máy này, công sức ta hơn mười năm trời. Tay búa đây, nòng súng này, giông tố phong ba thề không rời. Hải Phòng đang tiến lên, đã sẵn sàng”.

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Đau lưng chả làm ta thôi nghĩ

Tối qua mình đang ngồi gõ bàn phím lạch tạch, khát nước ra thùng nước lọc lấy một ly, vừa cúi xuống thì lưng nhói một phát. Xong phim, tuổi già chả tha ai, dù ương bướng ngang ngược như mình nó cũng đếch sợ. Mình tư duy theo kiểu của đảng, hay là bọn thế lực thù địch việt tân nó lén gài dao vào lưng mình, lâu lâu lại dúi cho một nhát.
Sáng nay đến nhà thương để khám, đầu tuần, chỗ BHYT đông quá, lại mò về.
Cứ kiểu lâu lâu nó lại dúi nhói thế, phây búc phây biếc cũng đành phải ngơi đây, cả nhà ạ.

Lưng đau nhưng đầu cứ hoạt động. Biên vội ra đây mấy ý nghĩ kẻo mai lỡ đâu đau quá không gõ được.

1 Người ta đã rất sai lầm khi làm nhà ga chính tàu điện ngầm ở trung tâm quận 1 Sài Gòn. Muốn đi tàu điện ngầm ở ga trước nhà hát thành phố thì phải chạy xe tới, vậy gửi xe ở đâu. Đừng bảo rằng đi xe buýt hoặc taxi tới đó, hệ thống xe buýt thì ai cũng rõ nó bất cập thế nào rồi, còn diện taxi thì nhà nghèo, công nhân viên xin vái bởi không đủ tiền. Nếu người ở các quận khác đi xe máy hoặc ô tô đến ga trung tâm rồi lên tàu điện ngầm để đi làm ở quận 9 chẳng hạn thì bó tay. Ai cũng biết khu trung tâm là đất vàng, hết chỗ làm bãi đậu xe rồi, còn chả nhẽ gửi xe ở quân 3 rồi đi bộ sang quận 1, hay lại phải bắt xe ôm sang quận 1. Có người bảo tàu điện ngầm chỉ dành cho người đi bộ, đương nhiên rồi, nhưng trước khi đi bộ thì người ta chạy xe đến. Chả nhẽ nó chỉ phục vụ dân phường Bến Thành, Bến Nghé?

2. Hà Nội chặt cây để lại nhiều tai tiếng. Nay Sài Gòn cũng định theo vết xe đổ chặt hàng xà xừ rợp bóng mát gần trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng. Có được cái cây trăm tuổi đương nhiên phải mất cả trăm năm, nhưng chặt một cái cây trăm tuổi thì chỉ cần vài phút. Xin các nhà cai trị hãy nhớ cho điều ấy.

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Điểm tin ngày 26.3

Tổng bí thư yêu cầu phải nói rõ có không việc chạy chức chạy quyền
Thủ tướng hôm nay đành chào từ biệt thành viên chính phủ.

Giám đốc Nhật thà phá sản chứ không bỏ rơi công nhân Việt trong cơn khốn khổ
Người Nam Bộ bị hạn mặn phải trả 200.000 đồng mua một khối nước sông.

Hàng nghìn thanh niên nhân ngày Đoàn 26.3 bỏ cả buổi sáng  xếp hình cờ tổ quốc
Nhói lòng bà mẹ dị tật hằng ngày nhặt rác để… nuôi con.

Nhiều quý bà bị bắt quả tang tham gia đường dây đánh bạc
Gia đình nữ sinh bị cưa chân đòi đền bù số tiền hơn 1 tỉ đồng.

Thuốc an thần tiêm cho lợn và chất tạo nạc cực kỳ nguy hiểm
Đường ống nước sông Đà đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Nguyễn Thông


Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Đường Thanh Niên

Tôi ra Bắc, mò lên Hà Nội. Có tí việc thì lên thôi chứ chả phải mang gươm đi mở nước gì mà đến nỗi phải nhớ đất Thăng Long. Ở thủ đô mỗn hôm, xong là xuôi Phòng ngay. Bạn bè cũ thương quý tôi nên nhắn dỗi rằng sao cậu ra không báo cho chúng tớ. Thì đành chịu, có chừng ấy tiếng đồng hồ, xong việc là vút ra bến xe Lương Yên, chả kịp trình diện các cụ phụ lão. Đành chịu tội bất kính vậy.

Trưa. Ông bạn đồng nghiệp Nam Phong lấy ngựa sắt 2 bánh chở tôi đi. Tôi rụt rè bảo trời hơi lạnh mưa phùn thế này, hay để anh diện taxi, Phong nói khéo vẽ, vèo cái là tới nơi ngay đấy mà, vả lại để hai anh em tranh thủ tán thêm vài ba câu càng khoái.

Cu Phong chở mình theo lối đường Thanh Niên. Qua đền Quán Thánh, hương trầm ngạt ngào giăng đầy phố, có cảm giác quờ tay là vơ được từng vốc hương đậm đặc. Hồ Trúc Bạch, hồ Tây, chùa Trấn Quốc mờ ảo trong mưa xuân li ti và sương muộn, quyến rũ lạ thường. Thầm nghĩ, hầu như ai về thủ đô cũng hăm hở thăm lăng cụ Hồ, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chợ Đồng Xuân, phố cổ…, nhưng nếu không lững thững ra đường Thanh Niên lặng ngắm phong cảnh nhị hồ thì kể ra cũng như chưa biết thế nào là Hà Nội.

Tôi lần đầu biết đường Thanh Niên vào năm 1975. Một người bạn tôi có bạn nhà ở gần khu Ngọc Hà rủ tôi cùng đến đó chơi. Lúc về chỉ tò mò đạp xe vào đường Thanh Niên thôi. Tôi gò lưng đạp, gió thổi lồng lộng, tóc bạn bay ngược cuốn cả vào mặt phi công cầm lái. Cái mùi bồ kết dìu dịu ấy làm tôi say suýt đâm cả xe đạp vào gốc cây. Hồi đó tai nạn giao thông hiếm lắm. Tí nữa thì tên mình được khắc vào ven hồ Tây.

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Thể chế nào, con người ấy

BÁ TÂN

Tổng thống Obama là con người đặc biệt ấn tượng. Ông liên tục 2 nhiệm kỳ là tổng thống Mỹ.

Điều đáng nói, ông trở thành người đứng đầu quốc gia mạnh nhất thế giới thông qua tranh cử quyết liệt, chứ không phải do một nhóm nào đó bất chấp dân chủ cố tình đặt vào ghế quyền lực.

Việc Tổng thống Obama thăm Cuba đã mở ra một chương mới cho quốc gia nghèo khó, mất dân chủ này. Ông đã quyết định xóa bỏ chính sách cấm vận Cuba, sau hơn 50 năm nước này phải trả giá đắt cho việc lựa chọn con đường XHCN.

Ngày 20.3, người đứng đầu nước Mỹ thăm Cuba. Đây là sự kiện lịch sử của thế giới. Tầm vóc của sự kiện thì đã quá rõ, thu hút sự chú ý của cả hành tinh. Ở đây, có một chi tiết nhỏ, ngay từ lúc bước xuống sân bay, người ta dễ dàng nhận thấy Obama rất đáng nể.

Từ trên cầu thang máy bay bước xuống, cũng như khi đã đi bộ trên sân bay, ông Obama – người đứng đầu siêu cường số 1 thế giới, đã cầm ô che mưa cho vợ, không cần nhờ cậy đến người khác, kể cả vệ sĩ của ông.

Vợ chồng Obama cùng song hành. Không phải người trước kẻ sau như thường thấy với các nguyên thủ khác, nhất là nhóm nước XHCN.

Điểm tin: Những con số

Cầu Ghềnh hơn trăm tuổi
Ngã sập mặt xuống sông
Chiếc sà lan thủ phạm
Chỉ cần một cú đâm.


Cây đa dinh Độc Lập
Tuổi cũng ngoài trăm năm
Chiều nay cơn gió nhẹ
Đẩy đa gục xuống đường.

Chính quyền vừa phán quyết
Hữu Vinh 5 năm tù
Nhưng bên ngoài song sắt
Ba Sàm vẫn tự do.

Việt Nam đứng thứ tư
Trong tốp đầu thế giới
Chất lượng sống (úi chà)
Hơn Nhật, Hàn, Sing, Thái.

Hì, hì, hì, hì, hì…
Anh ơi, chờ em với.

Nguyễn Thông

Bản lĩnh Ba Sàm

Báo chí đưa tin, tại phiên tòa của chính quyền hôm qua 23.3, anh Nguyễn Hữu Vinh (tức Ba Sàm) đã "không thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ".

Theo tôi:
-Không có tội thì chả việc gì phải thành khẩn khai nhận. Ngày xưa, trước tòa đại hình của Pháp, những người cộng sản dù có tội với chính quyền cũng có bao giờ thừa nhận có tội đâu. Người vì dân vì nước, phản kháng lại mọi chính quyền áp bức không bao giờ có tội.

-Không nhận (chứ chưa nói gì đến thành khẩn), đó mới chính là Ba Sàm, là Nguyễn Hữu Vinh. Cây trúc thì dẫu có đốt cháy, nó vẫn thẳng.

-Cái án mà chính quyền áp đặt cho anh Vinh, với người như anh chỉ như cơn gió thoảng thôi, không dọa được gì đâu.

-Trong nền báo chí truyền thông xứ này, hiện tượng như Ba Sàm cực hiếm, những người biên chép lại lịch sử báo chí đương đại một cách đàng hoàng sẽ trang trọng nhắc đến tên anh.

Nguyễn Thông

Chuyện núi Chè

Mấy hôm rồi, mỏi mệt với cuộc mưu sinh, tôi kiếm cách mò về quê cũ vài ngày, giống như một cuộc chạy trốn chính mình. May mà quê hương thôn dã yên bình đã cứu vớt tôi, bao dung đón đứa con tha phương đi đã quá lâu rồi.

Làng Trà Phương quê tôi nằm ngay chân núi Chè (núi Trà Phương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Núi Chè với núi Đối (ven sông Đa Độ, nơi người ta vừa bắt được con ba ba nặng mấy chục ký) như hai hòn núi đá sinh đôi. Thật kỳ lạ, giữa vùng đồng bằng mênh mông chỉ có ruộng và đầm lầy, ao chuôm, tự dưng nhô lên hai ngọn núi đá sừng sững. Hồi nhỏ, nghe bu tôi kể rằng bà chúa Chè gánh đá đi lấp biển Đồ Sơn – Bàng La, chỗ cửa sông Văn Úc, đến đây thì gãy đòn gánh, đành phải bỏ đó thành 2 ngọn núi. Hồi học đại học, tôi đùa với bọn Xuân Ba, Bá Tân… rằng mình là người miền núi, cũng giống như anh Ma Duy Giang vậy, thế mà ối đứa tin.

Núi Chè cao hơn 5 chục mét, chạy dài gần cây số, tinh đá là đá. Trên núi có hang Bà Chúa, phía bắc núi gần làng Xuân La xã Thanh Sơn có hai cây quéo cổ thụ to cả mấy người ôm. Sau này hồi giữa những năm 60 công binh Trung Quốc sang đục rỗng quả núi làm hầm chứa đại bác chĩa nòng ra biển để bắn tàu chiến Mỹ. Nhưng tôi chưa thấy bắn được phát nào, chỉ nghe đồn rằng bọn nó sang đào bới của cải do tổ tiên nó chôn giấu từ thời xửa thời xưa. Nếu đúng vậy thì quả là kỳ công bởi đục rỗng hòn núi đâu phải chuyện đùa.

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Nét đẹp trên xe buýt

Có đi mới biết. Những người cả đời chỉ ngồi ô tô con hoặc chạy xe máy sẽ không biết vẻ đẹp hằng ngày trên xe buýt.
 
Ở Sài Gòn, xe buýt có chỗ dành riêng cho người già, trẻ con, người tàn tật, phụ nữ có bầu. Tôi thỉnh thoảng đi xe buýt, thấy cũng có người vô tâm hoặc cố ý ngồi vào mấy hàng ghế đó, nhưng nhìn chung là tự hiểu chỗ đó không phải của mình, chấp nhận đứng dù ghế ấy còn trống. Đó là vẻ đẹp.

Tôi vừa có dịp đi xe buýt Hà Nội, mấy tuyến liên tục, người lên xuống nườm nượp nhưng hầu hết bạn trẻ đều có ý thức nhường ghế cho người già. Các bạn rất tự giác, đang ngồi, dù đường còn xa nhưng thấy người già là tự giác đứng lên, mời người lớn tuổi ngồi vào. Một chuyến xe có khi cả chục hành vi như vậy. Không đợi phụ xe nhắc nhở, họ chủ động đứng lên, kêu ông ơi, bà ơi, bác ơi, rồi mời vào chỗ của họ. Thật đáng yêu.

Đừng chỉ để ý chuyện móc túi rạch đồ trên xe buýt, xe chật chội, tiện gnhi kém, hay gây tai nạn... để mà u ám buồn rầu. Tôi thấy thế giới con người trên xe buýt dễ thương và đáng trọng lắm. Những con người bình dân, trẻ trung ấy làm ta thêm yêu cuộc sống.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Không thể và có thể

    Trong ngôn ngữ Việt, thỉnh thoảng người ta dùng từ “hy hữu” (hiếm có) để chỉ sự việc hoặc điều gì đó hiếm khi xảy ra. Nhưng nói như một vị bác sĩ (ông Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khi bàn về vụ nữ tử tù có thai) thì hy hữu không có nghĩa là không có. Tức là chỉ hiếm, thậm chí cực kỳ hiếm thôi chứ vẫn có. Tôi hoàn toàn đồng ý với bác sĩ Quyết bởi thấy ở xứ ta còn có những chuyện lẽ ra không thể nào xảy ra được nhưng vẫn cứ xảy ra. Chẳng hạn phóng xe ngược chiều trên đường cao tốc. Nói một cách tự ti, hình như những chuyện như vậy chỉ có ở Việt Nam.

    Ai chả biết tình trạng giao thông ở nước ta lâu nay, cho tới tận bây giờ, và không biết sẽ kéo dài tới khi nào, rất lộn xộn. Tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa, người chết nhiều đến mức dư luận cũng chả thèm giật mình nữa. Luật lệ giao thông đủ cả, chỉ có điều người ta không tôn trọng, người ta nhờn luật. Nhờn đến mức xem thường tất tật, coi mình là ông giời, muốn là làm, đố ai cản.
    Hơn chục năm trở lại đây, hệ thống đường sá được xây dựng với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là những con đường cao tốc không chỉ tác động mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế mà còn làm thay đổi bộ mặt xã hội, tạo nên những vẻ đẹp hiện đại, kỳ diệu của một đất nước đang trên đà phát triển. Các đường cao tốc: TP.HCM - Trung Lương, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nhật Tân - Nội Bài, Nội Bài - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây… như bàn tay xòe ra ôm lấy mọi miền Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui lớn lao ấy là điều đáng buồn: con người không theo kịp tốc độ của thời đại, hay nói cách khác, người rất vênh với con đường hiện đại.

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Mỹ hay Hoa Kỳ, thoát Trung hay thoát Tàu?

Tháng 5 tới, ông Tổng thống Obama sẽ thăm Việt Nam. Nguyên thủ một siêu cường đến thăm, có lẽ việc đón rước sẽ linh đình, hoành tráng lắm. Tôi chỉ muốn góp ý thêm điều này:

Trên báo chí truyền thông, trên rất nhiều văn bản của nhà nước ta, hiện có 2 cách gọi nước Mỹ: Mỹ và Hoa Kỳ. Theo tôi, cần thống nhất lại, chứ để thế linh tinh quá.

Lại nhớ hồi ông Nguyễn Phú Trọng qua thăm Mỹ, các cơ quan báo chí được nhắc phải gọi là Hoa Kỳ, tôi thấy bật cười. Có người giải thích, gọi thế cũng để biểu hiện dần sự thoát Trung, tôi càng mắc cười.

Cờ (quốc kỳ) nước Mỹ có nhiều sao, trông như những bông hoa, nên được gọi nôm na là cờ hoa, nước có lá cờ ấy được gọi là nước cờ hoa, xứ cờ hoa. Nhưng đừng tưởng đó là thuần Việt, cách đó cũng do người Tàu nó gọi, nó đặt là Hoa Kỳ, Hoa Kỳ quốc, còn ta chỉ bắt chước nó thôi. Gọi một quốc gia bằng cái tên như thế, trước hết là thiếu nghiêm túc, cũng chả khác gì ta gọi Triều Tiên là nước củ sâm, Hàn Quốc là nước kim chi; sau nữa, vẫn học đòi Tàu mà thoát Trung thì thoát cái gì.

Mỹ cũng là cách gọi do người Tàu đặt ra, lấy từ cụm từ Mỹ Lợi Kiên (phiên âm tiếng Tàu của từ American) nhưng lâu nay Việt Nam dùng danh từ này quá quen rồi, ví dụ đế quốc Mỹ, hội Việt - Mỹ, đại sứ quán Mỹ, Mỹ là con hổ giấy, đô la Mỹ... Đếch ai nói đế quốc Hoa Kỳ, đô la Hoa Kỳ bao giờ. Xét về độ Việt hóa thì từ Mỹ có sự Việt hóa đậm đặc hơn so với từ Hoa Kỳ. 

Tôi đề nghị chính phủ, nhất là Bộ Ngoại giao nên sớm ra văn bản quy định thống nhất gọi là Mỹ cho hợp lý, càng không thể chiều theo ý cá nhân ông cả Trọng được.

(Tái bút: Được cái bọn Mỹ nó cũng dễ tính, gọi thế đéo nào cũng được).

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Nguyễn Mai Trung Tuấn: Hôm nay là thứ tư

NGUYỄN VÂN ANH (luật sư)

Người ta nói có hai nơi mà con người ngại đến nhất là bệnh viện và toà án bởi nếu họ không lo lắng, muộn phiền về sức khỏe thì cũng phải vô phúc mới chứng kiến bao nỗi niềm buồn vui kiện tụng. Thật sự là chuyện không đành đoạn.
Vậy mà một dòng tin từ các luật sư trong vụ án em Nguyễn Mai Trung Tuấn đã đập vào mắt tôi hết sức lạ lùng. Có 40 thanh thiếu niên chẳng phải là bạn bè cùng trường lớp hay biết rõ về vụ án của Tuấn đã được triệu tập đến để lấp đầy các chỗ ngồi trong hội trường xét xử.
Hôm nay là thứ tư, như mọi ngày, lẽ ra tất cả các em đều phải đang bận bịu với chuyện sách vở ở trường hơn là chờ đợi lắng nghe một phán quyết của toà với những điều luật mơ hồ và xa vời so với thế giới của các em.
Hôm nay là thứ tư, như mọi ngày, lẽ ra tất cả các em đều đang hồn nhiên và tinh nghịch với các trò nhất quỷ, nhì ma hơn là khoác lên mình những bộ mặt nghiêm trang để mục sở thị không khí lạnh lẽo nơi pháp đình.

Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Nói và Làm

Hồi nửa cuối những năm 1980, sau khi ông Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng bí thư thay ông Trường Chinh, trên báo Nhân Dân bỗng xuất hiện mục mới Những việc cần làm ngay. Tôi còn nhớ, ở trang nhất tờ báo, mục này nằm góc dưới phải, bài thường rất ngắn, có bài chỉ hơn trăm chữ thọt lỏn trên ô đóng khung bằng bàn tay, cũng có bài dài hơn chút ít thì được leo vào trang trong, nói chung là ngắn.

Cuối bài viết, tên tác giả viết tắt là N.V.L. Sau này thì ai cũng biết đó là ông Nguyễn Văn Linh, hồi ấy dư luận cũng tập trung vào ông Linh, nhưng chưa thể khẳng định chắc chắn. Chỉ đồn đoán, bàn tán, rồi chế thêm, chẳng hạn ông “Nói Và Làm” viết thế này, ông “En nờ vê e lờ” viết thế kia. Tự dưng ông Linh có thêm bí danh mới là “Nói Và Làm”, “En nờ vê e lờ”.

Ông Hữu Thọ sinh thời có kể lại trong một bài viết về ông Linh: “Lúc đó tôi công tác ở báo Nhân Dân. Tối 24 tháng 5 năm 1987 là phiên tôi trực ban biên tập. Vào khoảng 17 giờ 30, khi mọi người đã về, tòa soạn chỉ còn tôi và ban thư ký trực hôm đó thì đồng chí thường trực ở cổng 71 Hàng Trống đưa vào một phong thư nói là của một người đứng tuổi đi xe ô tô Lada màu sữa gửi ban biên tập. Tuy không đóng dấu hỏa tốc nhưng do phong bì của Văn phòng Trung ương nên tôi mở ngay. Trong phong bì có thư và một bài báo viết tay. Bức thư thì ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ là gửi bài báo, nếu ban biên tập thấy được thì đăng. Còn bài báo có đầu đề "Những việc cần làm ngay", ký tên NVL”.

Những điều ông Linh viết ra cách nay mấy chục năm nếu so với bây giờ chả là cái đinh gì, nhưng hồi ấy chẳng khác quả bom nổ tung trên bàn dư luận. Ông đã thẳng thắn vạch ra những thứ mà đảng và chính quyền lâu nay cố tình giấu diếm, bằng thứ ngôn ngữ giản dị, chất phác, yêu cầu phải thực hiện sửa chữa, khắc phục ngay. Và người ta cũng thừa hiểu, đã đăng trên báo Nhân Dân (tức không phải chuyện đùa), do đích thân Tổng bí thư (dù chưa chắc lắm) yêu cầu thì chỉ còn nước thực hiện ngay thôi. Có lẽ bởi cái uy ấy mà khá nhiều vụ việc được giải quyết chóng vánh. Thời ấy nó thế, chứ như bây giờ, báo Nhân Dân có gào lên năm thôi bảy hồi cũng chả xi nhê gì, thậm chí chúng còn cười khẩy. Một phần do báo hết thiêng. Quả thật bãi bể nương dâu, chả biết đâu mà lần.

Thứ Ba, 1 tháng 3, 2016

Chuyện rơm rạ (4)

Tôi còn nhớ như in cái ngày loa truyền thanh phát thông báo máy bay Mỹ khởi đầu ném bom miền Bắc. Chiếc loa nhỏ xíu màu xanh nhạt bằng gỗ gắn trên tường mà thời ấy quen gọi là loa kim báo rằng hôm 5.8.1964 Mỹ đã ném bom bắn phá vùng mỏ Quảng Ninh, rồi mấy tỉnh miền trong là Thanh Hóa, Quảng Bình. Vậy là chiến tranh đã lan ra tận Hải Phòng quê tôi. Mấy ngày đầu còn hoảng hốt, lo lắng nhưng sau có cảm giác quen dần, thấy cũng bình thường. Nhiều hôm nhìn hàng đàn tàu bay nối nhau cao tít trên trời từ phía biển Bàng La, Quần Mục, cửa sông Văn Úc tiến sâu vào đất liền, đám trẻ con chúng tôi thậm chí không chịu nhảy xuống tăng xê hoặc hố cá nhân mà còn nhí nhố chỉ trỏ, chỉ khi nghe bom nổ ùng oàng từ mạn Thượng Lý, cầu Niệm vọng về mới hơi sờ sợ.

Vài ngày sau, dân sơ tán từ nội thành kéo về. Thường thì những hộ thị dân có họ hàng, người thân ở quê thì tự động về nhà người thân, còn gia đình nào không có bà con họ tộc nơi đến sơ tán sẽ được HTX sắp xếp vào những nhà còn lại trong xóm. Tình cảm đùm bọc nhau lúc tao loạn khó khăn thật xúc động, đẹp đẽ. Sau này có những đứa trẻ thành thị lớn lên ở vùng quê sơ tán cứ nhớ mãi những kỷ niệm đẹp về mảnh đất và con người nông thôn. Riêng đám trẻ con bản xứ chúng tôi, được làm quen, được chơi, học chung với chúng cũng giúp học hỏi được nhiều điều. Chúng nó ngoài dáng vẻ sạch sẽ, xinh đẹp hơn mình, còn nhanh nhẹn, thông minh hơn, nhiều sách nhiều truyện, biết nhiều thứ hơn. Mình chỉ hơn chúng sự chất phác, thật thà, rụt rè thôi.