Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Loạt bài về biết ơn liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma

Lời giới thiệu:
Một trong những tác giả loạt bài này trong lần trò chuyện thân tình đã cho tôi biết: để đem được sự giúp đỡ của cộng đồng đến với thân nhân liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma cũng lắm nỗi gian nan, trầy vi tróc vẩy lắm. Báo TN đứng ra tổ chức, vận động; đã tìm được những nhà tài trợ nghĩa hiệp; đã báo cáo lên các cấp cao nhất; được cả vị lãnh đạo ở bộ quốc phòng động viên, hướng dẫn thân tình; lịch đã lên, kế hoạch đã xong, chỉ cứ việc triển khai. Vậy mà chả biết ngăn trở từ đoạn mấu nào, đùng một cái, thay đổi hết. Không cho tập trung, chỉ cho phép trao quà xé lẻ. Những người thực hiện rất bối rối, khổ tâm. Vì tiền bạc có trong tay rồi, mà thân nhân liệt sĩ thì đang hết sức thiếu thốn, các bậc cha mẹ, các anh chị, các cháu đang nóng lòng chờ. Và cuối cùng, sự giúp đỡ cũng đến được tay người cần nhận như tường thuật trong những bài báo dưới đây.

1.Tri ân liệt sĩ Gạc Ma

Mẹ Phan Thị Đay
Mẹ Phan Thị Đay, mẹ liệt sĩ Võ Đình Tuấn ở Ninh Hòa, Khánh Hòa - Ảnh: Nguyễn Chung

Hôm nay, ngày 15.5, tại Đà Nẵng, Báo Thanh Niên gặp mặt tri ân và trao quà cho các gia đình có con hy sinh tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa từ 24 năm trước (14.3.1988).

Đồng hành cùng Báo Thanh Niên trong đợt 1 này là Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và bà Dương Minh Liễu, ở số nhà 34 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM, những người bạn thân thiết, luôn đứng bên cạnh và chia sẻ với chúng tôi trong nhiều hoạt động từ thiện từ nhiều năm nay. Họ cũng là những nhà tài trợ cho cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này.
Hơn 24 năm trước, Trường Sa dậy sóng. Những cái tên Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma đã trở nên thân thuộc và nhói buốt hơn bao giờ hết với tất thảy những người Việt Nam. Ngày ấy, với trái tim thiết tha giữ đất cùng bầu máu nóng và lòng căm giận ngút trời trước họa xâm lăng, 64 người lính đã ngã xuống dưới làn đạn tàn bạo. Các anh đã nắm chặt tay nhau như những tràng hoa muống biển, giăng ngang trời làm cột mốc biên cương trước khi vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Nhân dân cả nước đã nghiêng mình trước sự hy sinh cao cả đó. Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua, thân nhân của 64 người lính ấy rất cần một lời tri ân công khai, rất cần một câu trả lời minh bạch về số phận thân xác của con em họ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nằm ngoài ý muốn của rất nhiều người vẫn thường quan tâm đến trận hải chiến năm ấy, kỳ vọng đó đã không trở thành hiện thực.



Những cái tên Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma đã trở nên thân thuộc và nhói buốt hơn bao giờ hết với tất thảy những người Việt Nam

Ý tưởng cho cuộc gặp mặt 64 thân nhân liệt sĩ nhân 24 năm ngày các anh ngã xuống vẫn luôn thôi thúc trong lòng chúng tôi. Báo Thanh Niên và Hội Cựu chiến binh Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã khẩn trương bắt tay vào triển khai kế hoạch. Thế rồi đến giờ chót, cuộc gặp mặt các mẹ có con hy sinh ở đảo Gạc Ma tại Cam Ranh không thực hiện được, mặc dù công việc chuẩn bị gần như đã xong. Chúng tôi, những phóng viên của Báo Thanh Niên đã trở thành người mắc nợ các mẹ một lời hứa.
Đường xa, chân mỏi, tuổi già, các mẹ không về gặp nhau cùng một lượt như dự định sau lần bất thành cách nay 2 tháng, giờ buộc chúng tôi phải đến từng nhà. Thật lấy làm tiếc, người đã song hành với Báo Thanh Niên ngay từ lúc đầu, nay đã vắng mặt mà thay vào đó là Tập đoàn cao su Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và bà Dương Minh Liễu. Số tiền trao tặng đợt này cho mỗi gia đình là 15 triệu đồng. Chúng tôi tin là Hội Cựu chiến binh Tập đoàn dầu khí vẫn giữ lời hứa của mình với các mẹ như lúc ban đầu, và sẽ thực hiện vào một dịp gần nhất. Các mẹ đã yếu lắm rồi, quỹ thời gian không cho các mẹ có thể chờ lâu hơn được nữa.
Trong quá trình lần tìm địa chỉ các mẹ, chuẩn bị cho cuộc gặp mặt tại Cam Ranh cách đây 2 tháng, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến nhiều mẹ đã phải sống trong cô độc quạnh hiu. Nỗi cô độc ấy như được nhân lên trước câu hỏi vẫn thao thức trong lòng các mẹ suốt 24 năm qua: vì sao con mẹ không về, thân xác con mẹ giờ gửi nơi đâu... mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Số tiền tuất liệt sĩ mà các mẹ nhận được hằng tháng vẫn không xoa dịu được nỗi băn khoăn thường trực về số phận của con mình. Một Lê Thị Niệm, mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư ở Tây Hòa, Phú Yên suốt ngày ngồi cửa ngóng tin con; một Lê Thị Lan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc ở Hòa Cường, Đà Nẵng quanh năm đầu tắt mặt tối vẫn không thôi hy vọng sẽ tìm được thân xác con mình. Hôm nghe có người về xét nghiệm ADN để xem hài cốt vừa tìm được ở Trường Sa có “họ hàng” gì không, một lần nữa lại thổi bùng lên trong lòng người mẹ ngoài bảy mươi tuổi ấy những tia hy vọng mới, dù rất mong manh.
Bắt đầu từ Đà Nẵng hôm nay, bước chân của các phóng viên Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục dặm dài trên các nẻo đường để tìm địa chỉ của những “bà mẹ Gạc Ma”, từ Khánh Hòa cho đến Hải Phòng, Phú Thọ... Hy vọng rằng, các mẹ sẽ tìm được một chút ấm lòng từ những chuyến đi nghĩa tình và những lời thăm hỏi tận nơi như thế của nhà báo chúng tôi.

2. Đến với gia đình liệt sĩ đảo Gạc Ma, Trường Sa

(TNO) Sáng 15.5 tại TP.Đà Nẵng, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Báo Thanh Niên cùng các nhà tài trợ chính thức khởi động chương trình “Tri ân anh hùng liệt sĩ đảo Gạc Ma, Trường Sa”, hỗ trợ 64 gia đình liệt sĩ với tổng số tiền 1,28 tỉ đồng.

>> Tri ân liệt sĩ Gạc Ma
Sáng 15.5 tại UBND P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng, chương trình “Tri ân anh hùng liệt sĩ đảo Gạc Ma, Trường Sa” đã gặp gỡ và trao tiền hỗ trợ đợt đầu tiên cho thân nhân 10 liệt sĩ ở TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Đây là chương trình do Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam, Báo Thanh Niên tổ chức cùng sự tài trợ của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) và đại diện Ban Tài trợ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhằm tri ân, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức về chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cho thế hệ trẻ.

Ông Lê Văn Xuân (bên trái, 63 tuổi, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), cha liệt sĩ Lê Văn Xanh cho biết kỷ vật còn lại của liệt sĩ Xanh chỉ là tấm áo hải quân rách nát - Ảnh: Nguyễn Tú
Theo dự kiến từ ngày 15.5 đến 27.7, Báo Thanh Niên cùng các nhà tài trợ sẽ trao số tiền 1,28 tỉ đồng cho gia đình 64 liệt sĩ (20 triệu đồng/gia đình) góp phần trợ dưỡng cha mẹ các liệt sĩ đã tuổi cao sức yếu, giúp đỡ anh chị em vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Trong trận hải chiến ngày 14.3.1988 tại đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) có 10 chiến sĩ hi sinh, trong đó riêng P.Hòa Cường (cũ) có đến 7 liệt sĩ. Các liệt sĩ còn lại ở P.An Hải Tây, P.Bình Hiên và xã Điện Thắng Trung, H.Điện Bàn.
Sau khi chia tách phường, gia đình 7 liệt sĩ tại Hòa Cường hiện chỉ còn lại 4 gia đình ở vị trí cũ nay là P.Hòa Cường Bắc, 2 gia đình chuyển sang P.Hòa Cường Nam và 1 gia đình chuyển đến P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ.
Ly tán là vậy, nhưng 7 gia đình liệt sĩ Hòa Cường, đặc biệt là những người mẹ liệt sĩ vẫn giữ liên lạc với nhau rất khắng khít. Nhưng do tuổi cao sức yếu, các mẹ ít có dịp đến thăm hỏi nhau như xưa. Do vậy mà gặp lại nhau sáng 15.5 tại UBND P.Hòa Cường Bắc, các mẹ mừng vui chuyện trò thắm thiết như người một nhà.


Anh Nguyễn Phước Lộc, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam và anh Nguyễn Quang Thông (bên phải), Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên thắp hương cho liệt sĩ Lê Văn Xanh - Ảnh: Nguyễn Tú
Bà Lê Thị Muộn, mẹ liệt sĩ Phan Văn Sự, năm nay đã 80 tuổi, gặp lại bà Hồ Thị Lai (76 tuổi, mẹ liệt sĩ Trương Quốc Hùng) bà mừng lắm, vì hồi đầu tháng 5, bà Muộn ra viện cũng là lúc bà Lai phải nhập viện vì bệnh cao huyết áp.
“Hồi còn khỏe, bả với tui hay qua nhà nhau ăn trầu cho đỡ buồn, chừ đi lại khó quá, lâu rồi cũng không gặp bả, không biết tui với bả còn có nhiều dịp gặp nhau nữa không”, bà Muộn nói.
Giữa 64 người mẹ liệt sĩ từ Khánh Hòa đến Hải Phòng cùng mang nỗi đau mất con vào ngày 14.3.1988, có lẽ không ai cùng lúc phải chịu cảnh mất hai người thân như bà Muộn. Năm 1988, ngày chồng bà Muộn là ông Phan Văn Bé qua đời cũng là lúc bà nhận được hung tin báo về: con trai thứ 7 của bà là Phan Văn Sự hi sinh ngoài đảo Gạc Ma, Trường Sa.

Ông Lê Xuân Hòe, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (bìa trái), anh Nguyễn Quang Thông (giữa), Tổng biên tập Báo Thanh Niên thăm hỏi ông Lê Văn Xuân, cha liệt sĩ Lê Văn Xanh - Ảnh: Nguyễn Tú
Do đó, ngày nay hai cha con liệt sĩ Phan Văn Sự cùng chung ngày giỗ. Hiện con cái của bà Muộn đều có hoàn cảnh khó khăn, bà đang sống và điều trị bệnh tiểu đường ở gia đình con trai thứ 6 là anh Phan Văn Dân. Hằng ngày anh Dân làm thợ mộc nuôi mẹ cùng vợ và 2 con nhỏ.
Còn mẹ liệt sĩ Phạm Văn Lợi là Nguyễn Thị Trước, 75 tuổi, đến gần cuối đời vẫn nhọc nhằn lo cho con cái. Mẹ Trước sinh hạ 7 người con, ngoài liệt sĩ Lợi hi sinh ở đảo Gạc Ma thì anh Phạm Văn Chung cũng qua đời vì bạo bệnh khi mới 44 tuổi.
Hiện mẹ Trước ở tại 18 Lưu Nhân Chú, P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng và chăm sóc con trai út Phạm Văn Tâm bị tâm thần. Thương mẹ, anh Phạm Văn Long hiện vẫn chưa lập gia đình mà đi phụ thợ hồ nuôi mẹ và em trai.
Anh Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết: “Dù được sự chăm sóc tận tình của chính quyền địa phương và các ngành hữu quan, song thời gian qua, cuộc sống của những người cha, người mẹ của những anh hùng liệt sĩ hi sinh tại quần đảo Trường Sa vẫn còn nhiều lo toan, vất vả, đặc biệt là khi tuổi cao sức yếu, ốm đau bệnh tật. Thực hiện chương trình đền ơn đáp nghĩa mà cụ thể là chương trình Nghĩa tình biển đảo của Trung ương Đoàn, Hội LHTN Việt Nam, Báo Thanh Niên phối hợp cùng các nhà tài trợ sẽ trao tận tay toàn bộ số tiền 1 tỉ 280 triệu đồng cho 64 gia đình liệt sĩ từ Khánh Hòa đến Hải Phòng”.

Trao tiền hỗ trợ cho 10 gia đình liệt sĩ đầu tiên của chương trình - Ảnh: Nguyễn Tú
Sau TP.Đà Nẵng, chương trình “Tri ân anh hùng liệt sĩ đảo Gạc Ma, Trường Sa” sẽ đến với Quảng Trị vào ngày 17.5, và ngày 19.5 sẽ trao tiền hỗ trợ cho 13 thân nhân liệt sĩ ở Quảng Bình.
Các gia đình liệt sĩ còn lại trên cả nước sẽ do Ban Bạn đọc và các Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên cùng địa phương thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ.

3. Nghĩa tình Gạc Ma ở Đà Nẵng

Sáng 15.5, tại trụ sở UBND P.Hòa Cường Bắc (TP.Đà Nẵng), cuộc gặp mặt và tri ân những thân nhân các liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma - Trường Sa đã được tổ chức trọng thể.

Trực tiếp thăm hỏi, tặng quà các mẹ và những người thân các liệt sĩ có anh Nguyễn Phước Lộc , Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Tổng biên tập Báo Thanh Niên  Nguyễn Quang Thông cùng đại diện các nhà tài trợ gồm Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) và đại diện Ban Tài trợ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam. Lãnh đạo các ngành chức năng TP.Đà Nẵng, quận Hải Châu, các cựu chiến binh, ĐVTN, cũng tham dự tại buổi tri ân và tặng quà đầy nghĩa tình này.

Nghĩa tình Gạc Ma ở Đà Nẵng
Ông Lê Văn Xuân (trái, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), cha của liệt sĩ Lê Văn Xanh, cho biết kỷ vật còn lại của liệt sĩ Xanh chỉ còn là tấm áo hải quân rách nát -  Ảnh: Nguyễn Tú
Trong số 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma 24 năm về trước thì Đà Nẵng có đến 9 liệt sĩ và 1 ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - liệt sĩ Nguyễn Bá Cường. Thân nhân cả 10 liệt sĩ đều có mặt đông đủ. Từ nhiều ngày qua, Văn phòng Báo Thanh Niên tại Đà Nẵng và Thành đoàn Đà Nẵng đã chuẩn bị chu đáo để đón các mẹ, các anh chị của liệt sĩ về địa điểm gặp mặt. Buổi lễ diễn ra trong không khí cảm động và ấm áp.
Đã 24 năm rồi, đây là lần đầu tiên có cuộc gặp mặt riêng các thân nhân liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988. Mẹ Nguyễn Thị Trước, 80 tuổi, thân mẫu liệt sĩ Phan Văn Lợi, dù đi lại đã bắt đầu khó khăn nhưng vẫn có mặt từ rất sớm, cảm động đến rơi nước mắt khi thấy mọi người cũng có mặt đông đủ. Tổng biên tập Nguyễn Quang Thông đã bày tỏ về ý nghĩa, mục đích của chương trình “Tri ân liệt sĩ Gạc Ma” với tâm nguyện luôn ghi lòng tạc dạ về sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ tại Gạc Ma để giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.


Để thực hiện chương trình “Tri ân liệt sĩ Gạc Ma”, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của  Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) và đại diện Ban Tài trợ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.

Anh Nguyễn Bá Hùng, anh trai liệt sĩ Nguyễn Bá Cường, ở Điện Bàn (Quảng Nam), vượt hơn 40 cây số về Đà Nẵng mang theo lời nhắn gửi của mẹ anh - cụ bà Trương Thị Ngò (85 tuổi), vì sức khỏe yếu nên không về được, rằng mẹ rất biết ơn những người tổ chức cuộc gặp mặt đầy nghĩa tình này. Anh Hùng rất muốn lên phát biểu và chuyển lời cảm ơn của mẹ anh đến ban tổ chức, nhưng anh đã hiểu ra vấn đề khi nghe phản hồi từ BTC rằng lời cảm ơn phải là từ thế hệ trẻ gửi đến các mẹ, trong đó có mẹ anh!
Trong số 10 bà mẹ ở Đà Nẵng và Quảng Nam có con hy sinh tại Gạc Ma năm 1988, nay chỉ còn có 6 mẹ nhận được những lời tri ân cùng món quà đền ơn đáp nghĩa từ các nhà tài trợ. Sau bao năm chờ đợi tin con, nhiều mẹ đã phải trở về với cát bụi trong mòn mỏi khó nghèo. Những bà mẹ còn sống đến hôm nay cũng chẳng khá giả gì hơn. Mẹ Huỳnh Thị Kế, mẹ liệt sĩ Nguyễn Phú Đoàn, đã 80 tuổi rồi vẫn phải nuôi chồng bệnh. Mẹ Nguyễn Thị Trước, mẹ liệt sĩ Phạm Văn Lợi, tuổi cũng đã 80 nhưng vẫn phải chăm đứa con tật nguyền. Mẹ Lê Thị Lan, mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc, đã ngoài 70 tuổi rồi vẫn phải bươn chải kiếm sống hằng ngày... Vì vậy, bất cứ sự chia sẻ nào đối với các mẹ hôm nay cũng đều đáng quý. 20 triệu đồng cho mỗi gia đình liệt sĩ hôm nay là món quà ý nghĩa trong lúc khó khăn này. Tuy nhiên, nói như ông Lê Xuân Hòe, Phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam: “Đây chỉ là món quà nhỏ so với sự hy sinh to lớn của các anh. Chúng tôi muốn khơi dậy ngọn lửa yêu nước và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với sự hy sinh đó”. Còn ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐTV, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, thì chia sẻ: “Đây là việc mà chúng ta rất nên làm, làm nhiều hơn nữa và lẽ ra phải làm từ lâu...”.
Trong thời gian tới, đại diện Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục đến thăm trực tiếp tại nhà và tặng quà cho thân nhân của liệt sĩ Gạc Ma ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa..., tiếp theo đó là tại các tỉnh Nam Trung bộ.

4. Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Những ngôi mộ gió ở Quảng Trị

Sáng 16.5, tại  Tỉnh đoàn Quảng Trị, đoàn công tác của Báo Thanh Niên tiếp tục thực hiện chương trình “Tri ân liệt sĩ Gạc Ma” với sự có mặt của các cơ quan ban ngành và nhiều đồng nghiệp ở đây. 

 Những ngôi mộ gió ở Quảng Trị
PV Thanh Niên đang nghe ông Hoàng Sỹ và cụ bà Hoàng Thị Giỏ kể về các liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma - Ảnh: Nguyễn Phúc
Trong danh sách các chiến sĩ có mặt ở sự kiện tại đảo Gạc Ma năm 1988, tỉnh Quảng Trị có 3 người. Ngoài 2 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đó, còn một người là anh Trần Thiên Phụng mất tích do bị Trung Quốc bắt, 3 năm sau mới thả. Hiện anh Phụng đang sống tại Đông Hà, suốt ngày bươn chải kiếm gạo nuôi con, rất vất vả.
Một điều khá bất ngờ với chúng tôi trong suốt mấy ngày qua là chỉ có 2 liệt sĩ ở Quảng Trị được gia đình xây mộ, tức “mộ gió”, ngay trong nghĩa trang của gia đình. “Có tìm thấy xương cốt chi mô mà đưa vào nghĩa trang liệt sĩ!”, cụ Hoàng Thị Giỏ, thân mẫu liệt sĩ Tống Sỹ Bái đã nói như vậy khi chúng tôi hỏi vì sao không đưa anh Bái vô nghĩa trang liệt sĩ Đông Hà. Cụ Giỏ nay đã 83 tuổi, đang sống với người con cả, cũng là một cựu binh, vẫn còn nhớ như in cái ngày anh Bái xung phong vào bộ đội: “Hắn là con út, hai anh trai đã đi bộ đội, chưa tới lượt hắn nhưng dạo ấy (1987), nghe nói người ta tuyển hải quân, hắn xung phong, lại còn nói với tui, thôi mạ để con đi sớm về sớm. Nhưng rồi hắn có về mô!”. Anh Bái mãi mãi không về, dừng lại ở tuổi 21 sau trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988.
Ngay sau khi nghe thông báo anh Bái hy sinh, cụ Giỏ ngày nào cũng đợi tin con, với hy vọng sẽ mang được thi hài về. Ba tháng sau, thấy không còn có thể trông mong gì nữa, gia đình làm một cái lễ cầu siêu rồi xây cho anh Bái một ngôi mộ ngay trong nghĩa trang của dòng tộc. Chúng tôi hỏi cụ Giỏ sẽ sử dụng 20 triệu đồng mà các nhà hảo tâm đã nhờ chúng tôi chuyển cho cụ hôm nay vào việc gì. Cụ rưng rưng: “Tui chừ già rồi, có tiêu pha chi nữa, nên sẽ sử dụng số tiền ni xây cho hắn cái lăng kẻo tội nghiệp”. Chúng tôi chẳng biết nói gì trước quyết định của một người mẹ suốt đời mong ngóng tin con như thế!
Còn ông Hoàng Sỹ, 69 tuổi, thân phụ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông lại nói: “Tui sẽ dùng số tiền ni chữa bệnh cho bà ấy”. Mới sáng qua, bà Nguyễn Thị Hằng, vợ ông Sỹ, là thân mẫu của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông phải nhập viện vì cao huyết áp. “Cả nhà tui chừ như cái bệnh viện mấy anh nờ. Thằng con trai mới chết cách đây một tháng, bà ấy lại đau liên miên, tui thì cũng chẳng khỏe mạnh chi nhưng chẳng biết lấy đâu ra vài triệu bạc để chữa bệnh nữa”. Ông Sỹ kể về gia cảnh của mình hiện tại như thế. Được đứa con khỏe mạnh nhất nhà - anh Hoàng Ánh Đông - thì đã hy sinh. Còn người em trai của liệt sĩ tên là Hoàng Ánh Thùy (SN 1981), tốt nghiệp khoa âm nhạc của Đại học Sư phạm Huế, ra trường đã 8 năm nhưng đến nay vẫn chưa có việc làm. Mới đây, một em trai khác của liệt sĩ Đông bị đột tử, qua đời. Hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn. Cũng như cụ Hoàng Thị Giỏ, ông Sỹ cũng đắp cho con một ngôi mộ gió.


“Tri ân liệt sĩ Gạc Ma” là chương trình do T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Báo Thanh Niên tổ chức với sự đồng tài trợ của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và đại diện Ban tài trợ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Chương trình nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức về chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cho thế hệ trẻ. Theo dự kiến từ ngày 15.5 đến 27.7, Báo Thanh Niên cùng các nhà tài trợ sẽ trao số tiền 1,28 tỉ đồng cho gia đình 64 liệt sĩ (20 triệu đồng/gia đình) góp phần trợ dưỡng cha mẹ các liệt sĩ đã tuổi cao sức yếu.


5. Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Đây là lãnh thổ Việt Nam!

Đó là những lời sau cùng mà đại úy, anh hùng Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ604, đã nói khi chỉ huy bộ đội chiến đấu chống quân xâm lược.

Ngày 18.5, đoàn công tác của Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã xuống thăm, tặng quà gia đình anh hùng liệt sĩ, thuyền trưởng tàu HQ 604 Vũ Phi Trừ ở xã Quảng Kê, H.Quảng Xương.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ của gia đình, anh Vũ Xuân Thế (em ruột anh Trừ) kể: “Mấy năm nay chị Tần (vợ anh Trừ) gửi nhà cửa vườn tược cho tôi trông nom để vào TP.HCM làm ăn, nuôi con học đại học. Cũng may, hai đứa con anh Trừ rất ngoan, giờ đã có công ăn việc làm ổn định. Vũ Hải Đăng (con trai đầu của anh Trừ) hiện nối nghiệp cha làm bộ đội hải quân, cháu đang công tác ở chính đơn vị mà xưa kia bố mình từng công tác, chiến đấu. Đó là Hải đội 1, Lữ đoàn 125 Hải quân. Còn em nó là Vũ Xuân Khoa hiện đã tốt nghiệp đại học và được nhận vào làm việc tại Tân Cảng TP.HCM”. Anh Thế cũng cho biết từ 2 tháng nay, Vũ Hải Đăng đã nhận lệnh ra trực ở Trường Sa.
Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Đây là lãnh thổ Việt Nam!
Di ảnh của anh hùng liệt sĩ, thuyền trưởng tàu HQ 604 Vũ Phi Trừ - Ảnh: N.M
Chúng tôi điện thoại cho chị Nguyễn Thị Tần để hỏi thăm sức khỏe và nghe chị kể về anh Trừ lúc chị đang giải lao giữa giờ làm việc. Chuyện anh Trừ hy sinh với chị như chỉ mới hôm qua, giọng chị nghẹn ngào nhưng mạch lạc: “Ngày đó, mỗi lần gửi thư về, anh Trừ chỉ toàn kể chuyện vui và hỏi thăm sức khỏe gia đình chứ tuyệt nhiên không thấy anh ấy nói gì đến chuyện đi biển gian khổ thế nào… Năm 1987, được về quê nghỉ phép tới gần 3 tháng trời, anh cũng chỉ động viên tôi yên tâm ở nhà vì “bộ đội thời bình có gì đâu mà gian khổ”. Anh còn dặn sau này cu Đăng lớn lên nhất định sẽ cho vào hải quân. Hóa ra anh chỉ nói để tôi yên lòng, chứ thực sự đó là những ngày tháng mà anh và các đồng đội đang phải hằng ngày đối diện với hiểm nguy trước sự gian tham của kẻ thù. Rồi chị Tần nhận được tin anh Trừ hy sinh ở Trường Sa. Đất trời như sụp đổ. Nhưng chị đã vượt qua nỗi đau, thay chồng chăm sóc bố mẹ già và con dại. Nhớ lời anh dặn, năm Vũ Hải Đăng 18 tuổi, chị đã chấp thuận cho Đăng vào bộ đội hải quân, vào chính đơn vị mà xưa kia anh Trừ công tác.


Thanh Hóa là địa phương thứ 4 mà chương trình “Tri ân liệt sĩ Gạc Ma” do Báo Thanh Niên và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) và đại diện Ban Tài trợ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức. Đây cũng là địa phương kết thúc đợt 1 của chương trình “Tri ân liệt sĩ Gạc  Ma”. Chương trình gặp gỡ, tri ân và tặng quà cho gia đình các liệt sĩ Gạc Ma sẽ tiếp tục đợt 2 vào ngày 27.5 tại các địa phương khác.

Được biết, ngày ấy tàu HQ 604 do đại úy Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng nhận nhiệm vụ chở quân, lương thực và vật liệu ra bảo vệ và xây dựng đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa trong chiến dịch CQ-88. Trong hải trình từ đảo Đá Lớn đến Gạc Ma, tàu HQ 604 gặp phải sự khiêu khích và ngăn chặn của các tàu Trung Quốc. Nhưng với bản lĩnh của người thuyền trưởng kiên gan, Vũ Phi Trừ đã chỉ huy, điều khiển HQ604 giữ nguyên hướng và tốc độ tiến thẳng đến vị trí đã định, thả neo và chốt giữ đảo Gạc Ma. Đêm 13.3.1988, Vũ Phi Trừ đã cùng với chỉ huy chốt giữ đảo và lực lượng công binh tổ chức cắm cờ Tổ quốc trên đảo.
4 giờ 30 ngày 14.3.1988, khi Vũ Phi Trừ đang chỉ huy bộ đội chuyển vật liệu xây dựng và đưa bộ đội lên đảo, thì hai tàu cỡ lớn của địch tới bao vây chĩa pháo uy hiếp, đồng thời dùng loa gọi ta rút ra khỏi đảo Gạc Ma. Không chịu lùi bước, Vũ Phi Trừ đã lớn tiếng trả lời: “Hãy ra khỏi khu vực này, đây là lãnh thổ Việt Nam". Trước tình hình cấp bách ấy, Vũ Phi Trừ đã cùng với Trần Đức Thông báo cáo tình hình về sở chỉ huy và xây dựng phương án đánh trả địch nếu chúng tấn công ta.
Ngay sau đó, địch đã đổ quân lên đảo để nhổ cờ, trước sự chống trả quyết liệt của bộ đội ta. Một cuộc chiến không cân sức đã diễn ra giữa những người lính Việt Nam với lũ giặc hung bạo và đông đúc. Tàu địch sau đó lùi ra xa, và nã đạn khiến tàu HQ 604 bị hư hỏng nặng. Trước tình hình đó, Vũ Phi Trừ đã trực tiếp dùng AK, B40 chiến đấu và chỉ huy điều khiển tàu che chắn những làn đạn cho đồng đội trên đảo Gạc Ma. Rồi anh bị thương nặng và hy sinh, con tàu HQ 604 cũng chìm dần xuống biển. Ghi nhận công lao bảo vệ Tổ quốc của anh, năm 1989, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đại úy Vũ Phi Trừ.
Rời nhà anh Trừ, chúng tôi đến thăm gia đình đồng đội của anh là liệt sĩ Đỗ Viết Thắng (ở nhà gọi là Thanh), người lái trưởng quả cảm của tàu HQ 604. Anh Thắng hy sinh khi mới 23 tuổi, để lại người vợ trẻ mới 22 tuổi và đứa con gái mà anh chưa một lần được nhìn mặt.
Dù đã 81 tuổi và là thương binh chống Pháp, ông Đỗ Viết Công (bố anh Thắng) vẫn còn nhanh nhẹn lắm: “Nhà tôi có 12 đứa con, trai gái chi tôi cũng cho vô bộ đội hết. Thắng là người sáng dạ lắm, mới 22 tuổi đã làm lái trưởng rồi. Tết năm 1988, nó báo tin được nhà nước tuyển chọn cho đi đào tạo về hàng hải ở nước ngoài. Thời gian đi được ấn định vào tháng 7.1988. Gia đình mừng lắm, nhất là vợ nó, nhưng rồi nó đã nằm lại ở Gạc Ma. Chỉ khổ vợ nó cứ ở vậy vò võ nuôi con…”.
Con gái của anh Thắng là Đỗ Thị Thu đang làm việc tại Công ty cao su Thanh Hóa và đã có chồng cùng một đứa con xinh xắn. “Từ bé, em đã không có được sự nâng niu, chăm sóc của bố, nhưng lúc nào em cũng rất tự hào là con gái của bố. Sự hy sinh của bố đã góp phần cho Tổ quốc mình giữ vững được chủ quyền”, Thu nói. Hôm nay 19.5, đoàn công tác tiếp tục gặp gỡ, trao quà cho 4 gia đình liệt sĩ Gạc Ma tại huyện Hoằng Hóa và Tĩnh Gia.

6. Tri ân liệt sĩ Gạc Ma: Quyết chiến bảo vệ đảo

Ngày  19.5, đại diện Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã về thăm gia đình liệt sĩ Lê Đình Thơ và Cao Xuân Minh ở H.Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

Trong hồi ức của mình, bà Lê Thị Lượng (mẹ liệt sĩ Lê Đình Thơ ở xã Hoằng Minh) vẫn không thể nào quên được những ngày tháng đau thương nhất của gia đình khi bà liên tiếp mất đi cả con trai và con dâu trong cùng năm 1988, để lại cho bà đứa cháu gái côi cút mới hơn một tuổi đầu.
 Tri ân liệt sĩ Gạc Ma 1
Đại diện Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Thanh Hóa thăm hỏi động viên gia đình liệt sĩ Cao Xuân Minh - Ảnh: Ngọc Minh
Anh Lê Đình Thơ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ đo đạc hải đồ trên tàu HQ 604. Sáng 14.3.1988, tàu HQ 604 đang neo đậu gần đảo Gạc Ma, khi thấy 4 chiếc tàu lớn của Hải quân Trung Quốc đang tiến lại gần thì chỉ huy Lữ đoàn 146 đã cử ngay các chiến sĩ lên bảo vệ lá cờ Tổ quốc đang cắm trên đảo. Thấy vậy, phía Trung Quốc cho 2 xuồng chở đầy lính có vũ trang lao về đảo, tàu HQ 604 liền nhổ neo tiến về phía đảo để bảo vệ.
Đúng 7 giờ 30, 2 chiến hạm Trung Quốc dùng pháo 100 mm bắn xối xả vào tàu HQ 604 khiến tàu bị hỏng nặng. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và cán bộ, chiến sĩ đã đánh trả quyết liệt khi thấy quân Trung Quốc có ý định chiếm tàu. Thấy không thể khuất phục được tinh thần chiến đấu dũng cảm, quyết chiến đấu, hy sinh để bảo vệ đảo của bộ đội ta, phía Trung Quốc tiếp tục nã pháo khiến tàu HQ 604 bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển...
Chỉ huy tàu và một số thủy thủ đã hy sinh, trong đó có liệt sĩ Lê Đình Thơ.
Khi nhắc đến con, bà Lê Thị Lượng xúc động: “Mới đầu năm gia đình nhận được tin thằng Thơ hy sinh khi chống lại quân Trung Quốc ở đảo Gạc Ma, ngoài Trường Sa, thì 7 tháng sau đơn vị đưa xe chở con gái hắn về giao cho tôi và báo tin là con Thái vợ thằng Thơ bị bệnh nặng khó qua khỏi. Các bác sĩ bảo vợ hắn yếu thần kinh nên quỵ xuống vì không thể chịu đựng được việc thằng Thơ hy sinh. Tôi tất tả vơ vội mấy bộ quần áo rồi theo xe của đơn vị ra bệnh viện chăm con dâu. Nhưng cuối cùng nó cũng bỏ tôi, bỏ con nó mà đi sau hơn 1 tháng chống chọi với bệnh tật...”.
Vì thương mẹ già còm cõi nuôi đứa cháu mồ côi, nên anh Lê Đình Bài (em trai anh Thơ) đã phải xin nghỉ việc ở vùng mỏ Quảng Ninh để phụ mẹ chăm cháu. Giờ đây Lê Thị Thủy (con gái anh Thơ) đã có chồng và một con, hiện chị đang tiếp tục theo học tại Trường ĐH Mỏ địa chất, đúng chuyên ngành mà xưa kia anh Thơ từng học.
Khác với nỗi nhớ con khắc khoải của bà Lượng, bà Nguyễn Thị Văn (mẹ liệt sĩ Cao Xuân Minh ở xã Hoằng Quang) chỉ ngồi cười khi có khách đến thăm. Nghe mọi người hỏi chuyện xưa của anh Minh, bà kể: “Hắn đẹp nhất nhà đấy. Giờ đang mần việc ở Hà Nội. Lâu lắm chả thấy hắn về thăm. Chắc ngoài đó bận lắm các bác nhỉ”. Nói xong bà lại cười ngây dại rồi lục cục bước xuống nhà dưới.
Kéo vạt áo lau nước mắt, ông Cao Xuân Điền (bố liệt sĩ Cao Xuân Minh) thở dài: “Bà ấy bị bệnh tâm thần mấy chục năm nay rồi. Sau giải phóng (1975) tôi từ Sài Gòn ra đưa bà ấy đi điều trị mấy năm liền. Bệnh tình sau đó cũng thuyên giảm nhiều, nhưng kể từ sau khi thằng Minh hy sinh (1988) thì bệnh cũ của bà ấy tái phát và không thể chữa trị được nữa. Khổ lắm”.
Liệt sĩ Cao Xuân Minh nhập ngũ năm 1986, khi hy sinh ở đảo Gạc Ma anh mới tròn 21 tuổi. Kỷ vật để lại của người lính trẻ chẳng có gì ngoài vài trang thư vàng ố. Nhìn cảnh bố anh trong bộ quân phục của một người lính từng xông pha qua 2 cuộc chiến run run thắp nén hương cho người con anh dũng đã hy sinh khi bảo vệ đảo xa, chúng tôi đã không cầm được nước mắt.

Đến ngày hôm qua 19.5, đợt 1 của chương trình “Tri ân liệt sĩ Gạc Ma” đã kết thúc. Khởi đầu từ ngày 15.5 đến ngày 19.5, Báo Thanh Niên và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) và đại diện Ban Tài trợ Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã đến Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình, Thanh Hóa để gặp gỡ, tri ân và tặng quà cho 31 gia đình liệt sĩ với số tiền 620 triệu đồng. Đợt 2 của chương trình sẽ bắt đầu vào ngày 27.5 tại các tỉnh, thành phía Bắc.



 Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật
Ảnh: Công Minh
Tri ân đối với gia đình, những người có công, những thương binh liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng là một việc mà nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội cần phải làm và làm nhiều hơn nữa. Quân chủng Hải quân rất hoan nghênh và đánh giá rất cao tấm lòng của các tổ chức, các cơ quan, cá nhân và báo chí thực hiện việc tri ân sâu sắc đối với các gia đình liệt sĩ, đặc biệt là chương trình “Tri ân liệt sĩ Gạc Ma” mà Báo Thanh Niên thực hiện trong thời gian qua.

Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật
Phó chính ủy Quân chủng Hải quân


 Ông Trần Ngọc Thuận
Ảnh: Sỹ Bình
Khi nghe Báo Thanh Niên bàn về việc hỗ trợ chương trình “Tri ân liệt sĩ Gạc Ma”, bản thân tôi và hầu hết cán bộ lãnh đạo, nhân viên thuộc tập đoàn đều đánh giá rất cao chương trình mang đầy tính nhân văn này và ủng hộ ngay. Đây là việc mà chúng ta nên làm, cần làm nhiều hơn nữa và lẽ ra phải làm từ rất lâu.

Ông Trần Ngọc Thuận
Bí thư Đảng ủy, Phụ trách Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam






Nhóm tác giả: TẤN TÚ - TRẦN ĐĂNG - NGUYỄN TÚ - NGUYỄN PHÚC - TRƯƠNG QUANG NAM - CAO NGỌ - NGỌC MINH



5 nhận xét:

  1. Ôi nước tôi những mẹ già đang khóc
    Nhớ thương con nấc nghẹn từng lời
    Bàn tay vuốt ve nỗi gian nan
    Còn trĩu nặng nỗi lòng tê tái
    tiễn con đi chưa biết tình trai gái
    Ngóng tin con, sao không thấy trở về?
    Lòng quặn đau kiếp sống ê chề
    Sao biển đảo quê hương là của giặc?

    Trả lờiXóa
  2. Chương trình là do TW Đoàn phối hợp với các đơn vị nhưng tôi xin cam đoan là nếu hỏi các bạn đang là những thành viên chủ chốt ở các Tỉnh đoàn về Hoàng Sa Trường Sa và sự kiện Gạc Ma thì ko mấy ai biết đâu. Toàn một lũ dốt nát, con ông cháu cha về làm ở đấy mà.

    Trả lờiXóa
  3. "...Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
    Xương da thịt này cha ông miệt mài
    Từng giờ qua,từng ngày qua
    Đi trong đau nhức khôn nguôi..."
    (Việt Nam quê hương ngạo nghễ-Nguyễn Đức Quang)

    Trả lờiXóa
  4. Chắc việt tập trung gặp mặt thân nhân liệt sỹ Gạc Ma cũng vi phạm Nghị định 38 vì có trên 64 người tham dự!

    Trả lờiXóa
  5. Bác Thông có tin gì về liệt sỹ Lê Bá Giang, xin cho tôi biết với !!!

    Trả lờiXóa