Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Chả có gì mà phải mừng

Nhiều người thường bộc lộ sự vui mừng khi nghe các vị ấy tuyên bố về chống tham nhũng, rằng đã đạt được thế lọ thế chai.

Theo tôi, chả có gì mà mừng, buồn là khác.
 
Ở một nước, những thông tin về chống tham nhũng được coi là nóng sốt thời sự nhất, đáng quan tâm nhất, thu hút báo chí và dư luận nhất; kết quả chống tham nhũng được coi là thành tựu; sự nghiệp chống tham nhũng được đẩy lên hàng đầu, chống tham nhũng trở thành quốc sách, tham nhũng thành quốc nạn, thì cần phải coi lại cái bộ máy đang cầm quyền, cai trị. Có gì mà mừng.

Có hai thứ thông tin: chiến tranh và chống tham nhũng, càng nhiều, càng thắng nhiều, dân càng chết. Không có nó là tốt nhất.

Cứ nhìn ra thế giới, người ta quan tâm, hoan hỉ về những thành tựu phát triển cuộc sống, nâng cao đời sống dân chúng, phát triển khoa học kỹ thuật, nghiên cứu sáng tạo những sản phẩm mới... chứ không phải thành tựu chống tham nhũng. Chỉ những anh "có vấn đề" về bộ máy như Trung Quốc, Việt Nam mới hồ hởi với chống tham nhũng, xem nó như đánh răng rửa mặt hằng ngày. Hay ho nỗi gì.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

Trưa thăm Ải Lậc Cậc - Dành cho K17

XUÂN BA 
Thông ơi. Trưa nay tao vô thăm Cụ Ải Lậc Cậc Ma Duy Giang.
Hổi thăm lồn (lộn) lên lồn xuộng (ấy là âm Khu Tư chỉ sự nhầm nhọt) mãi rồi cũng đến nơi.
Ghé ngay đầu giường coi bệnh án. Lê Văn Thanh K thực quản? Cái gì? Bệnh đằng chim lộn lên đằng mồm là sao? Ải Lậc Cậc cười, phòng này có 2 thằng K. Thằng có tên Thanh này truyền xong về nhà rồi. Phòng rộng là vì thế...
Lão đang nằm trên giường. Bên cạnh là cái giá lủng lẳng một chai đặc trị. Đều đặn nhểu 60 giọt/phút. Ngứa mồm định bảo hồi sung sức nốc cho lắm vào. Bi giờ nằm đếm. Một ly xưa quy ra bao nhiêu giọt nay?
Bên cạnh một gã trai ngồi túc trực. Lão chỉ vào, bảo con trai tao...
Ngó một hồi lâu. Thằng bố bệnh trọng. Thế mà đỏ đắn, Hoành tráng. Thằng con, tướng tá cũng được nhưng còm rom. Tao bảo, trông lão con già hơn anh bố.
Cha con hắn cười rung giường.
Lát sau một y thị đi vào. Thoáng nhanh một quá vãng. Nếu mà 20 năm trước. Dáng ấy. Mắt ấy... "Sơn nữ ơi làm chi cho đớn đau lòng rồi thương rồi nhớ"... Trần Hoàn Miền Trung sao đọc vị xứ Định Hóa chiến khu cách mệnh gớm rứa?

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Lý sự

Trong 10 nước giàu nhất thế giới hiện nay (gồm: Qatar, Luxembourg, Singapore, Brunei, Kuwait, Na Uy, Tiểu vương Ả Rập thống nhất, Mỹ, Thụy Sĩ, Ả Rập Saudi, trong đó Qatar đứng đầu với bình quân đầu người 146.000 USD, cao gấp 200 lần VN) thì không có nước nào theo CNXH. 

Trong số những nước nghèo nhất thế giới và ngày càng lụn bại, đa số là nước tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên CNXH, trong đó phải kể đến Triều Tiên, Cuba, Việt Nam, Lào, Etiopia, Congo, Venezuela, Zimbabwe.

Đừng lý sự bảo rằng trong 10 nước giàu kia có nhiều quốc gia dầu mỏ. Vậy ông bà nào từng tự hào tiềm năng dầu mỏ của VN ngang ngửa với Ả Rập Saudi. Và suốt gần 40 năm nay hút lên biết bao nhiêu dầu sao vẫn phải kêu gào xóa đói giảm nghèo.

Vậy hãy chọn đi, cứ đóng cửa mà lý luận suông làm gì.

Nguyễn Thông


Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Đặt tên đường cụ Bô, đừng có làm chiếu lệ, cốt cho xong

Quan chức Hà Nội giải thích rằng tạm hoãn việc đặt tên đường Trịnh Văn Bô là bởi còn có ý kiến chưa thống nhất từ gia đình, cứ gác lại để trao đổi với gia đình cụ Bô rồi tính sau.

Ơ hay, đặt tên đường là việc của nhà nước, không phải của riêng cá nhân hoặc gia đình nào. Cứ xem lâu nay, đã có bao giờ các vị lấy tên ai đó làm tên đường mà phải xin ý kiến gia đình không. Tôi nói có phải không nào. hà Nội có những con đương mang tên Trần Duy Hưng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Văn Cao, Nguyễn Huy Tưởng..., con cháu các cụ còn sống sờ sờ cả ra đấy, thử hỏi hồi đặt tên các vị chức việc có đến nhà trao đổi bao giờ không, lấy ý kiến không. Chắc chắn là không. Thường gia đình người ta chỉ được thông báo và sau đó hãnh diện đến chụp ảnh bên biển tên đường tên phố chứ làm gì phải tổ chức "hội nghị Paris" như thế.

Nói tuột ra là các vị miễn cưỡng chiều theo dư luận, chọn con đường như cái hẻm nhỏ ngoằn ngoèo đính tên cụ vào, cốt chiếu lệ, cho xong, nên gia đình cụ giận, họ phản đối, chứ chả vì lý do nào khác. Những lối đi ấy, chỉ nên đánh số, hoặc gọi nó là cóc ổi xoài chi đó, sao lại lấy tên danh nhân. Họ phản ứng là phải.

Cần thực sự cầu thị, làm chưa tốt thì nhận lỗi, đứng tránh trớ vòng vo. Nên đàng hoàng và đúng luật, đặt tên đường là việc của nhà nước, chỉ cần thông báo cho gia đình là đủ, không phải bàn, nhưng phải làm cho tử tế.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Đường lên chủ nghĩa xã hội

Một ông lao xe vào đường ngược chiều bị cảnh sát giao thông tuýt còi, đòi phạt. Ông cãi sao lại phạt tôi, cảnh sát nói tại ông chạy ngược chiều.

Ông gân cổ bảo đi xuôi chiều như cả thế giới thì nói làm đếch gì, tôi đi ngược chiều thì đã làm sao, cả nước mình đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, đi ngược chiều nhân loại đó thì đã sao. 

Cãi xong ông phóng vụt đi, nhưng chạy một đoạn, xe yếu máy quá đéo đi được.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Độc quyền hão huyền

Xứ này nó buồn cười nhố nhăng ở chỗ:

Hồi xưa các ông cán bộ cấm dân đọc tiểu thuyết lãng mạn 30-45 (không xuất bản, không truyền bá, không dạy, chỉ nói xấu thì là cấm chứ còn gì), cấm hát nhạc vàng (đứa nào hát nhạc vàng bị đi tù) nhưng riêng các ông ấy tha hồ đọc, tha hồ hát.

Ngày xưa các ông ấy đặt ra thứ phim tư liệu (thường là phim sex, phim có cảnh hở hang; phim đồi trụy của "bọn tư sản, đế quốc", phim của "chế độ ngụy quyền Sài Gòn thối nát") cấm chiếu, nhưng phải thường xuyên chiếu riêng cho các ông ấy xem.

Ngày xưa các ông ấy bảo tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, cả nước ra trận nhưng hầu hết các ông ấy cho con đi học nước ngoài Liên Xô, Tiệp Khắc... (trừ vài cụ liêm chính như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt...).

Ngày xưa các ông ấy cấm nghe đài địch (Sài Gòn, Hoa Kỳ, BBC...) nhưng các ông ấy nghe từng giờ, bảo để biết mình biết người mà đối phó với nó.

Ngày xưa các ông ấy phân biệt tin do TTXVN lấy về hằng ngày từ các nguồn phải có bản tin riêng, đặc biệt, mật... chỉ các ông ấy mới có quyền đọc, luôn có dòng chữ không phổ biến, nhưng phải hạn biến cho các ông ấy.

Bây giờ, các ông ấy tức tối bởi người dân sử dụng internet biết được nhiều thứ, dùng mạng xã hội để bày tỏ thái độ, quan điểm, suy nghĩ cá nhân, trừ một số ông muốn chỉ mình được dùng, còn lại phần lớn ngu internet, muốn người khác phải ngu theo mình.

Nói chung, các ông ấy ảo tưởng, tự cho mình là thánh thần, là siêu nhân, là tinh hoa trời đất, là đỉnh cao trí tuệ, là chót vót mây xanh, có thuốc ngừa (không phải thuốc ngừa thai), không bị ô nhiễm, còn dân chúng là cỏ rác, bùn đất cả, dễ hư hỏng. Các ông ấy tự quy định mình phải khác mọi người, hơn mọi người, đối lập với số đông, ngay cả cống hiến, đóng góp cũng theo kiểu riêng của mình (con mày đi bộ đội, con tao đi nước ngoài, đều là đóng góp, các ông ấy lý luận thế).

Nay thì internet, mạng xã hội đã sổ toẹt tất cả, khiến dân trí ngày càng cao, làm cho các ông ấy choáng váng, tức tối. Đó là lý do đám các ông ấy nói chung, các ông Vũ Đức Đam, Võ Văn Thưởng, Trương Minh Tuấn liên tục đăng đàn hằn học với mạng xã hội, với Facebook (phây búc), với Google (gu gồ). Tôi thương hại các ông ấy, cứ nghĩ là bậc "trí giả", ai ngờ trí giả thật. Điều duy nhất các ông có thể độc quyền được, đó là sự hão huyền, ảo tưởng.

Tôi chỉ muốn khuyên các ông ấy rằng cuộc sống có quy luật của nó. Cản lại quy luật cuộc sống sẽ bị chính bánh xe của quy luật nghiền nát.

Thông cào

Mạng xã hội

TRƯƠNG HUY SAN (Huy Đức, nhà báo)

Dữ liệu rất quan trọng cho công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách. Nhưng sử dụng các số liệu từ Đức, Hàn Quốc... thậm chí từ Trung Quốc để so sánh với Việt Nam cũng giống như so sánh hai số hạng không cùng đại lượng (mét so với kg).

Người Đức, người Mỹ... sử dụng mạng xã hội (MXH) đôi khi chỉ để đáp ứng những nhu cầu bạn bè trong từng group nhỏ. Người Việt Nam sử dụng MXH ngoài những nhu cầu thông thường, còn là để thực hiện các quyền Hiến định - quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến; quyền làm công tác từ thiện, giúp đỡ người yếu thế. Những quyền mà báo chí nhà nước và không gian chính trị của Việt Nam không có khả năng cung cấp.

Tự do biểu đạt chính kiến quan trọng đến nỗi, tổng thống của một quốc gia tự do như D. Trump cũng phải sử dụng MXH để tuyên ngôn khi ông không còn tin báo chí. Đừng so với Trung Quốc, chỉ trong một quốc gia mà việc người dân chỉ trích lãnh đạo, chỉ trích chính quyền được coi là "văn hoá" thì quốc gia đó mới có cơ may được coi là văn minh, chính quyền của quốc gia đó mới được coi là chính quyền mạnh.

Với những tiến sỹ rừng như ông Trương Minh Tuấn thì tôi không chấp, tôi rất tiếc khi nghe phát biểu của PTT Vũ Đức Đam. Ông có một trí nhớ tuyệt vời, một khả năng diễn thuyết rất thuyết phục, nhưng ông đã mơn trớn các đại biểu có chức có quyền trong quốc hội thay vì giúp phần lớn trong họ nắm được MXH là môi trường sống của thế giới ngày nay. Nó chứa chấp đủ thứ dịch bệnh của loài người nhưng nó cũng giúp chính loài người từng bước loại bỏ các dịch bệnh đó và nuôi nấng từng mầm tích cực.

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Kỷ niệm 20.11

Hồi mình còn bé, học cấp 2, cứ vào ngày 19.11 (như hôm nay) hoặc 20.11 là cả đám từng tốp kéo nhau đi thăm chúc mừng các thầy cô giáo. Miền Bắc tầm này chả có gì ngoài cam. Bánh kẹo hiếm, vả lại đắt, nên mỗi đứa được thày bu mua cho một rổ cam, nhiều thì khoảng chục quả, ít thì dăm quả. Cũng chả có túi nilon như bây giờ nên bê luôn cả rổ tới chúc thầy cô. Hồi ấy dân gian gọi đùa ngày 20.11 (vốn có tên ngày Hiến chương quốc tế các nhà giáo) là ngày "Hiến cam các nhà giáo".

Tới tết ta cũng vậy, chả có bánh kẹo gì, lại cứ cây nhà lá vườn, đang mùa thu hoạch rau nên biếu thầy cô tinh những su hào, cà chua, khoai tây. Thế mà rất tình cảm. Chả có lễ lạt tưng bừng như bây giờ.

Mình còn nhớ lần thăm chúc 20.11 cô Oanh hiệu trưởng trường cấp 2 Thụy Hương (H.Kiến Thụy, Hải Phòng) hồi giữa thập niên 1960, đến lúc ra về có một đứa cứ lần chần ở cửa, cô hỏi sao em không về với các bạn, nó ngập ngừng bảo cô ơi, cho em xin... cái rổ (đựng cam). Hóa ra cô đem vào để tạm ở trong nhà rồi quên. Chết cười thằng bạn người làng mình, không nhớ đem rổ về sợ bu nó mắng.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

Chuyện dạy học (tiếp)

Trong suốt gần hai chục năm trời, Trường dự bị đại học TP.HCM nổi tiếng là trung tâm luyện thi uy tín, mỗi năm thu hút hàng nghìn học sinh khắp cả miền Nam. Có những năm, vào thời điểm hoàng kim luyện thi, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm phải ra lệnh hạn chế nhận thí sinh vào trường mặc dù nhận vào là có tiền, bởi không đủ chỗ học, ngoài ra giáo viên dồn giờ dạy cho luyện thi nhiều quá nên chểnh mảng nhiệm vụ chính. Đồng tiền kiếm từ luyện thi giúp cho đời sống giáo viên khá hơn nhưng hầu như chả mấy ai nghĩ rằng chính họ đã góp phần làm hư hỏng hệ đại học. Tôi có anh bạn là giảng viên Trường đại học Tổng hợp, bên ấy cũng căng ra luyện thi, anh kể có ngày dạy luyện thi tới 10 tiết, sáng 4, chiều 4, tối 2, chỉ kịp nhét miếng cơm vào mồm rồi cuống cuồng lên lớp. Lúc nào cũng thèm ngủ. Sài Gòn những năm đó trong giới giáo viên tồn tại một câu lạc bộ có tên CLB 30 triệu. Ai dạy luyện thi thu nhập 30 triệu đồng/tháng thì đương nhiên được gia nhập CLB này. Đồng tiền khiến nhiều thầy cô bị say, say tiền. Một thầy ở trường tôi cũng vậy, thầy Nguyễn Loan dạy toán, dạy nhiều đến mức bị kiệt sức, suy nhược cơ thể, vào bệnh viện được vài hôm thì mất.

Nhưng không phải thầy cô nào cũng khá lên nhờ luyện thi đại học. Chủ yếu là các môn phục vụ khối thi A và B thôi (toán, lý, hóa, sinh) chứ đám thầy cô văn sử địa hầu hết đói dài. Tôi cố trụ mãi nhưng học sinh luyện thi môn văn cứ ngày càng ít dần.

Túng đói quá thì phải… liều. Nhà trường cho phép công đoàn tổ chức giữ xe cho sinh viên. Đám giáo viên đói được ưu tiên tham gia. Thật trớ trêu, cứ đầu giờ thì tay cục phấn, tay cầm nắm thẻ xe, ghi số, thu tiền, học sinh vừa dắt xe vào vừa “em chào thầy cô ạ”. Lúc đầu còn chào lại mà chả giấu hết sự ngượng ngùng, về sau chúng hắn biết ý không chào nữa, lặng lẽ đưa tiền, tiền dư cũng không lấy lại. Chuông reo, rửa tay, vuốt vội bộ quần áo, lại trèo lên bục giảng ê a tác phẩm này hay, tác phẩm kia tốt. Có hôm còn dạy cả tác phẩm Sống mòn của Nam Cao, có hôm dạy bài nghề cao quý của người thầy. Nhìn vào mắt trong veo của sinh viên, biết chúng nghĩ gì. Trớ trêu vô cùng.

Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Chuyện dạy học

Xứ mình nhiều ngày lễ, trong đó có lễ riêng của nhà giáo, những người làm nghề dạy học. Cứ tới tháng 11 tây hằng năm là không chỉ thầy lẫn trò mà dư luận xã hội cũng lao xao chộn rộn về ngày 20.11, ngày Nhà giáo Việt Nam.

Thú thực, chả bao giờ tôi nghĩ mình sẽ theo nghề dạy học, còn gọi là sư phạm, thế mà lại đứng bục giảng những 16 năm trời. Hồi nhỏ tôi rắn mày rắn mặt, chỉ thích đi bộ đội hoặc làm lính biên phòng, chứ không thích làm thầy giáo. Người định một đằng, trời quyết một nẻo, chả thể nào tính được.

Tôi học khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp tháng 12.1976. Khóa tôi là khóa bản lề chiến tranh và hòa bình. Tháng 3.1977 từ quê ở Hải Phòng tôi nhận được thư thông báo của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp kêu lên Hà Nội nhận quyết định phân công công tác. Quyết định do Thứ trưởng Hoàng Xuân Tùy ký, cầm trên tay mà cứ run run. Kể từ nay, mình chính thức bước vào cuộc mưu sinh. Cảm giác thật khó tả. Nhưng không phải được vào nhà xuất bản, cơ quan báo chí hoặc viện này viện nọ. Quyết định ghi rõ điều động tôi vào nhận công tác tại Trường dự bị đại học Tiền Giang đặt tại TP.HCM. Làm nghề dạy học.

Tôi chính thức vào nghề giáo học từ ngày 25.4.1977, dạy một mạch đến năm 1993, khi đang là Tổ trưởng Bộ môn Xã hội (văn sử địa) thì… đói quá, xin nghỉ đi làm thuê cho một công ty nước ngoài. Đồng lương giáo học khi ấy không đủ nuôi thân chứ nói gì nuôi cả vợ con.

Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

Chuyện chiếc tràng kỷ ở nhà cụ bà Trịnh Văn Bô (tiếp)


Cụ bà Hoàng Minh Hồ dự lễ 480 năm ngày mất của Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng tại Văn Miếu (cụ ông Trịnh Văn Bô là trực hệ đời thứ 15 Chúa Trịnh Tùng) - Ảnh: X.B

Năm 1986 tướng Hoàng Văn Thái mất. Thời gian đó Bộ Quốc phòng xây nhà cho các tướng lĩnh tại khu tập thể Liễu Giai rộng rãi khang trang. Đây là khu biệt thự dành riêng cho các tướng lĩnh hàng đầu quân đội. Ngày 24.6.1988, ông Lê Đức Thọ gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh thông báo ý kiến của các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ về việc cả 3 ông nhất trí cho gia đình ông bà Trịnh Văn Bô cùng các con cái cháu chắt được về sống tại 34 Hoàng Diệu.

Ngày 19.12.1988, ông Lê Đức Thọ gửi thư cho gia đình ông bà Trịnh Văn Bô thông báo nội dung nói trên. Ông Lê Đức Thọ còn thay mặt Đảng chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh bố trí nhà ở cho đại tướng Hoàng Văn Thái sao cho thật tốt, sao cho xứng đáng với công lao của đại tướng. Sau đó bà quả phụ đại tướng Hoàng Văn Thái đã chuyển về khu Liễu Giai.

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2017

Mai Dịch

Mình nói thế này, sẽ có nhiều người phản ứng, nhưng mình xưa nay nghĩ thế nào cứ biên thế.

Chuyện gia đình cụ bà Trịnh Văn Bô từ chối không nhận suất Mai Dịch mà đưa cụ về khu phần mộ riêng trên Vĩnh Phúc là chuyện bình thường. Điều đơn giản nhất để hiểu là những việc hiếu hỉ, tang ma cưới hỏi là chuyện riêng của gia đình, thân nhân sẽ quyết chứ không phải nhà nước, tổ chức, đoàn thể nào (còn ai muốn làm ngược lại thì tùy họ). Nhất là gia đình cụ lại có khu nghĩa trang riêng, và quan trọng nhất là cụ ông đang nằm trên đó (nếu nằm Mai Dịch thì cụ ông phải xứng đáng được nằm từ trước mới đúng). Mai Dịch với gia đình cụ Bô, nói thật, chả là cái đinh gì.

Không chỉ xưa nay chỉ có gia đình cụ Bô từ chối Mai Dịch. Trường hợp của đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2013 hầu như ai cũng biết. Có lẽ Mai Dịch mất thiêng sau khi những gì xảy ra với phần mộ ông Sáu Búa Lê Đức Thọ đến nỗi người nhà ông phải sang cát đem về quê cho an toàn, và nó mất thiêng hẳn khi gia đình tướng Giáp quyết định đưa ông về Vũng Chùa (Quảng Bình quê ông). Nay thì cụ Bô bà. Lại nhớ một thời, chỉ nghe ai nói nghĩa trang Mai Dịch là đã kính nể, khiếp hãi lắm rồi, nói gì được chôn trong đó. Đẳng cấp ngay cả khi đã hóa thân vào cát bụi. Đúng là thế gian biến cải vũng lên đồi, bãi bể nương dâu, chả có thứ gì là vĩnh viễn, mãi mãi.

Lại chuyện cụ Bô bà, cụ Hoàng Thị Minh Hồ. Kỳ nhất là những ông bà chức việc nhà nước, trong ban lễ tang nhà nước, không hiểu đầu óc họ thế nào, lại đề xuất cho cụ bà yên nghỉ ở Mai Dịch. Họ không cần biết cụ ông đang nằm trên Vĩnh Phúc. Suy nghĩ tính toán như những ông bà chức việc ấy quá dở, thấp kém, không hiểu đời (nhưng khổ nỗi lại cứ đòi làm lãnh đạo). 

Theo tập tục dân ta, vợ chồng khi sống cùng nhau thì khi chết cũng nằm bên nhau. Chỉ những ông cốp thích nằm Mai Dịch mới tách vợ ra thôi.

Có nhẽ chính nhà nước thấy chôn cất dạng Mai Dịch có điều gì đó không ổn nên mới lập dự án nghĩa trang quốc gia ở Sơn Tây hay Hòa Bình chi đó, định cho phép các ông bà cốp khi về trời được đem phu nhân, phu quân (cách nói của APEC) theo.

Thông cào
(Tái phím: Hôm nay gia đình cụ đưa cụ về trời, về cõi phật, con cầu nguyện cụ tiêu diêu miền cực lạc)

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

Chuyện chiếc tràng kỷ ở nhà cụ bà Trịnh Văn Bô

XUÂN BA (nhà báo)

Tin cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô qua đời ở tuổi 104 loang nhanh…

Ngồi buồn soát lại những tấm ảnh cũ chụp thời vẫn qua lại để viết bài về cụ bà Trịnh Văn Bô. Thời mà nhiều người ít nhắc đến công tích từng hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng thời gian khó cùng việc hiến mấy ngôi nhà cũng cho cách mạng, trong đó có nhà 48 Hàng Ngang (nơi Cụ Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập). Người ta cũng chả mấy khi nhắc đến tên thật của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ mà thường gọi là bà Trịnh Văn Bô.

Nhớ lần đến được hầu chuyện cụ Hoàng Minh Hồ ở nhà 34 Hoàng Diệu, ấy là năm cụ 92 tuổi còn khỏe mạnh mẫn tiệp. Ngó cụ da dẻ hồng hào, tóc trắng cước, áo lụa màu mỡ gà thư thái sải những bước khoan thai trong không khí u tịch có cảm giác cụ như dạng Lão Phật bà… Ấn tượng nữa là chất giọng cụ bà vang, vượng. Quả là nhất tướng nhị thanh. Ấy là cụ đang nhắc nhớ đến một kỷ vật của "Ông Cụ".


 Cụ Hoàng Thị Minh Hồ tại nhà riêng, biệt thự 34 Hoàng Diệu, Hà Nội - Ảnh: Xuân Ba 

Ngày 16.9.1945, "Ông Cụ" tức là Bác Hồ cho người đến nhà mời vợ chồng tôi lên Phủ Chủ tịch. Không biết là có việc gì? Đến nơi, thấy Ông Cụ đã ngồi đợi bên bộ bàn ghế mây. Cụ không ngồi một mình. Có cả các ông Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Trường Chinh.

Đéo muốn trả thì cứ nói hẳn ra

Câu ấy là của lão Maddox, hàng xóm nhà tôi, một cựu chiến binh chính cống từng tham gia trận đánh trên vịnh Bắc Bộ ngày 3.8.1964, chứ không phải của tôi. Lão ấy ăn nói tục tằn lắm, lính mà, biết làm sao.

Lão Maddox sang nhà tôi. Hỏi, lại hết trà hả. Giả nhời, không, chuyện cụ Bô, nhà cụ Bô cơ. Chuyện gì?

Đèo mẹ, cứ như đọc bài của rất nhiều người thì việc trả nhà 34 Hoàng Diệu cho cụ Trịnh Văn Bô đã được rất nhiều đời tổng bí thư Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười; các thời thủ tướng chính phủ Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, tất cả các vị lãnh đạo cấp cao nhất của đảng và nhà nước đều thấy việc trả lại ngôi nhà 34 Hoàng Diệu cho ông bà Trịnh Văn Bô là đúng đạo nghĩa, không có gì còn phải bàn cãi. Ông nào cũng bảo trả nhưng cuối cùng vẫn không trả. Hơn nửa thế kỷ lằng nhằng, giờ lại giao trách nhiệm cho tay Hoàng Trung Hải.

Mấy ông kia còn chả đi đến đâu, liệu Hoàng Trung Hải làm được trò gì, nó to hơn tổng bí thư, hơn thủ tướng chắc.

Tôi nhỏ nhẹ nói với Maddox, các ông xưa các ông ấy làm màu thế thôi, chứ thực tâm có ý muốn trả đâu, cứ dây dưa đùn đẩy để vợ chồng cụ Bô và con cháu nản rồi bỏ, vừa được tiếng tốt, vừa cướp được nhà. Chứ muốn trả, dễ ợt. Làm đến vua, "quân sử thần tử, thần bất tử bất trung", nói một tiếng chúng phải nghe răm rắp, ở đó mà cãi. Ký một cái giấy lệnh thời hạn phải trả, bố đứa nào dám chống lại. Vua nói mà dám không nghe à, chém cổ chứ ở đó mà phạm thượng.

Đếch muốn trả nên cứ "kính chuyển, kính chuyển" giả vờ, thì đến mục thất mới xong.

Cái nhà to như quả núi thế ngay giữa thủ đô, chủ nhà nay đòi mai đòi mãi không trả, năm này qua năm khác, chục năm này qua chục năm khác, nửa thế kỷ này qua nửa thế kỷ khác, có phải chuyện ăn bát bún riêu ngõ hẻm đâu mà các bố không biết. Thế mà bây giờ lại cứ bảo ông nào cũng muốn trả, vậy đứa nào không trả. Cũng như hồi vụ kỷ luật ông khoán hộ Kim Ngọc, về sau cứ bảo có ai kỷ luật ông ấy đâu, thế thì đứa nào cách chức ông ấy; vụ ngăn sông cấm chợ, cũng bảo có ai chủ trương ngăn cấm đâu, tự dưng cơ chế nó thế chứ, nhưng nhận phần công lao đổi mới thì bố nào cũng nhao nhao nhào vào.

Maddox cười mếu, thế thì về hẳn mẹ nó chế độ quân chủ chuyên chế cho xong, vua hẳn ra vua, chứ cứ lằng nhằng vua đéo phải vua, mệt lắm.

Cá nhân tôi chỉ muốn hỏi các ông ấy một câu: Có mỗi việc mượn cái nhà của người ta, lại là người có công lao cực kỳ to lớn với đất nước và dân tộc, đầy ơn nghĩa với các ông ấy, thế mà không trả được, trong khi đó cứ đòi lãnh đạo toàn diện đám dân đen chúng tôi, vậy các ông lãnh đạo thế nào?

(Tái phím: Tôi đang viết dở bài về tình trạng cán bộ cách mạng cướp nhà, nhiều vụ lắm, có vụ tôi biết, có vụ nghe người trong cuộc kể lại, sắp đưa lên để chia sẻ với lão Maddox).

Thông cào

Thứ Sáu, 10 tháng 11, 2017

Về ngôi nhà 34 Hoàng Diệu

DƯƠNG ĐỨC QUẢNG (nhà báo, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí, Văn phòng Chính phủ)

Mấy hôm nay, sau khi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ mất, thọ 104 tuổi, nhiều nhà báo và các bạn viết fb đã có bài về cụ trên báo và trên trang cá nhân bày tỏ sự ngưỡng mộ, tiếc thương và cả sự thông cảm với gia đình cụ xung quanh câu chuyện về ngôi nhà 34 Hoàng Diệu, nơi cụ đã ra đi. Nhà báo Quốc Phong đã có một bài khá hay trên báo Thanh Niên kể nhiều chuyện về hai cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ, trong đó có chuyện về ngôi nhà 34 Hoàng Diệu, Quận Ba Đình, Hà Nội này. Một số nhà báo và bạn viết khác, trong đó có người tôi biết khá rõ cũng viết về ngôi nhà này nhưng có những chi tiết chưa thật đúng, thậm chí cho đây là câu chuyện “thâm cung bí sử” ít người biết, "khi nào đó tôi sẽ viết ra"!.

Là một nhà báo có hơn mười năm làm việc tại Văn phòng Chính phủ có điều kiện tiếp cận với các thông tin liên quan đến ngôi nhà 34 Hoàng Diệu, hôm nay tôi đưa lên fb của tôi một đoạn trong cuốn Hồi ký tôi đang viết dở về cuộc đời làm báo của mình để cung cấp thêm thông tin với bạn đọc về ngôi nhà 34 Hoàng Diệu này: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất băn khoăn, trăn trở mỗi khi nghĩ đến những người dân đã hiến tài sản của mình cho cách mạng, kháng chiến mà sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước Chính phủ vẫn không có chính sách và một khoản vật chất nào để trả ơn bà con, trong khi nhiều bà con hiện nay cuộc sống rất khó khăn. Thủ tướng nói nhiều bà con ngư dân đã giao cả chiếc thuyền là tài sản lớn của mình cho bộ đội dùng chở quân vượt sông, có bà con người dân tộc ở Tây nguyên hiến cả con voi quý của mình cho bộ đội chở gạo, chở đạn ra mặt trận…Thủ tướng trăn trở về chuyện bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô, nhà tư sản dân tộc lớn ở Hà Nội, người đã hiến 5.147 lạng vàng cho nhà nước trong Tuần lễ vàng năm 1945 và những năm kháng chiến cũng như việc dành ngôi nhà ở 48 Hàng Ngang để đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Chính tại ngôi nhà này Bác Hồ đã viết Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, được Người đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 tuyên bố sự ra đời của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Thứ Năm, 9 tháng 11, 2017

Đặt tên đường

Phải nói ngay từ đầu, tôi rất đồng tình, ủng hộ việc lấy tên cụ Trịnh Văn Bô đặt cho một đường phố ở Hà Nội. Chuyện đạo nghĩa như thế, nay mới làm là quá muộn.

Nhưng cần phải nói thế này:

Gia đình cụ Bô năm 1945 hiến cho chính phủ lâm thời hơn 5.100 lượng vàng để có ngân khố nuôi bộ máy nhà nước buổi ban đầu, hiến cả nhà cửa đất đai cho nhà nước (lấy chỗ mà viết tuyên ngôn độc lập). Tài sản ấy, công lao ấy gắn liền với cả hai vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ. Người xứ ta có câu "của chồng công vợ", "lệnh ông không bằng cồng bà", tức là đóng góp của cụ bà cũng rất lớn, thậm chí còn hơn cụ ông.

Ngày xưa, nhất nhất mọi việc trong nhà đều lấy theo tên người đàn ông, tên chồng. Những đóng góp của gia đình cụ Bô khi ấy đều lấy theo tên cụ Bô, và đương nhiên thiên hạ quên mất tên cụ bà Minh Hồ. Giờ phải trả lại tên cho cụ bà.

Một điều rất buồn cười, nay cụ bà mất, người ta mới sực nhớ đến cụ ông, đòi lấy tên cụ ông đặt tên đường. Nhưng lâu nay cái thói vô ơn nó vẫn cứ thường xử sự như vậy. Mà nó lại làm lãnh đạo nên mặc nhiên xã hội bị thống trị bởi thói vô ơn.

Tôi cho rằng, cách tốt nhất là đã đặt tên đường Trịnh Văn Bô (như đề xuất của HĐND TP.Hà Nội) thì gắn luôn tên cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, thành đường Trịnh Văn Bô-Hoàng Thị Minh Hồ; còn nếu suy nghĩ rộng rãi hơn, thì tìm 2 con đường, hoặc song song, hoặc liền nhau, hoặc gần nhau đặt bằng tên hai cụ.

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

Tôi nghi lý lẽ của quan năm công an có thể đúng, ông Dương Trung Quốc sai

Chứ công an chả nhẽ lại sai. Cụ Hồ xưa dạy công an 6 điều, chú phú lít nào mà chả thuộc. Công an nhân dân thì chỉ vì nhân dân thôi chứ chả nhẽ vì... con ma.

Tại quốc hội hôm 7.11, quan năm phó giám đốc Công an Hà Nội, ông đại tá Đào Thanh Hải rất dõng dạc giả nhời các vị dân biểu (chả biết có phải dân biểu thật không) rằng không có chuyện công an bắt bớ, hành hung làm gãy đùi cụ Lê Đình Kình trong vụ cưỡng chế đất đai thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Cụ Kình gãy chân là do gia đình cụ "giằng co" với nhà chức việc. Có nghĩa là, nói như quan năm Hải, gãy chân vỡ xương đùi là tại cụ Kình, tại người nhà cụ Kình tác động, chứ không phải công an.

Sau đó, cũng ngay trên nghị trường, ông Dương Trung Quốc chất vấn: một ông già 82 tuổi có thể tự gãy chân không? Kiểu này ông Quốc nghi công an. Tôi cho là xưa nay ông Quốc rất hùng biện, khôn ngoan, nhưng lần này có thể ông đã sai.

Tôi là tôi cứ phản đối ông Quốc dân biểu (dù ông này đúng nghĩa đại biểu của dân, do dân bầu) nói cụ Kình Đồng Tâm không thể tự gãy chân. Này nhé:

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Đội thổi kèn khóc thuê

Tôi khùng, bật tivi coi cái lễ tưởng nhớ CMT10, thấy thế này:

Việc cúng là của người Nga, nhưng xứ ta thích ôm rơm rặm bụng, thôi thì cho qua, nhưng chả biết có mời khách Nga, cụ thể là Đại sứ Nga tại HN dự không. Tôi không nghe giới thiệu một tây Nga nào, hay là không mời, hay là mời nhưng "nó" không dự. Thấy có vài ông mũi lõ, chả biết có phải Nga, nhưng nếu có Đại sứ Nga dự chẳng hạn mà không giới thiệu thì quả thật mấy vị tổ chức vụ này chỉ tầm cỡ tổ chức event làng xã.

Ngó thấy mấy anh tây ấy mặt cứ nghệt ra khi nghe ông lão đọc văn diễn cảm, tinh những từ hoa mỹ, tôi biết là chúng chả hiểu gì, có lẽ tới ngồi cho vui thôi.

Mấy ông lý cựu xứ này, để ý trên hàng ghế đầu thấy ông có ông không. Điều đáng lưu ý là cựu thủ tướng 3X không có mặt. Có thể được mời, có thể không. Trong đám lý cựu, đều dễ nhận thấy lâu nay, anh nào xuất thân dân Bắc thì rất thích lễ lạt, thích làm long trọng viên, háo danh, cứ có hơi lễ là xuất hiện, như anh Nông Mạnh, Lê Phiêu, Sinh Hùng; còn đám Nam hình như mạng đặc tính Nam Bộ, thôi là thôi, không lằng nhằng, như anh Khải, anh Triết, anh Anh (Hồng Anh chứ không phải Đức Anh), anh Sang (tuy nhiên anh này lại vừa có mặt). Tôi thích tính cách Nam hơn.

Cứ như ông cụ non nhưng già lý luận nói sáng nay "Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra thời đại mới cho lịch sử nhân loại" thì phải hiểu rằng cuộc cách mạng này đúng là mở ra một thời đại mới, nhưng cần nói rõ điều mà cụ non cố tình giấu: đó là thời đại nghèo đói bị bóc lột, kìm hãm kiểu mới, do người cộng sản nắm quyền cai trị. Nói chính xác, nó đã kìm hãm nhân loại suốt trăm năm nay, đã đẩy nhân loại vào sự chia rẽ hai phe, đã gây ra bao nhiêu cuộc chiến tranh, đấu đá, đã chồng chất xương máu của cả trăm triệu sinh mạng ở khắp nơi.

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

Vĩnh biệt sổ hộ khẩu

Cuối cùng thì cuốn sổ hộ khẩu, một tàn tích dai dẳng của lề lối quản lý hành chính lạc hậu, của chế độ bao cấp lỗi thời, đã chính thức bị thải bỏ. Nó đã làm xong nhiệm vụ của nó, dù thứ nhiệm vụ ấy chẳng lấy gì làm vinh quang cho lắm.

Bỏ sổ hộ khẩu, đó là tin vui, nhưng là thứ “vui sao nước mắt lại trào”. Nghị quyết số 112/NQ-CP được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 30.10.2017 về đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng của Bộ Công an, đã quyết định nhiều điều liên quan đến hộ khẩu. Đáng lưu ý nhất là: Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân; Bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là Sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Với nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và chính phủ đương nhiệm đã thể hiện thái độ dứt khoát đối với một thứ công cụ hết tác dụng, thậm chí phản tác dụng, cực kỳ vô lý trong đời sống xã hội hiện nay. Ân huệ cuối cùng mà Thủ tướng ban phát cho sổ hộ khẩu là nó được phép sống trọn nốt tháng 10, chỉ chính thức bị đào thải khi cuộc sống xã hội Việt Nam bước vào ngày đầu tiên của tháng 11. Sau này, các niên biểu, các nhà chép sử sẽ dõng dạc nhấn cây bút với nét mực thật đậm mà biên rằng: Kể từ ngày 1.11.2017, sổ hộ khẩu chính thức hết thời, không còn tác oai tác quái như trước nữa.

Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Nói và làm

Vài chục năm trước, người ta hay truyền nhau câu nói của ông Nguyễn Văn Linh khi ông yêu cầu "những việc cần làm ngay", ông bảo "nói và làm", hai thứ phải đi đôi với nhau. Viết báo cho mục "Những việc cần làm ngay", ông ký tên NVL, bà con ta đọc là en nờ vê e lờ, cũng là dạng viết tắt của nói và làm.

Ấy, thời ông Linh là vậy. Ông này tuy cũng cải lương, không làm thứ gì đến đầu đến đũa giống như bất kỳ anh cộng sản nào nhưng cũng "lừa" dân được một thời gian. Thời đó, ông Trọng còn là anh tép riu, chưa nên cơm cháo gì.

Dù gì đi chăng nữa, ông Linh đúng ở chỗ, nói phải đi đôi với làm. Người bình thường mà đàng hoàng tử tế còn phải thế, huống hồ làm lãnh đạo. 

Nhưng tôi thấy những năm qua, xứ này nhan nhản chuyện "nói một đằng, làm một nẻo", hoặc nói không đi đôi với làm, nói mà không làm, nói ngược với làm. Kể ra vài thứ để các cụ dân thấy, chứ cán bộ chúng chả thèm nghe đâu:

Thứ Tư, 1 tháng 11, 2017

Tiền tiết kiệm

Vừa rồi có nhiều thông tin về việc gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng.

Suốt một thời gian dài, nhà nước thiếu tiền, cần huy động vốn trong dân nên đã chủ trương, khuyến khích gửi tiền tiết kiệm, thậm chí còn kêu gọi gửi tiền tiết kiệm là yêu nước, là góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội...

Nay thì có lẽ họ đã thừa tiền, hoặc chính xác hơn là thiếu tiền nên tìm mọi cách bóp nặn dân, kể cả người gửi tiền tiết kiệm.

Xin nhớ rằng, trừ vài trường hợp đại gia rửa tiền, đem cả trăm tỉ, nghìn tỉ gửi vào tiết kiệm, thì người gửi tiết kiệm đại đa số là người già, người về hưu, người không còn khả năng lao động, có chút vốn liếng tiền bạc nhưng không thể tìm cách nào sinh lời nên chỉ còn cách gửi tiết kiệm vào ngân hàng nhà nước để nhận chút lãi còm sống qua ngày. Bất đắc dĩ phải làm vậy chứ chả ai ham gửi tiết kiệm.

Vậy nhưng nhà nước cố tình vu cho họ "gửi tiết kiệm cũng là hình thức kinh doanh tiền, sinh lời vì vậy cần phải đánh thuế thu nhập tiền lời từ tiền gửi tiết kiệm", rồi định ra cái dự thảo nếu ngân hàng phá sản thì chỉ bồi thường tối đa 75 triệu đồng, dù có gửi bao nhiêu tỉ tỉ đi chăng nữa.

Khi cần thì mơn trớn, dụ dỗ, móc túi cho bằng được. Khi không cần thì tìm cách chẹn hầu chẹn cổ, bắt ép, chặn đường, đẩy người dân vào thế bí. Vô nhân đạo nhất là cố ý đánh vào tầng lớp già cả, yếu đuối, ít chỗ dựa. An sinh xã hội kiểu gì vậy.

Nguyễn Thông