Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

Ăn theo phu chữ Hoàng Tuấn Công (kỳ 3, cuối)

Cái chế độ này kể cũng mắc cười, bỏ bao nhiêu tiền nuôi đám trí thức trùm chăn nhưng lại nhất quyết không chiêu hiền đãi sĩ, trọng vọng, sử dụng người tài. Giá như anh Công khuyến nông tỉnh Thanh kia mà sống vào cái thời "Tấm lòng cứu nước vẫn đăm đăm muốn tiến về đông/cỗ xe cầu hiền còn chăm chắm dành về phía tả" thì nước ta sẽ dày phúc phận, xã hội khá lên biết bao nhiêu. 

Nói đâu xa, những Đào Duy Anh, Thiều Chửu đều tự một mình soạn ra "Từ điển Hán Việt" đồ sộ tới giờ vẫn chưa ai qua mặt, Trần Trọng Kim một mình biên chép bộ "Việt Nam sử lược" sách gối đầu giường cho người mê sử, Dương Quảng Hàm với công trình "Việt Nam văn học sử yếu" truyền thụ kiến thức cho bao nhiêu đời... Họ đều là những cá nhân xuất chúng, làm một mình, gây dựng sự nghiệp, công trình bằng tài năng của mình, không cần phải ban này viện nọ, không dựa vào ngân sách ngân siếc. Điều may mắn ở chỗ họ được sống vào cái thời biết trọng dụng, tôn kính tài năng con người. Hoàng Tuấn Công là một dạng hiền tài như vậy, nhưng không may bị rơi vào thời khác, thời của lý luận sáo rỗng chỉ sử dụng những giả dối, tầm thường.

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

Ăn theo phu chữ Hoàng Tuấn Công (kỳ 2)

Trên phây búc, "tay kỹ sư khuyến nông" xứ Thanh Hoàng Tuấn Công kể lại những điều diễn ra trong trò (game) "Vua tiếng Việt" được VTV phát hôm 18.10.2024. Ở xứ này bây giờ, người ta xem tivi/truyền hình chủ yếu để vui, giải trí, giết thời gian, chứ nói rằng phải đạt được này nọ như chỉ thị của đảng, của ban tuyên giáo, của nhà cầm quyền chỉ là không tưởng, ảo tưởng. Ngay cả chương trình thời sự phát giờ vàng cũng chẳng mấy ai quan tâm. Vì sao, vì nó là thông tin có định hướng, một chiều, bị can thiệp nên thiếu sự khách quan. Và quan trọng nhất, những thông tin về đời sống trong nước cũng như trên thế giới, đủ mọi điều, đã có trên mạng xã hội từng phút từng giờ, nóng bỏng, hầu hết chân thực, thì cần gì tới tivi mậu dịch quốc doanh nữa.

Trong cuộc cải tổ cả hệ thống đang diễn ra, lĩnh vực truyền thông báo chí, có cảm giác riêng VTV không bị đụng chạm gì, mà còn được tăng cường, bồi bổ để hoàng tráng hơn, mạnh hơn. Nhà cầm quyền hình như cho rằng VTV quan trọng hơn cả quan trọng, cần hơn cả cần. Thiếu thứ gì, bỏ cái nào thì bỏ, chứ không được giảm hoặc bỏ nó. Họ nhầm. Theo tôi, cái cần bỏ nhất chính là VTV. Nó đã xong nhiệm vụ lịch sử hầu hạ chế độ trong hoàn cảnh người dân bị cấm đoán, ngăn cản tiếp cận thông tin. Nó ngày càng nhố nhăng, bị dân chúng chê cười. Nó ngày càng là cái thùng không đáy tiêu tốn ngân sách, tiền thuế do dân và doanh nghiệp đóng góp.

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Ăn theo phu chữ Hoàng Tuấn Công

"Ăn theo" là từ thuần Việt dễ hiểu, nhưng giờ đây thiên hạ sính ngoại ngữ, khoái dùng từ tiếng tây tiếng u. Bọn trẻ, và cả những người tóc muối hoặc muối tiêu nữa, hay xài từ tiếng Anh "trend" (xu hướng, xu thế, trào lưu). Thay vì nói "ăn theo" thì họ nửa tây nửa ta thành "đu trend". Thôi thì đã hội nhập và phát triển, phải chịu vậy, biết làm sao.

Theo ai, chứ theo được anh phu chữ Hoàng Tuấn Công cũng đủ mệt. Sao xứ Thanh nảy nòi lắm nhân tài. Ông hàng xóm nhà tôi có lần cười bảo, đến vua còn nảy "như rạ" được thì yếu nhân, hiền tài ở xứ Thanh đã là gì. Rồi cau có, cha bố cái đứa nào dìm hàng, không dám thừa nhận con người trẻ chữ nghĩa giỏi giang, thông kim bác cổ Hoàng Tuấn Công, hạ xuống thành "anh kỹ sư khuyến nông tỉnh lẻ", kiểu như nó là kỹ sư, lại mảng khuyến nông, thì nó biết gì về chữ với nghĩa mà bàn với bạc. Thói xấu người đời không để đâu cho hết, nhất là ở những kẻ ngu si dính chút quyền lực.

Kể ra đúng thế thật. Tỉnh Thanh sinh nhiều vua nhất, đó còn chưa kể đất gốc của nhiều đời chúa, mà chúa đôi khi quan trọng, quyền lực hơn cả vua. Lâu nay, người đời vẫn tôn xứ Thanh là vùng đất "thang mộc". Nghĩa đen của từ cổ này chỉ nơi nhà vua tắm (thang) gội đầu (mộc) cho sạch sẽ trước khi làm chủ lễ tế trời đất, sau được người đời mở rộng nghĩa ra thành đất của vua, đất sinh ra vua. Thường nhà vua hay chọn đất sinh mình, phát tích sự nghiệp làm nơi tế lễ, người đời gọi đó là đất thang mộc, đất sinh vua.

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024

Những việc cần làm ngay - 1

Câu ấy của ông En Nờ Vê E Lờ - NVL - Nguyễn Văn Linh, thời nửa cuối thập niên 80. Báo Nhân Dân những năm đầu nhiệm kỳ ông E Lờ làm tổng bí thư hầu như vài ba ngày lại có bài của ổng, trên trang nhất, góc dưới bên phải, trong mục "Những việc cần làm ngay" do ổng tự đặt. Cũng có người bảo mục ấy là sản phẩm của ông Hồng Hà tổng biên tập, nhưng tôi đã đọc được ở đâu đó ông Hà bảo không phải, chính ông Linh đặt.

Vài ngày lại có một bài, thậm chí một tuần mấy bài, ngắn gọn thôi, nhưng cụ thể, thiết thực, gắn bó máu thịt với cuộc sống. Ông Linh có tự viết hay không thì chả mấy ai biết, nhưng tôi tin rằng ổng viết, bởi lời lẽ chân phương thật thà của người chăm làm chứ không giỏi nói, chả như mấy hậu sinh sau này chỉ giỏi lý luận, giao cho trợ lý, thư ký, bề tôi viết, rồi ký tên mình, rồi lại còn ra sách chất cao như núi, chật chỗ thư viện, dịch đủ thứ tiếng, tốn cơ man tiền, nhưng chả ma nào thèm ngó. Lẩn thẩn nghĩ, nhắc tới tên bác Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn, người ta nhớ ngay tới những tác phẩm Tướng về hưu, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Thương nhớ đồng quê, Những ngọn gió Hua Tát...; nhưng nếu hỏi bất kỳ ai, kể cả gần 5 triệu đảng viên, cả trưởng ban tuyên giáo, nhớ được tên cuốn nào của ông ấy không, đảm bảo lắc đầu quầy quậy.

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2024

50 năm vẫn đầu óc cũ

Từ năm 1975 tới năm 2025 vừa tròn 50 năm. Hơn nửa đời người. Nửa thế kỷ đã trôi qua ấy, mọi thứ biến đổi, kể cả suy nghĩ, tư duy, ý thức, quan điểm. Sông kia rày đã nên đồng, bãi bể nương dâu, thế gian biến cải vũng nên đồi. Ngay cả cái tóc trên đầu còn bạc trắng.

50 năm tròn, việc ghi nhớ, kỷ niệm một sự kiện cực lớn trong lịch sử dân tộc cũng là chuyện thường tình. Nhưng cũng cần nói thẳng rằng không phải cả nước này, cả dân tộc này, cả nhân dân xứ này đều háo hức, nồng nhiệt. Nếu muốn biết, cứ làm cuộc trưng cầu dân ý "bỏ túi" một cách khách quan với người miền Nam thì rõ, nhất là những người từng sống ở miền Nam trước năm 1975 còn sống tới giờ.

Có nhẽ trong giới cai trị xứ này sau năm 1975, chỉ có ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt là đủ tỉnh táo để nhận định rằng “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn” (năm 2004). Chỉ ông Kiệt, con người kiệt xuất, còn ngoài ra đều tư duy loa phường cả.

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2024

Phiến quân?

Mấy ngày qua, đầu tháng 12, lực lượng nổi dậy chống lại chế độ độc tài ở Syria - một sân sau, chư hầu của Nga, đã tu hút sự chú ý của dư luận, báo chí truyền thông quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Những nước khác xứ khác thông tin về vụ này thế nào, tôi chưa nắm được, chỉ thấy ở xứ ta, những người dịch bài từ nguồn nước ngoài, chủ yếu từ RT, Novosti của Nga, đã cắm đầu dịch, gọi lực lượng nổi dậy chống bộ máy độc tài phản dân chủ là "phiến quân", "quân phiến loạn".
 
Đọc rất nhiều báo Việt quốc doanh, cả báo giấy lẫn báo điện tử, trên chuyên trang quốc tế, tôi thường bắt gặp từ “phiến quân”.

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

Hiếu chiến

Hôm 1.12, trên báo chí truyền thông xứ này có những thông tin, hình ảnh về một quỹ nhân đạo mang tên "Quỹ ngày mai tươi sáng" giúp trẻ em bị ung thư có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ, tên đẹp, mục đích lại càng đẹp. Các vị lãnh đạo đoàn thể, tổ chức, chính quyền đều kêu gọi dân chúng chung tay đóng góp để giúp đỡ trẻ thơ bất hạnh. Quý hóa lắm.
 
Tôi chỉ lăn tăn mỗi điều, ấy là chương trình quyên góp thì cứ nói chương trình, phong trào, đợt, nhưng người ta lại gọi là "chiến dịch" quyên giúp đỡ trẻ em nghèo...

Có nhẽ phải cắt nghĩa cho họ thủng một chút. Chiến là đánh nhau, dịch là việc quân, chiến dịch có nghĩa việc đánh nhau, sự đánh nhau. Mở rộng hơn, thì chiến dịch để chỉ toàn bộ những hoạt động quân sự và phục vụ quân sự khi đánh nhau với kẻ thù, với đối phương trong thời gian nhất định. Cùng lắm là dùng nó (chiến dịch) để chỉ những hoạt động chống chọi (chả khác gì đánh nhau) như chiến dịch chống hạn (thiên tai), chiến dịch bài trừ ma túy, bởi hạn hán hoặc ma túy bị coi như giặc, kẻ thù. Chiến sĩ để chỉ người (sĩ) đi đánh nhau (chiến). Văn nghệ sĩ mà tham gia vào cuộc đánh nhau thì cũng là chiến sĩ. Chính cụ Hồ nói "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy", tức đánh nhau bằng bút, để chống Pháp.