Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Chống vào khoảng không

Ngẫm cái cảnh đảng độc quyền cầm quyền xứ này vất vả phòng chống tham nhũng mà vừa thương hại, vừa nực cười.

Cứ đòi một mình nắm quyền lãnh đạo, suốt bao nhiêu năm loay hoay chống tham nhũng, càng chống càng nát, làm sao mà còn công sức, trí tuệ lo cho cuộc quốc kế dân sinh.

Nay họp mai họp, ca ngợi chống tham nhũng thành công này nọ, đáng ra phải xấu hổ mới đúng.

Chống cũng chả nổi bởi tự chống mình thì chẳng đi tới đâu. Có phải như La Văn Cầu ngày xưa đâu mà tự chặt tay xông lên giành thắng lợi được. Giờ thì tinh chỗ nhạy cảm, vùng cấm, chống cái đếch.

Cách duy nhất để chống tham nhũng hiệu quả ở xứ này là không cho đảng độc quyền lãnh đạo nữa. Đảng này không làm được thì phải có đảng khác thay thế, đảng nào dính tham nhũng thì tự nó sẽ đổ nhường quyền cho đảng khác, đảng nào đang cầm quyền thì luôn có đảng khác và nhân dân giám sát chặt chẽ. Khi ấy tham nhũng sẽ hết đường sống, không cần phải chống.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Ngồi xó bếp nói chuyện thế giới: Khen lái súng

Rất nhiều cơ quan báo chí truyền thông xứ ta nhẹ dạ (xen chút hí hửng) thông tin về những "thành tựu" quốc phòng của Nga, nào là ngư lôi khủng có thể gây sóng thần, tên lửa cực kỳ hiện đại vô hiệu hóa sự đánh chặn của đối phương, máy bay su siếc là tai họa cho không quân Mỹ, siêu xe tăng vô địch bất khả chiến bại... 

Chẳng biết độ chân thực đến thế nào, nhưng quả thật báo chí An Nam vẫn cung cách nhược tiểu là đi quảng cáo không công cho mấy anh lái súng.

Vấn đề đáng lưu ý nhất là báo xứ ta quên đi một điều đã từng xảy ra, góp phần tạo nên sự tan rã Liên Xô, sụp đổ phe XHCN, là Mỹ luôn làm động tác giả khiến Liên Xô (trước kia) và Nga (hiện nay) cứ đâm đầu, cắm đầu cắm cổ chạy đua vũ trang, bao nhiêu tiền bạc của cải ném tất vào đó, khiến đời sống bị khó khăn, dân chúng bất bình, lợi đâu chửa thấy chỉ thấy chết vì cuộc chạy đua này. Vũ khí không biết bán được bao nhiêu nhưng nghèo đói bất công thì được lôi tuột từ ngõ vào nhà.

Chàng gấu Putin được không ít người xứ ta thờ làm idol lại chính là dũng sĩ chạy đua vũ trang hăng hái và dại khờ nhất.

Trên thế giới, kẻ chạy đua vũ trang thường có kết cục bi thảm bởi bản thân nó hiếu chiến, tự nó giết nó, dù khoác bất cứ màu áo mỹ miều nào.

Hãy ngó xem các nước Singapore, Thụy Sĩ, Kuwait, Hà Lan, Bỉ... chỉ chăm chú vào việc phát triển kinh tế, chủ trương sống hòa bình nên mặc dù ở vào vị trí "địa chiến lược" (nước nào trên thế giới mà chẳng địa chiến lược, chỉ có những anh huyếnh mới tự cho mình quan trọng hơn người khác, tuyến đầu này nọ) nhưng có bị đe dọa xâm lược bao giờ đâu. Cứ sống tốt thì chả ai ghét. Phải thế nào thì mới bị ghét chứ.

Những nước nhỏ và giàu, trừ Israel, thì không có nước nào chạy đua súng ống cả, nếu không kể xứ này nhỏ và nghèo nhưng vẫn thích động binh.

Nguyễn Thông


Cùng đường

Một số tờ báo giấy đã thông báo tăng giá bán từ ngày 1.7. Hai tờ báo xưa nay có đông người mua nhất đều tăng từ 3.700 đồng (giá cũ) lên thành 5.500 đồng/tờ. Lý do được công bố là giá giấy tăng.

Từng làm việc cho một tờ báo 20 năm, tôi hiểu ban lãnh đạo báo phải khó khăn cân nhắc lắm mới ra quyết định chẳng đặng đừng. Tăng giá báo, nói gì thì nói, như một cách dẫm chân vào miếng da lừa, cứ co dần sự tồn tại lại trước khi chấm hết. Tăng giá báo tức là tự cắt hợp đồng với rất nhiều bạn đọc còn ưa tờ báo giấy. Lâu nay báo điện tử và mạng xã hội ngày càng thuận tiện, nhanh nhạy, thời sự, nhưng số bạn đọc ấy không nỡ bỏ báo giấy cũng bởi lý do quan trọng là giá báo tuy không rẻ nhưng chấp nhận được. Nay tăng gần gấp đôi, cũng giống như giọt nước cuối cùng làm tràn ly, bạn đọc thủy chung đành làm cuộc chia tay, không còn gì luyến tiếc nữa.

Thôi thì thời cuộc nó vậy, bãi bể nương dâu, phải chấp nhận. Một vài năm nữa, nếu ai đó muốn tìm một người cầm đọc tờ báo giấy chắc sẽ khó như ra bãi bể tìm kim.

Tôi cho rằng, làm báo, để tồn tại mà chọn cách tăng giá bán là hạ sách. Nhưng cũng hiểu rằng cách được gọi thượng sách là tôn trọng sự thật khách quan, không luồn cúi cường quyền thì họ lại không làm được hoặc không được làm.

Chết là ở chỗ ấy.

Chuông đã rung lên nguyện cho những cái chết được báo trước.

Nguyễn Thông

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

Thi và lũ lụt

Từng đi dạy, gác thi, tôi hiểu việc tổ chức một kỳ thi, nhất là thi quy mô quốc gia, rất công phu, chặt chẽ, vạn bất đắc dĩ mới thay đổi. Nếu vì lý do nào đó phải thay đổi kế hoạch sẽ gây rất nhiều phiền phức, tốn kém.

Nhưng tôi cũng từng đi học, đi thi, cũng như mọi sĩ tử đều hiểu rằng sức khỏe và tâm lý tinh thần phải thật thoải mái thì thi mới tốt. Còn không, thì đó là cuộc đánh vật vất vả, cầm chắc thua, nếu đậu cũng chỉ là may mắn kiểu "thi phận".

Tôi nói thế để trình với các vị lãnh đạo Bộ Giáo dục rằng hàng chục nghìn học sinh mấy tỉnh miền núi phía bắc hôm qua và hôm nay, thậm chí cả ngày mai ngày mốt nữa, phải trải qua cảnh thiên tai lũ lụt kinh hoàng, nhà bị cuốn trôi, người thân bị thiệt mạng, đói rách ập tới, tài sản mất sạch, đường sá bị chia cắt, chỉ riêng việc tới được nơi thi cũng đủ khổ trăm bề, mưa trên đầu, nước dưới chân, bụng trống rỗng, chữ nghĩa bị ngoại cảnh tác động có khi quên tiệt cả... Thế thì thi cũng như không.

Các vị cầm trịch việc lớn quốc gia, liên quan đến tương lai sự nghiệp của hàng triệu đứa trẻ đang vào đời, mà bước quyết định là kỳ thi. Vậy tại sao không có vị nào đặt vấn đề, đề nghị nhà nước xét cho những trường hợp đặc biệt, những tỉnh huyện nào đã bị lũ lụt, đang chống chọi thiên tai, thì cho các cháu được chậm lại, tách ra thi riêng khi gió mưa đã ngớt, các cháu đã hoàn hồn, gia đình đã ổn định, tinh thần đã vững vàng trở lại. Và tất nhiên, với đối tượng này, đề thi nên dễ hơn một chút. Chả ai muốn phải thi sau để được dễ, chả ai muốn rơi vào hoàn cảnh đó. Do bị bắt buộc thôi.

Nhưng các vị hình như rất thờ ơ với những điều lợi ích cho dân như vậy.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018

Vài dòng về báo chí, mạng và nhiệm vụ 'nhân ngày 21.6"

Mấy vị tứ trụ và con nhang đệ tử của các vị ấy đang khuyên báo chí cần tích cực phản bác luận điệu sai trái trên mạng xã hội.

Đó là thứ tư duy của nhà cai trị, luôn thấy mạng xã hội là mối nguy hiểm cho chế độ, chỉ lục lọi tìm tòi mặt xấu của mạng, của internet, facebook... để lên án. Cũng phải thôi, ăn cây nào rào cây ấy, họ phải nói thế.

Còn lão Maddox hàng xóm nhà tôi thì lại khuyên mạng xã hội phải tích cực phản bác, phơi bày những sai trái, giả dối, mị dân, u mê, không tôn trọng sự thực... của báo chí. Lâu nay báo chí quốc doanh một mình một chợ làm nhiệm vụ tô hồng bôi đen theo chỉ đạo đã thành bản chất rồi. 

Báo chí quốc doanh, dù có được bà đỡ nhét núm vú vào miệng để hà hơi tiếp sức cũng không thể tránh khỏi sài đẹn, suy dinh dưỡng và đến lúc rung chuông nguyện hồn. Mạng xã hội, dù có bị đè nén, áp bức, chê ỉ chê oi, bêu xấu thì vẫn cứ tồn tại và phát triển rộng khắp. Đó là xu thế của đời sống xã hội, có muốn làm khác cũng chả được.

Cản lại bánh xe thời đại, sớm muộn thì cũng bị nó nghiền nát, dù có kêu gào, áp đặt mấy đi chăng nữa.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

Đặc khu

Làm kinh tế, ăn nhau ở cái thời cơ, người xưa gọi là thiên thời. Khi thời của thứ gì đó qua qua rồi thì cần phải làm cái khác, theo cách khác. Cứ trùng trình hoặc đã biết rõ hết thời rồi mà cố nhắm mắt làm thì chỉ ôm thất bại.

Đặc khu kinh tế cũng vậy. 30 năm trước, khi cả nước này còn như cái xóm biệt lập ở ngoài đồng với lão trưởng thôn mụ mị gia trưởng luôn cho mình là nhất thì việc thí điểm chọn vùng này vùng nọ thử làm ăn kiểu mới là cần thiết. Nay mọi thứ đều quá rõ, hay dở phân minh, nếu cách mới nào đó trên thế giới đã chứng minh tính hiệu quả của nó thì triển khai đại trà cả nước luôn, chứ lập ra đặc khu chỉ tổ tạo nên sự chênh lệch, kèn cựa, bất công, phân biệt đối xử...

Đặc khu kinh tế, định làm từ ngày xưa, rồi không chịu làm, để tới giờ mới lôi ra bàn đã là dở hơi rồi, nay mấy ông bà nắm quyền cai trị lại bảo lùi thêm chút nữa cho chín mùi, kỹ lưỡng, chờ kỳ họp sau thông qua (thực ra do bị phản biện gay gắt và đúng quá nên tạm gác lại), quả thật để mấy ông lý luận suông cầm cái làm kinh tế chỉ tổ chết nước chết dân. Không khác gì cầm cái đánh một canh bạc may rủi.

Bỏ thứ của nợ lạc hậu ấy đi chứ còn chờ chiếc đếch gì nữa.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

Chuyện nghe đài

Hồi xưa cứ gọi nôm na là nghe đài, tức nghe radio bây giờ.

Những năm cuối thập niên 50, sau đó tiếp đến thập niên 60, đầu 70 ở miền Bắc, thông tin đến với mọi người chủ yếu qua hệ thống đài phát thanh. Báo giấy như báo Nhân Dân, báo của đảng bộ các tỉnh thành chỉ dành cho cán bộ. Báo Nhân Dân ra hằng ngày, còn các báo tỉnh thành mỗi tuần chỉ có 2 - 3 số. Chính vì thế, phóng viên báo Nhân Dân oách lắm, đi tới đâu cũng được tiếp đón long trọng, nể vì, đãi cơm gà cá gỏi, trò chuyện một điều thưa anh, hai điều thưa anh, khi về lại lễ mễ quà cáp gói to gói nhỏ. Phóng viên thường trú báo Nhân Dân có lẽ quyền chỉ kém bí thư tỉnh thành, dọa ai một câu “cho lên báo” là đối tượng xanh mặt. Gần như một mình một chợ, tha hồ tác nghiệp.

Làm báo mà lên tới chức tổng biên tập báo Nhân Dân tức là kịch trần, cỡ ông Hoàng Tùng suốt bao năm được coi như thân tín của cụ Hồ, tới mức có những điều cần trao đổi hẹp thì cụ lại cho gọi chú Hoàng Tùng (theo hồi ký của ông Vũ Kỳ, thư ký của cụ). Và điều này nữa, cho tới tận bây giờ, có cả trăm tờ báo ra hằng ngày nhưng chỉ mỗi báo Nhân Dân được gọi là nhật báo. Kể cũng lạ.

Cũng thuộc cơ quan truyền thông trung ương nhưng phóng viên đài Tiếng nói Việt Nam ít nổi tiếng, không quan trọng bằng nhà báo của tờ Nhân Dân. Có lẽ trong hoàn cảnh thời bấy giờ, nhà đài chủ yếu chỉ đọc phát những bài đã in trên báo nên đội ngũ phóng viên mỏng, tên tuổi lặng lẽ. Người dân ít nghe đài bởi nhiều lý do: không mấy ai có radio (gọi là cái đài) bởi hiếm và rất đắt; nông thôn sau này có hệ thống loa truyền thanh, mỗi nhà một cái loa kim đơn giản hộp gỗ, trong chứa cục nam châm gắn với màng loa giấy nghe rè rè lí nhí, cũng chẳng vô lum vô liếc, công tắc công tiếc gì, cứ tới giờ tổng đài mở thì trố lên, hết giờ tự tắt cái phụp. Lại nữa, nông dân suốt ngày ngoài đồng, thời gian đâu mà nghe đài. Tối về còn tắm rửa giặt giũ, cơm cháo, lo thúc tụi trẻ con học bài, chưa kể rau bèo cám bã, xay thóc giã gạo, thôi thì trăm thứ việc lút đầu lút cổ, thở không ra hơi. Ngơi cái tay là mắt đã nhắm tịt, vừa kềnh xuống giường đã kéo gỗ ầm ầm, muốn nghe đài cũng chả gượng dậy nổi.

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

Ô tô, Campuchia và quốc hội

Trước khi bế mạc để "thành công tốt đẹp", quốc hội hãy cho tôi hỏi: Nước Campuchia, lâu nay xứ ta "nước lớn, đàn anh" cứ nhìn nó bằng nửa con mắt, chê nó nhỏ, nó nghèo, lạc hậu, cú đỉn, nó xách dép chạy theo ta, thua ta về mọi mặt, v.v.., thế sao xe ô tô bên nó rẻ vậy, người dân mua cái xe dễ như bên này ta mua chiếc tivi, chiếc nồi cơm điện. Giá xe rẻ chỉ bằng 1/3 so với giá mua tại VN. Ai cũng có thể mua được xe, chỉ trừ những đứa lười nghèo rớt mùng tơi.

Đứa cháu tôi sang Campuchia làm việc 3 năm, về kể lại rằng không cần phải nhà giàu, chỉ thường thường bậc trung là sắm xe dễ như chơi, mấy xe dạng Kia, Chevrolet tầm tầm bên ta họ coi là đồ bỏ. Cỡ 100 triệu tiền Việt là có chiếc ô tô ngon lành chạy thách ông trời mưa nắng rồi.

Đời người chỉ sống có một lần (tôi không định nhắc tới câu nói gối đầu giường của Pavel Corsaghin đâu), sao các vị cứ cố tình bắt dân mình phải hy sinh cho thế hệ con cháu còn ở tít mù khơi xa, còn nằm trong trứng, và cho chính các vị hằng ngày lên ngựa xuống xe (tinh những Lexus, Camry, Mercedes). Cứ nói chăm lo cho hạnh phúc của dân nhưng thực tế thì các vị chỉ chăm lo cho bộ lông và bộ ruột của các vị.

Những điều như vậy mới là thứ cần bàn, để cụ thể hóa đời sống của nhân dân, chứ lại tinh những linh tinh tình phộc, ngắm áo dài, rất vớ vẩn.

Hay còn một ngày, kéo nhau qua xứ Cao Mên thực tế một chuyến mở mắt ra, tỉ mẩn hỏi cả ông Hunsen lẫn dân xem họ sống như thế nào, để "rút kinh nghiệm sâu sắc", hay là lại bảo chúng tôi đang bận kéo nhau qua Hồng Công kéo đám mây điện toán về.

Tôi còn mắc đi rửa bát (tối qua gác lại coi Ua cúp, giờ phải làm bù) chứ không tôi sẽ đi với các vị, chỉ cho các vị thêm vài đường cơ bản. Ai đời cứ nhắm mắt bịt tai mãi mà không thấy chán thấy nhục, nhể.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

Truyền thông

Tôi không đồng tình một tí nào với việc ai đó xuống đường biểu tình bày tỏ chính kiến nhưng lại ném gạch đá vào công sở và người chức việc, đốt cái này hủy cái nọ.

Những trò bạo lực ấy, ngày xưa người cộng sản xui dân miền Nam thực hiện đã gây không ít đau thương buồn khổ rồi, nay đừng dẫm vào vết bùn ấy nữa. Đó là sự man rợ, không đàng hoàng, tử tế, chính danh.

Có ai đó bảo chắc phải lý do dân bị đàn áp, dồn nén thế nào thì cái nồi súp de mới xì hơi ra như vậy. Nhưng dù gì đi nữa, cũng đừng để nhà cai trị bắt bẻ, gán cho chữ quá khích, bạo lực. Cứ hiên ngang bước tới còn hơn là cầm hòn đá, viên gạch ném vào những người đang ngăn cản mình.

Tuy nhiên, do nắm bộ máy truyền thông chính thống (báo, đài, tivi) nên nhà cai trị dễ dàng hướng sự việc theo ý muốn, cách hiểu có lợi cho họ.

Trên nhiều tờ báo chỉ có ảnh mấy chiếc ô tô bị đốt cháy mà không biết ai đốt, vì sao cháy, cháy vào lúc nào, tại sao lại dễ bị đốt như thế...

Trên báo có thông tin bắt được kẻ cho tiền xúi giục người dân đi biểu tình, nhưng chỉ nêu ra được một vụ đưa 300 nghìn cho một ai đó. Hàng nghìn người xuống đường mà chỉ có 1 vụ cho tiền, rồi quy là xuống đường vì tiền, quả thật truyền thông nhà nước coi thường người đọc người nghe quá. 

Qua cái thời nhà cai trị lúc nào cũng đúng, qua cái thời báo chí nhà nước nói gì thì phải coi điều ấy là sự thật rồi. Hãy tôn trọng sự thật, tôn trọng người đọc chứ đừng bán mình rẻ tiền như thế.

Càng sát tới ngày "báo chí 21.6" càng nên tự xem lại mình có xứng đáng với danh xưng báo chí hay không.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

Cứ tưởng thời gu gồ chấm tiên lãng qua lâu rồi

Ông thượng tướng Võ Trọng Việt là Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của quốc hội, tương đương hàm bộ trưởng trong chính phủ. Ủy ban này có tầm quan trọng quyết định việc thông qua hay không thông qua luật an ninh mạng, một luật đòi hỏi người chuẩn y nó phải có hiểu biết kỹ lưỡng, sâu sắc, trình độ cao, nắm rất vững về công nghệ thông tin...

Nhưng những gì ông Việt trình bày trước quốc hội thì chỉ có thể nói rằng hiểu biết của ông ấy về an ninh mạng, công nghệ thông tin chưa đạt trình độ i tờ, không bằng một đứa trẻ trâu.

Và lạ ở chỗ gần 500 con người ngồi dưới nghe ông ta trẻ trâu như thế không dám hó hé điều gì, cuối cùng 86,86% "đại biểu" đều nhất trí thông qua. Tất cả đều dạng cờ lờ mờ vờ, gu gồ chấm tiên lãng dắt díu nhau đi sang Trung Quốc khiêng điện toán đám mây về.

Hóa ra luật an ninh mạng được quyết định và ban hành bởi những con người như vậy.

Không chỉ luật này, các luật khác có lẽ cũng tình trạng trẻ trâu thế thôi.

Lại nhớ câu thơ của thi sĩ thần đồng Trần Đăng Khoa mà cải biên lại rằng: "Ngồi buồn cởi cúc xem chim/Hơn coi quốc hội lim dim gật gù".

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

Lòng vòng chuyện yêu nước

Mấy ngày qua, yêu nước thành một chủ đề nóng. Ngay cả thời chiến tranh người ta cũng không nhắc tới yêu nước nhiều đến thế. Yêu nước tuôn ra từ mồm quan chức, chạy rối rít trong những con chữ trên mấy tờ báo quốc doanh. Chỉ có điều, không phải người nói, người viết về lòng yêu nước tự bày tỏ tình yêu của mình, mà chủ yếu để dạy dỗ cách yêu nước, phê phán kiểu yêu thế này thế nọ. Đối tượng tiếp nhận “lời hay ý đẹp” chẳng phải ai khác mà chính là nhân dân.

Có lẽ sau rất nhiều năm, sự phản kháng của dân chúng với nhà cai trị ở xứ này bùng nổ mạnh mẽ, rộng khắp như vậy. Mặc dù cả bộ máy cầm quyền lúc nào cũng rao giảng chính quyền là chính quyền nhân dân (hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân), nhà nước của dân, vì dân, do dân, dân là gốc, v.v.. nhưng đây đó, lúc này lúc khác, vẫn phát ra sự phản kháng của dân chúng đối với thể chế cai trị. Dù vụ việc lớn hay nhỏ, chính quyền đều quy chiếu vào sự bất mãn cá nhân, hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, bị lôi kéo, bị thế lực thù địch lợi dụng. Phần lớn những cuộc nổi dậy đều liên quan tới đất đai, những vụ Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng), Đặng Ngọc Viết (Thái Bình), Văn Giang-Ecopark (Hưng Yên), Dương Nội (Hà Tây cũ), Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội)… đều dính tới đất, cụ thể là chuyện cướp đất-mất đất. Dĩ nhiên phần thua thuộc về dân bởi họ không có bất cứ vũ khí gì ngoài nỗi oan ức, sự cùng đường và tâm lý “con giun xéo lắm cũng quằn”. Điều họ nhận được không phải đất mà luôn là tòa án, nhà tù, gia đình tan nát, tha phương cầu thực, thậm chí cái chết. Cả hệ thống chính trị, nhất là bộ máy tuyên truyền, coi họ như giặc, kẻ xấu xa, cùi hủi, xã hội cần phải loại trừ, cách ly, xa lánh. Trong cuộc đấu giữa nhân dân và “chính quyền nhân dân” gần nửa thế kỷ nay, dân luôn bị dồn vào bước đường cùng, thua thiệt.

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

Chê dân

Tại sao cứ để dân phải phẫn nộ rồi mới giở giọng lên án, chê bai họ quá khích, bạo lực, vi phạm pháp luật, bị lợi dụng..., rằng "lòng yêu nước cũng cần phải tỉnh táo", "hãy yêu nước một cách sáng suốt", "đừng rơi vào bẫy của thế lực thù địch". 

Sáng nay tôi đọc được trên báo chí quốc doanh rất nhiều bài lên giọng dạy dỗ nhân dân, chê dân mà tác giả không dám chường mặt ra, chỉ ký những cái tên như kiểu Thiện Tâm, Thiện Văn, Dân Ý, Trung Thành; có cả vài bài trên mấy tờ báo bạo lực thì giở thói đe nẹt, dọa dẫm này nọ...

Tất cả đều nói lên rằng họ vẫn coi dân chả ra gì, mặc dù đã phần nào ngầm biết ngại sức mạnh của dân.

Đến thời buổi 4.0, 5.0 như vầy mà vẫn giọng điệu cũ dạy dỗ, dọa dân, vẫn đánh giá dân thuộc hạng ngu đục dễ bị lợi dụng, thật không hiểu nổi.

Cuộc xuống đường phản đối luật đặc khu xảy ra vào ngày hôm qua (10.6.2018), về thực chất là cuộc biểu dương sức mạnh của dân, nhằm mở mắt đảng, chính phủ, quốc hội để nhìn thấy những nguy cơ mà tiền nhân An Dương Vương đã mắc phải, "giặc ngồi sau lưng mà nhà vua không biết". Xưa vua không biết, không có ai chỉ cho vua, dẫn tới thân bại danh liệt, mất nước; nay vua không biết thì dân chỉ cho mà biết, còn hờn trách dân nỗi gì.

Họ vẫn đang rêu rao giọng điệu dân không biết điều, chính phủ đã trình quốc hội, đề nghị lùi việc thông qua dự luật đặc khu tới kỳ họp sau, vậy mà vẫn cố tình đi biểu tình làm loạn. Chỗ này cần phải nói rõ rằng, thời gian qua, nếu không có những lên tiếng quyết liệt của dân chúng, nhất là các cựu chiến binh vào sinh ra tử, thì gần 500 vị nghị gật đã thông qua cái luật ấy rồi. Nay dân tiếp tục phản đối bởi họ không chấp nhận sự câu giờ, lùi này lùi nọ, mưu mẹo tiểu nhân. Bỏ thì bỏ hẳn bởi sự tai hại của luật đó, người bình thường ai cũng biết, chỉ những kẻ đầu óc ngớ ngẩn mới đòi giữ nó lại. 

Nếu vừa rồi, chính phủ đề nghị bỏ hẳn, hoặc quốc hội ra quyết định biểu quyết bác bỏ luật đặc khu, tôi cam đoan vẫn có cuộc xuống đường, thậm chí còn rầm rộ mạnh mẽ hơn ngày hôm qua, nhưng đó là cuộc xuống đường ủng hộ, cùng chung ý chí giữa nhà cai trị và dân chúng.

Đừng nghĩ nắm truyền thông trong tay thì muốn nói thế nào cũng được. Thời nay khác rồi.

Thông cào

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2018

Chuyện lương thực (kỳ 2): Thời của khoai lang

Như đã nói trong bài trước, suốt thời gian dài mấy chục năm ở miền Bắc, bảng xếp hạng ngũ cốc (được coi là nguồn lương thực chính) gồm có lúa, ngô, khoai, sắn, đỗ (đậu). Do hoàn cảnh chiến tranh, nền nông nghiệp lạc hậu, những thứ phục vụ nông nghiệp như máy móc, phân bón, giống má, kỹ thuật canh tác, nhân lực… đều thiếu thốn nên sản lượng lúa rất thấp, mỗi hecta chỉ cho vài tấn thóc. Gạo thiếu trầm trọng, phần lớn được dồn ra tiền tuyến nuôi quân “ăn no đánh thắng”, vì vậy dân chúng nơi hậu phương, nhất là nông dân, ăn độn quanh năm. Làm nông nghiệp, đánh vật với đất, một nắng hai sương, là lực lượng chính làm ra hạt thóc hạt gạo nhưng phải nói lúc nào cũng thèm cơm. Gạo, bột mì do các nước anh em Liên Xô, Trung Quốc… viện trợ chỉ để nuôi lính và dân thành thị cày đường nhựa. Nông dân, cụ thể là đám thiếu nhi, thanh niên nông thôn chúng tôi hồi ấy, cùng với ông bà, thày bu mình, chỉ rặt ăn ngô, khoai, sắn, đỗ. Gọi ngũ cốc cho sang chứ thực ra chỉ có tứ cốc, nồi cơm chạy qua hàng gạo, và thứ “cốc” phổ biến nhất, phải xơi hằng ngày chính là khoai lang.

Làng quê tôi vùng duyên hải Hải Phòng, nằm lọt giữa hai dòng sông Văn Úc và Đa Độ, nghe người nhớn kể lại thì thuở xưa là vùng đất bãi bồi. Hồi tôi còn tuổi thiếu nhi thập niên 60 vẫn thấy làng mình có nhiều đầm nước sâu, dẫn nước từ sông Văn Úc vào tận cổng chùa Trà Phương gần thành phủ. Đầm rộng mênh mông, cá tôm nhiều vô kể. Đi học về, tranh thủ buổi trưa vác cái dậm ra đầm là có lưng giỏ hoặc "dính đầy đít giỏ" tôm trứng, tép, cá bống mũn... Bác Ỷ tôi chiều chiều vác chiếc cần câu dử làm bằng cả cây dùng (một loại trong họ tre nứa) dài thườn thượt gần chục mét ra bờ đầm. Móc mồi là con chuồn lửa hoặc châu chấu vào lưỡi câu, dử dử vài nhát là cá rói đã lao tới tranh nhau đớp. Hôm nào bác cũng kết thúc cuộc câu dử với một xâu dài cá rói về khoe với bác gái. Có hôm giật trúng con cá rói to quá, bác kéo lên không nổi, phải kêu bọn trẻ con vào nhà ông Hàn gần đó mượn cái rổ sề, xúc con cá đem lên. Nó to đến nỗi, hôm sau anh Tân con bác khoe với chúng tôi nó nặng gần 4 ký. Trên đời tôi chưa thấy thứ cá nào ngon như cá rói đầm. Kho với dưa chua ngon béo không thể tả.

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

Góp thêm vài ý nghĩ về câu chuyện đặc khu

VŨ ĐỨC NGHIỆU (Giáo sư, tiến sĩ, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội)

Vấn đề đặc khu (tôi xin được gọi tắt như thế) đang làm xao động tâm lý và tình cảm của cả nước. Có người trong số chủ trương đặc khu cảm thấy bị tổn thương trong lòng vì dân không chịu “NGHE” người có trách nhiệm “ở trên”. Xem cái cách trao đổi như nổi đóa lên, thậm chí vu lên là “chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc...” thì đủ biết. Còn DÂN thì thấy niềm tin bị tổn thương và lung lay trầm trọng.

​Nguồn cơn thì đã rõ rồi. Ba đặc khu dự định, chính là ba tử huyệt, đồng thời là ba tài sản hàng đầu trong số các tài sản “hương hỏa” “quốc bảo” của tổ tiên để lại.

​Dân lo ngại và cảnh giác về việc sẽ bị kẻ xấu lợi dụng. Luật về vấn đề lớn như vậy nhưng còn những sơ hở nguy hiểm hoặc chưa rõ ràng. Đặc khu ra đời với những điều dự định của chúng ta không thể ngăn được kẻ xấu, vì đó là sân chơi chung trong thế giới của thế kỷ 21 trong khi kẻ xấu thì lúc nào cũng chơi theo đủ loại từ xà quyền, hầu quyền đến hổ quyền, túy quyền và thế kỷ này có cả quỷ quyền nữa... Xin đừng chủ quan và cao ngạo nói rằng chủ quyền là của ta, ta sẽ ngăn cản được những thứ bất trắc nảy sinh. Xin đừng vội nói rằng “không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước chúng ta đang có chủ quyền”. Kẻ xấu và ngang ngược thì không biết thế nào đâu. Sông sâu còn có kẻ dò... Bài học đã quá nhiều mà vẫn chưa đủ để chúng ta tỉnh mắt ra hay sao. Khi họ cần, cái lá nho cuối cùng họ cũng đã từng lột vứt luôn đi rồi đấy.

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

Chuyện chung cư (kỳ 2)

Ngày xưa (tức là những năm thập niên 70 - 90 thế kỷ trước), đối tượng ở chung cư, khu tập thể mặc định phải là người nhà nước, tức cán bộ, công nhân viên và đám sinh viên (sem sém người nhà nước). Nông dân ở quê nông thôn đương nhiên chẳng bao giờ biết đến chung cư, ai xây cho mà ở, còn dân tự do buôn thúng bán bưng, con phe con phẩy nơi thành thị thì chẳng có suất, đơn giản bởi chung cư chỉ dành cho những người trong biên chế.

Tôi lần đầu biết tới nhà tập thể - chung cư khi từ nơi sơ tán ven sông Cầu trở về Hà Nội tháng 3.1973. Đầu năm 1972, trường tôi sơ tán lên Hà Bắc. Sau 12 ngày đêm khói lửa mịt mù cuối tháng 12, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ chấm dứt. Không gì vui bằng được sống ngày đã im tiếng bom tiếng súng. Ăn tết Quý Sửu 1973 xong, thầy trò lại lục tục hành quân lội bộ trực chỉ thủ đô. Đi qua những vùng Từ Sơn, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm gần như còn nguyên cảnh đổ nát hoang tàn, có chỗ tưởng như mới chỉ xảy ra hôm qua hoặc đêm qua. Khu ký túc xá Mễ Trì trúng bom do máy bay Mỹ đánh cột phát sóng đài Tiếng nói Việt Nam thả lạc qua, do dọn dẹp khắc phục hậu quả chưa xong, nên thầy trò chúng tôi tập kết cả ở khu nhà D1, D2 Trường đại học Ngoại ngữ, gần ga tàu điện Thanh Xuân. Ở đó được hơn 3 tháng, lại dọn tiếp về nơi chính chủ, cách chỗ đang ở vài trăm mét.

Khu Mễ Trì do Trung Quốc giúp xây dựng từ dạo giữa thập niên 60, là một khu phức hợp của cơ sở giáo dục, có hội trường lớn, nhà ăn, các lớp học và ký túc xá cho giáo viên lẫn sinh viên, cùng các công trình vệ sinh tách biệt. Thật kỳ lạ, trúng 2 quả bom hạng nặng nhưng chỉ có một nửa nhà ăn bị sập hoàn toàn, thành hai bố bom sâu hoắm to rộng như 2 cái ao, nửa còn lại vẫn y nguyên chẳng khác gì bị con dao sắc chém ngọt sớt, tiếp tục là nhà ăn dành cho sinh viên. Bên khu trường Ngoại ngữ cũng có khối nhà D7 bị y như vậy. Hội trường còn nguyên, cả hai cánh gà rộng rãi dùng làm phòng học đang được sơn lại màu hồng. Ba khối nhà cao 4 tầng, ký hiệu C1, C2, C3 vẫn sừng sững, tầng cao trên cùng làm phòng học, các tầng dưới là thư viện, trạm y tế, nhà ở của thầy cô. Sinh viên nội trú được dồn hết vào nhà C2, bọn con trai khỏe chân phải lên 2 tầng trên, đám con gái chiếm 2 tầng dưới. Khối nhà nào cũng vậy, ngăn làm đôi, khoa Văn một nửa, khoa Sử một nửa. Cuộc sống theo kiểu trại lính bắt đầu như vậy. Chỉ có điều, với đám sinh viên, ở dạng này được gọi là ký túc xá, còn với thầy cô giáo, kể cả những vị giáo sư đáng kính lẫn mấy thầy cô trẻ mới được giữ lại trường, thì đó là nhà tập thể, là chung cư.

Sự vô lý thách thức người dân

Trích: "Giám đốc công ty Tasco 6 Phạm Hồng Điệp cho biết: Trạm thu phí Tân Đệ do công ty xây dựng từ nhiều năm trước, thu phí để hoàn trả kinh phí công ty đã đầu tư để mở rộng quốc lộ 10, đoạn Tân Đệ - La Uyên (Thái Bình).

Sau khi hết hạn thu phí, Tasco vẫn duy trì hoạt động của trạm thu phí Tân Đệ để hoàn trả kinh phí làm quốc lộ 10, đoạn tránh thị trấn Đông Hưng (huyện Đông Hưng, Thái Bình) cũng do Tasco đầu tư. Vì thế việc thu phí tại đây là vẫn đúng quy định". (báo VNN)

Nếu nhà đầu tư nó khốn nạn một thì cái bộ máy cai trị này dung túng cho nó làm bậy khốn nạn mười.
Quốc lộ 10 là quốc lộ, đúng ra nhà nước phải bỏ tiền ra nâng cấp, sửa chữa cho dân đi miễn phí, bởi dân đã đóng đủ thứ thuế phí để nộp vào ngân sách, nhưng nhà nước lại để thằng nhà giàu đứng ra cào cào sửa sửa chút ít rồi lập lô cốt thu tiền, chỉ thế đã khốn nạn rồi; nay nó thu chán chê, nó vẽ rắn thêm chân, mở cái đường tránh, đòi thu tiếp nữa, vẫn đồng ý cho nó thu, càng thêm khốn nạn. Chúng toa rập với nhau móc túi dân lành.

Mấy thằng ở Bộ GTVT đứng ra bênh nó thì còn dễ hiểu, chứ cả chính phủ cũng bênh bọn khốn nạn ư. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã ư.

Mở đường tránh thì về đường tránh mà lập trạm. Bà con Thái Bình hãy làm như dân Nam Bộ quyết không chấp nhận cái trạm trấn lột Cai Lậy, bắt nó phải dời về đường tránh. Lành làm gáo, vỡ làm muôi, tại sao cứ phải chấp nhận sự vô lý.

Mấy chục năm nay, kiểu bóc lột bằng trạm thu phí là kiểu bóc lột trắng trợn và khốn nạn nhất.
Một khi dân chúng còn chấp nhận trạm thu phí trấn lột, còn móc tiền ra trả nó, tặc lưỡi mất tiền chỉ cốt đi qua... thì gánh nặng cứ đè mãi, không trách ai được.

Chính phủ liêm chính của ông Phúc nên bắt đầu từ việc xử lý trạm thu phí trấn lột một cách dứt khoát. Cứ lằng nhằng mãi thế này, đừng bao giờ nhắc chuyện liêm chính nữa.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

Chuyện chung cư

Dạo hơn tháng trước, tôi vừa nhặt nhạnh từ ký ức những câu chuyện chung cư thì xảy ra cháy nhà chung cư Marina Plaza ở quận 8 Sài Gòn chết hơn chục người. Biên xong rồi, đành gác lại chứ phổ biến dễ bị chê cười ăn theo không phải đạo. Nay tang thương đã nhạt dần, xin kể lại.

Chung cư. Ngay cái tên cũng đậm đặc chất ngôn ngữ Hán Việt. Cư là ở, chung là… chung chứ còn gì nữa. Chung cư tức là ở chung trong một tòa nhà, ngôi nhà. Nhiều hộ, nhiều gia đình sống trong tòa nhà ấy. Nhà chung cư là tòa nhà có nhiều người ở. Có ai đó ra vẻ thông thạo cổ ngữ thì bảo rằng không phải chung cư mà chúng cư, nghe có lý bởi “chúng” nghĩa là nhiều người, đám đông. “Quần chúng” là đám đông (chúng) người tụ họp (quần) nhau lại. “Chúng khẩu đồng từ” có nghĩa nhiều người cùng nói một lời, ta dùng cái thành ngữ Hán Việt này để toát lên sự nhất trí, trăm người như một. Nhưng “chung” cũng mang nghĩa sự tụ họp, vậy nên để nói về cái nhà đông người, đông gia đình ở thì dùng từ “chung cư” hoặc “chúng cư” đều được, chỉ có điều lâu nay dân ta nói chung cư nghe quen tai rồi.

Có một dạo, trong đời sống và cả trong ngôn ngữ, người ta gọi những cái nhà như thế là khu tập thể, nghe nửa ta nửa tàu. Những năm cuối thập niên 60 trở về sau, ở Hà Nội có những khu tập thể nổi tiếng như khu tập thể Kim Liên (cho cán bộ trung-cao cấp), khu tập thể Vĩnh Hồ, Nam Đồng (cho sĩ quan, trí thức), khu tập thể Nguyễn Công Trứ, rồi các khu Thành Công, Văn Chương, Chương Dương (khu này có nhiều văn nghệ sĩ), Đống Đa… Trường đại học nào cũng có khu tập thể sinh viên, được gọi bằng cái tên khá kêu: ký túc xá. Hải Phòng quê tôi cũng có mấy khu tập thể như Đồng Bớp, Thượng Lý, Thảm Len… chủ yếu cho công nhân. Nổi tiếng nhất là khu Đồng Bớp bởi những khối nhà lắp ghép 4-5 tầng được xây dựng trên mảnh đất ruộng Đồng Bớp của huyện An Hải cũ, gần cầu Rào. Khu này còn được gọi là khu Đồng Quốc Bình, lấy tên một liệt sĩ hải quân hy sinh ngày 5.8.1964 trong trận bắn máy bay Mỹ thời kỳ đầu cuộc chiến tranh phá hoại.

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Con người thực Trương Minh Tuấn

Ông Trương Minh Tuấn đương kim Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, dân gian đùa gọi tắt thành bộ 4T. Tôi dùng chữ “đương kim” bởi tới khi tôi viết những dòng này (chiều 3.6.2018) ông Tuấn đang là bộ trưởng, còn ngày mai thế nào, thậm chí từ tối nay, thì tôi không dám chắc.

Ông Tuấn vừa gặp “hạn”. Chiều qua 2.6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chính thức công bố, xì thông tin cho báo chí đăng đồng loạt kết luận của Ủy ban về vụ Tổng công ty MobiFone mua Công ty tư nhân AVG trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn tỉ đồng. Vụ mua bán này đã diễn từ mấy năm trước khá suôn sẻ, hợp đồng đã thực hiện, bên mua đã trả tiền cho bên bán gần chục nghìn tỉ đồng. Chỉ có điều, chả hiểu MobiFone mua cái công ty truyền thông AVG (định giá thực chất chỉ mấy trăm tỉ đồng) ấy của ông Phạm Nhật Vũ, em tỉ phú Vincom Phạm Nhật Vượng, về để làm cái gì, nhưng sau vài năm thì nó thành gánh nặng cho MobiFone, như một thứ của tội của nợ. Bộ 4T và đám cầm đầu MobiFone sau đó biết hớ, biết bị lừa nhưng vẫn cố tình che chắn, lấp liếm, chỉ có điều cuối cùng ung nhọt sưng tấy cũng đến hồi phải vỡ, bung bét lộ ra. Nếu MobiFone chỉ là một công ty tư nhân thì nó dại, mất tiền thế nào kệ nó, nhưng khổ nỗi nó lại là công ty nhà nước. Đem tiền muôn bạc vạn của nhà nước dúi vào túi tư nhân, mà mua khống lên gấp cả chục lần, nhà nước này có giàu hơn tỉ phú Bill Gates cũng phải phá sản chứ nói chi đang nghèo rớt mùng tơi, nợ đầm đìa chúa Chổm.