Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Những bài hát của một thời (36): Hồi tưởng

Với Hồi tưởng của nhạc sĩ Hoàng Vân, nếu chỉ dùng những danh từ thông thường "bài hát", "ca khúc", "hợp xướng" có lẽ không xứng với tầm cỡ vòi vọi của nó. Chính xác là phải dùng từ "tuyệt phẩm", để nói về một đỉnh cao của nền âm nhạc Việt Nam những năm 60 thế kỷ trước.

Nhạc sĩ Hoàng Vân viết Hồi tưởng năm 1960, khi ông tròn 30 tuổi. Từ năm 1954 ông đã nổi tiếng với Hò kéo pháo. Nhưng không chỉ viết ca khúc, ông còn là bậc thầy về thể loại tác phẩm hợp xướng, mà Hồi tưởng là ví dụ điển hình. Bản hợp xướng này được thể hiện thành công nhất bởi nam ca sĩ Trần Khánh và đoàn ca nhạc đài Tiếng nói Việt Nam cùng đội Sơn Ca (thiếu nhi) của đài.

Cứ mỗi lần nghe bản hợp xướng, lòng thật xúc động khi ca sĩ Trần Khánh cất lên "Kìa bạn hỡi, hãy lắng nghe tiếng bước chân của những người chiến sĩ. Hãy lắng nghe những bản anh hùng ca của quá khứ xa xăm... Tổ quốc đời đời còn nghi nhớ những năm 40 không bao giờ quên, những tên làng tên núi tên sông, khi hát lên còn nghe văng vẳng đâu đây tiếng hò reo cùng tiếng súng. Ai biết tên các anh, những người chiến sĩ vô danh, trong những chiều hoàng hôn rực đỏ từ giã quê hương ra đi. Anh ngã xuống trong ngục tối hay trên trận tuyến, dưới ánh sao đêm trên đỉnh núi hay bên bờ biển xa xôi...". Và thật tuyệt vời dàn bè ngọt ngào trong trẻo của đội Sơn Ca và cũng như đoàn ca nhạc đài Tiếng nói Việt Nam. Cho đến bây giờ, theo tôi, chưa có bản hợp xướng nào trong nền âm nhạc nước ta vượt qua được Hồi tưởng, chưa có nhóm hát thiếu nhi nào qua được Sơn Ca. Thật kỳ lạ, giữa những ngày gian khổ, thiếu thốn như thế mà nghệ thuật vẫn đạt được những đỉnh cao chói lọi.

Tôi tự hỏi, thời nay tràn ngập những phương tiện truyền thanh (đài phát thanh, tivi), người ta cứ tuôn ào ào lên sóng những bài hát nhì nhằng, rồi giật mình kêu la lớp trẻ hư hỏng thế này thế khác, sao VOV và VTV không lập hẳn những chương trình, chuyên mục phát lại nhiều bài ca có giá trị của một thời. Đừng xem thường các bạn trẻ, họ biết sàng lọc, đánh giá thứ gì là giá trị đích thực để bồi dưỡng cho tâm hồn họ.

Cũng xin nói thêm: bản clip kèm theo đây ở định dạng .flv nên chất lượng âm thanh không thể nào bằng định dạng MP3, MP4, tuy nhiên hệ thống mạng này chỉ cho phép tải lên .flv theo quy định của nó. Khi nào mình tìm được cách tải MP3 lên thì sẽ có bản chất lượng tốt hơn.

Xin cám ơn nhà sưu tầm Zanhanoi.

9.6.2012
Nguyễn Thông

7 nhận xét:

  1. Lâu lắm mới lại được nghe .
    Cảm ơn bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà cháu phải cám ơn bác mới đúng. Tìm được người tri âm khó lắm thay.

      Xóa
  2. Cả nhà vào www.nhaccachmang.net/forum nhé.Những thứ này đêu từ đó ra cả mà lâu ròi.Hy vọng blogger NT tìm lại được nhiều kỷ niệm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác ơi ,tôi mà nghe là lòng cứ lâng lâng khó tả lắm,muốn trở lại những ngày xưa thân ái ,tuy nghèo nhưng sao gia đình ,xã hội kỷ cương ,bạn bè thân tình thắm thiết ....và cũng muốn cầm ....nữa bác ạ để quét sạch bọn tham tàn, hại Nước hại Dân ,lấy đất trả lại nông dân ,lấy sân gôn xây trường học ,xây bệnh viện ....lập lại kỷ cương phép Nước như xưa .

      Xóa
    2. Xã hội này may còn có những người như bác Hương, tức là còn hy vọng về điều tốt đẹp.

      Xóa
    3. Bác nặc danh 18:02 ơi, vấn đề ở chỗ trang đó có quá nhiều sản phẩm chất lượng khác nhau, còn đây nhà cháu chọn sẵn hàng VN chất lượng cao, chỉ việc nghe thôi.

      Xóa
  3. Theo thiển ý của tôi, nếu tính từ thập niên 30 đến nay, nền âm nhạc Việt Nam đã đi được bốn giai đoạn, thì giai đoạn bác nhắc ở trên là giai đoạn thứ 3. Tôi nghĩ đó giai đoạn phát triển vượt bậc về kỹ thuật và phong cách. Một giai đoạn, không chỉ có những ca khúc thôi thúc, hào hùng mà cả những khúc bi tráng cũng đều được khắc họa tuyệt vời trong nền âm nhạc ra trận. Tôi không hiểu sao hồi ấy đa số họ không được đào tạo bài bản, chuyên sâu, lâu dài nhưng những tác phẩm của họ hầu hết lại đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật viết ca khúc. Và cách họ sử dụng những tiết tấu hiện đại và phủ lên nó bằng những âm giai, cung quãng có tính dân tộc là điều mà thế hệ những nhạc sỹ được đào tạo bài bản hôm nay còn lâu mới đạt được. Bác nhỉ?

    Trả lờiXóa