Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Đồng chí tù binh

BÁ TÂN

      Về mặt ngữ pháp, cụm từ “đồng chí tù binh” chẳng có gì sai. Nhìn nhận về ý nghĩa xã hội, nhất là soi về ý thức chính trị, từ ghép đó không thể có trong văn phạm chính thống của Việt Nam. Nhưng sự đời có cách biến hóa của nó, tưởng trái hóa ra phải, tưởng đi lên nhưng lại chúi mũi lao sâu xuống dưới. Vậy thì “đồng chí tù binh” không những được đời sống chấp nhận mà rất hay là đằng khác.

       Khi nói đến tù binh, người ta thường gọi bọn tù binh, kẻ tù binh, thằng tù binh. Một vị tướng (thậm chí là tướng tài) cũng như một người lính quèn, chẳng may bị bắt hoặc cùng đường buộc phải đầu hàng, có chung tên gọi tù binh.

       Trong mọi cuộc chiến, từ cổ chí kim, ta cũng như tây, chưa có và sẽ không bao giờ có chuyện gọi tù binh bằng đồng chí.

        Đồng chí là từ trung tính. Người ta gọi nhau đồng chí trong các cuộc họp, nhất là sinh hoạt chính trị. Từ đồng chí với từ anh em (thậm chí kể cả cách gọi tao, mày ) thường kị nhau. Ở đâu có nhiều đồng chí, ở đó ít có anh em và ngược lại. Thời buổi ngày nay, trước mặt cũng như trong hội họp, người ta gọi nhau bằng đồng chí. Sau lưng và kể cả trong bụng, từ đồng chí được thay bằng từ khác thường nghe thấy nơi đầu đường xó chợ.

     Dù là người thích tếu táo nhưng tôi chưa đủ khả năng kết hợp độ tinh với cái tạp để tạo ra cụm từ “đồng chí tù binh”. Cái từ ghép ấy tôi “thừa kế ” ý kiến của đại biểu quốc hội Lê Nam (phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa).

       Tại kỳ họp thứ 3 , quốc hội khóa 13 đang diễn ra ở Hà Nội, nghị viên Lê Nam thật sự nổi tiếng với ý kiến gây ấn tượng đặc biệt. Ông Nam thẳng thừng “bây giờ tham nhũng không còn phải tinh vi nữa, không còn e dè nữa, nó đã là giặc tràn vào lãnh thổ, đã bắt làm tù binh một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”.

         Quốc hội nên có cách nào đó ghi công những đại biểu có việc làm, lời nói  mang ý nghĩa đặc biệt, nêu lên những ý kiến độc đáo. Đề xuất này nếu được thực hiện, trong danh sách chắc chắn có tên ông Lê Nam. Giả định vậy thôi, xứ ta khó làm được việc ấy, bởi quốc hội ta coi mọi đại biểu như nhau. Người siêng phát biểu, tranh luận gay gắt trên nghị trường cũng chả khác gì đại biểu suốt nhiệm kỳ chỉ biết ngồi chờ bấm nút (thay cho giơ tay như trước đây). Dư luận xã hội sòng phẳng hơn nhiều, minh bạch hơn nhiều. Đại biểu như ông Lê Nam được dân chúng mến mộ, tâm phục khẩu phục. Còn những ai chỉ quen nói theo hoặc chỉ biết bấm nút, dư luận xã hội đối xử khác hẳn.

         Xin được quay lại vấn đề “đồng chí tù binh”. Theo ý kiến ông nghị Nam, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã bị tham nhũng bắt làm tù binh. Bộ phận đó, dĩ nhiên những đồng chí chưa bị lộ, chưa bị phanh phui, vẫn là đồng chí. Hơn thế nữa, không những đồng chí mà còn là đồng chí cấp trên, thậm chí thượng cấp. Nông dân chân lấm tay bùn, công nhân quèn thì không thể tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt cũng đừng mơ. Có chức có quyền là điều kiện cần và đủ để thực hiện tham nhũng. Những người có chức có quyền, ta không gọi họ là đồng chí thì là cái thứ gì. Bi kịch đến thế là cùng, là kẻ thù của dân, cái bọn tham nhũng ấy, ta vẫn cứ phải gọi là đồng chí. Chính chúng nó, à quên, một bộ phận đồng chí cán bộ, đảng viên đã tự làm tù binh của quốc nạn tham nhũng. Số đồng chí này không những không giảm mà đang ở xu hướng tăng. Loại đồng chí ấy ngoài miệng kêu gào vì dân vì nước, giục giã mọi người học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhưng lúc nào cũng ủ mưu tìm cách vơ vét tài sản nhà nước. Các đồng chí ấy không nghiện thuốc lá, không dây vào ma túy nhưng lại nghiện tham nhũng. Gọi quan tham bằng đồng chí thì nhục nhã quá. Trông chờ quan tham trừ khử quốc nạn tham nhũng thì khác nào giao cho bầy hổ đói canh giữ đàn bê con.

       Một số địa phương có nghĩa trang dành riêng cho giới văn nghệ sĩ. Đó là cách vinh danh những kỹ sư tâm hồn khi thể xác họ về cát bụi nhưng linh hồn họ lại thuộc về dân chúng. Với bọn quan tham, nên có nghĩa địa riêng cho chúng. Không phải để vinh danh mà để cạch mặt bọn cướp ngày . Bọn tham nhũng, kể cả sau khi đã chết, không đáng được chôn cùng nghĩa trang với những người lương thiện.

        Khi quan tham tắt thở, thay vì gửi vòng hoa cúng viếng xã giao, hãy thuê cửu vạn mang đến thật nhiều vôi bột để lấp dày lấp kín, đề phòng dịch bệnh tham nhũng tái phát. Trên mộ, nên cắm tấm bia ghi dòng chữ: đồng chí tù binh.
Bá Tân

7 nhận xét:

  1. Nghĩa trang Mai Dịch để dành riêng cho các quan

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tình hình đô thị hóa như này thì số phận cảu nó tôi đáon sẽ cũng như nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi ở SG.

      Xóa
  2. Bác Bá Tân thân mến!
    Ông nghị Nam nói ra điều này trong nghị trường thì đáng kính phục, chứ mọi người dân ta nói mãi rồi! Chuyện này xưa như trái đất. Xin bác Bá Tân đừng vội tự ái nhé. Ngay đến bác Tổng Trọng cũng nói: " Hiện nay trong Đảng ta có 1 bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất "!
    Việc tham nhũng là thói quen, là nếp sống thường nhật như người dân ta hàng tháng phải " tuần rằm , mùng một" ấy mà.
    Các cụ ta dạy cấm có sai câu nào: " Học ăn, học nói.Học gói,học mở"
    Đứa trẻ sinh ra phải học bú mớm, rồi học ăn bột, rồi ăn cơm. Rồi học nói: từ bập bẹ cho đến khi nói sõi. Lớn lên, phấn đấu làm cán bộ thì phải " tập gói" quà, gói phong bao thì mới có chức có quyền. Khi có chức, có quyền rồi thì lúc đó mới được quyền" mở " phong bao, phong bì chứ! Nó là cả 1 quá trình chứ có phải một sớm, 1 chiều đâu?
    Chẳng phải " các đ/c tù binh" mà mỗi chúng ta cũng đều là tù binh của nạn tham nhũng này. Tỉ như con chúng ta đi học, ngày 20/11 cũng phải có hoa tặng cô, kèm 1 phong bì.
    Thôi thì" toét mắt là tại cung đình, cả TW đều thế riêng mình em đâu"!!!

    Trả lờiXóa
  3. Ông nghị Lê Nam phát biểu như vậy. Tôi lại hiểu thế này:
    Giặc tham nhũng đã ngang nhiên tràn vào nước ta, bắt một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, đồng chí của chúng ta.., làm tù binh..
    Vậy lẽ thông thường chúng ta, (những đảng viên chưa bị bắt làm tù binh) phải tìm cách cứu các tù binh đó ra, trở về hàng ngũ của đảng chứ... Trên thực tế đảng ta đã làm vậy, cứu được rất nhiều những "đồng chí tù binh" về với hàng ngũ của mình. Thể hiện như báo cáo của các cơ quan chức năng rằng: giặc tham nhũng vẫn còn rất phức tạp, rất tinh vi (rất mạnh), tỷ lệ phát hiện, phá án còn thấp (tù binh ít). Việc đó có phải đảng ta chưa coi giặc tham nhũng là nguy hiểm? Nên chưa tập trung sức lực trí tuệ để đấu tranh với nó.
    Còn nữa, nếu không thể cứu được các đồng chí của mình.., thì đảng ta lại đình chỉ mọi chức vụ đảng của các đồng chí đó, rồi khai trừ khỏi đảng.., mặc cho kẻ giặc "hành hạ, tra tấn" những tù binh đó...
    Thật là xót xa, thấy đồng chí của mình ngã.., không kéo lên được thì thôi., ai lại đạp tiếp cho một phát như thế??
    Hành động đó có phải do bất lực, mà đồng lõa với giặc không??
    Hay là đảng ta cài những đồng chí đó qua hàng ngũ của giặc, để làm điệp viên??
    Hoặc là ông nghị Lê Nam phát biểu ba linh tinh, ví von vớ va vớ vẩn, chả ra làm sao. (học lớp mấy rồi?)
    Thôi! Các kỳ họp sau ông nghị Lê Nam nên ngủ đi, khi nào bấm nút.., nhờ đại biểu ngồi cạnh gọi dậy. Bấm! Thế cho nó lành!

    Trả lờiXóa
  4. "Loại đồng chí ấy ngoài miệng kêu gào vì dân vì nước, giục giã mọi người học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhưng lúc nào cũng ủ mưu tìm cách vơ vét tài sản nhà nước. Các đồng chí ấy không nghiện thuốc lá, không dây vào ma túy nhưng lại nghiện tham nhũng. Gọi quan tham bằng đồng chí thì nhục nhã quá. Trông chờ quan tham trừ khử quốc nạn tham nhũng thì khác nào giao cho bầy hổ đói canh giữ đàn bê con."
    Gần đây tôi có được mời dự một đại hội Chi bộ đơn vị nọ. Hơn một tiếng đồng hồ nghe các vị Phó Bí, Bí thư trình bày (thực chất là cúi đầu đọc không nghỉ) các báo cáo tổng kết, phương hướng... Đọc theo tài liệu các đồng chí ấy phát cho khách mà hoa cả mắt; ù cả tai... mà kết luận cuối cùng mọi vấn đề (thực chất)chẳng khác gì bác Bá Tân viết trong bài ngăn ngắn này.

    Trả lờiXóa
  5. Bác Bá Tân nhầm rồi.Trong nếp sinh hoạt bình thường ở cơ quan, công sở nhà nước{trừ những khi , dịp long trọng) lúc nào mà đã gọi nhau là đồng chí, lúc ấy là bỏ mẹ:các phe cánh bắt đầu dương nanh nhe vuốt,các ông , bà ghét nhau sắp sửa chửi nhau.v.v.Các bác cứ nghiệm mà xem.

    Trả lờiXóa
  6. "Khi người ta không xem nhau là đồng chí thì người ta gọi nhau là đồng chí" - Lưu Quang Vũ. Có ai còn nhớ câu này trong vở kịch của LQV không? Sau đó LQV ...

    Trả lờiXóa