Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Vụn về Hưng Yên

Bây giờ mà nhắc tới Hưng Yên, thiên hạ gọi là “đu trend”, nhưng bài này đã ủ trong ký ức nhà cháu lâu rồi, giờ mới biên ra thôi.

Do nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long nên vùng Hưng Yên, Hải Dương xưa được gọi là xứ đông, tỉnh đông. Tôi nhớ hồi còn bé học cấp 1, hình như lớp 4, được học bài thơ “Nhi đồng Nguyễn Văn Bảo” của cụ Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu. Cụ Tú ca ngợi em thiếu nhi tên Bảo người tỉnh đông, “Nguyễn Văn Bảo mới lên mười tuổi/Quê quán em ở dưới tỉnh đông/Em là con một nhà nông/Cha mẹ vất vả sống trong bần hàn/May nhờ có bình dân học vụ/Em Bảo ta cũng đủ học hành/Người lanh lợi trí thông minh/Em là một cậu học sinh hoàn toàn”… Những ai sinh thập niên 50 ở miền Bắc mà có đi học đều thuộc bài này.

Nhà thơ kể em Bảo yêu nước thương nòi, tham gia kháng chiến “trong đoàn thể nhi đồng cứu quốc/Em là tay gân guốc dạ gan/Nhiều phen giúp việc giỏi giang/Cho bộ đội hoặc cho đoàn dân quân”. Rồi “Đến hôm mùng sáu tháng tư/Bỗng đâu giặc Pháp lù lù kéo sang/Qua Kẻ Sặt ngang tàng hung dữ/Khác nào như một lũ sài lang”, em Bảo nhập đội quân du kích, làm giao liên cho bộ đội đánh giặc, rơi vào ổ phục kích, “Bị chúng bắn tứ tung em ngã/Chết thiêng liêng em đã hả lòng/Tuổi thơ chí khí anh hùng/Nêu gương anh dũng nhi đồng Việt Nam”. Đó là người Hưng Yên đầu tiên mà tôi biết qua văn nghệ. (ở đây ghi chú thêm: Kẻ Sặt thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, giáp Hưng Yên. Nơi này có đồn rất lớn của quân Pháp, đánh Hưng Yên cũng kéo từ Kẻ Sặt). Lạ là bây giờ gõ tìm khắp nơi, kể cả Gu gồ cũng không thấy bài này. Nó chỉ còn trong trí nhớ U70, U80, họ về chầu ông bà vải là mất luôn.

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Góp ý với nhà báo (phóng viên, biên tập viên): Cành, nhánh, nhành

Hôm 9.8, tin thời sự nóng được thiên hạ quan tâm là vụ chết người ở công viên Tao Đàn (TP.HCM), cành cây gẫy từ trên cao rơi xuống làm chết 2 người, bị thương 3 người khi các nạn nhân đang tập thể dục buổi sáng. Tội nghiệp. Còn hôm trước là vụ gần chục chiếc xe tông nhau lúc xuống cầu Phú Mỹ, tan nát cả, cũng ở TP.HCM.

Đó là những điều “bất khả kháng”, khó tránh hoặc không tránh được. Nhưng tôi muốn đề cập chuyện khác, là việc dùng tiếng Việt của báo chí quốc doanh.

Hầu hết báo khi đưa tin về vụ công viên Tao Đàn, kể cả những báo lớn, chững chạc như Tuổi Trẻ, Tiền Phong, VnExpess, Vietnamnet đều rút tít “gãy nhánh cây”. Có nhẽ chỉ 2 tờ chững chạc hơn là Thanh Niên và Lao Động viết gần đúng “gãy cây”.

Những bức ảnh chụp hiện trường cho thấy không phải “gãy/gẫy nhánh cây”, cũng không phải chung chung “gãy cây”. Phải nói/viết “gãy cành cây” mới đúng, mới chính xác.

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

Vàng, lại nói về vàng

Ở xứ này, bất cứ thứ gì đều có thể làm con người phát điên. Chẳng hạn vàng.

Nói chi thì nói, vàng chỉ là hàng hóa, dù có được xem như loại hàng đặc biệt đi chăng nữa, nó vẫn là hàng hóa. Chính những nhà quản lý kinh tế với tư duy quản trị quá lỗi thời đã biến vàng từ hàng hóa vật chất thành thứ phi vật chất, từ giá trị thực thành giá trị ảo.

Do không thực thi kinh tế thị trường đúng nghĩa (mặc dù nhà cai trị luôn kêu gào các nước công nhận nền kinh tế xứ này là kinh tế thị trường) nên có những việc nhẽ ra chỉ cần xử lý rất đơn giản thì các ông bà ấy vẽ ra đủ trò, đủ cách vớ vẩn nhố nhăng, không theo bất cứ quy tắc nào. Thích là nhích. Chính sách đi từ thất bại này đến thất bại khác, còn dân thì lãnh đủ. Vàng là ví dụ cụ thể.

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2024

Quyền lực và ngôn ngữ

Cũng chưa lâu, độ dăm sáu năm trở lại đây, các văn bản của nhà nước, bài trên báo chí quốc doanh thường biên/ghi là "phòng, chống tham nhũng", có dấu phẩy giữa hai chữ phòng và chống.

Tôi có nghe, đó là ý chí của ông trùm tổng, khi hăng hái đốt lò, ông đã chỉ đạo các lực lượng thi hành và báo chí rằng không thể nói chung chung phòng chống tham nhũng mà phải là phòng, chống tham nhũng. Nghĩa là phân biệt 2 nhiệm vụ phòng và chống cho rõ rệt.

Ông ta, tôi để ý, rất thích dùng từ này nọ, thích chế biến, để lại dấu ấn riêng. Thường những anh học và theo đòi văn chương, lại chuyên về lý luận vẫn có thói lập dị như vậy. Đúng hay sai, bản thân đương sự không cần biết, bởi luôn cho mình là đúng. Còn kẻ dưới vừa sợ vừa nịnh, cứ răm rắp tuân chỉ, cấm dám hó hé cãi lại. Ngu gì cãi, mất phần xôi thịt.

Suy tôn

Dạo cuối tháng 7 rồi, nhiều lúc nhà cháu ngẩn ngơ không biết mình đang sống ở đâu, Việt Nam đất nước ta ơi mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn, hay bên Triều Tiên tục gọi Bắc Hàn. Có lúc cứ nghĩ hay mình ở Triều Tiên thật, thấy người ta sụt sịt khóc khô khóc ướt quá trời.

Hôm nay lại ngơ ngẩn. Cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ kiểu này, chẳng khác gì đang hộ khẩu KT3 trong bệnh viện tâm thần. Mình rõ ràng sống thời dép lốp bèo dâu lên tàu vũ trụ, 4 chấm không chấm khiếc, hay là đang thời phong kiến vậy. Đã từng nghe “rồng 5 móng vua quan thành bụi đất” rồi kia mà, chả nhẽ vua chúa tái sinh, hiện về đòi cướp lại chính quyền.

Ấy là lâu lẩu lầu lâu mới được nghe, được đọc lại từ “suy tôn”. Cái từ gốc Hán Việt ni có từ thời nào, không ai biết, chỉ biết ngày xưa, thời phong kiến hay dùng.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

Huy Đức (kỳ 4)

Huy Đức, nói theo kiểu Nguyễn Huy Thiệp, gốc nông thôn nông nghiệp nông dân (tam nông) đặc sệt, nhưng trời đặc ân cho nghiệp viết, giỏi ít ai bằng. Làm báo, y mau chóng tạo dựng vị trí đặc biệt. So với người trong nghề, y nổi trội ở nhiều mảng miếng, mà tài đặc biệt là đặt câu hỏi khi phỏng vấn. Những câu hỏi giản dị, không công thức, không uốn éo mưu mẹo, không đao to búa lớn, không lừa miếng, nhưng cuốn người được hỏi vào ý định của đứa hỏi, nhất là luôn đáp ứng được khát khao tìm hiểu của bạn đọc. Tôi đã từng đọc rất nhiều bài phỏng vấn của Huy Đức, nể lăn. Nhiều người trong đám bạn nghề không giấu diếm mà khen rằng, riêng về phỏng vấn thì Huy Đức là số 1. Tìm ra kẻ cạnh tranh hơi bị khó.

Chả thế, bác Nguyễn Thị Ngọc Hải, một tay làm báo lão luyện, từng là đàn chị, "sếp" của sếp tôi, lâu nay được trường đại học mời dạy nghề báo cho sinh viên, khi giảng chuyên đề phỏng vấn đã nghĩ ngay tới việc triệu Huy Đức tới làm giáo cụ trực quan. Kinh nghiệm thực tế và tư duy sắc sảo của y còn hơn chán vạn thứ lý luận khô khan của các trường báo chí, tuyên giáo, tuyên huấn, tuyên truyền. Thời những năm 90, khi chưa làm báo, tôi và các đồng nghiệp dạy học chăm đọc báo nói với nhau "thằng Huy Đức giỏi nhất ở phỏng vấn, bởi nó đặt câu hỏi giỏi cực kỳ, khiến con cua trong lỗ cũng phải bò ra".

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

Cách mạng màu... đỏ

Hôm 21 và 22.6, báo chí mậu dịch đồng loạt đưa tin Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và trung ương (tất nhiên đều của đảng) đồng ý để ông Đinh Tiến Dũng trong nhóm 20 được “thôi” các chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội và nhiều chức vụ lằng nhằng dây điện khác. Đây là chuyện riêng của đảng, nhẽ ra dân không cần quan tâm. Tất nhiên, quốc hội sẽ theo chỉ thị, chỉ đạo của đảng bãi chức đại biểu quốc hội của ông Dũng, cũng kiểu cho “thôi”. Quốc hội chả là gì, khi đảng đã sức xuống, thì cứ thế mà làm.

Về sự việc này, có nhiều nhố nhăng. Nhẽ ra từ quan chí dân, ai làm sai làm bậy, cứ chiểu theo pháp luật mà xử lý, không phân biệt quan hay dân. Đâu có cái thói quan làm sai thì chỉ xin lỗi, còn dân sai đã có pháp luật. Tay Mai Tiến Dũng cả đời không biết nó có làm được điều gì để lại tiếng thơm hay không, nhưng phát ngôn được câu ấy quả thật lưu danh với đời.

Cả một bộ máy, từ ông cao nhất tới đứa cán bộ quèn, cả hệ thống chính trị với vô vàn tổ chức đoàn thể, cả hệ thống tuyên truyền truyên giáo dày đặc… lúc nào cũng mở loa ca ngợi cuộc chống tham nhũng, nào lò đượm củi gộc, củi khô củi tươi, kiên quyết đến cùng, không có vùng cấm, nhưng khi cần đốt thì lại rơm ướt rạ ẩm, bật diêm không cháy, lách kiểu này, né kiểu khác. Rõ nhất là việc tạo điều kiện cho đương sự “tự nguyện” làm đơn xin nghỉ việc, xin thôi chức, xin nghỉ theo nguyện vọng cá nhân. Cứ như trò đùa, coi thiên hạ không ra gì.

Huy Đức (kỳ 3)

 Cùng thời gian 1996 ấy, Yên Ba cũng về. Tờ báo nào có y tòng sự quả là điều may mắn, cũng xêm xêm như có Huy Đức vậy. Trước đó, tôi chỉ nghe danh con người có cái tên hơi Tàu này, nhưng biết đó là người tài. Giỏi ngoại ngữ, viết về đủ mảng, nhất là mảng phóng sự, bóng đá và văn học cổ. Văn chương câu cú ngữ pháp cực kỳ chuẩn mực. Báo Thanh Niên mà có Yên Ba khác gì Lưu Bị vời được Khổng Minh mà không cần phải “tam cố thảo lư”. Tôi còn nghe y là chuyên gia về sách cổ, nhất là bộ “Tam quốc diễn nghĩa” (La Quán Trung) do cụ Phan Kế Bính (tác giả của cuốn “Việt Nam phong tục” dịch), cụ Bùi Kỷ hiệu đính, từng được Nhà xuất bản Phổ thông ở miền Bắc in năm 1959. Nghe kể Yên Ba yêu sách còn hơn cả yêu vợ, mà y mấy vợ thì tôi không rõ.

Hồi trước, hiếm nhà nào có bộ truyện 13 tập này, tôi thời đi học cũng chỉ đọc ké. Mãi tới năm 2009, Yên Ba liên kết với Nhà xuất bản Văn học tổ chức in lại bộ Tam quốc Phan Kế Bính 13 tập, tất cả chữ nghĩa, màu sắc, tranh vẽ, dấu chấm dấu phẩy y xì, không khác một chi tiết nào, quả thật rất đáng nể về thú mê sách. Tôi lập tức ra ngay nhà sách gần cơ quan tậu về 2 bộ, một cho mình, một biếu bác Đặng Thanh Tịnh, người mê sách. Một hôm, lão Nguyễn Một gửi cho tôi cuốn tiểu thuyết mới mới của y (Một) “Giờ thứ 6 và giờ thứ 9”, lật coi người biên tập (do bệnh nghề nghiệp), thấy đề Nguyễn Văn Yên (Yên Ba), quá khiếp. Ai dám bảo “Yên Ba giang thượng sử nhân sầu”, nhầm to. Người tài quanh ta lắm thế. Có ai đó trong cuộc gặp “mừng sinh nhật yên ba” ở Sài Gòn còn nói nhỏ nhưng đủ cho mọi người nghe thấy, nó còn đóng quan 5 trong quân đội, ở báo Quân đội nhân dân chứ đùa (cuộc gặp này tôi sẽ biên sau)

Huy Đức, Dương Minh Long, Yên Ba trổ tài ở Thanh Niên, người được vài tháng, kẻ ráng hơn năm, rồi lần lượt rút, lặng lẽ ra đi. Sau này cả Tuấn Khanh, Trần Việt Đức cũng thế. Có lẽ đất chưa đủ lành cho chim đậu, trời chưa đủ cao rộng cho đại bàng tung cánh. Mấy hôm trước, sau khi Huy Đức bị bắt, anh Nguyễn Công Thành, một tay ảnh sừng sỏ, thâm niên cao nhất ở báo Tuổi Trẻ cho tới giờ, bảo tôi rằng Huy Đức đã nhận ra rằng về Thanh Niên không được tự do tác nghiệp như từng hy vọng. (còn tiếp)

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2024

Huy Đức (kỳ 2)

Với ai chả biết, chứ riêng tôi, sự khoe mình là bạn của Huy Đức, có chơi với y, thì đó là trò lố, cú mượn lông công, dựa hơi mượn tiếng, chả hay ho. Mình chẳng là chi so với Huy Đức, dù thỉnh thoảng gặp nhau. Bạn danh tiếng của Huy Đức có hàng trăm hàng nghìn khắp trong nam ngoài bắc, mình là cái thá gì mà định chen vào chốn ấy.

Tôi vào đời bằng nghề dạy học. Dạy mãi đến… phát chán. Thực ra thập niên 80 có người này người kia rủ đi làm báo (báo Tuổi Trẻ, báo Tin Sáng) nhưng “lòng trẻ còn như cây lụa trắng”, quyết không bỏ nghề. Thời ấy, thỉnh thoảng người ta phát trên loa bài hát của cụ Nguyễn Văn Quỳ “Yêu đời bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu/Đời phơi phới vui, vui sách thơm thơm mùi giấy mới”. Năm 1982, tôi nói với anh Hồ Quang Hy làm ở báo Tuổi Trẻ khi anh rủ đào ngũ, em yêu nghề dạy lắm, em không đi đâu.

Người tính không bằng trời tính. Tới năm 1992 đói vàng mặt, tôi đành bỏ nghề đi làm thuê cho một công ty Hồng Kông. Năm 1996, công ty chuyển tới Thủ Đức, tôi đầu quân về báo Thanh Niên, chính thức tòng sự nghề báo, cái nghề đã đem cho mình nhiều niềm vui nỗi buồn. Giá như tôi nghe lời bác Hy thì còn về Tuổi Trẻ trước cả Huy Đức.

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2024

Huy Đức

Thoạt kỳ thủy, phải nói ngay, tôi viết bài này theo suy nghĩ, cảm nhận của tôi về một người đã quen/chơi mấy chục năm. Sự không đồng điệu với người khác chắc chắn có, thậm chí nhiều. Chả hạn tôi cũng quen một anh đồng nghiệp tòng sự bên đài VOV (báo nói), cũng từng không ít lần trò chuyện, y bảo sao lúc nào nói tới San vẩu chỉ thấy ông khen, nó có gì mà khen. Tôi không cãi, bách nhân bách tính, cãi làm gì.

Huy Đức, tức Trương Huy San (tên cúng cơm, hồi xưa tên thật của người nào đó, nhất là tên theo giấy khai sinh, thì gọi là tên cúng cơm, chứ không phải để chỉ người đã chết), tức Osin - một biệt ngữ lừng danh, thậm chí nổi tiếng hơn cả bút danh làm nghề và tên thật.

Những người/kẻ ghét Huy Đức cũng không thiếu, vì lý do nào đó, họ đặt cho đương sự cái tên xấu để thỏa bụng thù hằn của mình, chẳng hạn San hô, Đức vẩu. Tất nhiên, người bị đặt tên chả vì thế mà kém cỏi đi.

Nhưng gì thì gì, Huy Đức là một nhà báo, ký giả tài năng, thậm chí không ít người cho rằng làm báo giỏi nhất xứ này. Kể ra tìm một nhà báo giỏi nước ta thời hiện đại cũng không khó, kiểu như Thép Mới, Hoàng Tùng, Hữu Thọ, Sơn Tùng, Trần Đình Vân, Xuân Ba, Trần Đức Chính (Lý Sinh Sự), Hữu Ước…, tinh dững đấng bậc, nhưng hình như sự so cứ khập khiễng sao sao ấy, bởi cái giỏi, tài năng của những vị đó xét cho cùng vẫn là dạng “chim hót trong lồng”, múa tay trong bị, kiểu như “anh muốn đảng gọi anh đến nơi/hội ý về cuộc sống/điều động anh vào bộ tâm hồn quần chúng/giúp trung ương xây dựng những con người” (Lê Đạt). Vùng vẫy mấy cũng không thoát được đảng, vòng kim cô, chỉ như gã Tôn Ngộ Không phò Đường Tăng mà thôi.

Bến mê

Tôi nói thật, cái xứ này có được áp đặt một đội ngũ lãnh đạo cả triệu người đi chăng nữa mà những con người ấy vẫn một lòng "kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội" thì cũng chả đi đến đâu, được trò gì.

Mọi cuộc lên đường đều phải có đích cụ thể, chứ đi mãi với cái đích mơ hồ như vậy thì chỉ uổng công, mỏi chân, mất thời gian.

Hơn 2/3 thế kỷ cả nước này, dân tộc này phải trả giá đắt còn chưa đủ hay sao.

Nhân loại, địa cầu, nhất là khối xã hội chủ nghĩa đã thức tỉnh, mạnh dạn vứt bỏ nó vào sọt rác, là một thực tế hùng hồn không cần giải thích, chưa đủ để sáng mắt hay sao.

Đừng mãi "bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê" nữa. Hãy tỉnh lại sau "đêm trường dạ tối tăm trời đất". Dẹp hết lú lẫn đi, rồi cầm chắc ngọn cờ lãnh đạo mà bước tới, bước nào ra bước ấy, xứng đáng là người cầm cờ.

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

Đội quân chủ lực bị bỏ rơi

Ở nước ta, lâu nay nông dân được bộ máy tuyên truyền nhà nước tôn vinh, gọi là “đội quân chủ lực của cách mạng”. Những ông to bà nhớn khi đề cập tới nông dân đều dùng mấy chữ ấy. Cho sang mồm.

Tháng 7 tây (chứ không phải tháng 7 cô hồn) năm nay, đối với tôi sự kiện đáng nhớ nhất và ý nghĩa nhất là việc tăng lương, thực hiện ngay từ ngày đầu tháng. Cụ thể nhà nước điều chỉnh tăng lương cơ sở, người đang làm việc mà hưởng lương (cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nhân viên) được thêm 30%, còn người về hưu tăng 15%, so với tháng 6. Đó mới là điều thực sự có ý nghĩa trong tháng 7, chứ những chuyện khác cũng thường thôi, chả đáng ồn ào.

Tất nhiên, trong vụ tăng lương này vẫn còn thứ cần bàn, chẳng hạn cách đối xử với người về hưu, nhưng phải nói, đó là tin vui, niềm vui, của cả dân lẫn chính phủ. Bà Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà còn hăng hái giải thích về niềm vui ấy cơ mà. Được ít cũng mừng, nhiều lại càng mừng. Ai chẳng thích tiền, nhất là lúc cuộc sống đầy khó khăn. Quá khó là đằng khác, chứ không phải như ai nói “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay”. Lý luận bao giờ chẳng hay, nhưng giữa lý luận và thực tế vẫn khoảng xa vời. Thực tế thế nào, dân chúng cần lao đều rõ, bởi nó ngay trước mắt, nó hằng ngày xung quanh mình.

Bạn thời xa lắc Vũ Quang Vinh

Một người bạn từ khi ra trường sống ở thủ đô vừa báo tin, y bảo Vũ Quang Vinh, Vinh cận K18 mất rồi mày ạ. Tôi hỏi khi nào, y nói hôm 11.8. Nay 13.8, tức đã 2 ngày.

Thiên hạ cứ bảo nhau khuyên nhau “cái quan định luận” (đợi đậy nắp hòm áo quan rồi hãy đánh giá về người chết nằm trong đó), chứ với Vũ Quang Vinh, tôi chả cần đợi cái đợi kiếc gì. Vinh hồi còn sống là một trong số ít người mà tôi rất kính nể cả tài lẫn đức, mặc dù chơi với nhau chả thân lắm, thú thực vậy.
Học chung trường chung khoa, cùng chui qua cái cổng khu Mễ Trì (chung cổng nên được gọi là đồng môn, chứ không phải như ai đó giải thích cùng môn học), tôi biết Vũ Quang Vinh từ năm 1973, học trước Vinh một khóa. Nhưng phải nói K18 của Vinh văn khoa Tổng hợp cả văn lẫn ngữ lẫn Hán Nôm quá nhiều người tài giỏi, thành đạt, thành danh. Đó là khóa đầu tiên sau khi “miền Bắc mỉm cười đã im tiếng bom rơi”, những Cao Vũ Trân, Nguyễn Ngọc Quang, Trần Chiến, Nguyễn Bá Thành, Nguyễn Hùng Vỹ, Vũ Quang Vinh, Quốc Phong, Đỗ Chỉnh… để lại nhiều tiếng tốt, niềm hãnh diện cho khoa (nhóm đàn bà thì tôi không rành nhưng nghe kể cũng nhiều người giỏi).

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

Đấu đểu

Thiên hạ, nhất là những người quan tâm tới đất đai, mua đất để xây nhà làm chỗ ở (an cư), hoặc mua rồi gặp giá tốt bán kiếm lời, đang sốt nóng quan tâm tới sự nhà nước tổ chức đấu giá đất tại 2 huyện ngoại thành Hà Nội là Thanh Oai và Hoài Đức mấy hôm nay.
 
Hiện nhà nước sắp hết thứ để bán rồi nên chú ý tới đất, một nguồn tưởng như vô tận. Cứ quy hoạch ABC, XYZ trên giấy rồi tung thông tin lên, làm vài con đường, trồng vài cột điện, là tha hồ bán. Đất, chỗ nào chả có. Bán xong nội thành thì ra ngoại thành, rồi vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Giờ mà sờ vào đất Phú Quốc, lại chả bỏng mẹ nó tay, chỉ có điều tiền chủ yếu chui vào túi mấy đại gia sống nhờ đất, chứ ngân sách được bao nhiêu.

Đất ruộng ở Thanh Oai và Hoài Đức được quy hoạch, phân lô, đấu giá tới gần 100 triệu đồng/m2 (ở Thanh Oai), 133 triệu đồng/m2 (Hoài Đức), liếc qua là thấy đểu rồi. 10m2 đã 1 tỉ 3, mảnh 100m2 là 13 tỉ đồng, bằng 2 căn nhà phố, chả đểu là gì.

Đành rằng kinh tế thị trường, đành rằng có luật đấu giá với những quy định pháp luật, chả thể cấm người đấu trả bao nhiêu, trả vài chục nghìn hoặc vài tỉ đều được phép, nhưng còn phải căn cứ vào trăm thứ bà rằn mà xác định xem giá trả có đúng không, có hợp không, người đấu có tử tế không, chứ đâu phải chỉ ngồi ở đó mà thu tiền, mặc mẹ thiên hạ.

Sao lại phải viết hoa?

Gần đây, các báo quốc doanh, không biết theo sự chỉ đạo của ai, cấp nào, khi viết về hoạt động của lãnh đạo cấp cao, nhất là những chuyến đi thăm nước ngoài hoặc đón cấp cao nước ngoài, đã dùng cụm từ “đồng chí XYZ và Phu nhân”, luôn viết hoa chữ phu. Đó là cách viết tùy tiện, theo ý chí riêng, bệnh hình thức, chứ không tôn trọng quy tắc chuẩn chính tả tiếng Việt.

Phu nhân là gì? Hãy giở từ điển. Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh giải nghĩa: Phu tức là người đàn ông đã có vợ; vợ gọi chồng là phu quân; phu thê là chồng (và) vợ; ngày xưa người ta gọi vợ các vua chư hầu là phu nhân (còn vợ của hoàng đế là hoàng hậu), về sau từ “phu nhân” để chỉ chung cho người đàn bà có chồng.

Thơ Hồ Xuân Hương có câu “Duyên thiên chưa dễ nhô đầu dọc/Phận liễu sao đà nẩy nét ngang” (trong chữ Hán, thiên là trời, nhưng nếu thêm nét phẩy ở trên thì thành chữ phu (chồng); chữ liễu là con gái, nhưng thêm nét ngang thành chữ tử (là con). Duyên trời chưa đủ chưa chín, chưa có chồng, vậy mà sao cô gái đã có con. Nói về chửa hoang, không chồng mà chửa, như bà chúa thơ nôm quả thật vừa nhân ái cảm thông, vừa tế nhị khéo léo ít ai bằng.

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

Cứ phải nói thật

Những ồn ào về ông Vương Tấn Việt (tức thượng tọa Thích Chân Quang) như thế đủ rồi, các cụ ạ. Một người dù có tài vặt mấy chăng nữa nhưng gian dối, háo danh, thiếu đức thì không đáng được quan tâm. Ông ta đã phải trả giá cho thói xấu của mình.

Nhưng đã đến lúc, thậm chí khí muộn, cần phanh phui thực chất của nền giáo dục xứ ta, nhất là các trường đại học, và nhất là Trường đại học Luật Hà Nội.
 
Đó không phải cơ sở giáo dục mà là cái chợ giời buôn bằng cấp, danh vị, học vị cho những kẻ háo danh. Thứ tổ tò vò dối trá vô pháp ấy cần phải đập bỏ, làm lại.

Chưa cần mở rộng đào sâu làm gì, giờ cứ mổ xẻ hết những bằng tiến sĩ luật đã do Trường đại học Luật HN cấp, nhất là những bằng mà chủ nó học và bảo vệ theo dạng tại chức, chẳng hề đi học, chẳng trực tiếp học mà vẫn có bằng. Cứ không có vùng cấm, kể từ tổng chủ trở xuống, lại chả lòi ra cả đống. Ai cũng biết, đám lãnh đạo ưa bằng tiến sĩ luật nhất, bởi chẳng cần học vẫn có bằng, kiến thức luật thì rất mông lung, cũng như dạng chính trị cao cấp vậy. Có cũng như không bởi nó chả có tác dụng gì, thậm chí chỉ hại.

Nể

Vẫn biết trò chơi quyền lực chính trị rất phức tạp, nói theo kiểu người Nam Bộ, "dzậy mà không phải dzậy" nhưng chuyện xảy ra ở Thái Lan hôm 16.8 đáng để suy ngẫm.

Các nhà lập pháp Thái (quốc hội) đã bầu thủ tướng mới cho nước này. Họ không hiệp thương giới thiệu, không quán triệt việc cơ cấu, bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ, xét lý lịch trong sạch, tìm đối tượng có nguồn gốc 3 đời bắt cua, độ tuổi bao nhiêu bao nhiêu, giàu kinh nghiệm, bằng chính trị cao cấp, học qua lớp bồi dưỡng cán bộ chiến lược, ít nhất đã 1 - 2 khóa ủy viên trung ương, con đồng chí nào, quê ở đâu, có truyền thống cách mẹ cái mạng không, v.v..😎

Họ đã tín nhiệm với số phiếu cao hơn gấp đôi không tín nhiệm (319 thuận, 145 chống) bầu cô gái, thực sự là một cô gái bởi Paetongtarn Shinawatra mới 37 tuổi, làm Thủ tướng. Nàng Paetongtarn là Thủ tướng trẻ nhất của Thái Lan - một đất nước luôn tràn trề sức sống và đầy khát vọng, một nước luôn tự hào không phải đánh thắng vài ba đế quốc to nào, không ném xương máu dân vào những cuộc chiến ý thức hệ.

Bầu là bầu, chỉ cốt chọn được người tài giỏi đứng ra phục vụ đất nước và nhân dân, chứ không phải đặt đảng điếc gì lên trên. Chỉ cần lệch ra khỏi đường hướng mục đích cao đẹp ấy, sẽ bị phế truất, mà ta quen gọi là đảo chính.

Tuổi 62

 Chào mừng các bác, anh chị, bạn đọc quý mến

Đúng 14 giờ hôm nay 21.8, nhà quản trị của Google quản địa chỉ blogspot này đã mở khóa cho nhà cháu, nhà cháu lại có thể tái ngộ mọi người.

Chúc cả nhà an lành, vui vẻ, mạnh khỏe, mọi điều tốt đẹp.

Đây là mấy dòng nhà cháu biên nhân sinh nhật lấn thứ 62 của nhà báo Trương Huy San, tức Huy Đức, Osin Huy Đức, sinh ngày 20.8.1962.

Huy Đức mà vinh quang trở về, tôi phải mời y cốc cà phê chứ không để y trả tiền như mọi lần bởi y có lần mắng tôi đã nghèo còn làm bộ làm tịch.

Hôm nay sinh nhật y, tẩn mẩn nhớ câu trong lời mở đầu cuốn "Giải phóng" (tập 1 của bộ Bên thắng cuộc): "Ngày mà tôi, một cậu bé mười ba, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe loa phóng thanh truyền tin "Sài Gòn giải phóng". Thay vì tiếp tục ăn thua, chúng tôi buông nhau ra".

Xứ này thường ngược đời: độ lượng như trẻ con, nhỏ nhen như người lớn.

Có nhẽ lúc này nhà cai trị nên học tinh thần cởi mở ấy của bọn trẻ nhãi, đừng ăn thua nữa, buông nhau ra.

Nguyễn Thông