Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Chớ nên nhầm lẫn mấy từ hay bị nhầm

Có một số từ gốc Hán Việt mà nhiều người thường nhầm khi sử dụng, cụ thể là là giả thiết - giả thuyết, thập niên - thập kỷ. Nghe qua thấy chúng có vẻ gần nghĩa nhau, nhưng nên dùng chính xác trong mỗi trường hợp thì vẫn hơn.

Trước hết nói về cặp từ giả thiết - giả thuyết. “Giả thiết” có nghĩa là điều gì đó, một vấn đề gì đó được nêu ra tạm coi như có, rồi có thể căn cứ vào đó mà suy luận, mà tìm ra sự thực. Khi nêu giả thiết nào đó, người ta thường căn cứ vào một số sự vật, hiện tượng có thực nhưng chưa chắc chắn lắm. Đó chỉ là dạng phỏng đoán. Chẳng hạn giả thiết vụ nổ mìn ở tỉnh Q là do mâu thuẫn cá nhân bởi trước đó có biểu hiện mâu thuẫn cá nhân giữa những người liên quan. Nhưng cũng lại có giả thiết khác cho rằng có thể do quan hệ nam nữ bởi nạn nhân từng bị nhắn tin đe dọa này nọ sau khi từ chối tình yêu… Cơ quan điều tra nêu ra nhiều giả thiết từ một vấn đề, vụ việc để từ đó điều tra, loại trừ, tìm ra sự thực.

“Giả thuyết” khác giả thiết ở chỗ nó là cách giải thích một hiện tượng hoặc một vấn đề nào đó, dù chưa phải là đúng nhưng tạm được chấp nhận. Khi nêu giả thuyết, người ta có cơ sở lý luận, sự tìm hiểu, phân tích, lý giải có hệ thống, thậm chí có căn cứ khoa học, chứ không phải chỉ phỏng đoán này nọ. Ví dụ, giả thuyết về cái chết của ông Tạ Thu Thâu lãnh tụ troskist sau CMT8 dù chưa được thừa nhận là đúng nhưng có nhiều cơ sở để tin như vậy; hoặc giả thuyết vụ nổ ghê gớm ở Tunguska (Siberia, Nga) năm 1908 là do thiên thạch bởi các nhà khoa học phát hiện được những vật thể lạ, khác với vật chất trái đất xung quanh nơi phát nổ.

Nói tóm lại, nhiều nhà báo hay nhầm khi dùng từ "giả thuyết" mà lý ra phải là "giả thiết" mới đúng.

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Ngày tết, ngẫm về thú chơi hoa

Dường như thời nào con người cũng có thú chơi hoa. Hoa gắn với người, cũng như cỏ cây từng gắn bó với người. Nhưng cây cỏ thường thuần về giá trị vật chất, để làm nhà, làm vật dụng sinh hoạt, để ăn; còn hoa thì nghiêng về giá trị tình cảm, tinh thần. Thiên nhiên tạo hóa chu đáo thế là cùng, cho ta cả vật chất lẫn tinh thần bằng những phẩm vật đặc trưng của nó.

Đọc văn của người xưa thấy có ghi lại những thú chơi hoa tinh tế, độc đáo. Thậm chí không phải là chơi nữa mà là tôn vinh, sùng kính, có gì đó rất thiêng liêng, cao quý. Hoa và người chung tình còn hơn cả vợ chồng.

Hồi tôi đã nhớn học cấp 2, chả biết anh chị tôi mượn được ai cuốn Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh tác giả bên Tàu. Một cuốn sách ma mị cuốn hút, đặc biệt là những chuyện về hoa. Hồn hoa cúc, hoa đào hiện thành người, thành thiếu nữ lảng vảng trong thế giới hư hư thực thực. Người hay hoa, hoa hay người, đọc vừa sờ sợ, vừa mê say. Có lúc tôi từng tin rằng những khóm hoa cúc gần bể nước, hoặc cây hoa đào thày tôi trồng trước sân nhà chính là những cô thiếu nữ xinh đẹp, bí ẩn biến thành, đến nỗi đêm tối không dám đi rửa chân, nhất là vào mùa đông rét mướt, lúc hoa cúc đã tàn, hoa đào chớm nụ.

Đọc truyện của cụ Nguyễn Tuân ta cũng gặp thú chơi hoa sành điệu. Cụ cực kỳ ghét kiểu chơi hoa xô bồ, ép uổng hoa, ăn tươi nuốt sống hoa. Trong mắt cụ Nguyễn, chơi hoa kiểu vác cành đào hãnh diện đi giữa phố ra cái điều ta đây chọn được cành đào đẹp đắt tiền cũng chỉ nói lên được cái chất của anh trọc phú. Những trang cụ viết về hoa thủy tiên, đặc biệt là sự tỉa tót, chăm sóc công phu loài hoa khó tính này của nghệ nhân say hoa có thể coi là thứ biên niên về thú chơi sành điệu truyền tụng theo năm tháng.

Dành riêng cho K17: Bá Tân chúc tết

Mừng năm mới
               Tặng các anh chị và các bạn K17

Chúc sang năm mới khỏe như... năm cũ
Ngủ tự chọn
Cháu con ngoan hiền
Ví luôn no tiền

Tiến, sợ gì mà không tiến, dù đến đích Vĩnh Hằng
Rằng, chúc như thế được không?

Ông vui bà sướng, đã làm là một trăm phần trăm
Năm ni ta quyết ra vào thường xuyên

Thuyền chở đạo càng nhiều càng vững
Sắc hay không, do thép do mài

Mai sau về với tổ tiên
Nợ duyên K17 thắm hơn thời dương gian

Bá Tân cẩn chúc

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Chuyện thư từ

Phải công nhận bây giờ người ta sướng thật, nhất là bọn trẻ. Nếu phải đi xa, cuộc sống xa cách người thân, đối với chúng cứ nhẹ hều. Làm gì nghĩ ngợi cho mệt đầu, bởi khi cần thì móc cái điện thoại di động “ma phôn” bấm vài nhát, tất cả hiện lên ngay trước mặt, cả cha mẹ, vợ chồng con cái, người yêu, bồ biếc, cả khung cảnh quê hương, làng xưa phố cũ, thậm chí con chó con mèo từng gắn bó với mình đang nuôi ở nhà… có tuốt trong máy, sinh động, không khác gì đang bên nhau. Chẳng còn cảm giác xa xôi, trong Nam ngoài Bắc, thậm chí tận bên Mỹ nếu đi máy bay phải mất hơn 1 ngày đằng vân, vậy mà đường viễn liên hàng vạn cây số chỉ trong nháy mắt bấm một nhát là có thể í ới, nhìn nhau được ngay. Với những công nghệ hiện đại như Facebook, Skype, Fiber… vừa trò chuyện, vừa ngấm nguýt liếc nhau, tán phét cả ngày mà không mất xu nào. Thế mới kinh.

Bây giờ ít ai biết hoặc nhớ rằng công nghệ hiện đại, đặc biệt là internet đã giết chết một ngành có bề dày như thành nhà Hồ. Ngành bưu chính. Người lớn lẫn trẻ con chả ai nhắc tới bưu chính nữa. Nó đã chết lặng lẽ, không điếu văn, không sự thương tiếc của người đời. Kéo theo nó xuống mồ là con tem và cái bì thư (còn gọi là phong bì: phong tức là sự bao bọc, bì là cái vỏ).

Hồi tôi còn bé, những năm thập niên 60, thỉnh thoảng thấy chú đưa thư dừng xe đạp ngoài ngõ gọi vọng vào, ông ơi, ông có thư này. Thày tôi ra nhận thư, hôm nào chú đưa thư bận thì đạp xe đi ngay, có hôm vào uống nước. Thư của một người bạn bên Pháp gửi về cho thày tôi, những chiếc phong bì rất đẹp, in nhiều hình ảnh nước Pháp. Thày tôi lấy chiếc kéo con, cắt cẩn thận, đọc xong xếp ngay ngắn vào chiếc hộp sắt tây, lưu lại như một thứ kỷ vật. Dạo anh Uy tôi đi học ở Liên Xô, thư gửi về, thày tôi cũng làm như vậy. Sau khi thày tôi mất, mấy chị em tôi vẫn giữ y nguyên những lá thư và chiếc hộp sắt ấy, mỗi lần giở ra coi luôn có cảm giác ấm nóng, gần gũi, dường như thày chỉ vừa đi đâu vắng chút xíu rồi lại về.

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Chuyện giò chả

Bây giờ nói chuyện thèm ăn giò, bọn trẻ nó cười cho. Thèm gì chả thèm, lại đi thèm giò. Khổ, nào chúng có bao giờ phải chết thèm chết nhạt như mình hồi xưa mà hiểu.

Có lần trong một bài về thời bao cấp, tôi kể rằng hồi bé có khi cả năm cũng chỉ được một đôi lần ăn giò (mà chỉ độc món giò lụa), cô em tôi đọc xong, nó giãy nảy lên anh viết thế là sai toét rồi. Hỏi sao sai, nó bảo chính xác là chỉ 1 lần thôi, dịp tết âm lịch, chứ ngoài ra không còn lần nào nữa. Ngày rằm, ngày cúng giỗ cũng chỉ thịt lợn thịt gà kho nấu luộc, tôm cá có hơn ngày thường chứ tịnh không có giò nhé. Đó là món của bậc thượng lưu, đại phú, làm chi mà đến được dân quê.

Không được ăn giò nhưng biết đến giò từ bé. Lúc mới đi học, lớp vỡ lòng của cụ giáo Bạt (học cụ được nửa năm thì chuyển lên lớp tập chép của cụ giáo Mông) làng Trà Phương quê tôi, đám trẻ lên 5 lên 6 đứa nào cũng thuộc bài “giã giò, giỏ cá” khi cụ Bạt dạy đến dấu thanh hỏi và ngã. Âm o thì học ngay từ bài đầu tiên Ò ó o vẽ một con gà trống rõ oai vệ đang há mỏ cất tiếng gáy. Bài học văn hóa đầu đời thế hệ tôi bắt đầu từ con gà trống, từ tiếng gáy. Lâu nay người ta cứ cãi nhau đâu là âm đầu, thì đúng là âm a, nhưng học đầu tiên lại là âm o. Ấy, cái thời chúng tôi nó vậy, cãi chi cho mệt.

Tôi cũng chả nhớ cụ giáo Bạt làng Trà có giải thích gì thêm về giò chả không bởi khi ấy còn bé quá. Lớn lên, lớn mãi suốt nhiều năm sau chỉ biết thịt lợn kho hoặc luộc, con tôm con cá kho mặn, họa hoằn con gà luộc chứ không biết giò chả. Bọn trẻ con hỏi nhau thèm cái gì, đứa thì bảo thèm thịt gà luộc, đứa thì thèm cá chép rán chấm mắm loại 1. Chả đứa nào thèm giò, đơn giản bởi không biết nó ra sao. Phải nhớn chút nữa mới được nếm mùi vị giò. Giò lụa hẳn hoi, tự làm lấy.

Dạo nhà tôi đã vào hợp tác xã nông nghiệp (nửa đầu những năm 1960), thịt lợn hiếm lắm. Dân thành phố thì có sổ lương thực, có phiếu thực phẩm chứ nông dân phải tự túc tự cấp hết. Lợn nuôi lớn không được giết thịt, phải bán tất cho nhà nước. Cám bã rau cỏ cho lợn thì dân tự lo, còn lợn do nhà nước quản. Ông nào mà giết lợn chui, họ biết được, có khi bị đi tù.

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Rất vớ vẩn

Hôm 20.1, vừa mới nghe một đơn vị xây dựng của quân đội (tưởng của ai, hóa ra của bên quốc phòng) báo cáo 3 phương án mở rộng, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất để nâng công suất gấp đôi hiện tại, sau khi có sự thảo luận cho phải phép, ông Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng liền chốt ngay, nhất trí chọn phương án 3.

Một vấn đề lớn quốc kế dân sinh như thế, đáng lý phải lấy ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia thì lại phụ thuộc vào một cá nhân. Ông Dũng dù có thiên tài chăng nữa cũng không thể tự ý thế được. Ở xứ ta, khá nhiều "thiên tài" đã tự ý mình đặt dân đặt nước vào sự đã rồi, gây ra bao nhiêu tai họa, há chẳng rút ra được tí kinh nghiệm xương máu nào ư?

Điều đáng nói, cái phương án mà ông Dũng phó chọn đã "thành công" trong việc né sân golf, không đụng đến phe nhà binh. Giời ạ, ông bà nào cũng sợ sân golf thì Tân Sơn Nhất dù có cải tạo sửa chữa mấy đi chăng nữa cũng vẫn chỉ là tấm áo vá chằng đụp, tốn tiền mà chả nên cơm cháo gì.

Quân đội (thực ra thì chỉ có đám tướng lĩnh nào đó câu kết với kẻ nắm quyền, chứ không phải toàn quân) không có lý gì để khư khư giữ cái sân golf, dù họ đã hàng trăm lần bao biện. Hãy tử tế, đàng hoàng, đặt quyền lợi của dân lên trên hết, đừng cố chấp nữa. Thời nay chiến tranh hiện đại, bảo rằng một cái sân golf giữa đô thị để làm đất dự trữ cho quốc phòng chỉ là thứ lý sự cùn, lý luận giẻ rách.

Quốc hội nếu đúng là quốc hội của dân thì hãy quyết định lấy lại ngay cái sân golf đó phục vụ dân sinh, đừng để dân chê cười. Mắc cỡ lắm.

Nói thêm: Hôm 13.1, tôi ngồi trong phòng chờ ở ga trong nước sân bay Tân Sơn Nhất để ra Bắc. Căn đồng hồ, thấy chính xác cứ hơn 2 phút lại có một máy bay cất cánh, nếu tính cả máy bay hạ cánh có lẽ chỉ hơn 1 phút là có 1 chuyến lên hoặc xuống. Hồi trước, tôi nghe kể ở sân bay Kennedy bên Mỹ cứ 1 phút là có chuyến bay, trên bầu trời sân bay lúc nào cũng có máy bay, chỉ lắc đầu lè lưỡi, không dám tin đó là sự thực. Nay thì tận mắt chứng kiến trên đất mình. Điều đó chứng tỏ sự phát triển vượt bậc của ngành hàng không nước nhà, sự tiếp cận của dân chúng đối với loại phương tiện giao thông lâu nay chỉ dành riêng cho người giàu và quan chức. Nay chỉ vì quyền lợi ích kỷ của đám lợi ích (trong đó có giới chóp bu quân đội) mà ngăn cản những quyền lợi chính đáng của nhân dân, thì đó chính là tội ác.

Hãy trả sân golf về cho nhân dân.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Vênh

Tôi đã "tự dặn lòng" đừng chê bai gì các anh chị cao cao, làm họ nhột, họ buồn. Nhưng khổ nỗi các vị ấy cũng ất ơ quá cơ.

Một chị chức rất to (nhưng có lẽ tài cũng thường thôi) phàn nàn ai đời phó chủ tịch quốc hội về làm việc (có lẽ là để kiểm tra, hạch hỏi) với địa phương tỉnh thành mà địa phương lại chỉ cử phó chủ tịch ra tiếp. 

Theo ý chị ấy, người to (bà này quả thật rất to nặng) như thế về thì ngay cả bí thư, chủ tịch ra tiếp cũng còn vênh, cũng còn bên trọng bên khinh (bên nặng bên nhẹ), đâu có cái thói xem thường trung ương vậy...

Xin thưa với chị, các chị trọng hình thức nó vừa vừa thôi nhé. Về làm việc cốt sao cho thực chất, hiệu quả chứ không phải để tay bắt mặt mừng, bà kia phải xứng ông nọ. Địa phương người ta trăm công nghìn việc, người ta phân công phân nhiệm rõ ràng, ai nắm ai quản việc nào thì cần làm việc với người ấy.

Không phải cứ người đứng đầu là biết cả mọi điều đâu. Kinh nghiệm cho thấy người đứng đầu nhiều khi chỉ biết chung chung, nói năng luẩn quẩn lung tung thôi, đại loại nhìn chung thế này, tổng quan thế kia chứ có biết quái gì. Địa phương cử người có am hiểu, rành rẽ ra tiếp, ra làm việc với các vị là may cho các vị đấy. Đã không biết cảm ơn họ, lại còn cằn nhằn vớ vẩn.

Cái sự quan cách của các vị đã ăn sâu vào não rồi, đừng vênh váo thế, mau mà gột rửa đi thì còn kịp... giữ ghế.

Ký tên: Thông

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Bản lĩnh nhà báo Hữu Nguyên

BÁ TÂN (nhà báo)

Hữu Nguyên là một trong hàng chục ngàn người có thẻ nhà báo và đang hành nghề trong làng báo chí quốc doanh.

Tên tuổi Hữu Nguyên trở nên quen thuộc với số đông bạn đọc, thông qua những bài viết có sức nặng trên báo Đại Đoàn Kết cũng như blog cá nhân của nhà báo này. Sống cũng như viết, Hữu Nguyên luôn thể hiện sáng ngời tinh thần: đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Cách đây chưa lâu, Hữu Nguyên gây sốc dư luận khi trở thành trường hợp “xưa nay hiếm” đứng ra khởi kiện người đứng đầu tờ báo mà Hữu Nguyên là thuộc cấp. Điều mà chính anh bảo "cực chẳng đã mà phải làm" bởi không thể để cái xấu cái sai tác oai tác quái mãi. Góp ý, khuyên bảo nhau mãi không xong thì phải đưa ra tòa. Tòa án quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đưa vụ án ra xét xử, Hữu Nguyên đại thắng, bị đơn nguyên là tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết thua kiện nhục nhã.

Trước khi phát đơn khởi kiện người đứng đầu báo Đại Đoàn Kết, Hữu Nguyên nhiều lần có văn bản gửi cơ quan chủ quản nêu rõ các sai phạm của tờ báo này, đồng thời kiến nghị xử lý đúng mức.

Thay vì kiểm tra để xử lý sai phạm, cơ quan chủ quản tìm cách né tránh, thậm chí bao che sai phạm cho người đứng đầu báo Đại Đoàn Kết.

Thất vọng với cơ quan chủ quản nhưng Hữu Nguyên không nao núng, vẫn kiên trì và kiên quyết đấu tranh bảo vệ lẽ phải và đem đến thắng lợi cả về pháp lý cũng như đạo lý cho báo Đại Đoàn Kết.

Trong làng báo chí Việt Nam, mấy ai có được bản lĩnh và cốt cách như Hữu Nguyên. Đó là người không vì miếng cơm manh áo mà chấp nhận quỳ gối.

Điển hình

Hồi xưa, mình học văn lớp 7 (trên 10, phải nói thêm thế kẻo có ai đó không hiểu lại bảo mình trình độ mới trên tiểu học), thầy Ngô Minh Phất bồi dưỡng đi thi học sinh giỏi văn toàn thành phố Hải Phòng, cứ khi đến bài về kỹ năng phân tích tác phẩm - phân tích nhân vật, thế nào thầy cũng nhắc đi nhắc lại phải nhớ phân tích được nhân vật điển hình, có tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Dường như đó là thứ ba rem mẫu mực mà bất cứ đứa học văn nào ở miền Bắc thời ấy cũng phải nắm được; bất cứ thầy dạy văn nào cũng phải truyền thụ được.

Mình chỉ học để thi cấp thành phố thôi, chứ cái Ngọt em mình còn kinh hơn, đang thời chiến tranh bom đạn ác liệt là thế mà nó cơm nắm cơm gói lên tận xã Đông Phương gần ngã ba Phúc Hải để trọ học, nghe thầy Nguyễn Văn Trới dạy văn nổi tiếng miền Bắc huấn luyện cho đội đi thi văn toàn miền Bắc. Chắc thầy Trới cũng nói với chúng nó, các em ạ, phải làm rõ được nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình.

Hôm nọ sau bao nhiêu năm, mình lại được nghe nhắc về điển hình. Cái bác ấy nói rằng vụ Trịnh Xuân Thanh là một điển hình quyết liệt chống tham nhũng, giao 9 cơ quan vào cuộc rất hùng hậu. Mình định bổ sung cho bác ấy, đúng thế, hoàn cảnh rất điển hình, nhân vật rất điển hình, việc 9 cơ quan sừng sỏ cùng lúc vào cuộc làm rõ cũng rất điển hình...

Chỉ có điều, cuối cùng, nó (Thanh) trốn mẹ nó mất. Sau rất nhiều thứ điển hình thì vụ nó trốn cũng rất điển hình.

Vụ này làm mình nhớ đến vụ Tiên Lãng. Hơn 200 cảnh sát, bộ đội, dân quân, cả sĩ quan đại tá... súng ống đầy đủ, trang bị tận răng (áo giáp chống đạn, mặt nạ phòng độc, chó ngao) đến vây mấy anh em con cháu nhà Vươn tay không (dư luận nói đùa là mấy thằng đánh dậm), căng thẳng, hồi hộp, rất... khốc liệt, sau cả giờ đồng hồ đấu trí đấu lực (có thể viết thành sách, thành giáo án dạy trong trường công an), đến khi quân ta ập vào thì bọn đánh dậm đã biến mất tự bao giờ. Chả biết sách đã viết xong, xuất bản chưa. Hay đợi gộp vụ Xuân Thanh này làm luôn cho hoành tráng.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017

Bồi thường oan sai: Cao hay thấp, nhiều hay ít…

Quả thật rất khó nói khi đọc thông tin này: Sáng 9.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, với tư cách người đứng đầu một cơ quan tư pháp cấp cao nhất của nhà nước đã nhắc lại chuyện bồi thường những vụ oan sai vừa qua, vụ đã bồi thường ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, đang rắc rối vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Ninh Thuận, rồi có thể tiếp là vụ ông Hàn Đức Long (cũng Bắc Giang) nữa. Tinh những vụ oan sai kinh người, “chấn động địa cầu”.

Dưới góc độ cá nhân, ông Nguyễn Hòa Bình nhận định rằng số tiền bồi thường cho ông Chấn Bắc Giang là quá cao, nó gây khó khăn, tạo tiền lệ xấu cho những vụ bồi thường tiếp sau. Ông Bình dẫn ra vụ ông Nén – người tù thế kỷ. Ông bảo rằng đang rất gặp trở ngại bởi nếu theo quy định của Bộ Tài chính thì mức bồi thường sẽ rất thấp, thấp hơn nhiều so với bồi thường cho ông Chấn, trong khi ông Nén bị tù nhiều năm hơn (17 năm, so với 10 năm).

Dĩ nhiên với những nhà chức việc như ông chánh án Bình thì xử lý những điều hệ trọng vậy phải căn cứ vào các điều luật, quy định, con số cụ thể. Sai một li có thể đi ngàn dặm. Việc xét xử kết án ông Chấn, ông Nén, ông Long và bao nhiêu vụ oan sai khác đều bắt đầu từ những cái sai, nay không cho phép sai tiếp theo nữa. Đồng tiền bồi thường oan sai không phải là vô hạn, bao nhiêu cũng được. Càng chính xác, sát hợp, càng thuyết phục và dễ được chấp nhận.

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Nhắc nhở các chị hay lam hay làm

Xứ ta khí hậu nóng ẩm nhưng do môi trường quá ô nhiễm nên nhiều bụi. Càng thành phố càng bụi, nông thôn thì đỡ hơn chút ít. Chỉ riêng cái vụ lau bụi cho đồ đạc trong nhà cũng tốn biết bao thời gian, công sức. Không lau thì ngứa mắt, không chịu được. Những nhà khá giả có thuê osin thì chả nói làm gì, còn bình thường cứ phải vài tuần mới tự làm.

Tuy nhiên, có một thứ mà chúng ta ít quan tâm lau bụi, là cái đèn điện. Stt này chỉ đề cập đến những nhà còn dùng đèn ống, còn gọi là đèn neon (nê ông). Tôi biết có nhà cả năm không lau đèn, đơn giản bởi vì nó bị lắp ở trên cao, phần nữa thấy nó vẫn sáng nên ít quan tâm.

Cần hiểu rằng chiếc đèn ống có 1 phần ép sát ống máng, bị hạn chế tỏa sáng. 3 phần còn lại (trên, trước, dưới) thì phần trên luôn chịu bụi. Nhiều khi, tôi tháo xuống lau, lớp bụi phía trên phủ đầy đen kịt, ngăn hết ánh sáng. Nhiều nhà không tháo đèn ra lau bụi thường xuyên bở vì thấy nó còn sáng, nhưng thực ra đã bị mất độ sáng rất nhiều, vừa hại mắt, vừa lãng phí điện (do phải bật thêm đèn). Dịp trước Tết, nhân tiện làm vệ sinh nhà cửa, nên lau đèn luôn. Còn bình thường, ít nhất vài ba tháng lau một lần, lau vào ban ngày.

Việc đầu tiên là ngắt cầu dao cho an toàn (cho nên phải lau ban ngày). Bắc thang chắc chắn, có người giữ chân thang càng tốt. Nhích nhẹ hai đầu máng đèn, lấy bóng ra, cẩn thận kẻo rơi bể. Lấy giẻ nhúng nước vắt kiệt lau đèn cho sạch, nhất là phía bị đóng bụi. Lắp lại vào, tiện thể kiểm tra con chuột (tắc te), nếu nó cũ quá thì thay luôn (rẻ thôi, chừng 5-7 nghìn/cái). Lắc lắc nhẹ coi xem đèn đã chắc chưa, kẻo bị lỏng có khi mối điện chưa đủ tiếp xúc, nhỡ lỏng rơi xuống thì dọn mệt.

Kéo lại cầu dao, các chị sẽ thấy cũng vẫn cái đèn ấy, ánh sáng hơn hẳn rất nhiều so với trước khi lau. Chỉ chịu khó tí thôi mà chả tốn đồng nào.

Nhân chuyện này, lại nhớ hồi còn bé tôi được xem phim Trung Quốc “Đứng gác dưới ánh đèn nê ông” nói về mối tình của một người lính với cô gái Thượng Hải. Lúc ấy chưa hiểu gì về tình yêu nên chỉ trầm trồ Trung Quốc hiện đại thật, họ có cả đèn nê ông (ánh sáng trắng), trong khi xứ ta tinh dùng bóng đèn tròn đốt dây tóc, sáng vàng vọt. Chỉ ao ước khi nào nước mình có được đèn nê ông, hì hì.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

Hoa đào

Gần 4 chục năm sống phận tha hương, mỗi khi nhớ về đất Bắc, nếu không kể nỗi nhớ con người, tôi chỉ nhớ nhất hoa đào.

Cũng chả hẳn riêng hoa đào. Nhiều lúc cồn cào nhớ mùa đông bởi trong này nóng quanh năm, chẳng biết mùa đông bao giờ. Dù có nhiều kỷ niệm về mùa đông, nhưng mùa đông thường gợi lại cảm giác kinh hoàng, rét mướt, đói rách, vất vả… nên tuy nhớ, bồi hồi thật đấy mà vẫn kinh kinh. Còn hoa đào lại khác, trong trẻo, êm đềm, gợi bâng khuâng, xao xuyến, cứ chập chờn như thực như mơ, lúc xa lúc gần. Hoa đào là vẻ đẹp của đất Bắc nhiều sương gió, lạnh lùng.

Từ bé đến nhớn 17 tuổi, tôi chỉ quanh quẩn nơi xóm làng, chẳng mấy khi được đi xa. Làng Trà Phương (Hải Phòng) quê tôi nằm ngay chân núi Trà, còn gọi là núi Chè, làng nhỏ bé, chật chội, sức trai đi một mạch hết từ đầu làng tới cuối làng, vẫn chưa phải thở dốc, chưa đổ mồ hôi. Người làng hiền lành, từng họ tộc quây quần với nhau thành nhóm chục hoặc hơn chục hộ, đến giờ sau gần nửa thế kỷ xa quê (kể cả thời đi học), tôi vẫn nhớ như in chỗ quần cư của họ Nguyễn, họ Vũ, họ Ngô, họ Đặng, họ Đỗ, họ Phạm; nhớ hồi ấy xóm Núi có những nhà nào, xóm Thành phủ có nhà nào, lối đi làm sao; nhớ những nhà ai xây tường bằng đá núi, nhà ai lợp ngói (hiếm lắm), nhớ những khoảnh vườn của từng nhà rào giậu ra sao. Nhiều lúc thấy khiếp cho bộ não, nó chứa thứ trí nhớ bền bỉ vậy, nó lèn đầy hình ảnh, chi tiết, nó không chịu xóa bớt đi để nhường chỗ cho cái mới, mà sao chả nổ tung lên nhỉ. Thứ nồi áp suất này, phải tháo van xả bớt ra bằng những cuộc gõ bàn phím tái hiện ký ức, âu cũng là cách giữ cho đầu mình được an toàn vậy.

Trong đám trí nhớ đó, hiện lên những sắc hoa đào. Hầu như nhà nào, dù vườn rộng hay hẹp, cũng trồng một hoặc vài cây đào. Dường như tôi thấy chỉ có nhà cụ Đẹn nghèo nhất làng là không trồng đào. Mảnh vườn trước sân nhà cụ chỉ trồng khoai lang quanh năm, ngoài ra chả có thứ cây ăn quả nào. Có lẽ, với vợ chồng cụ và các con cụ, khoai cần hơn tất cả, bởi ổi hay táo hay hoa đào đều không cứu được đói.

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Lệnh miệng

Mấy bữa ni, thiên hạ đồn rầm chuyện cuốn Trương Vĩnh Ký - nỗi oan thế kỷ của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu bị cấm lưu hành trên đường sách Sài Gòn, xuất phát từ một cái lệnh miệng.

Tôi chưa rõ đầu đuôi việc này (có bị cấm hay không) nhưng thiên hạ đồn ran như thế mà chả thấy nhà chức việc có trách nhiệm nào lên tiếng, chứng tỏ các bố chỉ ăn ngủ là giỏi, khi có việc cần đến thì lẩn như trạch, mất hút con mẹ hàng lươn.

Nếu thực sự có cấm, thì ai ra lệnh cấm, vì sao cấm. Một cuốn sách nói chung, một công trình của nhà nghiên cứu có uy tín nói riêng, để được ra đời thường phải trải qua rất nhiều khâu thẩm định, xét duyệt, cho phép, cấp phép, vậy khi nó đã thành sản phẩm hoàn chình rồi, lại cấm là cớ làm sao. Làm gì cũng phải có pháp luật, chứ muốn cho xuất bản thì xuất bản, muốn cấm thì cấm, thứ đâu có thứ lạ đời, nhố nhăng thế.

Phải làm rõ thứ lệnh miệng ấy xuất phát từ kẻ nào. Tất cả phải được rõ ràng theo pháp luật. Chấm dứt ngay cái thói lệnh miệng ba vạ, tào lao; đến khi cần truy ra lại không biết là ai, cứ đổ qua đổ lại, lờ tít tìn tịt, không biết con ma nào.

Vụ cấm sách của cụ giáo sư Đầu làm tôi nhớ đến vụ Z30 hồi năm 1983. Tự dưng có một thứ chỉ thị, bảo là tối mật, chỉ đạo bí thư các thành phố lớn phải đánh tư sản, tịch thu nhà cửa, tài sản của những gia đình có nhà 2 tầng trở lên (2 tầng ở miền Bắc, tức là 1 trệt 1 lầu ở miền Nam). Sau này rất nhiều bài viết, kể cả sách của ông Đoàn Duy Thành, lời kể của ông Nguyễn Văn An... đều tường thuật vụ này, nhưng đều nói đó là lệnh miệng. Lệnh miệng là thế đéo nào, lời nói gió bay, phải có chỉ thị cụ thể từ ai đó thì các bố mới dám làm chứ. Mà giả dụ lệnh miệng có thực, thì phải của kẻ rất có thế lực, nó nói mà không làm là nó giết, thì mới sợ thế chứ. Các bố biết tỏng tòng tong đó là kẻ nào, lại còn dập dờn như lúa xuân trước gió, nửa kín nửa hở. Sao không nói toẹt ra. Phải chỉ mặt đặt tên những kẻ làm hại đất nước cho dân chúng lên án, cho nó chừa cái thói tùy tiện làm khổ dân chứ không thể nhân nhượng, bao che cho chúng mãi được.

Vé số tăng giá và quốc gia khởi nghiệp

NGUYỄN BÍCH HẬU (nhà báo)

Vé số Vietlot bán ngoài đường bị người bán tăng giá 20%, từ 10 ngàn thành 12 ngàn mà bà con vẫn mua như trảy hội. Chả ai phàn nàn hay phản đối, Thậm chí nhiều người không hề tiếc tiền mua vé số. Họ mơ thấy giấc mộng trăm tỷ đang tới rất gần. Mỗi lần có ai đeo mặt nạ lãnh giải là tim nhiều người đập loạn nhịp.

Thiệt chả có gì dễ dàng hơn kinh doanh vé số Vietlot ở VN. Bởi vì dân ta máu me cái gì mau kiếm tiền mà chả phải làm mấy. Ví như nhiều bà nhiều mợ vẫn khoe rằng con mình đi làm nhàn lắm mà lương rất cao, hoặc là chả phải làm gì mà tới tháng vẫn có tiền. Nếu một phát chỉ mất mười mấy ngàn mà có cả trăm tỷ thì còn gì phải nói nữa...

Một cách mau có tiền hơn cũng đang được quảng bá rầm rộ chính là lấy đại gia. Câu chuyện nàng chưn dài 27 tuổi có khả năng lấy được 1 tỷ USD của ông lão 72 làm cho nhiều cô gái trẻ mê mẩn. Không ít cô lấy hình ảnh nàng chưn dài làm hình nền của điện thoại di động hay avatar trên FB để tự nhắc nhỏm mình về giấc mơ hoa...

Bởi thế nên sáng nay đọc báo thấy Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói muốn giảm tỷ lệ thất nghiệp thì sinh viên vừa ra trường cũng nên tạo việc làm cho mình bằng khởi nghiệp mà thấy ớn. Bởi đại học VN dạy như trên trời, ra trường các em này rơi tõm xuống... vực thẳm, đi làm thuê còn chưa ai nhận nữa là khởi nghiệp để ném tiền vốn của cha mẹ ra cửa sổ. Nghe hô hào về khởi nghiệp rất kinh mà chả thấy cơ quan nào hỗ trợ ra một doanh nghiệp ra hồn ra vía, sống được với thương trường. Chưa kể đẻ ra doanh nghiệp mà muốn tồn tại được thì cũng phải hiểu luật của Nhất quan hệ, Nhì tiền tệ.

Thế thôi, nên vé số tăng giá 20% chứ 50% chắc vẫn có người mua. Và đổi đời một phát lên tiên thành phu nhơn tỷ phú vẫn là giấc mộng của rất nhiều em gái. Chẳng trách 2 mục vé số và chưn dài tỷ phú luôn được các báo ưu ái cho lên trang nhứt với lượt tương tác choáng hồn, còn khởi nghiệp chỉ được cho vào khe kẽ của các chuyên mục bài viết cúng cụ...

Nguyễn Thị Bích Hậu

(Theo Facebook Nguyễn Thị Bích Hậu, https://www.facebook.com/anhthianna/posts/1279032425509605)

Thứ Năm, 5 tháng 1, 2017

Chuyên gia Phạm Chi Lan bóc trần thực chất của tỉ phú Việt Nam: ‘Bất động sản không thể làm chỗ dựa cho nền kinh tế’

TRÍ LÂM (nhà báo, báo điện tử Một Thế Giới)

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bất động sản có thể giúp cho tăng trưởng trong thời gian ngắn nhưng đây không phải là ngành mà nền kinh tế có thể dựa vào để phát triển lâu dài. Muốn phát triển lâu dài thì phải tạo ra nhiều giá trị, ra sức lan tỏa, sản phẩm phải có thể cạnh tranh được trên thế giới.

Trong số 20 người có tài sản lớn nhất trên sàn chứng khoán vừa được công bố có tới 8 đại gia trong ngành bất động sản, chiếm số lượng áp đảo đối với các ngành còn lại. Ngoài ra, những tỉ phú của Việt Nam vừa được thống kê cũng chủ yếu là đại gia bất động sản. Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, các chuyên gia đã đưa ra lý giải về hiện tượng này.

- Theo bà, vì sao số lượng tỉ phú bất động sản ở Việt Nam lại áp đảo như vậy?

- Chuyên gia Phạm Chi Lan: Hai thị trường rất quan trọng là đất đai và tín dụng hiện Nhà nước vẫn kiểm soát. Trong khi tài nguyên quan trọng nhất để làm bất động sản là đất đai. Do đó, những doanh nghiệp nào có quan hệ mật thiết với chính quyền thì dễ tiếp cận được những nguồn lực này hơn, còn các doanh nghiệp khác muốn tiếp cận thì cực kỳ khó khăn.

Nếu không có quan hệ tốt với Nhà nước thì không thể nắm bắt được thông tin quy hoạch, khó có thể có được những mảnh đất đủ rộng, hoặc đủ tiềm lực mà giải tỏa, đền bù cho hàng nghìn dân cư. Dư luận xã hội gọi những mối quan hệ này là các nhóm thân hữu, nhóm lợi ích. Điều này các chuyên gia cũng đã chỉ ra trong Báo cáo Việt Nam 2035.

Chuyện không vui đầu năm: Cứu đói cho dân đón Tết

Đầu năm mới, nhất là lại sắp đến Tết cổ truyền, nói hoặc bàn chuyện vui thì mới phải đạo. Nhưng lẽ đời tuy vậy, mà thực tế lại hay vênh, ít khi hòa hợp. Vậy nên khi nhiều tờ báo của nhà nước chính thức đưa tin rằng cho đến thời điểm này đã có 12 tỉnh trên cả nước đề nghị Chính phủ cấp gạo cứu đói để dân đón Tết thì quả thật thông tin này rất buồn.

Cứ như các báo, theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội), đến ngày 3.1.2017 đã có 12 tỉnh gửi công văn về Bộ xin Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói cho dân dịp giáp Tết Đinh Dậu. Các địa phương gồm: Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Đắk Nông. Tổng số gạo cần cứu đói khẩn cấp hơn 14.700 tấn. Một vị lãnh đạo của Cục Bảo trợ cũng cho biết thêm con số tỉnh thành chưa chắc đã dừng lại ở số đó mà còn có thể tăng, chưa chốt lại bởi còn khá nhiều tỉnh đang rất khó khăn, dân rất đói, đang làm đề nghị nộp lên Chính phủ.

Được biết trước Tết Bính Thân 2016 cũng đã có 19 tỉnh xin Chính phủ cứu đói. Chính quyền các địa phương dù hiểu nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nhưng họ không đành lòng nhìn dân chúng nơi mình đói cơm ngay trong những ngày đón Tết.

Đói, đương nhiên là buồn. Dân chúng bị đói, lại càng buồn hơn. Nhưng đói vào đúng những ngày cần phải được no, được vui để đón Tết đón xuân thì đúng là quá bi thảm. Vẫn biết trên nước mình không phải nơi nào, tỉnh thành nào cũng bị nạn đói hoành hành, tuy nhiên “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, không mấy ai nỡ nhìn đồng bào mình đói kém, thiếu cơm ngay lúc xuân về. Lúc ấy, những hình ảnh quen thuộc như sắc thắm hoa đào, mai vàng đang độ, cánh én chao liệng trời xuân, không khí dập dìu nơi phố xá… bất chợt trở thành vô tình, xa lạ. Có lẽ chả ai nỡ cười vui trong cảnh đói kém, rét mướt của đồng bào mình đang ở khắp nơi.

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Xe buýt nhanh Hà Nội

Tôi viết mấy chữ về vụ tuyến xe buýt nhanh ở HN.

Làm cái gì cũng khó, nhất là lúc ban đầu. Dụng ý của chính quyền HN là để người dân có ý thức sử dụng phương tiện giao thông công cộng, khi thấy thuận tiện, phù hợp thì sẽ bỏ dần xe máy. Điều đó là tốt.

Tuy nhiên, xe máy đã quá nhiều, muốn bỏ dần cũng phải vài ba chục năm nữa. Lúc này có cấm thì nó vẫn bò ra đường. Bởi nó tiện, ưu thế hơn xe buýt, kể cả xe buýt nhanh. Đường thì vốn chật hẹp, dành hẳn một con đường riêng ra cho xe buýt là thất sách. Không phải lúc nào trên đoạn đường ấy, làn đường ấy cũng có xe buýt, trong khi nó bị bỏ trống vài phút đến cả chục phút thì người đi đường phải chen chúc, chen lấn, giành giật trên phần đường còn lại từng giây đồng hồ. Không chỉ là sự bất hợp lý, lãng phí, mà còn là sự cướp đoạt quyền đi lại của nhân dân. người dân có quyền kiện hành vi cướp đoạt này.

Nhìn cảnh một làn đường bị bỏ trống như thế, mà chính mình bị chèn như nêm cối, con người ta rất dễ vi phạm, nhào sang làn đó, bởi không chịu đựng được. Cái sai của dân được bắt nguồn từ cái sai của nhà nước. Nhưng nhà nước có công cụ, bộ máy quyền lực chuyên chính trong tay để phạt, rốt cục chỉ có dân giơ đầu chịu báng.

Những bộ óc nhà nước tính toán kiểu nào cũng vẫn thấy lộ ra ngay phần bất cập, dở hơi. Họ đang chịu hậu quả của chính những chính sách sai lầm trước đó của họ, nên mọi sự sửa chữa chỉ mang tính chắp vá, được nọ hỏng kia.

Nói thêm: Nhưng chính quyền ở Sài Gòn có tỉnh táo hơn. Khi đại lộ đông tây (giờ mang tên Võ Văn Kiệt) làm theo thiết kế của Nhật có 6 làn xe hơi (2 chiều xuôi ngược, ở giữa), 2 làn xe máy (2 bên), có vẻ rất hiện đại, nhưng khi đưa vào hoạt động một thời gian, người ta phát hiện ra sự phi lý: làn ô tô thì quá thênh thang, lãng phí; còn xe máy thì quá chật hẹp, khổ dân. Vậy là chính quyền (thời trước anh Thăng cơ) cho điều chình làn ngay, mở rộng đường xe máy 2 bên lên gấp đôi, thu hẹp đường ô tô lại. Từ đó, người dân sử dụng xe máy đỡ vất vả, chen chúc. Ý thức vì dân được thể hiện ở những hành vi tưởng nhỏ mà không nhỏ như vậy.

Nguyễn Thông

Một kiểu bài Trung, hay là cầm dao tự chặt chân mình

TRẦN HÀ NGUYÊN (nhà báo, nguyên Trưởng ban Quốc tế báo Thanh Niên)

Hôm nay đọc FB thấy một số người kêu gào "tẩy chay Biti's vì đó là hàng TQ", mình ngứa mồm nói luôn: ở Việt Nam rất ít thứ gì mà lại không dính đến và gốc gác từ Trung Quốc.

Có vẻ là một nghịch lý, khi nếu hiện nay nhìn vào các công ty khủng nhất nước, thì đứng đầy ở trên Top là các công ty "thuần Việt." Nhưng, đa số là các "tổng công ty" có bàn tay nhà nước và toàn ở những ngành mà bóng dáng của bảo hộ và khả năng "tham gia chính sách" rất rõ rệt như dầu khí, điện lực, viễn thông, xuất nhập khẩu (2 mặt hàng bị làm giá tới mức đắt gần nhất thế giới là sữa và dược phẩm); còn lại là thứ dễ ... cạp nhất: đất, bất động sản.

Tuy nhiên, khi bỏ "quyền lực chính trị" ra, thì hầu như tất cả các nhãn hàng tư nhân có thương hiệu hùng mạnh và ra được thị trường quốc tế "của Việt Nam" đều là do người gốc Hoa làm chủ. Từ nệm Kim Đan, bánh Kinh Đô, giày dép Biti's và Bita's, bút bi Thiên Long, đến gốm sứ Minh Long, bất động sản Vạn Thịnh Phát, v.v.. đều là của người gốc Hoa sinh sống tại Việt Nam hoặc có vốn chủ yếu từ Hoa kiều.

Trước năm 1975, người Hoa được coi là "chi phối nền kinh tế miền Nam": họ có hẳn một thành phố Chợ Lớn, có đội tàu viễn dương hùng mạnh, nắm toàn bộ ngành buôn bán vàng, ngoại tệ, ngân hàng, và cả xuất nhập cảng.

Về chủng tộc, dù không dám hoặc không thích nói ra, nhưng đa số người Việt hiện nay đều ít nhiều (mà nhiều hơn ít) có dòng máu Hoa trong huyết quản. Bản thân miềng đây, gan bàn chân cũng lõm vào chứ không bẹt ra như người Việt cổ. Dòng họ Trần 3 lần đánh Nguyên Mông, thực ra cũng phát xuất từ Trung Quốc. "Bắc thuộc" 1.000 năm đã xoá bỏ gần như toàn bộ những gì còn sót lại của nền văn hóa bản địa của vài bộ lạc nhỏ bé sống ở trung du Bắc Bộ.

Từ con người, chủng tộc cho đến văn hóa, phong tục, tín ngưỡng, còn gì là "thuần Việt"??

Tất nhiên, có thể hiểu được do nhu cầu địa chính trị, do ý chí độc lập tự cường mà nhiều người muốn "thoát Trung", ghét Trung, nhưng công bằng mà nói nếu muốn "thoát" cả tập tục, tín ngưỡng và ngôn ngữ, thì sẽ là một công cuộc xây dựng lại từ đầu, từ zero thì không đến nỗi, nhưng chắc cũng phải đập đi làm lại 99%.

Năm 1978 - 1979, đã có một "nạn kiều." Nay đến cái giầy cái dép mà còn ngu muội như thế nữa, thì muôn kiếp không thể nào làm cho tiệt nọc cái thói nhỏ nhen yếm thế của người Việt!

Trần Hà Nguyên
(theo Facebook Tran Ha Nguyen, https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10153542618372706&set=a.95208882705.77687.649847705&type=3&theater)

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Sạn báo lề phải

BÁ TÂN (nhà báo)

Viết sách, làm báo khó tránh được sơ suất, sai sót, lỗi này lỗi nọ. Sách báo vẫn thỉnh thoảng để lại sự khó chịu cho bạn đọc bởi những… hạt sạn, cục sạn.

Sẽ là quá đáng, thậm chí cực đoan, nếu khư khư cho rằng những người làm nghề cầm bút (viết cũng như biên tập) tuyệt đối không được sai sót. Vấn đề không phải có sạn hay không, mà là sạn như thế nào, sạn to hay nhỏ.

Có những sạn, không khó nhận ra, được bạn đọc thông cảm và tha thứ bởi sai sót vụn vặt, không làm đảo lộn nội dung vấn đề.

Tuy không nhiều, thậm chí là cá biệt, trong sách và trên mặt báo có loại sạn không thể chấp nhận, sai phạm đến mức biến đổi hoàn toàn nội dung vấn đề. Đó là sạn, nhưng về tính chất sai phạm, cục sạn chứ không phải hạt sạn, to bằng… quả núi.

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Chuyện đổi tiền (4, kỳ cuối)

Như đã kể, với 3 lần đổi tiền trong đời, 2 lần tự đổi, 1 lần bị cuốn theo nhà nước, tôi đã biết sức mạnh của tiền và sự cay đắng mà đồng tiền đem lại. Nhưng phải nói, đến lần đổi tiền thứ 4 và cũng là lần cuối cho đến tận bây giờ, tôi mới thực hiểu con người bị khốn khổ bởi đồng tiền như thế nào. Và cần làm rõ thêm, bản thân tiền bạc chả có tội gì, nó chỉ gây nên đau khổ khi nó được điều hành, chi phối bởi những thế lực cầm quyền ghê gớm, tàn bạo.

Ai đã trải sống qua những năm sau 1980 bây giờ nhớ lại chuyện cũ có lẽ vẫn rùng mình. Nhiều khi mấy anh em bạn cũ ngồi lại với nhau giở chuyện xưa ra làm quà, kể xong đứa nào cũng lắc đầu. Mấy thầy giáo dạy cùng Trường DBĐH TP.HCM với tôi thời gian ấy lắc đầu lè lưỡi bảo kể cũng lạ, làm sao mà chúng mình còn ngồi đây, còn sống đến bây giờ. Thế mới biết cái sức chịu đựng của dân mình ghê thật, “khó khăn nào cũng vượt qua”, chỉ riêng việc vượt qua giai đoạn nửa đầu thập niên 80 là đủ phong anh hùng rồi.

Suốt mấy năm trời, sự nghèo đói mò đến tận chân giường. Những nhà trước kia khá giả một chút giờ cũng bắt đầu lôi đồ đạc, vật dụng sinh hoạt ra bán dần. Sau cuộc chạy loạn “nạn kiều” của người Hoa năm 1978-1979 thì có lẽ cuộc chạy ăn của dân chúng, công chức, nhân viên nhà nước trước năm 1985 gây sôi động Sài Gòn nhất. Mặt mũi ai cũng vêu vao, má hóp lại, da nhăn nheo đen sạm. Thương nhất mấy cô giáo, gầy còm, xanh xao vẫn phải đứng lớp ròng rã. Xung quanh chợ An Đông (Q.5) gần trường tôi hình thành mấy lề đường chợ trời, người ta đem đủ thứ ra đó bán, từ cái tủ lạnh, tivi vốn rất hiếm lúc bấy giờ, đến cái thìa chiếc muỗng bằng inox, thậm chí cả cái dây kéo fermeture cũ đã dùng cũng tháo khỏi quần áo cũ bày ra bán. Miễn thứ chi có người mua là bán thì mới có tiền mua gạo mua cá cho khỏi chết đói. Hồi người Hoa chạy, tôi còn lang thang lề đường kiếm tìm những thứ đồ rẻ, mấy con dao ăn, bức tranh khắc gỗ (giờ vẫn còn) nhưng đến kỳ này thì tiền cũng chả có để mua.

Đồng lương vẫn thế nhưng tiền mất giá kinh khủng, vừa lĩnh ở phòng tài vụ xong, ra đến cửa là đã có thể vơi đi cả nửa do trả nợ. Bóp mồm bóp miệng lắm cũng chỉ kéo được hơn hai chục ngày với số tiền còm ấy. Vài năm trước, lương còn đủ mua được chục ký gạo, hằng ngày nhặt nhạnh mớ rau, con cá vụn…, còn giờ tan trường là cúi mặt vội về, không dám la cà ngoài chợ nữa.

Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017

Lỗi của ai?

PHẠM QUANG LONG

Tuần trước, trong một hội nghị về giáo dục, một ông hiệu trưởng trường tư thục bảo rằng chuyện 200.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp không phải lỗi do ngành giáo dục.

Tuần này bàn về giải quyết ách tắc giao thông, một ông to khác phán tắc đường do ý thức người tham gia giao thông kém (tivi đưa thế, chả biết có cắt xén gì không?).

Lại một vị cũng làm to nữa ở Bộ Giáo dục - Đào tạo thông tin: từ năm tới, sẽ tổ chức thi đại học chung và bỏ điểm sàn khi tuyển. Ông không nói ra các phương án trước đây mắc lỗi ở đâu mà chỉ bảo lúc này các phương án ấy không thích hợp nữa. Chả biết tôi có cưỡng từ đoạt lý (của ông ấy) không nhưng về bản chất là ổng đã thừa nhận mấy phương án kia sai rồi.

Tôi nghe các vị ấy tổng kết cứ thấy gờn gợn thế nào. Xin lạm bàn như sau:

Cái cách chối bỏ trách nhiệm như thế rất không sòng phẳng. Đành rằng người thất nghiệp không chỉ do ngành giáo dục nhưng mở trường ồ ạt thế, đào tạo nhiều thế, chất lượng kém thế... không do ngành thì do ai? Có cả ngành và những chính sách do ngành đề nghị và được phê duyệt. Chả thế mà bây giờ phải rà soát lại cơ cấu trường, ngành, nội dung đào tạo... (tôi cũng tham gia vào việc tạo ra nạn thất nghiệp này nên không dám chối bỏ trách nhiệm). Giải pháp bỏ điểm sàn được nhiều vị hỉ hả vì như thế các trường vốn khó tuyển sinh có cơ hội lấy điểm thấp vì đã phân cấp rồi. Ở trong ngành, tôi biết, sinh viên không có năng lực nhận thức thì không có phép thánh nào biến họ thành giỏi được. Tôi tin rằng ai cũng có quyền học nhưng không phải ai cũng có đủ năng lực tư duy để trở thành trí thức. Không có bột, không ai có thể gột nên hồ. Tôi sợ sẽ lại có những tiền đề để chất lượng đào tạo xuống nữa sau khi bỏ điểm sàn. Tôi chỉ bàn chuyện chất lượng chứ không bàn những chuyện khác.