Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Hãy mau cứu lấy dân

Nói ra thì lại có ai đó mắng mỏ, rằng đảng và nhà nước cùng bao nhiêu người đang căng mình chống dịch, đã làm được gì chưa mà cứ ý này ý nọ...

Lực bất tòng tâm, không làm được nhưng chả ai có thể cấm quyền suy nghĩ.

Coi những tấm ảnh dân chạy trốn cái đói, thê thảm không khác gì chạy loạn, hiểu rằng người lao động lương thiện đang bơ vơ "vô chính phủ" không nơi nương tựa nhờ cậy, không biết dựa vào đâu ngay trên đất nước mình.

Nào phải cuộc chạy trốn này mới chỉ xảy ra ngày một ngày hai, mà đã được tính bằng tuần bằng tháng. Nhà cai trị ngày nào cũng lên tivi gầm gào kêu gọi chống dịch nhưng lại không có cách nào giúp những con người cùng khổ yếu thế như họ, bỏ mặc họ tự chống chọi trong cuộc sinh tồn. Không giúp được dân mà lớn tiếng đòi thắng dịch, thắng để làm gì, làm gì, làm gì...

Hàng thiết yếu

Mấy nhà hoạch định chính sách hình như đầu óc có vấn đề. Lộ rõ nhất là chuyện ban bố quy định về chống dịch. Dịch chả thấy chống, lại thành chống dân, đè dân.

Họ đã nghĩ hàng thiết yếu chỉ là cái bỏ vào mồm, và theo họ không phải bất cứ thứ nào bỏ vào mồm cũng thiết yếu, mà chỉ có gạo rau thịt cá thôi. Mua những thứ đó thì được ra đường, được cho đi, không bị phạt, còn những thứ khác thì a lê hấp, về, nhè tiền ra, cấm cãi. Mua gạo thì được, chứ mua bánh, kể cả bánh mì, thì phạt, đại loại vậy.

Thưa ông bộ trưởng công thương, ông bộ trưởng công an, ông bí thư tỉnh/thành ủy, các ông cần bỏ ngay hoặc điều chỉnh lập tức thứ quy định nhố nhăng ấy, chứ không đám sai nha của các ông sẽ làm loạn. Chúng vốn chỉ biết làm theo lệnh của các ông, nên chúng lỗi một thì các ông lỗi mười.

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Nhặt nhạnh nóng sốt

Cựu thần đồng thơ Trần Đăng Khoa (hồi bé lũ tôi gọi y là Khoa còi) từng có lúc than thở "Ngồi buồn mở cúc coi chim". Dù là Khoa nhưng vẫn có lúc buồn.

Chim là cái gì, hầu như ai cũng biết, nhưng sao lại mở cúc? Cúc là chiếc khuy quần. Thời xưa, khi miền Nam đã dùng phẹc mơ tuya kéo cái rẹt thì quần đàn ông ở thiên đường vẫn phải đính 3 hoặc 4 cái cúc chỗ cửa sổ (từ chuyên môn gọi là moi quần, moi nó ra để...) cho kín đáo. Thường xuyên xảy ra tình trạng có những ông mót quá không kịp cởi cúc hoặc cởi mãi nó đếch mở. Lại có những ông lơ đễnh đi khắp nơi, dạy học, họp hành, gặp người yêu, chạy xe đạp ngoài đường nhưng cúc bị tuột cứ trống hếch trống hoác, mát rười rượi.

Thôi, ôn nghèo kể khổ thế đủ rồi, để khi khác. Giờ bắt chước bà chị mình, đại ca ca Nguyễn Ngọc Hải, rang lạc, nhặt nhạnh chút đã. Cứ nghĩ, các cụ các ông các bà nằm khểnh ở nhà chống dịch, không có gì giải trí thì buồn chết. Buồn hơn cả Khoa còi.

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

Chuyện thương binh

Hôm nay 27.7 lịch dương nhưng lại là ngày tưởng nhớ biết ơn liệt sĩ-thương binh, một dạng lễ kiểu lịch âm, tưởng nhớ người đã khuất. Dĩ nhiên không phải ai chết cũng được nhớ dù cuộc chiến tranh năm xưa, binh đao máu đổ làm chết biết bao người. Có rất nhiều hồn ma, người cụt người què khốn khổ bị chôn vùi, quên lãng, chỉ bởi họ bị xô đẩy vào trận huynh đệ tương tàn và bị thua cuộc. Đánh nhau do ý thức hệ thì sự phân biệt cũng từ ý thức hệ.

Xứ ta thời hậu chiến, lực lượng thương binh (của phe thắng cuộc) là một dạng vết thương xã hội, lâu lâu gặp khi trái gió trở trời lại sưng tấy, mưng mủ, đau nhức. Một loại đối tượng rất nhạy cảm, nếu không có chính sách đối xử hợp lý hợp tình sẽ dễ sinh chuyện. Điều ấy cắt nghĩa vì sao chính quyền phải có hẳn một bộ gọi tên “Lao động - Thương binh - Xã hội”, tức là thương binh được xem như một đơn nguyên ngang hàng với “lao động” và “xã hội”.

Cuộc chiến tranh tương tàn đã lùi hơn 46 năm, tuy nhiên vấn đề thương binh sẽ còn phải kéo dài vài chục năm nữa. Mai ngày từ “thương binh” sẽ chỉ còn trong quá vãng, những chiếc xe tự chế, những tổ hợp 27.7, nhưng cơ thể “tàn nhưng không phế”, những chính sách ưu tiên, và cả những phũ phàng trong sự đối xử với người có công với đảng, v.v.. sẽ thưa vắng và tắt dần. Cũng chưa biết rồi cuộc sống, xã hội không còn thương binh sẽ như thế nào, chi bằng lúc này đây, khi thương binh vẫn hiện diện như một thực thể bằng xương bằng thịt, hãy giải quyết sao cho có lý có tình.

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

Văn điểm 10

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc, bài cũng được chấm xong, nhiều tỉnh đã gửi kết quả về bộ chủ quản. Thi cử là chuyện hằng năm nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của cộng đồng dân chúng, nhất là của thí sinh và những nhà có con đi thi, dù thi cử ở xứ này càng ngày càng… tệ.

Môn thi được người ta để ý nhiều nhất là môn văn. Kể cũng lạ, văn chỉ hoa lá cành chứ không thiết thực cụ thể như mấy môn toán lý hóa ngoại ngữ, vậy mà điểm thi môn văn luôn thu hút sự tò mò của đám đông. Có lẽ mấy môn kia chấm đã có ba rem, cái mức cái mực rõ ràng, khó mà lệch trật được. Còn văn thì, hì hì, hay dở cao thấp phần nhiều do thầy cô chấm theo cảm tính cá nhân. Lệch vài ba điểm là chuyện thường. Thầy này cho điểm 10, cô kia bảo chỉ trung bình, có khi đỏ mặt tía tai cãi nhau như mổ bò. Tôi từng dạy văn 2 chục năm nên thấu hiểu điều này. Tuy nhiên cũng phải nói, văn hay-dở thì bộc lộ ngay từ chữ từ dòng đầu tiên, vấn đề hay tới mức nào thôi.

Vừa rồi, báo chí nói nhiều về bài văn được điểm 10 của một thí sinh ở Quảng Nam. Khen nức nở, thậm chí còn dẫn lời ông giám đốc Sở GD trầm trồ nếu có thang điểm trên 10 cũng không ngần ngại cho thêm... vài điểm. Khiếp. Có nhẽ cậu ni giỏi thật, văn siêu việt, nói theo kiểu xưa là “vô tiền hán”. Báo Tuổi Trẻ còn ca ngợi cậu học giỏi văn tới mức chính cậu xin cô giáo cho… dạy các bạn trong tiết văn, và cô cũng đồng ý. Tôi thấy điều này hết sức bậy. Giỏi mấy thì giỏi nhưng cho một học trò không có nghề được đứng lớp thì có mà loạn trường học. Có phải trường Dục Thanh đâu mà ai cũng nhào vào dạy.

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

Tính cách

                                                               Kính tặng "cụ" bạn Đào Lê Bình

Tôi người Phòng (Hải Phòng), mang tính cách Phòng, có gì là cứ nói thẳng, không vòng vo màu mè, lại càng không dĩ hòa vi quý. Phòng là vậy, chả phải chỉ mình tôi.

Hôm trước coi cái "Quán thanh xuân" của cô Quỳnh và VTV về chủ đề Phòng, "Thành phố và những cánh buồm" thấy chưa nổi được chất Phòng. Quanh đi quẩn lại chỉ có sông Tam Bạc, chợ Sắt, bánh đa cua. Phòng xưa có bấy nhiêu thì quá chán. Nói tới thành phố này, nhất là ký ức thanh xuân, tức thời vài chục năm trước, phải nói tới những cây cầu mạch máu nuôi thành phố, nhà máy xi măng, bến cảng hồi chiến tranh, những năm bị thủy lôi phong tỏa, bến Bính đầy kỷ niệm, thậm chí cả thuốc lào Tiên Lãng-Vĩnh Bảo..., và nhất là tính cách Phòng trong mọi hoàn cảnh. Thế mới là Phòng, chứ chỉ những cánh buồm trên sông Tam Bạc thì xoàng quá.

Thêm tí về thuốc lào. Hồi năm 1972 tôi lên Hà Nội lần đầu tiên, thấy rất ngạc nhiên ở các phố Hàng Bông, Hàng Ngang có những cửa hàng chuyên bán thuốc lào (và điếu hút thuốc), biển đề rõ ràng "Thuốc lào Tiên Lãng", tự thấy rất hãnh diện về quê mình. 5 năm sau, năm 1977 tôi đặt chân lên đất Sài Gòn, qua phố Phạm Hồng Thái quận 1, dãy nhà phố đối diện với khách sạn New World bây giờ, có 2 tiệm ghi rõ to "Thuốc lào Vĩnh Bảo, Tiên Lãng chính hiệu", nhủ thầm quê mình oách thật, thuốc lào cũng xâm chiếm miền Nam.

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2021

Nhỡ miệng

Tôi cam đoan ông giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (vốn tên đầy đủ của nó là thế, chứ không phải chỉ trần sì Hữu Nghị, tay nào cố ý đổi tên, bỏ chữ Việt Xô đi, hoặc là muốn giấu quá khứ, hoặc hơi bị vô ơn) buột miệng nhưng đã vô tình nói ra sự thật. Quan chức mà nói thật, dù không cố ý, vẫn đáng ghi nhận gấp vạn lần bọn leo lẻo cuội, giấu diếm, lấp liếm, đổi trắng thay đen, đánh đu chữ nghĩa.

Vụ cô gái nhờ có ông ngoại gửi gắm nên được Việt Xô đặc cách tiêm vắc xin xịn Pfizer, ông giám đốc thật thà bảo "Chúng tôi hôm đó tiêm cho các cán bộ cao cấp xong thì thừa ra hai liều...", dĩ nhiên 2 liều ấy là Pfizer xịn.

Nhiều người cứ lao xao chuyện cô gái đi tắt đón đầu được tiêm thứ tốt, còn nhà cháu chỉ quan tâm hóa ra đồ tốt thứ xịn hàng hiếm được dành cho đày tớ của dân, do chính một ông có trách nhiệm vô tình công bố.
Lâu nay báo chí mậu dịch, tivi mậu dịch cứ khuyên dân, động viên dân đồng bào ơi, tiêm vắc xin đi, đừng chần chừ gì nữa, dịch nguy hiểm lắm, nó chẳng chừa ai đâu... Thấy dân lừng khừng, vài anh nhà báo nhảy xổ ra mắng tiêm vắc xin mà cũng kén cá chọn canh, chọn thứ này thứ kia, của Nga của Tàu cũng tốt chán, chê mới chả bai, v.v..

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Mách nước

Theo nghĩa từ Hán Việt, tuyên là bày tỏ điều gì đó cho người khác biết, nói/đọc cho to lên. Tuyên ngôn là nói rõ lời với đám đông, tuyên ngôn độc lập là lời công bố cho người ta biết về quyền độc lập. Khi đã tuyên thì có chủ thể là bản thân, và đối tượng tiếp nhận là đám đông.

Thệ nghĩa là thề, thề bồi, hứa, hứa hẹn. Thệ hải minh sơn nghĩa là chỉ vào biển vào núi mà thề mà hẹn. Truyện Kiều có câu "Đệ lời thệ hải minh sơn/Làm con quyết phải đền ơn sinh thành". Làng tôi hồi xưa có một tay yêu cô gái làng bên, nghe đâu thày bu cô không đồng ý, ổng trèo lên núi Trà đầu làng rồi "tuyên thệ": Đứng trên đỉnh núi ta thề/Không lấy được Thấu không về Trà Phương. (Thấu là tên cô ấy, rồi sau đó hai người lấy được nhau, có nhẽ do thề khiếp quá, hai cụ kia không dám cản nữa). Cũng gần làng tôi, cách 2 cây số, có thôn Hòa Liễu nổi tiếng với hội thề, còn gọi là Minh thệ hội - Hội Minh thệ (chứ không như mấy ông bà nhà báo và quan chức văn hóa đếch biết gì, toàn gọi là hội Minh thề, nửa ta nửa tàu, gớm chết). Hương chức làng Hòa Liễu thề không tư túi tiền bạc của dân, bây giờ gọi là tham nhũng. Giờ thì thệ cứ thệ, tham nhũng cứ tham nhũng.

Tuyên truyền chống dịch cũng có định hướng chính trị

Nếu ai tinh ý sẽ nhận thấy trong chương trình thời sự hằng tối của VTV, sau phần hoạt động của các long trọng viên tứ trụ là tới bản tin về dịch Vũ Hán (tạo thành ngũ trụ), nêu con số cụ thể mỗi ngày.

Thời gian này, thứ mà người dân quan tâm nhất là thông tin về dịch bệnh bởi nó liên quan tới mọi hoạt động của họ, nó quyết định sự sinh hoạt, đi lại, ăn uống, mua sắm... Dân căn cứ vào tình hình dịch căng hay không, căng tới mức nào để tự điều chỉnh cuộc sống.

Nhẽ ra, từ đầu bản tin, tivi phải nêu ngay con số ca mắc mới, số tử vong (những con số mà dân cần biết nhất) thì nó lại không làm thế. Nó cố ý nêu số người đã khỏi bệnh đầu tiên, như một cách ca ngợi thành tích, đề cao này nọ. Cần nói thẳng, đó chỉ là liệu pháp thắng lợi tinh thần, vừa tự lừa mình, ru ngủ mình, vừa khiến dân chúng quên đi thực tại. Một kiểu cách tuyên truyền lừa mị đã quá cổ hủ, cần bị loại bỏ.

Dân chúng không cần con số đẹp ấy bởi với họ nó không có ý nghĩa gì cả. Ở xứ này, lâu nay thường thứ gì nhà cai trị cần thì dân không cần, và ngược lại.

Bàn tay lông lá của chính trị thò vào chỗ nào là chỗ ấy hỏng.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

Quốc hội của ai chứ không phải của tôi

Thấy báo chí nói nhiều về kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa mới sắp diễn ra. Ông chủ tịch, ông tổng thư ký-chủ nhiệm văn phòng, bà trưởng ban công tác... của quốc hội đều đăng đàn tuyên bố, giải thích này nọ, rằng tại sao phải bầu lại, tại sao phải tuyên thệ, chính phủ mới sẽ ra sao, có mấy phó thủ tướng, v.v..

Tinh những chuyện mọi người đã tỏ, không cần phải họp, không cần phải giải thích. Chẳng hạn ông Trương Hòa Bình đang là phó thủ tướng thường trực nhưng không còn ủy viên trung ương nữa thì đương nhiên sẽ "out", có gì mà phải bàn, thế mà cũng cứ làm như tinh giản bộ máy ghê gớm lắm (ngay chuyện để ổng làm thủ phó tới thời điểm này cũng lắm điều hay, như một kiểu an ủi...). Họp như thế chỉ phí thời gian, thà ở nhà (tỉnh, thành) mà chống dịch.

Quốc hội, ngoài nhiệm vụ chính làm luật, hãy đi vào thực chất. Tôi lấy ví dụ, ai cũng biết cái công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là sự nhức nhối ê chề tốn kém diễn ra cả chục năm nay rồi. Nó không phải của riêng thủ đô, mà là vết nhơ của cả nước. Hai khóa quốc hội, họp mấy chục kỳ, không bao giờ bàn đến, cứ để nó "ngạo nghễ" thách thức.

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

Họp

Dịch chết người thế này, cái gì cũng có thể hoãn, ngưng, bỏ, nhất là những sự tập trung đông người. Đừng có đùa với nó, giỡn với tử thần.

Ngày 20 tới, tức là còn 3 ngày nữa sẽ họp quốc hội. Ai dám đảm bảo đến ngày ấy dịch sẽ nhạt, để có thể tụ tập đông người, không sợ vi phạm cả chỉ thị 15 lẫn 16. Đó là chưa kể lũ lĩ kéo nhau về thủ đô, đi máy bay rất dễ dính dịch, tới nơi lại không chịu đi cách ly theo quy định... Thế các vị nghĩ "con" cô vít nó tha các vị, nó biết nể đại biểu quốc hội hay sao.

Thôi thì đã trót hẹn họp nên cũng khó bỏ cái rụp, chỉ có điều phải tính lại, đừng có rùm beng cờ đèn kèn trống, màu mỡ riêu cua, hoa hòe hoa sói, đít cua đít kiếc "trong không khí hân hoan phấn khởi", khai mạc khai miếc. Nên dẹp chuyện bầu bán ông nọ bà kia, bởi tam trụ lẫn dàn bộ trưởng yên vị đâu đấy cả rồi, bầu làm gì. Mấy thứ tuyên thệ thề bồi, cũng cứ dẹp tất bởi ai cũng biết chỉ là trò hình thức, vả lại tuyên thệ gì lắm thế, vừa mới tuyên xong lại tuyên nữa, ai nghe, nhạt. Cứ họp cho thật nhanh, rồi kéo nhau về bản quán mà lo chống dịch, khi nào yên hàn ra viếng lăng cũng được.

Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

Lời khuyên

Một bạn trên mạng xã hội "chân thành" khuyên tôi, rằng sao chỉ thấy viết này nọ nói về những mặt trái u ám của xã hội, của thể chế, mà không tập trung vào những sự hay đẹp tốt để ca ngợi.

Tôi đã cảm ơn, chỉ rụt rè thưa lại, tôi không muốn giành phần việc của báo chí quốc doanh-mậu dịch, các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, tivi nhân dân. Họ làm việc ấy quen rồi, có nhiều kinh nghiệm, sở trường sở đoản, không nên lấn sân. Và điều quan trọng là tôi chỉ làm cái phần việc họ không chịu làm, phần còn thiếu.

Thời trước, nếu không có các ngòi bút hiện thực phê phán thì lấy đâu ra dòng văn học mà chính những nhà cai trị của chế độ này đề cao, ca ngợi. Cũng chính họ (nhà cai trị) từng vùi dập không thương tiếc dòng văn học ca ngợi, chửi nó là thứ tô son trát phấn, "đem gấm vóc, phủ lên trên xã hội đã điêu tàn, véo von ca cho át tiếng kêu than, của nhân loại cần lao đang giãy giụa".

Thôi thì mình cứ làm theo điều mình cho là đúng, chứ uốn éo hùa các vị ấy chả biết đâu mà lần.

Nguyễn Thông

Thứ Năm, 15 tháng 7, 2021

Phan Thúy Hà và “Những trích đoạn của các anh”

Vẫn trung thành với văn chương phi hư cấu, bạn Phan Thúy Hà đang rất nổi trong làng văn vừa ra cuốn mới, tên sách giản dị đúng kiểu thể loại mà Hà miệt mài theo đuổi: Những trích đoạn của các anh.

Cuốn này nằm trong sê ri sách của Hà, gọi chung là truyện, là thứ ghi chép, biên lại những điều, những người, những việc thật xảy ra trong quá khứ. Bóng cuộc sống phủ lên từng trang sách, mỗi chữ như được viết bằng thứ mực trộn từ máu - mồ hôi - nước mắt của bao thế hệ, bao lớp người. Lùi xa một chút thì “bức tranh vân cẩu con người tang thương” được thể hiện trong cuốn “Gia đình” về cải cách ruộng đất; gần tí nữa có “Đừng kể tên tôi” và “Tôi là con gái của cha tôi” về cuộc nội chiến nồi da xáo thịt tương tàn Bắc-Nam 1954-1975 qua lời kể của cả người bên này phía bên kia, thắng cuộc lẫn thua cuộc, đều là nạn nhân của ý thức hệ; gần nữa là “Qua khỏi dốc là nhà” vẽ lại thời niên thiếu của chính Hà và bạn cùng lứa trên quê hương nghèo đói thời hậu chiến… Ai không biết, chứ tôi đọc xong những cuốn sách biên chép quá khứ ấy, cứ thẫn thờ, đau xót, căm giận, và cảm giác rõ mình đang bị chếnh choáng bởi thứ sự thực được phơi bày.

Hà không sáng tác, không viết tiểu thuyết, không làm văn chương theo lối mòn lâu nay ở nhiều người. Sách của Hà gần với những cuốn sử biên niên, kiểu “Thượng kinh ký sự”, “Hoàng lê nhất thống chí”, người thật việc thật, được lật lên từ ký ức của người trong cuộc còn sống, còn minh mẫn. Cứ hình dung, nếu không có những người viết như Hà, dù biết lao vào cái công việc khó khăn vất vả này sẽ phải đối mặt với bao cực nhọc, phiền toái, thậm chí ê chề, thất vọng, mà vẫn cứ đi đến cùng, thì chúng ta đương thời, và cả những người đời sau nữa sẽ bị khuyết ghê gớm những hiểu biết cụ thể, chân thực về cuộc sống, trong đó có cả về thời đại mà chính mình đã lội qua. Là một bạn đọc, người từng sống những năm tháng có trong sách, tôi biết ơn Hà và những cuốn sách phi hư cấu của Hà là vì vậy.

Thứ Tư, 14 tháng 7, 2021

Bạn

Qua cuộc chống dịch Vũ Hán kéo dài, khá nhiều điều lâu nay vốn ẩn kín, mù mờ, sai lệch... đã được phát lộ, thông tỏ. Theo cái cách mà người xưa bảo "cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng ra". Nhỏ như cái kim mà còn tòi, huống hồ những thứ vĩ đại.

Báo chí xứ ta những ngày qua liên tục thông tin, những tin vui, việc nước ngoài trợ giúp, tặng, cho, biếu Việt Nam vắc xin để chống dịch. Tên tuổi những nhà hảo tâm chẳng phải ai khác mà là Mỹ, Nhật Bản, Úc. Kèm theo vắc xin quý giá "một miếng khi đói bằng một gói khi no" là những lời bộc lộ chân thành, đầy tình cảm.

Hôm kia, trên trang thông tin của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn, các nhà chức việc Mỹ, trong đó có cả ngài Ngoại trưởng Blinken, đã vui vẻ mà rằng "Các đồng nghiệp ở mọi cấp độ của chúng tôi ở Washington đều cam kết ủng hộ mạnh mẽ tương lai tươi sáng cũng như cuộc chiến đầy can đảm của Việt Nam chống COVID-19. Bạn lúc hoạn nạn mới là bạn đích thực. Việt Nam không đơn độc. Chúng ta đang sát cánh cùng nhau và chúng ta sẽ cùng nhau đánh bại COVID-19. (Our colleagues in Washington at all levels are firmly committed to supporting Vietnam’s bright future and its courageous fight against COVID-19. A friend in need is a friend indeed. Vietnam is not alone. We’re in this together and together we will defeat COVID-19).

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021

Đến cái tên người chết cũng không dám viết

Tôi vừa đọc lướt báo sáng nay, cũng là cách "ăn điểm tâm" trong cơn đại dịch. Mấy hôm trước họ đặt hàng rào dây thép gai chắn hết lối ra vào, nhà còn vài gói mì ăn liền nên dùng tạm. Hôm nay hết cảnh "dây thép gai đâm nát trời chiều" xách xe chạy một vòng, bị mấy chú dân phòng chặn lại hỏi đi đâu, mình bảo tao đi mua bánh mì, nó thấy lý do chính đáng nên cho đi. Tất cả những chỗ bán bánh mì đều đóng cửa, cả 5 lò bánh mì mà mình biết cũng đóng lò. Đành về không.

Ở Sài Gòn, không được ăn bánh mì cũng chẳng khác gì bị tước đoạt mất thú ẩm thực hàng đầu. Người ta hay nói "bánh mì và hoa hồng", lúc này có ai cho một nghìn bó hồng cũng không bằng cho ổ bánh mì. Chỉ bánh mì thôi, chứ chưa dám mộng mơ ước mong cơm tấm sườn bì.

Thôi, chuyện ấy còn dài, để kể sau. Giờ quay lại chuyện... người chết. Chú bộ đội trẻ bị chết. 5 cơ quan xúm vào điều tra, cuối cùng đã có kết luận. Thực ra không cần điều tra cũng ban được kết luận như thế. 5 chứ 500 cũng sẽ thế. Tội nghiệp cháu Đô, Trần Đức Đô.

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021

Dịch bệnh đẩy báo in tới bờ huyệt

Khi dịch bệnh căng thẳng, nhà cầm quyền nào cũng vậy đều phải thực thi những biện pháp chống dịch chặn dịch (chứ không phải tấn công, tấn thế quái nào được kẻ thù vô hình có "mặt" ở khắp mọi nơi). Một trong những cách ấy là tiến hành phong tỏa, cấm đoán sự đi lại, hạn chế tối đa những hoạt động bị coi là không bức thiết.

Báo chí, nhất là báo chí mậu dịch, đang bị đẩy vào chân tường, nói chính xác là bờ huyệt. Chỉ cần hẩy nhẹ một phát là lăn tòm xuống đáy. Báo điện tử thì còn đỡ, chứ báo in, nếu tình trạng phong tỏa ngăn chặn cấm đoán đi lại - lockdown này kéo dài, gia hạn thêm vài đợt nữa thì vô phương cứu chữa, có đổ thuốc thánh đền bia cũng chịu.
 
Tôi từng có gần hai chục năm làm báo in, biết rất rõ hệ thống phát hành của nó. Không có đại lý, sạp báo, người bán báo dạo, nhân viên phát hành đi lại thì báo in chỉ còn giá trị ve chai. Thời điểm này là vậy. Tôi vừa được người bạn cho biết, có tờ báo in vốn khá nhiều bạn đọc (theo thói quen đọc báo giấy, vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa chú mục vào tờ báo trên tay), khi bình thường cũng đạt chục vạn rưởi bản, giờ lay lắt chỉ dám in vài chục ngàn, mà vẫn ế. Thương đồng nghiệp gặp lúc hoạn hải ba đào, trúng thời khốn khó.

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

Vắc xin

Bây giờ mà ai quởn (cách nói của người Nam bộ, để chỉ sự rảnh rỗi) gõ từ "vắc xin" trên gu gồ thử xem nó cho kết quả bao nhiêu, chắc đếm mệt nghỉ, mỏi mồm.

Từ "vắc xin" tôi được nghe từ hồi bé trốc đầu thối tai thò lò mũi xanh. Bu tôi dắt ra trạm xá, bà Hoạch y tá lấy chiếc ngòi bút chấm vào thứ nước gì chả biết rồi bắt tôi ngồi yên (không cần phải vén tay áo bởi đang cửi trần, suốt ngày cửi trần), rạch cho một nhát đau điếng. Trước đó nghe cô Liên cũng là y tá nói rạch đưa vắc xin vào để chủng đậu. Cô Liên dọa, mày không chủng đậu sẽ bị đậu mùa rồi rỗ như mặt tao đây này. Thằng bé nghe phát khiếp. Giờ qua hơn 60 năm rồi, tay vẫn còn vết sẹo thím Hoạch rạch bằng ngòi bút lá tre.

Kể chuyện cũ nhằm nói rằng ngừa dịch thì phải vậy thôi, chả nên phản đối.
 
Xứ ta dịch nặng, lại chưa chế được vắc xin, tinh thứ người ta cho hoặc đi mua, thượng vàng hạ cám. Thói đời xưa nay, ai cũng thích thứ tốt, nhất là nó liên quan tới sự sống chết của mình. Thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị cả đời ngu si nhưng trước khi chết nói được câu khôn, khuyên các quan "hãy yêu lấy cái thân mình". Thân mình mà mình không yêu, thì chả thể yêu được ai, nói chi yêu nhân dân, đất nước, dân tộc, nhân loại, vũ trụ, hoa hoét, thú cưng...

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Lại nói về báo chí (phần 3): Quy hoạch tào lao

Nhiều lúc ngẫm nghĩ (đang dịch, bị cấm túc tại gia, rảnh rỗi sinh nông nỗi – nỗi chứ không phải nổi, nên càng nghĩ tợn), cái gọi là quy hoạch báo chí của tuyên giáo-truyền thông chỉ sặc mùi trấn áp, cải lương, thậm chí mùi tiền. Những kẻ sinh ra nó áp dụng nó, cùng với bộ sậu quen giọng tung hô, ca rằng đây là cuộc cách mạng, bước ngoặt phát triển quan trọng, thay đổi về chất... của nền báo chí nước nhà. Còn dư luận, nhất là những người “ở trong chăn mới biết chăn có rận” nhác qua đã hiểu nó chẳng khác gì cuộc đàn áp báo chí, nhằm quy về một mối để đảng dễ bề sai khiến. Lâu nay xứ này đã vốn không có tự do báo chí, sau cuộc quy hoạch đàn áp chỉ còn chim hót trong lồng, mong mỏi “bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán” mãi mãi là ước mơ xa vời.

Cách đây ít hôm, tôi được nghe kể tờ báo (chịu nạn quy hoạch nên giờ chuyển thành tạp chí) mà tôi từng có mấy năm tòng sự, tạp chí điện tử Một Thế Giới, bị phạt rất vô lý. Không phải tôi đã làm cho “nó” mà bênh khen nhưng phải nói rằng mặc dù là “tờ báo” trẻ, mới có 7 niên, nhưng nó dõng dạc, mạnh mẽ, quyết liệt khi phản ánh cuộc sống xã hội. Nó đã làm được những điều mà nhiều báo lớn chưa làm được hoặc không dám, nhất là trước cường quyền, cái xấu cái ác. Đùng một cái, đụng phải quy hoạch trấn áp, Một Thế Giới bị biến thành tạp chí. Ta thừa hiểu, theo quy định của nhà cai trị xứ này, khi là tạp chí của một hội chuyên thông tin về khoa học công nghệ, thì tôn chỉ, mục đích, phương hướng, nhiệm vụ, đối tượng… sẽ bị siết bị trói ra sao. Đời thuở nhà ai, báo chí đeo vòng kim cô như vậy thì còn làm được trò gì. Tạp chí, lại dạng điện tử phải cạnh nhau từng phút, chỉ quanh quẩn dăm ba thông tin về khoa học công nghệ, trong khi cuộc sống xã hội ngùn ngụt thời sự nóng bỏng, nói thẳng toẹt ra, tạp chí múa tay trong bị ấy ma nó đọc. Ai mà thèm quan tâm, trừ những anh khùng dở dở ương ương. Muốn tồn tại, muốn có bạn đọc, phải lăn vào cuộc đời phong phú, đa dạng, bỏng rẫy. Một Thế Giới hiểu được điều đó. Rồi tai vạ xảy ra.

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

Người thực thi pháp luật vi phạm pháp luật (kỳ 2): Đòi cắt góc CMND

Những chuyện xung quanh cuốn sổ hộ khẩu, cả khi nó tồn tại lẫn lúc nó hết tác dụng đều chứng tỏ rằng bộ máy công quyền xứ này hành sự chẳng giống ai. Sự văn minh, dân chủ, công bằng ở ta vẫn còn nhiều xa lạ, chưa được tôn trọng, còn bị vùi dập bởi những đầu óc say quyền lực. Dù họ có bỏ cuốn sổ hộ khẩu giấy kể từ hôm nay, 1.7.2021, thì chính sách quản lý con người bằng hộ khẩu kiểu Thương Ưởng vẫn chưa bị chôn vùi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác, tinh vi hơn, thậm chí siết chặt hơn. Thực tế sẽ chứng minh điều này, không cần phải đợi lâu, chỉ 1 năm thôi sẽ thấy.

Tạm dẹp cuốn sổ và chính sách hộ khẩu tai ác ấy lại, để nói về một thứ khác, anh em, họ hàng với nó, là chiếc thẻ xác nhận công dân, còn gọi chứng minh nhân dân, chứng minh thư, căn cước công dân.
Không thể phủ nhận việc mỗi công dân phải có giấy tờ tùy thân. Nó được sinh ra để nhà cầm quyền quản lý hành chính, quản lý con người. Ở nước ta, vốn tồn tại rất nhiều loại sổ sách, tem phiếu, giấy tờ, thẻ này thẻ nọ, thì chứng minh thư là quan trọng nhất. Sổ hộ khẩu, sổ gạo, phiếu vải, bằng lái xe máy… có thể tới lúc nào đó không cần thiết, bị bãi bỏ, nhưng chứng minh thư thì không. Không có nó, không ai tự chứng minh được mình đang tồn tại hợp pháp. Nói rườm rà thế để khẳng định ai cũng phải có chứng minh thư/chứng minh nhân dân/căn cước công dân. Nếu vị nào phản đối, bảo rằng không cần, tôi đố các vị mua được vé máy bay chẳng hạn. Cũng đừng cãi, rằng có thể mua vé bằng hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ đặc biệt, v.v.. Không có chứng minh thư thì làm gì có mấy thứ đó.

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

Đường đi hay tối, nói dối hay cùng

Ban đầu, tôi định không nói gì về cái chết của anh bộ đội trẻ nhưng bức xúc quá khi thấy cả một bộ máy, từ Bộ Quốc phòng, rồi phó tư lệnh, rồi chính ủy Quân khu 1, và đủ cả hệ thống đương quyền cứ nằng nặc khẳng định anh bộ đội Đô ấy chết do tự tử, tự treo cổ lên cây.

Chưa điều tra kỹ lưỡng đã vội vàng "kết án" người ta tự tử, quả thật vô cùng độc ác. Kết luận tào lao như vậy, khác gì vu tội cho Đô, chẳng khác gì khép vào tội đào ngũ, tự hủy hoại thân thể để trốn nhiệm vụ. Làm điều bất nhân đó, họ tạo nên sự căm ghét, phỉ nhổ, khinh bỉ của người đời với một con người vô tội. Cực kỳ ác độc. Nếu thực có một thế giới tâm linh siêu nhiên có thể thực hiện "ác giả ác báo" thì tôi tin rằng vong linh anh Đô sẽ không để những cái mồm tội lỗi được yên.

Nhà chức việc cần làm rõ, tại sao một thanh niên từng viết đơn xung phong đi bộ đội, sống tích cực, không có mâu thuẫn với ai, không buồn chán thất vọng điều gì (như chính gia đình cho biết) lại tự dưng tự tử. Già rồi, nhiều lúc chán đời như tôi đây mà còn ham sống, thì dứt khoát một thanh niên chưa đầy 20 tuổi đầy nhựa sống như thế không thể cứ thích tự tử là tự tử.