Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

Đội quân chủ lực bị bỏ rơi (kỳ 3)

Cuộc sống cũng như xã hội “phân công” mỗi người mỗi việc, ai cũng có phần đóng góp của mình, đều đáng tôn trọng, còn sự phân biệt đẳng cấp, sang hèn, bị phân biệt đối xử chẳng qua do chính con người bằng sự nhỏ nhen tầm thường tạo ra thôi. Ở xứ này, nông dân luôn chịu thiệt, thời nào cũng vậy, cho tới tận bây giờ, ngay dưới cái chế độ mà họ đã góp phần lớn nhất tạo nên.

Nhà nước này từng có nhiều khẩu hiệu về nông dân, lúc nào cũng tuyên truyền đề cao nông dân, nói chăm lo cho nông dân. Ngoài những câu kiểu như “nông dân là đội quân chủ lực của cách mạng”, còn là “người cày có ruộng”, “hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”, “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân)…

Nhưng nông dân chỉ được ăn bánh vẽ. Nửa cuối thập niên 50, bần cố nông miền Bắc vừa được chia chút ruộng đất trong cuộc cải cách ruộng đất đầy máu và nước mắt thì chỉ vài năm sau họ lại bị tịch thu hết bởi phong trào hợp tác xã tiến lên sản xuất lớn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không chỉ bần cố nông chịu ơn cải cách ruộng đất mà cả những thành phần nông dân khác đều bị cướp ruộng. Nhà nước chỉ chừa lại cho mỗi hộ một vài sào đất thổ cư, vườn tược để cư trú, sinh sống.

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

700 năm thoáng chốc

Tôi đang buồn bã nhắc, biên về cây gạo, đúng ra phải gọi một cách kính trọng là cụ gạo, đại lão thụ mộc. Cây gạo đền Mõ ở xứ Phòng.

Dùng con số tròn 700 năm cũng chưa chính xác, mà phải là 740 niên/tuổi. Đền Mõ (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), thờ công chúa Quỳnh Trân - con vua Trần Thánh Tông, chị vua Trần Nhân Tông - là nơi rất linh thiêng. Đặc biệt nhất tại di sản văn hóa quốc gia này là sân đền có cây gạo (mộc miên) xứng danh đại lão thụ mộc bởi đến nay đã thuộc hàng U thiên tuế, chính xác là 740 tuổi (trồng năm Giáp Thân 1284).

Giữa tháng 3.2018, trước khi có dịch Covid, tôi về quê, hai lần lọ mọ sang đền Mõ, cách nhà tôi chưa đầy 3 cây số. Chỉ để ngắm hoa gạo. Nhưng có nhẽ duyên mình còn nhạt, hay là tại thời tiết khí hậu năm ấy nhiều thay đổi, nên sắc đỏ rụt rè chậm muộn, mới chỉ lơ thơ. Ngước lên khoảng trời xám xịt bàng bạc mưa xuân, thấy những thân nhánh, cành gỗ nâu mốc già gân guốc tuổi đã gần 740 năm điểm những nụ hoa gạo, như những dấu chấm đỏ chi chít trên tờ trời khổng lồ. Không được chiêm ngưỡng hoa gạo lúc mãn khai, kể cũng tiếc.

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2024

Một cái tên

Từ chuyện thiên tai lở đất ở Lào Cai, tôi đề nghị Bộ Nội vụ và những cơ quan có liên quan (chính quyền địa phương, báo chí, viện ngôn ngữ...) lưu ý đến điều này:
 
Địa danh (tên gọi của vùng đất) cần phải chuẩn và thống nhất, đừng có muốn gọi thế nào thì gọi, viết thế nào thì viết. Sẽ có người bảo đó là chuyện nhỏ, chuyện vặt, để ý làm gì, nhưng tôi cho là không nhỏ, bởi xét ở góc độ xã hội và ngôn ngữ thì rất lôm côm, tùy tiện. Trên đời, không ít hoặc nhiều điều nghiêm trọng bắt đầu từ thứ nhỏ nhặt. Cái sảy nảy cái ung, "tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ".

Đó là tên một làng/bản vừa bị đất đồi sạt lở vùi lấp tang thương. Mỗi báo, mỗi văn bản (kể cả văn bản của chính phủ) ghi một cách. Có thể kể ra: làng Nủ, Làng Nủ, thôn Làng Nủ, bản Làng Nủ, bản Nủ. Vậy tên chính thức của đơn vị hành chính này là gì, Nủ, hay Làng Nủ? Chỉ mỗi tên gọi/địa danh cụ thể mà cũng vài ba, năm bảy cách khác nhau.

Trên thực tế, có những địa danh gồm cả danh từ chung, ví dụ Vũng Tàu, Bến Nghé, Xóm Mới, Cù Lao Chàm, Giồng Ông Tố, Núi Đèo, Cù Lao Giêng, Cổng Trời, Đèo Cả... Nếu làng Nủ là vậy thì viết hoa cả hai chữ, phải thêm chữ "bản" thành bản Làng Nủ; còn nếu bà con địa phương lâu nay gọi là Nủ thì chỉ cần viết hoa chữ Nủ. Cũng như làng quê của ông bạn tôi ở huyện Vĩnh Lộc (xứ Thanh) chỉ độc tên Lon, làng Lon, chứ không phải Làng Lon.

Bão lũ tan rồi, việc tiếp theo là khôi phục lại cuộc sống, trong đó có cả những chuyện như thế này.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2024

Thế lực thù địch (hay chút kinh nghiệm cho những nhà bị ngập lụt)

Không phải chỉ những nhà ven sông khi lũ lớn, nước lên cao tràn vào mới bị ngập, mà ngay cả rất nhiều nhà trong thành phố, nhà vùng nông thôn do mưa lớn nước không thoát kịp (hoặc không có chỗ thoát) cũng gây ngập lụt.

Nhiều khi, do mưa quá lớn, nước đầy nhanh, tràn vào nhanh nên chủ nhà ứng phó không xuể, không kịp chuyển đồ đạc lên chỗ cao hơn. Thường những thứ đồ điện, đồ quý giá, đồ nhỏ được ưu tiên di dời, chứ đồ lớn như giường, tủ, bàn ghế, salon, nhìn chung là đồ gỗ, phải chịu nạn, ngâm trong nước. Bọn mọt chỉ chờ có thế. Chúng rất khoái món gỗ ngâm nước.

Cách nay dăm năm, khu nhà tôi hứng chịu cơn mưa khủng khiếp, mưa lớn, kéo dài. Lại trúng lúc triều cường. Cốt nền thấp (cha bố bọn chủ dự án), vốn vùng trũng, nguyên trước kia là ruộng, nên nước tràn vào nhà. Mải cứu đồ đạc, quên mất cái tủ sách rõ to chứa cả nghìn cuốn sách. Nguyên hàng dưới cùng, trong đó có mấy chục cuốn sách quý, có cuốn đã 5 - 7 chục tuổi ngậm nước hỏng sạch. Mưa ròng rã cả tuần, chẳng thể phơi, kêu bà ve chai bả còn lắc đầu không thèm, đành rục bỏ. Tiếc đứt ruột. Căm tên Trời, không biết nó họ gì để tìm báo thù.

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

Không sờ vào hiện vật

Lúc bão gió lũ lụt tang tóc thế này, nếu nói những chuyện khác, nhất là chơi bời tụ tập, khoe ăn khoe uống, khoe váy khoe áo, dễ bị mắng là không có sự đồng cảm yêu thương chia sẻ. Mà mắng cũng phải thôi. Các cụ chả dạy "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", huống hồ hàng chục triệu người đau.

Đợi yên hàn, nhạt bão nhạt lũ, lại nói chuyện đời... trong nước. Vậy nên nhà cháu bàn chuyện ngoài cho lành.

Hôm qua, mấy tay đồ tể Nga lên giọng dọa dẫm nếu bị Ukraine đánh sâu bằng vụ khí của phương Tây, bọn hắn sẽ dùng thứ vũ khí mạnh hơn để trả đũa, ám chỉ dùng hạt nhân.

Dọa thì nó dọa thường xuyên, lâu rồi. Nó đã rút ruột ra để gây chiến rồi, chả còn thứ gì ác mà chưa dùng. Nó thừa biết, nếu đường cùng, dùng cái thứ gọi là mạnh hơn kia, thì người ta để yên cho nó chắc. Già dái non hột, chỉ mạnh mồm thế thôi, còn dùng đồng nghĩa với chết trước, tự sát. Đứa ngu như nó cũng hiểu điều đó.

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2024

Đội quân chủ lực bị bỏ rơi (kỳ 2)

Ở một nước tới tận đầu thế kỷ 20 vẫn là nước thuần nông, kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, lực lượng đông nhất là nông dân (theo tư liệu cũ, chiếm tới hơn 90%) thì ai nắm được nông dân thì người đó thắng. Số công nhân tại các hầm mỏ, xí nghiệp so với đội ngũ nông dân không đáng kể, mà thực ra họ cũng xuất thân từ nông dân “cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ/Con chạy vào đất đỏ làm phu” chứ không phải trên trời rơi xuống.

Tuy nhiên, theo lý luận của ông tổ cộng sản Mác (Marx), vô sản-công nhân đứng lên làm cách mạng, lật đổ giai cấp tư sản, nếu có mất chỉ mất xiềng xích, còn được thì được cả thế giới. Mác nhìn lực lượng tư sản trong quá trình phát triển nhân loại bằng cái nhìn rất hằn học, căm thù, khẳng định “bọn tư sản” về bản chất là xấu xa, độc ác, thói bóc lột đã ngấm vào trong máu, chỉ có biện pháp duy nhất đánh đổ, tiêu diệt chúng, mới xây nên thế giới đại đồng không còn người bóc lột người. Ông Nguyễn Văn Năng, một nhà cách mạng người Thái Bình thời những năm 30 đã viết rằng “Bao giờ thế giới đại đồng/chúng ta mới thoát khỏi vòng gian truân”.

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2024

Nhà báo... hại

Thấy một ông nhà báo lên tiếng chắc như đinh đóng cột rằng trồng cây cứ để nguyên vỏ nilon bọc bầu đất là đúng, rễ cây nó còn ăn xuyên qua tường được, vỏ viếc đã là quái gì. Ông mắng thiên hạ ngu dốt, chỉ giỏi ăn theo nói leo, v.v..

Tôi không có ý kiến, bởi biết nói với người kênh kiệu, ra vẻ ta đây, thầy thiên hạ như vậy cũng chả ích gì.

Chỉ thấy tội cho cái danh xưng nhà báo. Nó bị người ta coi như đồ bỏ, thậm chí không bằng thằng này con nọ.

Thời nay, cứ nghe mấy ông mấy bà xưng là nhà báo, phát sợ. Một nghề từng có thời vênh vang, giờ bị xem thường, rẻ rúng cùng cực.

Mà chẳng riêng nhà báo, thời mạt thì ngay cả giáo sư, thiếu tướng, nhà này nhà nọ cũng ba lăng nhăng, khoe khoang, ảo tưởng, tự sướng, mắng mỏ người khác... chỉ để thiên hạ khinh bỉ, chê cười.

Nguyễn Thông



Thứ Hai, 9 tháng 9, 2024

Cơn bão đi qua (phần 2)

Bão số 3 tan rồi nhưng nó để lại, đọng lại những điều khủng khiếp, trên đời thực và trong lòng người. Rồi sau này những đứa trẻ bây giờ sẽ kể lại cho con cháu chúng nghe về trận bão năm Giáp Thìn 2024 từ ký ức khó phai nhạt. Những điều vui có thể dễ quên, chứ những bất hạnh, ghê gớm thì sâu đậm lắm. Ông anh rể tôi, một nạn nhân cải cách ruộng đất, cứ mỗi lần anh em có dịp ngồi với nhau, anh ấy kể cha mình bị đấu tố và bắn thế nào, tôi có cảm giác từng giọt máu rơi lộp độp xuống bàn.

Nói dại mồm, phỉ phui cái miệng, nếu Sài Gòn mà bị bão, chứ chưa phải siêu bão, như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội bị hôm qua (7.9.2024, nhằm trúng ngày mùng 5.8 Giáp Thìn, theo quan niệm xưa, ngày 5 là ngày của trời) thì chỉ riêng đám bồn nước inox được đặt hớ hênh trên nóc nhà chứ chẳng chằng buộc gì ngoài mấy cái đường ống nhựa dẫn nước lên hoặc xuống, bão cuốn ném chúng xuống, chắc chẳng khác chi cả triệu quả bom nước quăng vào lên phố xá, con người, sẽ thấy kinh khủng thế nào. Có nhẽ những nhà quản lý nên lưu ý tới điều này, cũng như đã từng ra quy định về phòng cháy chữa cháy vậy.

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

Cơn bão đi qua

Trận bão Yagi, hay còn gọi bão số 3 (mỗi năm xứ ta thường bị 10 - 12 cơn bão lớn nhỏ, mà Yagi mới là số 3) hoành hành suốt một ngày qua, 7.9, ở đồng bằng Bắc Bộ, những nơi hứng nặng nhất gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, trong đó có những huyện đảo Bạch Long Vĩ, Vân Đồn, Cô Tô bơ vơ giữa trùng khơi. Chỉ có thể nói ngắn gọn thế này: Khủng khiếp, quá khủng khiếp.

Tôi may mắn (nói ra cũng ngại khi người khác phải chịu tang thương) sống trong Nam nên không bị gì, cũng không tận mắt chứng kiến, nhưng từng giờ từng giờ theo dõi chuyện quê (Hải Phòng), nghe các em các cháu bất đắc dĩ làm người tường thuật, chúng kể lại mọi điều đã, đang và cả sắp xảy ra, thấy thương lắm, lo lắm.
 
Chẳng hạn, tôi nhắn hỏi đứa cháu, cái mái che sân mày mới làm công phu như thế ra sao rồi, nó nhắn lại cháu cũng chả biết nữa, cháu đi trực ứng phó bão, còn đám ở nhà cố thủ hết trong phòng, chả biết nó có còn không, hay bị bão xơi rồi. Tôi chắc mẩm chẳng còn, bởi mái trên cao tít mười mấy mét, hai bên là tường nhà. Gió lộng vào, mái như cánh diều, bay bổng, khó mà trụ được.

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2024

Rễ cái

Tôi để ý phần lớn cây đổ (nhìn thân nó thì đoán tuổi khoảng trên dưới 20 năm) trong cơn bão số 3 Yagi đều chỉ có rễ ngang mà không có rễ cái (còn gọi là rễ cọc).

Đây là hậu quả của kiểu trồng cây to, cứ chặt phăng rễ cái rồi bê đến trồng chỗ này chỗ khác.

Cây không rễ cái mặc dù trồng xuống vẫn phát triển, nhất là bây giờ có nhiều cách chăm sóc, nhưng không thể nào chịu được gió mạnh. Điều đó ai cũng biết. Người xưa đã dạy rất kỹ về việc trồng cây, luôn nhấn mạnh phải trồng cây nhỏ có rễ cái.

Chỉ có đám ăn xổi ở thì, thích phô bày làm phách, lú lẫn ngu muội, phản khoa học thì mới khoái trồng cây to không có rễ cái. Nói thật, tôi cực kỳ coi thường và khinh kiểu trồng cây đó.
Nhẽ ra phải quăng ngay cái xẻng quấn xanh xanh đỏ đỏ, chu mỏ mắng chúng nó cây như thế thì ông đếch trồng, giả dép cho ông về.

Cần chấm dứt ngay kiểu làm ăn ba vạ này. Làm quan to mà kéo nhau đi trồng cây phản khoa học như vậy thì cũng không hơn gì đứa trẻ trâu chưa đến trường. Điều đơn giản mà không ngộ được, lại đòi làm lãnh đạo. Về, về vợ nuôi, chứ làm được trò gì.

Mà trồng người cũng vậy thôi. Chỉ tới khi có "bão" mới lộ ra tốt xấu, hay dở, chứ lúc bình thường chúng cao ngạo huênh hoang lắm.

Nguyễn Thông




Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2024

Đội quân chủ lực bị bỏ rơi

Ở nước ta, lâu nay nông dân được bộ máy tuyên truyền nhà nước tôn vinh, gọi là “đội quân chủ lực của cách mạng”. Những ông to bà nhớn khi đề cập tới nông dân đều dùng mấy chữ ấy. Cho sang mồm.

Tháng 7 tây (chứ không phải tháng 7 cô hồn) năm nay, đối với tôi sự kiện đáng nhớ nhất và ý nghĩa nhất là việc tăng lương, thực hiện ngay từ ngày đầu tháng. Cụ thể nhà nước điều chỉnh tăng lương cơ sở, người đang làm việc mà hưởng lương (cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nhân viên) được thêm 30%, còn người về hưu tăng 15%, so với tháng 6. Đó mới là điều thực sự có ý nghĩa trong tháng 7, chứ những chuyện khác cũng thường thôi, chả đáng ồn ào.

Tất nhiên, trong vụ tăng lương này vẫn còn thứ cần bàn, chẳng hạn cách đối xử với người về hưu, nhưng phải nói, đó là tin vui, niềm vui, của cả dân lẫn chính phủ. Bà Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà còn hăng hái giải thích về niềm vui ấy cơ mà. Được ít cũng mừng, nhiều lại càng mừng. Ai chẳng thích tiền, nhất là lúc cuộc sống đầy khó khăn. Quá khó là đằng khác, chứ không phải như ai nói “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay”. Lý luận bao giờ chẳng hay, nhưng giữa lý luận và thực tế vẫn khoảng xa vời. Thực tế thế nào, dân chúng cần lao đều rõ, bởi nó ngay trước mắt, nó hằng ngày xung quanh mình.

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

Vụn về Hưng Yên (phần 4)

Đầu tháng 10.1972, tôi nhận được giấy báo nhập học. Khoa văn sơ tán tuốt tận ven sông Cầu, nằm rải rác ở hai huyện Yên Phong, Hiệp Hòa tỉnh Hà Bắc, muốn từ huyện này qua huyện kia phải lụy phà Đông Xuyên (nghe đâu giờ đã có cầu Đông Xuyên đẹp lắm). Cái tên tỉnh thực ra chẳng gắn gì với tên 2 tỉnh cũ Bắc Ninh, Bắc Giang nhập lại. Đơn giản nó ở phía bắc Hà Nội nên gọi là Hà Bắc thôi, nghe người nhớn bảo vậy.

Lúc này chiến tranh phá hoại lần 2 của Mỹ ở miền Bắc rất ác liệt. Đường số 5, con đường duy nhất từ Hải Phòng lên Hà Nội (và ngược lại, từ Hà Nội xuống Phòng) bị bom đánh tan nát. Ngày nào cũng bom rơi đạn nổ, nhất là trên 3 cây cầu chiến lược trọng yếu Long Biên, Phú Lương, Lai Vu. Cầu Long Biên được tên lửa và súng cao xạ bảo vệ kỹ lưỡng nên còn, chứ Phú Lương và Lai Vu đã bị đánh sập, phải thay tạm bằng cầu phao. Ở Hải Phòng, mấy cầu Niệm, Rào, Thượng Lý sập hết. Tới đợt 12 ngày đêm tháng 12 thì cả cầu Long Biên cũng bị bom laser cắt đứt luôn.

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

Hai bài thơ của bác Nguyễn Duy ngày 2.9

Nhà thơ Nguyễn Duy là tên tuổi không xa lạ với đời sống văn chương xứ này. Hôm qua, ngày lễ trọng của nhà nước, Quốc khánh 2.9, bác viết và gửi cho tôi 2 bài dưới đây. Tôi mạn phép đăng vào blog nhà, như một cách lưu lại lịch sử, cũng để làm tư liệu.
Tôi tôn trọng nguyên bản, không sửa chữa thay đổi gì, cả những chữ viết in, viết hoa của bác.

Tết Độc Lập - Cụng Ly Nhớ HUY ĐỨC

"Một ngày tù nghìn thu ở ngoài
Lời nói người xưa đâu có sai"
Nhớ con nhớ bạn nhớ bồ bịch
Nhớ rượu nhớ mồi nhớ lai rai...
*
"Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần phải càng cao"
*
Bốn tháng áo có thay?
Bốn tháng có được tắm?
Răng có rụng chiếc nào?
Tóc đã toàn phần trắng?
*
Thì hãy gắng làm theo lời Bác dặn
Thả hồn thơ mà chờ tự do
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng dòm khe cửa ngắm nhà... hổ.

2.9.24 (Chén rượu suông cụng với hồn mình)

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2024

Chuyện Tam quốc

Lễ. Quốc khánh 2.9. Người ta mò ra đường đi chơi cả, nhà cháu ở nhà chả biết làm gì, nhớ lại chuyện Tam quốc. Cũng có một thời đọc sách, mê sách, vẫn mê tới tận bây giờ, có những quyển đọc đi đọc lại cả chục lần không chán.

Mùa hạ tháng 7, Ngụy chủ Tào Tuấn cử đại đô đốc Tào Hưu dẫn quân trấn giữ mặt đông, lựa thời cơ đánh Ngô. Hưu dòng tộc Tào chứ không phải hạng tướng trí dũng. Biết vậy, thái thú Phiên Dương Chu Phường bên Đông Ngô lập mưu lừa Hưu. Phường hứa sẽ đầu hàng Hưu, đưa quân Ngụy vào chiếm đất Ngô, mặt khác Phường báo cho Lục Tốn tổng chỉ huy quân Ngô biết.

Gặp nhau, thấy Hưu còn tỏ ý nghi ngờ, Phường liền rút gươm định… tự sát, Hưu vội vàng ngăn cản, ôm Phường giữ lại (gớm, nó có sát cái đếch). Thấy Hưu chưa quyết, Phường liền túm nguyên chỏm tóc mình, rút gươm bén cắt cái xoẹt, bảo Hưu, thưa đại đô đốc, thân này chưa chết cho ngài tỏ được vừa lòng thì đây là thứ do cha mẹ sinh ra, tôi cắt để giãi bụng thực. Hưu liền vội gật gật tin Phường (mẹ kiếp, tóc là quái gì mà cũng tin nó).

Vụn về Hưng Yên (kỳ 3)

Thời thập niên 70 thế kỷ trước (thêm chữ thế kỷ vào nghe xa xôi quá nhưng thực ra cách nay mới hơn 50 năm), từ Hải Phòng quê tôi lên Hà Nội có 2 cách (2 lối) là đường sắt và đường bộ (đường số 5). Đường sắt, đi riết nhớ tên từng ga, nếu tính từ Hà Nội về Phòng qua các ga Hàng Cỏ, Long Biên, Gia Lâm, Phú Thụy, Như Quỳnh, Lạc Đạo, Cẩm Giàng, Cao Xá, Hải Dương, qua một số ga trên đất Hải Dương nữa thì tới đất Phòng với Dụ Nghĩa, Chợ Hỗ, Vật Cách, Thượng Lý, rồi đích cuối là ga Hải Phòng trên đường Lương Khánh Thiện, đường này từ thời Pháp dân quen gọi phố ga. Trên đất Hưng Yên, tàu hỏa chỉ dừng ở 2 ga Như Quỳnh, Lạc Đạo, mươi phút rồi lại xọc xạch xọc xạch đi, có nhẽ vì thế hiểu biết của tôi về vùng đất nhãn cũng chả được nhiều.

Nhưng bù lại, nếu mua được vé ô tô theo đường bộ số 5 thì ngó nhìn cảnh sắc Hưng Yên cũng khơ khớ. Đường 5 là quốc lộ, con đường to nhất ở miền Bắc lúc ấy, còn hơn cả đường số 1 xuyên Việt khi đó bị chặn lại trên đất Vĩnh Linh, chỗ đầu cầu Hiền Lương bờ bắc sông Bến Hải. Suốt 4 năm rưỡi đại học, mỗi năm đi về ít nhất 2 lần hè và tết, tôi thường chầu chực, xếp hàng mua vé xe khách, hai đầu bến là bến Quần Ngựa (Hải Phòng) và bến Nứa (bến Long Biên, Hà Nội). Giờ nhớ lại cảnh “tham gia giao thông” xe khách thuở ấy, như có dòng ớn lạnh dọc sống lưng, sởn gai ốc, bởi sự kinh hoàng, khốn nạn không thể tả còn hằn trong ký ức.

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2024

Vụn về Hưng Yên (kỳ 2)

Không phải chỉ có các cụ văn nghệ sĩ như Khương Hữu Dụng, Nguyễn Văn Tý, Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu nhắc nhỏm về Hưng Yên. Trong thơ văn nhạc miền Bắc thời trước 75 người ta vẫn biết tới Huy Cận với bài “Cô gái Hưng Yên đi mở mang Tây Bắc” (bài này được đưa vào sách Trích giảng văn học, tức sách giáo khoa bây giờ), với Chế Lan Viên chỉ vài câu thoáng qua thôi nhưng khá ấn tượng “Ong bay khu nhà Tỉnh ủy Hưng Yên/Mật đồng bằng mùa nhãn ngọt môi em” (một tay bạn tôi thời lớp 10, anh Vũ Trường Thành, có lần bảo tao mà biết làm thơ ngọt như ông Chế, tao tán thì khối con chết), rồi thơ về chị Phạm Thị Vách “giỏi thay con gái đàn bà mà ghê” chiến sĩ thi đua toàn quốc ngành thủy lợi, sau được phong anh hùng lao động… Hưng Yên tuy “nhỏ nhưng có võ” chứ không nhàn nhạt như nhiều tỉnh miền Bắc.

Thời tôi học cuối cấp 2 (lớp 7) và những năm cấp 3, nhà trường và đoàn thanh niên thường xuyên kêu gọi phải học tập 4 tấm gương, bây giờ gọi là idol: Pavel Corsaghin, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Mã Lương và Vương Đình Cung.

Pavel thì ai cũng biết mà không biết, bởi chỉ nghe người ta tán tụng qua sách, cuốn “sách gối đầu giường” “Thép đã tôi thế đấy”, nhất là cái câu “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận bởi những năm tháng đã sống hoài sống phí” (chả biết ông Thép Mới dịch có thêm câu này vào cho hợp với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam không), vừa rồi có một ông to trích dẫn lại nhưng giấu nguồn khiến thiên hạ khen nức nở sao cụ ấy lập ngôn thấm thía thế.