Bạn bè

Tổng số lượt xem trang

Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Chuyện giải phóng vỉa hè

-Ở nước ta, nhất là các đô thị, kinh tế vỉa hè đã từng tồn tại, đó là thực tế. Nhưng rất nhiều người đã nhầm lẫn khi cho rằng lấn chiếm vỉa hè chủ yếu là người bán hàng rong, buôn thúng bán bưng, tức là tầng lớp nghèo dưới đáy xã hội, nếu có lập lại trật tự đô thị, dẹp lấn chiếm vỉa hè thì cần phải thông cảm. Thực ra cũng có những người này chứ chẳng phải là không, nhưng lấn chiếm vỉa hè chủ yếu là những người có nhà mặt tiền, thuộc tầng lớp trung lưu. Họ đứng ra kinh doanh hoặc cho thuê diện tích để người khác kinh doanh. Họ không chịu bỏ một phần diện tích trong nhà cho việc kinh doanh, giữ xe của khách mà lại chiếm vỉa hè của cộng đồng làm của riêng. Dẹp là đúng rồi.

-Điều cốt yếu là chính quyền ra tay lần này đừng đầu voi đuôi chuột, ném đá ao bèo. Và phải tổng thể, đừng nơi này làm nơi khác không.

-Các ông các bà công dân ơi, cần ủng hộ sự quyết liệt giải phóng vỉa hè của chính quyền quận 1 Sài Gòn, nhất là ông Phó chủ tịch Hải. Không làm thì cũng chê, làm thì cũng nghi. Cái gì mà cũng nghi ngờ hết trơn hết trọi thì sống khó lắm. Phải để cho chính quyền sửa sai chứ.

Chuyện cầu cống (kỳ 1)

Hơn tháng nay, ngày nào tôi cũng đi ngang qua đại công trình phá cầu Nhị Thiên Đường cũ (ở quận 8, Sài Gòn - Chợ Lớn) để lấy chỗ xây cầu mới. Cây cầu cũ này đã gắn bó với người Sài Gòn - Chợ Lớn gần trăm năm nay, còn tôi cũng có duyên với nó gần 20 năm sau khi chuyển nhà từ nội đô về huyện Bình Chánh. Nhìn cảnh cầu bị đập phá, dù biết sẽ có cầu mới, cứ bồi hồi thương thương làm sao ấy. Thế mới biết ngay cả gạch đá cũng không phải là vô tri. Chắc nó có hồn, có tình nhưng nó không kêu lên được.

Cầu Nhị Thiên Đường cũ (còn gọi là cầu 1 bởi hiện đã có một cây cầu cùng tên song song với nó là cầu 2) được thông cầu từ năm 1925. Hồi tôi mới vào Sài Gòn (năm 1977), tay bộ đội đi học Đào Gia Thiệp người Thủy Nguyên (Hải Phòng) rủ tôi ra cầu Nhị Thiên Đường coi xem người ta cá cược mưa nắng. Hồi ấy dân Chợ Lớn, nhất là mấy người Hoa ngày nào cũng kéo nhau lên cầu Nhị Thiên Đường cá thời tiết, khi đang nắng chang chang mà vẫn có người quả quyết rằng đến khoảng mấy giờ sẽ mưa. Nếu mưa thì thắng cuộc, thấy bảo tiền cược to lắm. Họ là những người đầy kinh nghiệm thời tiết, có khi còn hơn cả Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn của nhà nước. Tôi bảo Thiệp, đây là kiểu cờ bạc của những tay bác học.

Những năm đầu sau 1975, cầu Nhị Thiên Đường vẫn còn đẹp lắm. Cây cầu cong cong khoác áo màu xanh lá cây mềm mại vắt ngang một nhánh kênh Đôi rộng gần 100 mét (còn gọi là kênh Tàu Hủ) nối hai bờ quận 8, với những hàng trụ đèn được thiết kế thật thanh thoát, mỹ thuật. Nếu nó không nằm ở Sài Gòn, ta có liên tưởng đang được chiêm ngưỡng một chiếc cầu bắc ngang dòng sông Seine thủ đô Paris nước Pháp. Mà cũng phải, cầu do ông chủ hãng dầu nóng Nhị Thiên Đường xây cho người làm công của ông ở bờ phía đông kênh để đi lại ra vào nội ô cho đỡ vất vả, thuê nhà thầu là Công ty xây dựng Levallois Perret (Pháp) thiết kế, thi công, hoàn thành năm 1925. Nhà văn Sơn Nam hồi còn sống kể rằng khắp xứ Đông Dương hồi ấy người ta chỉ làm cầu sắt, nhưng đây là chiếc cầu đầu tiên làm bằng xi măng cốt thép. Toàn bộ nguyên vật liệu thép, xi măng… được đưa từ Pháp sang, chỉ có nhân công người bản địa. Họ làm kỹ lưỡng đến mức, suốt gần trăm năm, sau bao nhiêu vật đổi sao dời, mưa nắng gió bão, nó cứ sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt. Và đẹp một cách kiêu hãnh.

Sau năm 1975, do kinh tế khó khăn, cây cầu không được chăm sóc, tu bổ bảo dưỡng nên xuống cấp rất nhanh. Những lan can rỉ sét chẳng ai sơn phết lại, mục dần. Đèn chiếu sáng bị tháo trộm chỉ còn trơ trụ. Màu xanh nguyên thủy mát mắt của cầu biến thành bạc phếch. Cầu cứ mỗi ngày một thảm hại, như một chứng tích về thời khốn khó sau “giải phóng”. Người ta đã bao lần tính tới tính lui làm thịt nó và cuối cùng đã kết liễu số phận một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, kỳ vĩ bằng việc phá nó đi, xây cái mới. Thời oanh liệt của cầu Nhị Thiên Đường nguyên thủy đã kết thúc vào ngày 20.1.2017.

Tôi đứng bần thần nhìn chiếc xe bánh xích to như xe tăng chuyên khoan phá bê tông xoáy cái mũi khoan to như bắp đùi vào cơ thể Nhị Thiên Đường. Sau gần trăm năm, cầu vẫn khiến chiếc máy đao phủ hiện đại kia cực kỳ vất vả. Từng tảng bê tông bị phá ra vẫn chắc khừ, trắng boong, ken dày cốt sắt thép bên trong. Người Pháp mà làm cầu đường, phải nói là số 1. Nếu cứ cái thói ăn bớt ăn xén, độn tre pheo vào thay sắt thép thì lấy đâu ra trăm năm cầu Nhị Thiên Đường. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Có học hành, bằng cấp, địa vị vẫn hơn

Trong một vụ cướp nhà băng, tên đầu bọn hét lên: "Tất cả đứng im, nên nhớ tiền thuộc về Nhà nước, còn mạng sống thuộc về....các người!".
Mọi người trong ngân hàng nghe xong liền im lặng nằm xuống.
>>> Điều này được gọi là: "Cách thức khai tâm - Thay đổi những suy nghĩ theo lối mòn".

Có cô nhân viên nằm trên bàn trong tư thế khêu gợi, một tên cướp hét lên: "Làm ơn cư xử văn minh, chúng tôi là cướp chứ không phải những kẻ hiếp dâm!".
>>> Điều này được gọi là: "Hành xử chuyên nghiệp - Chỉ tập trung vào công việc mà bạn được huấn luyện!".

Khi tên cướp quay lại, một tên cướp trẻ hơn (có bằng MBA) nói với tên cướp già hơn (kẻ mới tốt nghiệp hết phổ thông): "Đại ca, có phải đếm xem được bao nhiêu tiền không?". Tên cướp già gằn giọng: "Đừng ngu, giờ đếm thế nào được? Đợi đi, tối nay TV sẽ nói chúng ta cướp được bao nhiêu!".
>>> Điều này được gọi là: "Kinh nghiệm - Ngày nay thì kinh nghiệm quan trọng hơn giấy tờ, sách vở".

Sau khi băng cướp rời khỏi, giám đốc chi nhánh định gọi báo cảnh sát. Kế toán trưởng vội vã chạy đến, thì thầm vào tai ngài: "Đợi đã, hay để luôn 5 triệu chúng ta biển thủ vào trong số tiền bị băng cướp lấy mất!".
>>> Điều này được gọi là: "Bơi theo dòng nước - Chuyển đổi những tình huống bất lợi trở thành thuận lợi".

Vị giám đốc tự nhủ: "Vậy thật tuyệt nếu cứ mỗi tháng lại có một vụ cướp!".
>>> Điều này được gọi là: "Hãy loại bỏ những điều khó chịu - Hạnh phúc là điều quan trọng nhất".

Ngày hôm sau, TV đưa tin 100 triệu đã bị cướp khỏi nhà băng. Những tên cướp đếm đi đếm lại thì chỉ có 20 triệu. Chúng giận dữ: "Chúng ta mạo hiểm mạng sống của mình chỉ để lấy 20 triệu, bọn chó lãnh đạo chỉ ngồi chơi mà cướp được 80 triệu. Đúng là học hành, có bằng cấp thì chúng nó được ngồi cái ghế đấy, cướp tiền siêu đẳng hơn chúng ta!".
>>> Điều này giải thích tại sao: "Kiến thức thì thời nào cũng như vàng ròng"!

Sưu tầm từ Facebook



Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Biếu-nhận xe sang, hay chuyện đi qua ruộng dưa

Nhân chuyện Bí thư Đà Nẵng đang chịu trận từ bão dư luận vụ xe sang, tôi biên ra mấy dòng.

Vẫn biết, nghi ngờ lòng tốt của con người là một cái tội. Phật dạy chúng sinh phải tin vào thiện tâm. Chỉ có điều...

Xin nhớ, không ai cho không nhau cái gì. “Biếu” từ cân đường hộp sữa đến chiếc xe sang, siêu sang, thì thứ thu lại, nhẹ nhất cũng là lòng biết ơn của người nhận.

Người dân đóng thuế nộp vào ngân sách, nhà nước dùng tiền ấy để mua sắm phương tiện sử dụng trong bộ máy nhà nước. Đồng tiền có từ mồ hôi nước mắt đó chi cho hoạt động phục vụ nhân dân là quá hợp lý; đừng có xa hoa lãng phí, thò thụt bỏ túi riêng là được.

Lâu nay, có một khoản chi khác được lấy từ nguồn “xã hội hóa”. Nếu xã hội hóa đúng nghĩa, cả nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp (hoặc cá nhân) đều có lợi. Tuy nhiên, phương châm xã hội hóa ít nhiều đã bị lợi dụng. Đặc biệt dư luận cực lực phản đối việc mượn danh nghĩa xã hội hóa để hợp pháp tình trạng biếu xén, mua chuộc, hối lộ. Khi doanh nghiệp bỏ tiền mua cái ô tô biếu cơ quan nhà nước, nó cũng xót lắm, nhưng nó đã sẵn trong đầu ý thức "thả con săn sắt, bắt con cá rô", nhằm đạt mục đích này nọ rồi. Nếu ừ hữ chấp nhận sự "biếu xén" có nghĩa là công khai cho phép hối lộ, làm chuyện xì xằng, không đàng hoàng.

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

Chuyện tóc đít vịt và quần ống loe

Hôm có việc đi Bảo Lộc (Lâm Đồng), tôi diện xe cao cấp Thành Bưởi (xe Thành Bưởi chiếc nào mà chẳng cao cấp, nhà xe bảo vậy). Ngồi gần chỗ tôi là một đôi trai gái. Trẻ trung, xinh đẹp, có học (nghe họ nói chuyện thì nghĩ vậy). Nói năng cư xử nhã nhặn, có văn hóa, yêu nhau rất mực nhưng ý tứ, không kệch cỡm. Nghĩ thầm trong bụng, họ là mẫu hình tuổi trẻ thời nay. Mà thực ra những cô cậu như thế bây giờ không hiếm. Điều tôi muốn biên ra đây là họ có mái tóc rất lạ. Cô gái nhuộm kiểu tóc Hàn Quốc, còn cậu người yêu “hãi” hơn, hai bên thái dương gọt trụi, chỉ còn đỉnh đầu cái chỏm chào mào, nhuộm xanh đỏ, trông hệt chóp con chào mào.

Nếu cứ nhìn vào dáng vẻ lạ lùng ấy mà vội đánh giá con người thì nhầm to. May mà tôi ngồi gần họ, nghe họ trò chuyện, tận mắt nhìn cách họ cư xử, chứ nếu chỉ gặp thoáng trên đường, tránh sao khỏi như nhiều người trong cách đánh giá. Nhẹ thì cũng lầm bầm lố lăng bỏ mẹ.

Họ gợi cho tôi nhớ về chuyện tóc tai, quần áo hồi xưa, thời tôi còn trẻ. Thời ấy, mái tóc cũng như bộ quần áo, rành rành là của cá nhân mình, mà không phải của mình. Nó là của xã hội, được chi phối, quy định bởi xã hội, kiểu “bắt phong trần phải phong trần/cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Đẹp - xấu, hay - dở đều phải theo quy định của nhà nước. Nhà nước bảo đẹp thì là đẹp, bảo xấu thì là xấu, cấm cãi.

Hồi tôi học cấp 2 (giữa những năm 1960), cả làng già trẻ lớn bé nếu cắt tóc cũng chỉ biết chờ hai ông thợ cúp dạo: ông phó Bót và ông Sộp. Hai ông xách hòm đồ nghề rảo khắp hang cùng ngõ hẻm, cứ cắt mỗi cái đầu là 1 hào. Chỉ có 2 kiểu cắt: cắt cao, còn gọi là cắt móng lừa; hoặc húi trọc. Ngồi lên ghế, ông phó cầm tông đơ đi vài đường, cạo nữa là xong. Đứa nào muốn khác kiểu thì phải lên huyện. Về sau, có chú Xích đi bộ đội được giải ngũ, mở quán cắt tóc cạnh nhà tôi, đem về bao nhiêu là kiểu, bấm kéo tanh tách giòn tan, thích kiểu nào cũng chiều.

Một trong những kiểu tôi nhớ nhất là tóc đít vịt. Kiểu này do bọn thanh niên thành phố sơ tán đem về làng. Hai tay chơi đít vịt nổi nhất là anh Hảo móm và anh An gù. Hảo hơn tôi vài tuổi, hồi nhỏ đi đánh nhau ngoài ga xe lửa bị đâm vào má, có vết sẹo lõm to khiến mặt bị móm, chắc bỏ học nhiều nên khi sơ tán lại học cùng bọn tôi. Còn anh An bị gù lưng, chuyên chữa xe đạp, mở cái quán gần ngõ nhà ông Tưởng, cạnh HTX mua bán. Hai vị này chả biết sợ ai. Đám chúng tôi tóc tinh dững cắt cao 3 phân, mô đen xanh mai trắng gáy, còn tóc hai anh này thật ấn tượng. Phần sau gáy luôn để thật dài, trùm cả cổ áo, phủ xuống vai. Chả ai bảo là nghệ sĩ bởi tóc nghệ sĩ phải dài hết cả toàn bộ đầu, còn đây chỉ dài gáy. Hình như dân anh chị thời ấy đều phải thế. Cứ thấy tóc đít vịt là phải ngại, phải kiêng nể rồi.

Xã hội mặc nhiên đánh giá sự tốt xấu của con người qua mái tóc, kiểu tóc. Cán bộ nhắc dân bọn đít vịt đi đến đâu phải dè chừng chúng nó. Không ăn trộm gà thì cũng đào trộm khoai. Cứ có đám cãi nhau đánh nhau là nghĩ ngay đến đít vịt làm thủ phạm. Đám này nếu tuyển quân, việc đầu tiên là bị gọt đầu. Nhiều anh tiếc tóc đít vịt khóc như cha chết. Nhưng bộ đội không có đùa. Quân ngũ là trường học lớn cải tạo con người. Thế mà ối anh đít vịt đã thuần, phải công nhận bộ đội rèn người giỏi thật.

Sau năm 1975, tôi vào miền Nam nhận việc. Không ít lần chứng kiến những chuyến về miền Tây Nam Bộ, đội thanh niên cờ đỏ, dân quân du kích dàn hàng ngang tại bắc (phà) Mỹ Thuận chặn xe, không phải để bắt bọn phản động, mà chỉ để cắt tóc đít vịt và rạch quần loe. Không oong đơ lôi thôi, lôi xuống xe, đi vài đường kéo cắt phăng cái đít vịt, rạch cái ông quần loe rồi thả cho đi tiếp. (còn tiếp)

Nguyễn Thông



Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Lật bản chất Đường Tăng

Chẳng phải những "nhà đạo đức" thời nay mới giả dối. Từ hồi xưa kia.

Tôi đang đọc lại bộ Tây Du Ký. Người ta cứ khen Đường Tăng đạo đức, lòng sáng như gương, trong sạch vững mạnh, còn tôi thì thấy y cực kỳ giả dối. Y lúc nào cũng mở mồm khuyên "người xuất gia không nên nói dối", phải chân thành, thực lòng... nhưng khi y trao cho Tôn Ngộ Không cái vòng kim cô (mà Quan âm bồ tát vừa đưa cho y) để nhằm trói buộc Tôn, lão Tôn thắc mắc thầy lấy đâu ra cái mũ này mà cho con, y bảo "mũ ấy ta vẫn đội lúc còn nhỏ, đội mũ ấy không phải nghe dạy kinh cũng biết tụng kinh, không cần học lễ cũng biết làm lễ, nay ta thương con, cho con dùng".

Tôn đang không có mũ, mừng quá, cảm ơn thầy, đội vào. Thầy liền đọc chú khẩn cô nhi khiến Tôn ngã lăn quay. Khi Tôn thắc mắc sao sư phụ lại đọc chú để hại con, y thầy còn cố cãi "ta chỉ đọc kinh chứ có đọc chú hại con đâu".

Lão Maddox hàng xóm nhà tôi cảu nhảu bảo, đèo mẹ, thương cái xương không còn, cứ động có tí chức lãnh đạo là giả dối, càng cao càng dối trá. Những thằng xoen xoét cái mồm là không tin được.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Không thể làm xiếc mãi

Đúng đến hôm nay, 17 tháng 2, vừa tròn 38 năm xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía bắc 1979 (như người ta thường gọi thế). Nói một cách chính xác, đó là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, đồng thời là cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc của Việt Nam. Dù nhìn nhận dưới góc độ nào cũng vẫn chỉ là thực chất ấy.

Vài ngày nay, trên nhiều kênh thông tin, nhất là mạng xã hội, đặc biệt Facebook, đã sôi sùng sục tinh thần “hướng về ngày 17.2”. Nếu trước đó vài hôm, đám người trẻ tuổi còn mê cuồng với lễ Tình yêu, Valentine Day 14.2, thì chỉ 3 hôm sau, không chỉ bọn trẻ, mà đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi nhắc nhau ôn kỷ niệm, nhớ đến ngày 17.2. Họ còn chứng minh họ không phải là thứ người hay quên, quay lưng lại lịch sử, chối bỏ quá khứ oanh liệt của tổ tiên, ông bà, cha anh, bằng cách thay hình đại diện thành bông hoa sim tím. Hoa sim, cái màu tím rưng rức ấy, chả biết tự khi nào, thành biểu tượng của các tỉnh biên cương phía bắc. Bông sim nở xòe, được gắn với con số 17.2, như nhắc nhở một chặng, một vệt lịch sử không thể lãng quên.

Với sự thận trọng vốn có của mình, cộng thêm cả sự dè dặt quá mức, tôi không vội vào hùa với không khí náo nức ấy. Mình vội vàng quá, có thể sai. Mà sai thì khó chữa. Tôi ráng chờ đợi, như người con gái chính chuyên bị phụ bạc đang chờ kẻ phụ bạc biết đâu nghĩ lại mà quay về. Coi xem, lắng nghe chính quyền có tổ chức lễ lạt kỷ niệm, thông báo thông biếc gì không. Buổi sáng trôi qua. An ủi, biết đâu kế hoạch là buổi chiều thì sao. Rồi chiều cũng qua đi trong sự ấm ức. Thời tiết cả nước hôm nay đẹp thế cơ mà. Miền Bắc, nhất là thủ đô, trời se lạnh nhưng khô ráo, thật tiện cho những cuộc mít tinh, biểu tình, lễ lạt. Miền Trung và miền Nam tuy hơi nóng, nơi này nơi kia lác đác mấy hạt mưa, nhưng cũng đẹp, cái đẹp về hùa với công tác tổ chức huy động cộng đồng. Nhưng không động tĩnh gì. Thôi thì ráng chờ đến tối, vẫn còn khả năng diễn ra sự kiện vào buổi tối. Ấy là mình cứ tự đánh lừa mình thế thôi, chứ cũng hiểu nó như thế nào rồi.

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Luật và photocopy

Cần phân biệt hành vi photocopy tài liệu để học tập với việc xuất bản, in ấn theo quy định của pháp luật.

Bất cứ giáo trình, giáo án nào đang được sử dụng trong nhà trường, sinh viên đều có quyền photo lại để sử dụng. Điều đó pháp luật không cấm. Người dân có quyền làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.

Tuy nhiên, nếu cô sinh viên kia photo tài liệu - giáo trình, không chỉ để sử dụng mà còn đem bán kiếm lời, tức là vừa có hành vi vi phạm bản quyền, vừa buôn bán bất chính, thì cô ấy phải bị xử lý theo những quy định của pháp luật. Đình chỉ học 1 năm có khi còn nhẹ bởi có hiểu biết mà vẫn cố tình vi phạm thì không thể coi như đứa dân thường vô ý, vô tình được.
Nếu cô gái kia chứng minh được cô ấy bỏ tiền túi photo nhiều bản (8 bản) nhưng chỉ để cho, biếu, giúp người nhà, bạn bè có hoàn cảnh kinh tế khó khăn... mà không hề thu một xu nào thì phải khen cô ấy. Đoàn trường đại học Luật phải nêu gương cô này cho sinh viên học tập, chứ đừng Ban giám hiệu bảo gì nghe nấy.

Trường đại học Luật, cũng như mọi cơ quan đơn vị khác, có những nội quy (quy định nội bộ) nhưng không được vượt ra khỏi những gì mà pháp luật quy định. Đừng ai nghĩ rằng đây là trường luật nên không thể có chuyện sai về luật. Nhiều khi càng luật càng sai bởi cậy thế, ra vẻ ta đây.

Trong vụ việc trên, theo tôi, Ban giám hiệu trường Luật đã đi quá đà, nhất là định "ngăn sông cấm chợ", độc quyền giáo trình để bán theo giá do mình tự đặt ra. 

Tôi biết cô Quỳ hiệu trưởng, cô ấy là người giỏi, tôi tin cô ấy sẽ biết sửa sai.

Nguyễn Thông

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

Người lính không sợ chết, nhưng ai cũng chỉ muốn về nhà

HUY ĐỨC (nhà báo)

+ Thêm một ngôi nhà cho vợ liệt sỹ Trường Sa: cô giáo Lại Thị Huế (Trường Marie Curie Hà Nội xây tặng)

"Thắp nén nhang thơm mát dạ người/ Hãy về vui chút, anh Trung ơi", thầy Nguyễn Xuân Khang đã làm mọi người lặng đi khi kết thúc bài phát biểu của mình như vậy. "Trung" là Phạm Quang Trung, đại úy hải quân QĐND VN, hy sinh ngày 18-7-2012 "khi đang làm nhiệm vụ" trên vùng biển Trường Sa. Thầy Nguyễn Xuân Khang là hiệu trưởng Marie Curie Hanoi School, Trường đầu tư 440 triệu xây tặng vợ và hai con của liệt sỹ Phạm Quang Trung một căn nhà.

Sáng nay, 13-2-2017, tại phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Nhịp Cầu Hoàng Sa (NCHS) và trường Marie Curie Hà Nội đã làm lễ mừng nhà mới cho cô giáo Lại Thị Huế.

Có chút liên quan đến Valentine Day

Thời tôi học đại học (1972-1976) ở miền Bắc, thứ ngoại ngữ thịnh nhất là tiếng Nga. Suốt 4 năm rưỡi, tôi được học tiếng Nga từ 3 thầy cô: cô Ngô Anh Thơ, thầy Trương Quang Chế, thầy Trần Khuyến. Cô Thơ làm nhiệm vụ vỡ vạc, khai hoang cái đầu u tối của chúng tôi; thầy Chế đưa chúng tôi vào thế giới phức tạp của tiếng Nga, còn thầy Khuyến nâng cao lên ở bước cuối cùng. Nhưng rốt cuộc, đến giờ gần như cả đám trò hư quên tiệt thứ tiếng ấy (may mà còn 2 thằng Phạm Văn Bích, Nguyễn Huy Hoàng sử dụng Nga ngữ quá thành thạo), nhưng vẫn nhớ các thầy cô. Cô Thơ thật tình cảm, coi sinh viên như mấy đứa em ruột. Thầy Chế rất hiền lành, gần gũi, thầy ra bài tập dịch bài thơ Cánh buồm của Lermontov, thằng Bích dịch siêu nhất, thầy rất thích. Nhưng phải công nhận thầy Trần Khuyến giỏi nhất, bấy giờ thầy đã nổi tiếng với bản dịch bộ 3 tác phẩm tự thuật của Maxim Gorki (Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi). Thày Khuyến dạy rất gắt, buộc sinh viên học ngoại ngữ không phải chỉ biết tiếng mà phải biết cái hay cái đẹp của nó.

Hôm nay 14.2, thiên hạ gọi ngày này là ngày Lễ Tình yêu, theo kiểu Tây phương, tự dưng tôi nhớ tới thầy Khuyến. Có lý do. Thực ra, xứ ta suốt bao nhiêu năm, nhất là thời chúng tôi còn trẻ, làm gì biết ngày tình yêu tình iếc này. Chỉ biết hằng năm kỷ niệm ngày đảng ra đời, ngày thành lập đoàn, ngày sinh bác Hồ, ngày quốc khánh, ngày đẻ quân đội, thế cũng đủ mệt, đủ bận bịu cấn cá rồi. Yêu á, vớ vẩn. Yêu trong thực tế còn bị kiểm điểm, có đâu lại bày vẽ lễ lạt tình yêu cho rởm đời. Các cán bộ đoàn Lê Quốc Lập, Lê Xuân Sang… luôn quán triệt sinh viên phải sống cho đàng hoàng, đừng yêu đương nhăng nhít. Về sau bọn trẻ chúng tôi tìm hiểu, hóa ra các bác ấy có vợ cả rồi. Thế mới quái.

Tại sao thời ấy tôi vẫn biết có một cái lễ gọi là ngày Lễ Tình yêu? Nhớ một hôm, thầy Nguyễn Văn Khỏa dạy phần tác phẩm kịch của Shakespeare (hồi đó phiên âm đọc là Sếch Pia), trong vở Hamlet có nàng Ophelia, khi nàng thất tình, hơi chớm điên, nàng mặc chiếc áo hoa vừa đi vừa lẩm bẩm hát (thầy Khỏa diễn ngay đoạn này, đi đi lại lại trên lớp): “Ngày mai là hội thánh Va lăng tanh/Em mặc áo hoa đến cửa sổ phòng anh”. Thầy giải thích, hội thánh Va lăng tanh tức là ngày Lễ Tình yêu của người phương Tây, ngày Valentine 14.2. Giờ thì thầy Khỏa không còn nữa, thầy đi năm 1988, gần 30 năm rồi, nhưng chúng tôi vẫn nhớ thầy, người gần như suốt cuộc đời chỉ sống độc thân, nhờ thầy mà ngay từ cái thời ngăn sông cấm chợ về tình yêu ấy, chúng tôi đã biết thế nào là ngày Valentine – Lễ Tình yêu.

Trở lại chuyện thầy Khuyến. Có lần thầy đọc cho cả lớp nghe bài thơ ngắn tiếng Nga. Tôi không tìm được phông chữ tiếng Nga để gõ ra đây, nhưng rất nhớ, từng chữ một, bèn dịch nghĩa như thế này: Mặt trời để cho ban ngày/Mặt trăng dành cho ban đêm/Hoa hồng cho những cuộc gặp gỡ/Còn em thì dành cho anh.

Thầy Khuyến bảo từng đứa dịch. Tôi dốt tiếng Nga, lẻn tụt xuống hàng cuối lớp, cúi gằm mặt xuống cho thầy đừng thấy. Thằng Hoàng, thằng Bích, cái Nga, cái Huệ, cái Đạm… những đứa siêu tiếng Nga dịch hay lắm, tôi “ghét” chúng nó nên chả chép ra đây. Vài chục năm sau, tôi lẩn mẩn dịch thế này:

Thái dương dành để ban ngày
Chị hằng soi sáng đêm dài thế gian
Gặp nhau luôn có hoa hồng
Còn em, em chỉ nói rằng của anh.

Nguyễn Thông

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

Ôi giời sáng kiến

Ở Sài Gòn, người ta đã và đang lắp nhiều thanh sắt chắn ngang (barrie) lề đường để ngăn chặn xe máy leo lên lề, giữ lề đường cho người đi bộ. Đây cũng là cách làm nghiêm luật giao thông.

Nhưng tôi cứ lo lo. Dù trên thanh sắt có dán giấy phản quang, giúp người đi bộ trong đêm tối nhìn thấy, nhưng ban ngày hay ban đêm, vẫn có thể xảy ra trường hợp người đi bộ lơ đễnh hoặc đang nghe điện thoại, trẻ em chạy đuổi nhau, những người mải nói chuyện... không để ý mà vấp phải, bị nó ngáng cho một phát, thì có mà như trời giáng, vỡ mặt như chơi. 

Chúng ta thấy thiếu gì trường hợp người đi bộ vấp phải rễ cây bị ngã, thụt xuống hố cống không nắp bị chìm, có phải lúc nào cũng vừa đi vừa chăm chú xem có rễ cây, hố cống hay không. Nay thêm hàng loạt "rễ sắt" như vậy, lo là phải. Nếu ai đó mừng về mấy thanh chắn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội này, tôi nghĩ đó là Bệnh viện Răng hàm mặt.

(Ảnh của báo Thanh Niên)

Nguyễn Thông

Hòm công đức

Không ai bắt bạn cũng như tôi phải đi chùa - đền, dù là đi thăm viếng hoặc cúng bái. Tất cả là tự nguyện, từ cái tâm của mình.

Nhưng nhà chùa, nhà đền bây giờ khác xưa nhiều. Hồi tôi còn bé, theo bu tôi ra chùa Trà Phương (làng tôi) hoặc đền Mõ (xã Ngũ Phúc, thờ bà công chúa Quỳnh Trân nhà Trần), cứ theo trí nhớ thì hầu như không thấy cái hòm công đức nào. Khách thập phương hoặc thiện nam tín nữ có tự nguyện đóng góp thì cứ để lên bàn thờ Phật, thờ Thánh, chỉ một chỗ thôi; không góp cũng chả sao, không bị ám ảnh bởi chuyện đóng góp.

Bây giờ, chùa đền nào cũng vậy, cả chùa Trà, cả đền Mõ, tất tần tật, cứ mỗi bàn thờ một vị thì bên dưới có một cái hòm công đức. Thắp nén hương (nhang) xong mà không bỏ vào đó năm bảy ngàn, mươi ngàn cũng thấy ngài ngại, lo lo, sờ sợ. Càng nơi linh thiêng càng sợ. Thần thánh phật lỡ ghi sổ mình "bủn xỉn" liệu có làm khó mình. Ai cũng tâm trạng ấy nên chả lạ gì lễ hội chùa Hương mỗi kỳ thu mấy chục tỉ đồng. Nhiều đến mức phải đấu thầu quản lý hòm công đức. Không ít cuộc tranh cãi phân chia tiền công đức, thậm chí đưa nhau ra tòa. Nhà chùa chả cần biết tiền đó tự nguyện hay miễn cưỡng, cứ đầy hòm là OK.

Hòm công đức đã thành nỗi ám ảnh của những người đi chùa, viếng đền. Phải công nhận tay nào gọi cho nó cái tên "công đức" quả là tài tình. Móc túi rất giỏi, mà không kêu vào đâu được.

Nơi thờ phụng thần phật đã bị biến thành chỗ buôn thần bán thánh, kiếm tiền trắng trợn.

Hồi cuối năm 2016, tôi có dịp về thăm lại chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây) sau 43 năm. Một danh thắng quốc gia cũng nhan nhản hòm công đức. Rất buồn.

(Nói thêm điều này: Noel 2016 vừa rồi, tôi tò mò vào nhà thờ Cầu Kho (Q.1, Sài Gòn) xem đức cha và giáo dân hành lễ, tôi để ý bên nhà thờ Thiên chúa - Công giáo không thấy cái hòm công đức nào. Hay họ khéo léo giấu ở đâu, nhưng tôi nghĩ là không có).

Nguyễn Thông

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

Thề và không thề

Thú thực, lúc đầu tôi cũng hăm hở với Hội thề "Minh thệ" (hội thề chống tham nhũng) ở làng Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng), một phần thấy nó hay hay, phần nữa bởi xã này bên cạnh sát sạt xã quê tôi. Cái tâm trạng ấy cũng giống như của nhiều người, cứ thấy chống tham nhũng là hăm hở, dù chưa biết là có chống được không. Giờ thì tôi nguội rồi, chả theo dõi nữa, dù hôm nay 14 tháng giêng là ngày diễn ra hội thề theo phong tục hằng năm.

Quanh đi quẩn lại thì chỉ có mấy ông "quan chức" cấp cao nhất là trưởng phó... thôn, và mấy cụ già trong thôn mặc quần áo xúng xính đứng ra thề. Chết nỗi, các vị này chả có chức quyền gì để mà tư túi, tham nhũng, nên thề hay không thề cũng thế thôi. 

Giống như trò vui, diễn xem cho đỡ buồn. Xong, ai về nhà nấy. Tham nhũng vẫn tham nhũng, chống vẫn chống, vui vẫn vui. Sang năm lại thề, vẫn các cụ, các trưởng phó thôn, những người không thể tham nhũng.

Chỉ tội con gà trống bị cắt tiết chết oan (mà uống máu ăn thề, dã man, kinh bỏ mẹ).

Hầu như ai cũng biết, cái hội thề này gần đây nổi tiếng bởi thề chống tham nhũng nhưng hầu như không có quan xã, quan huyện, quan thành phố nào về thề (ngu gì thề), trung ương thì có bói sùi bọt mép cũng chả ra vị nào.

Báo chí năm nào cũng đưa tin về hội thề, nhưng cũng chỉ vờn vờn linh tinh, không dám nói những điều tôi vừa nói.

Công cuộc chống tham nhũng xứ ta vui thật.

Ngoài ra cũng cần nói thêm điều này. Hôm diễn ra hội thề, rất nhiều phóng viên báo đến tường thuật. Điều tôi muốn nói thêm không phải về cái hội thề mà là tên bà Thái hậu, người "khai sáng" đẻ ra hội thề ấy. Báo nào cũng viết tên bà là Vũ Thị Ngọc Toản, vợ vua Mạc Đăng Dung, trong khi tên thật của bà, cả trong đời lẫn theo sử sách, là Vũ Thị Ngọc Toàn. Sở dĩ tôi biết rõ điều này bởi bà Thái hậu là người làng tôi, có câu "Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa". Làng Cổ Trai là quê vua Mạc Đăng Dung, làng Trà Phương quê tôi là quê bà Ngọc Toàn.

Mấy nhà báo (trong đó có báo Tuổi Trẻ, VNN...) không chịu tìm hiểu kỹ, cứ sợt Gu gồ tìm bài hội thề Hòa Liễu, thấy thế nào là tương lên luôn thế ấy, không biết rằng cái ông nhà báo viết bài đầu tiên đó đã sai toét tên của bà Thái hậu.

Chán báo với chả chí.

Nguyễn Thông

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Chia buồn của K17 Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội

- Anh Nguyễn Cảnh Nam, chồng của bạn Nguyễn Thị Thu Hà (Tổng hợp Văn K17, lớp văn) vừa thông báo: Cụ Nguyễn Cảnh Toàn, chú ruột anh Nam, từ trần lúc 20 giờ 02 ngày 8.2.2017 (ngày 12 tháng giêng Đinh Dậu), hưởng thọ 92 tuổi.

Cụ Nguyễn Cảnh Toàn sinh năm 1926, quê Đô Lương, Nghệ An, là Giáo sư, tiến sĩ toán học, từng là Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục…


Bạn Trần Thị Sánh ở Hà Nội cũng vừa thông báo cho biết:

- Bố bạn Nguyễn Văn Thắng (K17, Tổng hợp Sử), tức bố chồng bạn Lê Thanh Nga (Tổng hợp Văn, K17, lớp văn, quê Bần Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên) đã từ trần ngày 8.2.2017 (12 tháng giêng Đinh Dậu) tại quê nhà: xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

- Mẹ bạn Ngô Văn Đồng (Tổng hợp Văn, K17, lớp ngữ, quê Lộc Hà, Đông Anh, Hà Nội) từ trần ngày 8.2.2017 (12 tháng giêng Đinh Dậu) tại Hà Nội. Lễ viếng và truy điệu cụ bà vào hồi 16 giờ ngày 10.2.2017 (14 tháng giêng Đinh Dậu) tại nhà tang lễ Phùng Hưng, Hà Nội.

Các thành viên K17 (1972-1976), Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội xin chân thành chia buồn cùng các anh chị Nguyễn Cảnh Nam – Nguyễn Thị Thu Hà; Nguyễn Văn Thắng – Lê Thanh Nga; Ngô Văn Đồng; và gia quyến các anh chị. Cầu cho các cụ tiêu diêu miền cực lạc.

K.17

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Tư duy lãnh đạo

Xã Bình Hưng có 4 ấp. Bí thư đảng ủy, người đứng đầu về đảng của xã (chứ không phải trưởng ấp nhé) đi làm việc với từng ấp. Ông đảng nhấn mạnh:

-Tại ấp 1, ông nói: Ấp 1 có vị trí chiến lược rất quan trọng, có truyền thống yêu nước và cách mạng, là đầu tàu về các mặt (ý này, ông mượn của trưởng ấp), cần phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển.

-Tại ấp 2: Ấp 2 là đầu tàu về các mặt của xã ta, có vị trí chiến lược rất quan trọng, truyền thống cách mạng lâu đời, tiềm năng, thế mạnh dồi dào, cần phát huy, khai thác.

- Tại ấp 3: Ấp 3 là nơi giàu truyền thống yêu nước, là vị trí địa chiến lược, tiềm năng thế mạnh chưa được khai thác hết, cần phải là đầu tàu của cả xã.

- Tại ấp 4: Chưa có nơi nào quan trọng như ấp ta, một vị trí chiến lược quan trọng, tiềm năng thế mạnh cực kỳ lớn để trở thành đầu tàu của xã. Đó là chưa kể nhân dân ấp luôn nêu cao truyền thống yêu nước và cách mạng.

Dân các ấp bảo nhau, chúng ta có vinh dự được sự lãnh đạo của robot, may mà xã ta chỉ có 4 ấp, chứ 63 ấp thì nghe chắc điên. Một phó thường dân còn bảo, chả thấy vị nào nhắc đến sự nghèo đói bền vững của cả 4 ấp nhỉ.

Nguyễn Thông

Quá khiếp hung thần

Đọc cái tin trên báo điện tử Một Thế Giới về vụ xe ben (xe tải tự đổ) cán chết người đang dừng khi đèn đỏ tại giao lộ, thấy rùng mình.

Kẻ vi phạm luật lệ giao thông mà bị tai nạn, chả mấy ai thương, nhưng người nghiêm túc chấp hành luật lệ giao thông, vẫn chết. Điều đó đáng lo vô cùng. Cái xấu cái ác ngang nhiên đàn áp sự tử tế, nghiêm túc, đàng hoàng.

Đi lại trên đường, tôi nhận thấy những tài xế xe ben quả không ngoa với "danh hiệu" mà người đời phong cho nó: Hung thần xe ben.

Khu vực tôi ở có nhiều dự án đang được xây dựng nên "đụng" xe ben hằng ngày. Tôi không dám nói xấu giới tài xế bởi phần đông dân lái xe là người nghiêm túc, tôn trọng luật pháp, có ý thức cộng đồng, nhưng với riêng đám tài xe ben thì tôi chả có cảm tình. Điều tôi nhận thấy phần lớn tài xế xe ben là thanh niên, thậm chí có những cậu trông rất trẻ con, ngồi trong cabin thường cởi trần, miệng phì phèo thuốc lá, cậu phụ lái còn gác cả cái chân lông lá lên hẳn phía trước, cả hai thỉnh thoảng lại nhổ toẹt nước miếng ra ngoài đường bất kể phía dưới có ai. Và ghê nhất là phóng bạt mạng, dù lên cầu, xuống dốc, lúc đường đông, nơi giao lộ, chỗ cổng chợ cổng trường. Coi trời bằng vung. Coi mạng người như cỏ rác. Đó là chưa nói "ben tặc" thường không chịu che chắn kỹ lưỡng thùng xe, đi đến đâu là rải đầy đất cát bùn dơ tới đó. Dường như giới lái xe ben cho mình cái quyền được xé quy định pháp luật, xé khế ước xã hội như vậy. Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta.

Đã quá nhiều vụ tai nạn giao thông tang thương do tài xế xe ben (và kế đến là tài xế xe container) gây ra. Đã đến lúc ngành giao thông và các cơ quan pháp luật cần để mắt đến đám anh hùng Vũ Đại này, chứ cứ để kéo dài mãi tình trạng trên, có ngày không chỉ người dân dừng chờ đèn đỏ mà cả các vị cũng bị dính với nó. Nó chẳng phân biệt quan hay dân, nó chả tha ai đâu.

(Viết mấy dòng này, tôi thành thực xin lỗi những tài xế xe ben đàng hoàng không nằm trong nhóm trên).

Nguyễn Thông

(bài tham khảo: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/tphcm-cha-nghiem-tuc-cho-den-do-con-trai-3-tuoi-bi-xe-ben-tong-tu-vong-55967.html)

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2017

Tạp chất ngay trong đầu

Có lẽ hết chịu nổi, vừa rồi đích thân Thủ tướng Chính phủ phải lên tiếng về tình trạng “rất vớ vẩn mà cũng cực kỳ nghiêm trọng”: bơm tạp chất vào tôm, chủ yếu là tôm xuất khẩu.

Cụ thể, tại hội nghị Phát triền ngành tôm Việt Nam bàn về sản xuất, chế biến tôm, do Chính phủ triệu tập ngày 6.2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất gay gắt và kiên quyết, yêu cầu các cấp bộ ngành, địa phương, cơ quan chức năng phải có biện pháp chấm dứt ngay hành vi bơm tạp chất vào con tôm. Nhiều tờ báo cũng khá phấn khích, rút tít đại loại Thủ tướng “tuyên chiến” với bơm tạp chất vào tôm…

Quá đúng, phải tuyên chiến, phải “đấu tranh này là trận cuối cùng” một mất một còn bởi hành vi đó rất đáng xấu hổ, làm nhục nền kinh tế của quốc gia, gây biết bao nhiêu tổn thất, vậy mà nó cứ kéo dài, tồn tại suốt bao lâu nay. Nó như thứ bệnh ghẻ lở hắc lào trên cơ thể, không gây chết người nhưng con người chả lúc nào được yên, luôn phải khổ sở, khó chịu vì nó. Nó tồn tại được cũng do một phần dưới góc độ nhìn nhận của số đông trong xã hội, rằng ôi dào, chuyện nhỏ, có đáng kể gì mà phải mất công.

Điều khá buồn ở chỗ, với những tình trạng dạng “vớ vẩn” như vậy rồi cuối cùng cũng phải đích thân Thủ tướng lên tiếng, chỉ đạo, yêu cầu. Cả một bộ máy quản lý nhà nước, cả một hệ thống cơ quan chức năng dày đặc từ trên xuống dưới, không biết bao năm nay làm cái gì, để rồi quả banh lại đá lên chân Thủ tướng. Cứ mọi việc, bất biết lớn nhỏ, bắt Thủ tướng phải ôm hết, bao hết, đứng ra giải quyết hết, vậy kết quả không nói ra, ai cũng hiểu. Thủ tướng không làm hết được, còn bộ máy cứ ì ra đó không chịu vận hành, nền kinh tế-xã hội làm sao đi lên.

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh

Bác Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo ngày 4.2 (mùng 8 Tết) đã đặt ra yêu cầu ngành giáo dục nước nhà phải đào tạo được những "công dân toàn cầu". Không sai, đó là mục tiêu, mục đích cần phải vươn tới của bất kỳ nền giáo dục nào, chứ không phải chỉ riêng xứ này. Chỉ có điều, khi còn luẩn quẩn dưới hố mà đã đòi bao la cao vời thế thì có vẻ không tưởng. Nói như kiểu của các cụ ngày xưa, là lãng mạn cách mạng quá đà.

Chuyện này cũng giống như đám đông (tức là các bác ấy cùng đám dân chúng bị lôi kéo) đang miệt mài xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, tức là cái đích còn xa tít mù, có thể không bao giờ tới. Biết vậy nhưng cứ cố, cứ động viên nhau đi nào, đi nào...

Lại tẩn mẩn nhớ mỗi lần các vị lãnh đạo xứ ta đi thăm nước này nước nọ, hoặc đón khách đến từ nước ấy nước kia, bao giờ cũng hứa hẹn VN sẽ góp phần tích cực vào ổn định khu vực, có trách nhiệm gìn giữ hòa bình thế giới. Lão Maddox hàng xóm nhà tôi cười nhạt, bảo ốc chưa mang nổi mình ốc, lại cứ đòi mang cọc cho rêu.

Trở lại chuyện bác Quang, chuyện công dân toàn cầu. Hãy đặt đích cụ thể hơn, xây dựng được những con người biết yêu thương nhau, trước hết hãy gắn bó yêu thương chính gia đình mình, làng quê, đất nước mình đã. Đừng vội ngóng vọng ra xa. Chẳng hạn xây dựng được cô giáo đừng cầm dép đập vào đầu trẻ mầm non 3-4 tuổi, thiếu nữ đừng gạt chân bà cụ già đi trảy hội chùa Hương ngã bổ chửng để trả thù khi bị chen, thanh niên com lê ca vát đừng xúm lại đánh một thương binh cụt chân, đám đông đừng hò reo vui sướng khi nhìn lễ hội treo cổ con trâu... Cứ thế đã. Rồi hãy toàn cầu.

Nguyễn Thông

Tài liệu tham khảo: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/chu-tich-nuoc-nganh-giao-duc-tap-trung-dao-tao-cong-dan-toan-cau-354874.html

Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Chỉ lo gieo gì sẽ gặt nấy

Con trâu con lợn nuôi để giết thịt, làm thực phẩm, thậm chí cả con chó con mèo nữa (có người vẫn ăn dù chúng gần gũi thân thiết, chỉ không ăn chính chó mèo mình nuôi thôi). Nhưng muốn giết thì lôi vào lò mổ mà giết. Treo cổ nó giữa bàn dân thiên hạ, chém phập đứt đôi ngang thân nó tóe máu ra trước mắt trẻ con, từ đó đến việc treo cổ người mà vẫn bình thản cũng ngắn thôi. 

Từ ác với con vật đến ác với con người ranh giới rất mong manh. Tôi không cổ súy cho hành vi tàn ác công khai ấy.

Tôi lẩn thẩn nghĩ rằng có mối liên hệ giữa việc say sưa thích thú ngắm con trâu bị treo cổ giãy dụa, con lợn bị chém đứt thân giữa sân với hàng loạt vụ hành hung, giết người mấy ngày tết, thậm chí cả chuyện cô giáo bình thản cầm dép quật vào đầu cháu bé mầm non 2-4 tuổi do đái dầm.

Chỉ có ngành giáo dục là không trăn trở chuyện này, còn mải lo thi cử và những điều tào lao.

Nguyễn Thông

Chuyện vặt thời đã qua (phần 2)

Bây giờ, ở cả thành thị lẫn nông thôn người ta đã quen với sinh hoạt ăn uống 3 bữa. Sáng bữa phụ, trưa và chiều tối bữa chính. Nhưng hồi tôi còn bé, cho đến hết những năm 60, ở nhà quê (miền Bắc, vùng Hải Phòng quê tôi) chỉ ăn 2 bữa thôi. Bữa sáng vào lúc 5 rưỡi hoặc 6 giờ, bữa chiều tầm 12 giờ rưỡi hoặc 1 giờ chiều.

Buổi sáng ngủ dậy, đánh răng rửa mặt xong, cả nhà xúm vào mâm cơm. Thường thì mùa hè cũng như mùa đông, thày bu tôi hoặc chị tôi dậy từ sớm tờ mờ nấu nướng. Sau này tôi hỏi thày, sao mình không bắt chước dân thành phố ăn vào tầm trưa cho nó văn minh, đỡ vất vả, thày tôi cười, họ có thứ để ăn sáng nên họ mới ăn vào buổi trưa, còn nông dân sáng mà bụng đói thì chả hơi sức đâu cày bừa, gồng gánh. Phải chắc dạ mới làm được việc nặng. Nghe cũng có lý.

Người lớn sau buổi làm đồng sáng, trẻ con sau buổi học sáng thì lại được ăn bữa cơm chiều. Rồi lại ra đồng, lại đi học. Tới tối, nếu nhà nào có củ khoai củ sắn luộc, hay còn chút cơm nguội (mà cơm nguội thì rất hiếm) chia nhau lót dạ, chờ đến bữa sáng mai. Nhiều lúc ngẫm nghĩ, vị nào dùng chữ “lót dạ” đầu tiên quả là giỏi. Ăn mà có cảm giác chưa hề ăn, lót vào trong dạ một lớp dinh dưỡng mỏng mòng mong, suốt đêm cứ có cảm giác chống chếnh thế nào ấy. Lại khổ nỗi, khoai lang là chúa gây cồn cào nhãi ruột, nhưng không nuốt nó chắc sẽ cồn cào hơn. Những nhà vườn rộng trồng gài thêm củ dong riềng, mình tinh, sắn dây, lâu lâu bới một rổ luộc ăn cũng đỡ phết. Thích nhất có hôm chị tôi hoặc bu tôi chịu khó làm món khoai khô bung nấu nhừ với đỗ đen, thêm tí đường vàng vào, cả nhà cứ vui như tết.

Buổi tối không phải lo chuyện ăn uống, không mất thời gian vào bữa ăn nên tuy đói, bù lại có nhiều thời gian làm việc khác. Mà quả thật sao hồi ấy lắm việc vặt vãnh thế. Chuyện lau bóng đèn dầu hỏa tôi đã kể rồi, nay kể tiếp những điều vớ vẩn khác.

Cầu giời khấn phật

Thấy người ta nô nức kéo nhau đi đền chùa miếu am cầu xin, lễ bái ghê quá, tôi kể chuyện này.

Hồi cuối tháng chạp Bính Thân 2016 vừa rồi, tôi về thăm quê Phòng. Trong cuộc gặp gỡ vui vẻ cuối năm anh em, chú cháu đông đủ, các cháu tôi nhắc lại chuyện cũ: Hồi anh Trác, con bác ruột tôi, còn sống, hôm ra khu lăng mộ gia tộc cúng tổ tiên ông bà, anh Trác tôi khấn: Đề nghị tổ tiên ông bà đừng ban gì cho các con cháu, nhất là bọn trẻ, cứ để chúng nó phấn đấu, tự làm ăn, kẻo chúng nó ỷ y dựa dẫm.

Bọn trẻ lúc ấy nghe khấn vậy, đứa nào cũng ngạc nhiên, nhưng lập tức "thủng" ra ngay. Tính cách của anh tôi đã được chứng minh rất cụ thể: Anh có 9 người con, tất cả đều tự lập và thành đạt, đứa nào cũng cứng cỏi, gia đình cực kỳ hòa thuận nhưng ai cũng có chí vươn lên, không ai dựa dẫm ai.

Ai không tin, cứ về làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng, hỏi nhà ông Trác, rõ ngay.

Ký tên xác nhận: Thông

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Tết nhất, đánh nhau hơi bị nhiều

Dịp tết, những ngày tết, nói theo cách dân dã là “tết nhất”. Cứ hiểu nôm na, ngày tết thì cái gì cũng nhất: vui nhất, ăn ngon nhất, đi chơi nhiều nhất, tình cảm đậm đà nhất, gia đình sum họp đông nhất, bạn bè hòa hợp nhất, v.v.. nhất. Thế nên, người ta mới bảo “vui như Tết”, “sướng như Tết”.

Nhưng đó là Tết xưa, Tết truyền thống mang hồn dân tộc. Tết nay khác nhiều rồi. Giá mà cái khác ấy theo chiều phát triển, đi lên, giàu có hơn, đẹp và ý nghĩa hơn thì quá tốt. Ai dè, quá nhiều điều xảy ra khiến nhân gian buồn lòng. Buồn nhất là dịp tết, đánh nhau nhiều hơn ngày thường. Mấy ngày tết, đánh nhau tóe máu đầu trên toàn quốc, người chết và bị thương như ngả rạ, bệnh viện cấp cứu bở hơi tai. 

Chả cần kiểm chứng đâu xa, cứ đọc trên các báo, theo dõi những bản tin truyền hình, rõ ngay. Xen giữa những thông tin về không khí nhộn nhịp, náo nức “mừng đảng, mừng xuân”, người người nhà nhà vui vẻ chuẩn bị cho cái Tết Đinh Dậu, những chuyến hăm hở đi xa, những khoản tiền thưởng đem niềm vui cho gia đình người lao động… là những hung tin. Có lẽ tin dữ về những cuộc choảng nhau chỉ chịu lép vế, lùi về hàng thứ 2 sau tin về tai nạn giao thông. Rồi đến lúc nào đó, các nhà xã hội học cần phải nghiên cứu và công bố thật mạch lạc, sâu xa về tình trạng đổ máu “nhân dịp tết” để góp xây một bức tường ngăn chặn thứ tệ nạn rất đáng sợ này.

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Hãy trả cờ bạc về cho cờ bạc

Phải nói rằng dân xứ này ngoài chuyện thích đánh nhau (cả tầm vi mô lẫn vĩ mô) thì rất ham mê cờ bạc. Mấy ngày tết, đánh nhau tóe máu đầu trên toàn quốc, người chết và bị thương như ngả rạ, bệnh viện cấp cứu bở hơi tai. Và đi đâu cũng thấy bài bạc, trong nhà ngoài phố sóc đĩa tổ tôm, bầu cua cá cọp, phỏm phiếc tiến lên, số đề... đủ cả. Cờ bạc có vẻ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

Đã nói đến cờ bạc, phải nhắc tới xổ số. Đây là dạng cờ bạc được nhà nước bảo kê, được mang cái tên mỹ miều "xổ số kiến thiết". Suốt mấy chục năm qua, một mặt các nhà chức việc tung quân đi bắt đá gà, số đề, đánh phỏm…; mặt khác liên tục tổ chức, xây dựng, hoàn thiện đội ngũ, bộ máy, cơ sở vật chất cờ bạc "xổ số kiến thiết" đến tận từng tỉnh thành để đáp ứng nhu cầu cờ bạc của dân. Dân cứ lao vào cuộc đỏ đen mà lại nghĩ rằng mình đang góp phần kiến thiết xây dựng đất nước. Với mục đích “chính nghĩa” như thế, cờ bạc của nhà nước đã đem về cho những người tổ chức, duy trì nó những khoản tiền khổng lồ, còn tiền ấy có “kiến thiết, xây dựng đất nước” không thì con bạc-dân không bao giờ được biết.

Tuy nhiên, qua báo chí, người ta cũng tỏ tường rằng “nhóm lợi ích” điều hành công ty xổ số ở các tỉnh thành ngồi mát ăn bát vàng, sống rất vương giả, dùng tiền bán vé số đi chơi, tham quan du lịch mút mùa. Có những công ty xổ số, trụ sở ban đầu chỉ là ngôi nhà ọp ẹp, sau nhiều năm cờ bạc móc túi dân đã cực kỳ bề thế hoành tráng. Ai có dịp ngang qua đường Trần Nhân Tôn, P.9, Q.5, TP.HCM sẽ thấy tòa cao ốc khủng mấy chục tầng, hàng nghìn mét vuông của Công ty Xổ số kiến thiết, nó tỏa bóng xuống Trường cao đẳng Phát thanh truyền hình khiến trường này tội nghiệp nhỏ như con kiến. Tất nhiên công ty cờ bạc không thể nào xài hết diện tích được, nó phải cho thuê làm văn phòng này nọ. Với vị trí quá đẹp, cực kỳ đắc địa, có lẽ số tiền thu về không nhỏ. Tiền sinh ra tiền, được bắt đầu từ tờ bạc 10 ngàn đồng cũ kỹ, cáu bẩn móc ra từ túi dân nghèo. Mà chả phải chỉ riêng Sài Gòn, có lẽ tỉnh thành nào cũng vậy.

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Năm gà, biết ơn con gà trống

Do tính chất công việc, tôi thường phải dậy vào lúc 5 giờ sáng. Mặc dù nhà có nhiều đồng hồ chuông, lại có cả điện thoại cài giờ nhưng chả hiểu sao vẫn thích dậy theo tiếng gà. Điều may mắn là tôi ở vùng ven đô, nhà hàng xóm suốt bao năm nay lúc nào cũng nuôi gà, dăm con mái và vài con trống. Cứ cầm canh là chúng gáy vang trời.

May mà chỉ có bọn gà trống gáy, chứ mái cũng nỏ mồm gáy quang quác nữa, chắc mất ngủ kinh niên. Nhìn chung, "đàn ông" dù là gà, rất dại và vất vả.

Điều kỳ diệu là chúng gáy rất chuẩn, đúng giờ phăm phắp. Canh 1, canh 2 chúng ít gáy, còn giờ tý canh 3 (tầm 11-1 giờ), sửu canh 4 (1-3), dần canh 5 (3-5) gáy trúng phóc luôn, vào lúc 1 giờ, 3 giờ, 5 giờ. Tạo hóa thật kỳ diệu. Tôi nhiều lúc nghĩ hay là cổ nó có cái đồng hồ Thụy Sĩ loại xịn. Bác nào cao kiến thử lý giải điều này xem sao.

Thiên nhiên luôn sẵn những con gà trống-đồng hồ như vậy. Tôi biết ơn nó. Còn xã hội thường thưa vắng gà trống, thiếu những con gà mà "một tiếng toàn dân bừng tỉnh mộng". Thương thay.

Nguyễn Thông

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Chuyện vặt thời đã qua

Ngày thường, bận bịu với việc này việc nọ, ít khi ngẫm nghĩ, nhớ lại những gì đã đi qua cuộc đời mình. Người ta thường sống bằng hiện tại và tương lai chứ chả mấy ai nặng về quá khứ. Nhưng ngày tết, sau những hối hả tất bật là lúc quỹ thời gian dôi dư khá nhiều, lòng bỗng chùng lại, bất giác hoài cổ, bao nhiêu thứ lần lượt hiện về.

Tôi thuộc vào đám trẻ ra đời giữa thập niên 50 ở miền Bắc, rặt nông thôn. Làng quê đồng bằng Bắc Bộ khi ấy nghèo, bờ tre gốc rạ, nhà đất mái gianh. Cha mẹ làm ruộng nên con cái cũng bám lấy đồng đất mà sống. Nông phu ngay từ hồi còn bé tí. Thạo đủ mọi việc cày bừa cấy hái, đập nương, nhổ mạ, tát nước, bắt sâu, chăn trâu, gánh gồng, đan rổ đan rá, câu cá, đánh dậm, biết bơi biết trèo... Chả cần học khóa kỹ năng sống nào, tất cả do cuộc mưu sinh buộc mình phải có, phải thích nghi để tồn tại. Khi có chiến tranh, lại bắt chước nhau, truyền cho nhau cách bện nùn rơm, đan mũ rơm, tập băng bó vết thương, biết lắng nghe tiếng máy bay xa gần để chọn thời điểm nhảy xuống hầm, thậm chí còn phân biệt được trên trời đâu là máy bay thần sấm, con ma, thập tự quân... Tinh những điều những việc lớn hơn so với tuổi, nhiều lúc cảm thấy sao mà nặng nề vất vả, oán thày bu không sinh mình làm đứa trẻ con thành phố, nhưng càng về sau càng thấm thía, không có trường nào dạy ta tốt bằng trường đời.

Những điều ấy, việc ấy, ở nông thôn có nơi đến nay vẫn còn dù xã hội đã trải qua hơn nửa thế kỷ. Công việc chăn trâu, làm ruộng, gánh gồng… cũng thỉnh thoảng được ai đó viết lại, nhắc lại, nên tôi chả biên ra đây nữa. Trong ký ức tôi còn đượm những thứ, những điều chả ra đâu vào đâu, vụn vặt, linh tinh, thậm chí nhố nhăng, vớ vẩn, vậy mà tua lại vẫn thấy bâng khuâng. Dường như chúng chỉ vừa thoáng qua, mình vừa mới làm xong phút chốc. Đó là thứ sinh hoạt hằng ngày, là việc mà không phải việc, chỉ xảy ra vào thời ấy. Tôi kể ra đây: lau bóng đèn, rút rơm, soi muỗi, rửa chân, đốt cơm, đánh trận giả, rửa rau lợn…

Nói có sách, mách có chứng


Đây là chiếc xe giá rẻ Nissan Datsun vừa được nhà sản xuất Nhật Bản tung vào thị trường Ấn Độ. Giá đến tay người mua là 116 triệu đồng (quy ra tiền Việt). Vị thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng nói đại loại rằng chính sách gì thì chính sách, phải làm sao hàng hóa chất lượng tốt đến tay người dân với giá rẻ nhất. Ở Ấn Độ, quyền lợi của nhà nước và nhân dân đều được đảm bảo như nhau, thậm chí nhà nước còn chịu thiệt để dân được lợi. 

Ấn Độ không leo lẻo hô của dân vì dân do dân, Ấn Độ không tiến lên chủ nghĩa xã hội, Ấn Độ chỉ làm sao cho dân giàu nước mạnh một cách thực tế. Điều không phủ nhận là hiện ở Ấn còn nhiều người nghèo, có lẽ do dân số đông quá, chưa thể lo hết được. Chính vì vậy, dù ở vào hoàn cảnh một quốc gia đông dân, chính trị khá phức tạp, có nhiều "thế lực thù địch" thực sự, nhưng chính phủ Ấn Độ do dân bầu ra thường rất được lòng dân. Họ không thích móc tiền từ túi dân mà ngược lại, chỉ muốn dân phải bỏ ra ít tiền nhất lo cho cuộc sống của mình.

Điều dễ thấy nhất là các quan chức Ấn Độ, cũng như quan chức các nước khác, đều đi làm bằng xe hơi. Nhưng họ không lấy lý do đường sá chật hẹp, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu để hạn chế sự đi lại của dân chúng. Họ hiểu rằng mình đi lại bằng xe hơi được thì dân cũng có quyền đi. Đường sá làm ra bằng tiền thuế của dân thì không thể chỉ dành ưu tiên cho quan chức. 

Nếu quan chức xứ này thực sự thấy hạ tầng giao thông còn yếu kém, không thể tăng mật độ xe thì trước hết hãy bỏ ô tô của mình để cùng chịu với dân, đừng lấy lý do này nọ để bao biện, khư khư quyền lợi cá nhân mình. Biểu diễn đi xe buýt vài chục phút đồng hồ nhưng rồi suốt cả năm lại ngự trên xe riêng chiếm đường mặc cho đám đông chen chúc thì có khác nào anh diễn viên hài, nói một đằng làm một nẻo, sao làm gương cho dân chúng được.

Nhân tiện đây, tôi cũng muốn hỏi những nhà cai trị xứ này: tiền thuế đánh vào ô tô nhập khẩu, tiền định giá xe cao chót vót gấp 2-3 lần so với giá trị thực tế mà các vị đặt ra, vậy phần chênh lệch ấy nó chạy vào đâu, hay cũng chỉ nói chung chung là nhập vào ngân sách nhà nước?

Nguyễn Thông